Chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn": Bài 1 - Bắt bệnh và kê đơn

"Toàn bộ bối cảnh này tác động tới mọi lĩnh vực xã hội, dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trong đó nổi cộm nhất là sự xuống cấp về đạo đức. Nhưng rõ ràng đối tượng nghệ sĩ luôn nhận được sự quan tâm hơn cả, bởi họ là người có sức ảnh hưởng lớn về nhận thức, lối sống và hành vi đối với công chúng. Chính vì thế chúng ta đòi hỏi những phẩm chất ở người nghệ sĩ phải cao hơn so với những người bình thường khác".

Sau những ồn ào về việc nghệ sĩ sa vào tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy hay có biểu hiện xuống cấp về đạo đức khi bỏ rơi con cái, làm "tiểu tam" phá vỡ hạnh phúc gia đình… Không ít người hâm mộ thất vọng nhận ra đằng sau ánh hào quang của người nổi tiếng lại đang phơi bày sự lệch lạc về tư duy và hành động.

Thực tế, người nổi tiếng luôn có sức hút, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ với đám đông, thậm chí một số người còn được coi như thần tượng. Vì thế, sự xuống dốc về đạo đức, lối sống của một số người trong họ dù biểu hiện ở nhiều hình thức, mức độ khác nhau vẫn có nguy cơ không chỉ tạo nên sự hỗn loạn của những giá trị thật - ảo, gây ảnh hưởng đến uy tín của những người làm nghề chân chính mà nguy hiểm hơn còn tạo ra những tác động tiêu cực đến tâm lý, nhận thức của công chúng.

Giải pháp nào để chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn", trả lại môi trường trong sạch, lành mạnh cho văn hóa nghệ thuật? Đó là câu hỏi đang được đông đảo dư luận quan tâm. Nhất là khi hình thức xử phạt đối với những vi phạm đạo đức ở nước ta vẫn còn quá nhẹ.

Phóng viên Arttimes.vn đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về vấn đề này.

Chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn": Bài 1 - Bắt bệnh và kê đơn - 1

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ảnh: NVCC)

 “Lệch chuẩn” - biểu hiện thiếu trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ

PV: Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, theo ông nguyên do vì đâu ngày càng có nhiều nghệ sĩ xa rời sự chuẩn mực đạo đức?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nếu không hiểu được lí do xã hội của hiện tượng này mà chỉ đi tìm những nguyên nhân mang tính cá nhân, riêng lẻ thì chắc chắn sẽ không hiểu được tận gốc vấn đề để đưa ra một giải pháp phù hợp.

Sống trong xã hội hiện nay, con người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của bối cảnh hội nhập và nền kinh tế thị trường. Trước hết là việc con người theo đuổi thái quá lợi ích vật chất mà quên đi giá trị tinh thần, rộng hơn là giá trị văn hóa. Sống trong bối cảnh này cũng dễ khiến con người đặt cái tôi và lợi ích cá nhân lên cao mà trở nên coi nhẹ giá trị cộng đồng.

Bên cạnh đó, quá trình hội nhập còn cho phép con người được tiếp cận với rất nhiều nền văn hóa xa lạ. Với những người không có bản lĩnh văn hóa, họ dễ bị sự lấp lánh và hào nhoáng của của những nền văn hóa xa lạ làm mờ mắt và theo đuổi chúng một cách mù quáng.

Mặt khác, sự phát triển của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội cho phép con người được thúc đẩy cái tôi cá nhân nhiều hơn. Và việc không kiểm soát được cái tôi trên mạng xã hội khiến cho rất nhiều hệ lụy khác nhau xảy ra, phổ biến là căn bệnh “tay nhanh hơn não”.

Toàn bộ bối cảnh này tác động tới mọi lĩnh vực xã hội, dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực, trong đó nổi cộm nhất là sự xuống cấp về đạo đức. Nhưng rõ ràng, đối tượng nghệ sĩ luôn nhận được sự quan tâm hơn cả, bởi họ là người có sức ảnh hưởng lớn về nhận thức, lối sống và hành vi đối với công chúng. Chính vì thế chúng ta đòi hỏi những phẩm chất ở người nghệ sĩ phải cao hơn so với những người bình thường khác.

Một mặt thì người nghệ sĩ có chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng mặt khác họ cũng chịu những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ bối cảnh chung của đất nước. Thế nên khi nghệ sĩ không xác định được vai trò làm gương của mình, không xác định được trách nhiệm đạo đức của họ đối với sự phát triển đất nước thì họ dễ rơi vào những lỗi như người bình thường khác.

PV: Trong vụ việc hai nghệ sĩ Việt Nam bị cáo buộc hiếp dâm tại Tây Ban Nha, phía đơn vị quản lí lên tiếng rằng họ không nắm được thông tin về việc nghệ sĩ đi ra nước ngoài, vô tình để lộ sự lơ là trong công tác quản lí nghệ sĩ hiện nay. Ông có cho rằng đây là một phần nguyên nhân khiến ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt Nam coi thường quy tắc, chuẩn mực?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Tôi tin rằng từ những ví dụ cụ thể như thế này, chúng ta sẽ phải bàn thêm về câu chuyện quản lí nghệ sĩ ở các đơn vị nghệ thuật hiện nay.

Đó là một hệ lụy từ khá lâu rồi, khi mà chúng ta cho rằng nghệ sĩ họ là người tự do và cần tự do để sáng tạo nghệ thuật. Đó là lí do vì sao mà những đơn vị quản lí họ có chế độ riêng cho nghệ sĩ, ví như có sự tự do nhất định về giờ giấc làm việc chẳng hạn. Về cơ bản giúp cho nghệ sĩ có được sự thoải mái về tinh thần để cống hiến cho nghệ thuật mà không bị o ép bởi thời gian hành chính.

Tuy nhiên trong bất kì cơ quan, đơn vị nào cũng có nội quy nhất định. Và khi nghệ sĩ đã chấp nhận làm việc trong những đoàn nghệ thuật của nhà nước, chấp nhận làm việc trong những cơ quan hành chính sự nghiệp thì họ phải chấp hành những quy định do các cơ quan quản lí nhà nước đặt ra. Nghệ sĩ tôn trọng quy định cũng là thể hiện sự tôn trọng cơ quan, tôn trọng khán giả và tôn trọng xã hội.

Đối với các đơn vị nghệ thuật hay cơ quan hành chính nhà nước cũng cần phổ biến tinh thần đó với nghệ sĩ. Tức là tạo cho họ khoảng tự do nhất định nhưng trong khuôn khổ của quy định cụ thể. Chẳng hạn, họ được làm việc theo thời gian tự do nhưng những quy định như đi nước ngoài hay công việc nằm ngoài sự phân công thì phải báo cáo. Nếu nghệ sĩ không chấp hành thì không những làm cho việc quản lí của các đơn vị bị rối, mà còn trở thành tấm gương xấu cho công chức, viên chức khác lấy ra so bì, tạo sức ép với phía quản lí đơn vị.

PV: Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vào tháng 12/2021, nhưng từ thời điểm đó đến nay vẫn còn nhiều nghệ sĩ gây tai tiếng vì vi phạm đạo đức. Phải chăng Quy tắc này chưa thật sự có tác dụng, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Về bản chất, Quy tắc ứng xử chỉ là sự định hướng để người nghệ sĩ có nhận thức đúng đắn về những gì họ nên và không nên làm, những gì được phép và không được phép làm. Trên cơ sở nhận thức đúng, họ sẽ có hành vi đúng để không phạm phải những sai lầm.

Việc ban hành Quy tắc ứng xử được kì vọng sẽ đem lại một tín hiệu tích cực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ vi phạm quy định trong Quy tắc ứng xử buộc chúng ta phải nghĩ rằng họ chưa thực sự tiếp nhận và hiểu rõ về Quy tắc này. Cho nên điều quan trọng là phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Quy tắc ứng xử đến với nghệ sĩ.

Mặt khác, có thể nhiều nghệ sĩ đã biết nhưng không thực hiện, có lẽ do bộ quy tắc này còn phức tạp hoặc việc áp dụng chưa hoàn toàn phù hợp. Quy tắc ứng xử, về bản chất, là không mang tính chế tài, nhưng lại có tác dụng định hướng dư luận xã hội nên cần có sự điều chỉnh sao cho quy tắc trở nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ áp dụng và đặc biệt là có thể tạo ra dư luận xã hội đồng thuận từ bộ quy tắc này. Quy tắc ứng xử sẽ trở thành bộ công cụ để hình thành nên đánh giá tốt - xấu của nghệ sĩ. Tất nhiên, chúng ta cần có thời gian nhất định để có thể có được những nhận định chính xác bởi bộ quy tắc này mới ban hành chưa được một năm.

Chấn chỉnh hành vi lệch chuẩn, xây dựng môi trường nghệ thuật hướng thiện

PV: Ông nghĩ sao nếu Việt Nam áp dụng một biện pháp mạnh tay như “phong sát” ở Trung Quốc để chấn chỉnh nghệ sĩ?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn –“Phong sát” cũng là một trong những giải pháp mà tôi nghĩ rằng có thể tham khảo để áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên cách áp dụng chắc chắn phải khác nhau.

Chấn chỉnh nghệ sĩ "lệch chuẩn": Bài 1 - Bắt bệnh và kê đơn - 2

Một số nghệ sĩ điển hình như Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy, Phạm Băng Băng... trong làn sóng "phong sát" ở Trung Quốc 

Tôi rất thích một câu ai đó nói rằng luật pháp là đạo đức tối thiểu, còn đạo đức là pháp luật tối đa. Nên trước hết, người nghệ sĩ sẽ phải bị xử lý theo các quy định cụ thể của pháp luật. Dù vậy, pháp luật ở các quốc gia khác nhau cũng có sự khác biệt. Sự khác biệt này được hình thành từ văn hóa của chính quốc gia đó. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể áp dụng y nguyên một bộ luật của nước này cho nước khác, và đó cũng là lý do tại sao, văn hóa (trong đó có những giá trị đạo đức) có ý nghĩa đối với việc thực thi pháp luật.

Có thể ở một quốc gia khác, trong một nền văn hóa khác, sự đánh giá về đạo đức của nghệ sĩ ít khắt khe hơn, vì dù sao họ cũng là con người của nghệ thuật, cần sự ngẫu hứng sáng tạo, thậm chí đôi khi là khác người để có thể tạo ra các tác phẩm giàu tính sáng tạo. Đồng thời, họ cũng được xem xét với tư cách là người bình thường, vì thế, họ cũng có thể bị những cám dỗ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.

Chúng ta không mong muốn người nghệ sĩ chỉ vì một lỗi lầm nhất định mà cả đời bị “phong sát”, cả đời không còn được đóng góp cho nghệ thuật. Vì đã là người ai cũng có sai sót nhất định. Vậy nên cần tạo một “lằn ranh đỏ” để cho các nghệ sĩ không được vượt qua. Đấy là những điều cần tính toán trong câu chuyện “phong sát” nghệ sĩ.

PV: Như vậy phải chăng nước ta đang có phần “dễ dãi” hơn trong việc xử lý vi phạm của nghệ sĩ, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Nói như vậy không đồng nghĩa với việc chúng ta bao che cho những hành động phạm pháp. Tất cả mọi người dân đều phải thượng tôn pháp luật. Khó có một lý do nào có thể biện hộ cho những hành động vi phạm pháp luật của các nghệ sĩ. Hình ảnh, uy tín và cả sự nghiệp của các nghệ sĩ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những sự cố này. Tuy nhiên, những bài học kinh nghiệm là những gì chúng ta cần học hỏi sau mỗi sai lầm ấy.

Về cơ bản, chúng ta không cấm hoàn toàn nghệ sĩ quay lại biểu diễn, cống hiến cho nghệ thuật và công chúng. Nhiều nghệ sĩ thực sự rất tài năng, nếu chúng ta biết cách sử dụng tài năng đó thì nghệ thuật nói riêng, đất nước nói chung cũng được hưởng lợi. Hơn thế, người Việt Nam chúng ta có câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, vì thế, trong những trường hợp nhất định, nghệ sĩ có thể quay lại với nghệ thuật.

PV: Những trường hợp “ngoại lệ” đó cần phải xem xét đến yếu tố nào, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Thứ nhất là sự cầu thị của người nghệ sĩ, nếu họ có quyết tâm và nỗ lực để thay đổi bản thân theo hướng tích cực. Trong tác phẩm Thoái Thực ký văn, tác giả Trương Quốc Dụng viết: “Người không có gì tốt bằng sửa lỗi. Phi Mạnh đời Trần làm An phủ sứ Diễn Châu, vì nhận hối lộ nên bị giáng chức, sau được phục quan. Người ta khen rằng: “An phủ sứ Diễn Châu trong như nước”. Cũng một con người, trước sau đức hạnh khác nhau. Vì thế quân tử quý ở chỗ thấy thiện thì theo, có sai thì sửa vậy”. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành hơn, đóng góp nhiều hơn cho nghệ thuật, cho công chúng sau những cú vấp ngã ban đầu. Đó là ví dụ cho thấy quá trình hoàn thiện bản thân của nghệ sĩ, cũng là bài học tốt cho những người có thể đã có những sai lầm nhưng bằng quyết tâm sửa chữa, họ đã trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Thứ hai là mức độ nghiêm trọng trong hành vi của nghệ sĩ. Những hành vi do vô tình, bồng bột, thiếu hiểu biết… có thể được dư luận xã hội tha thứ, cảm thông, nhưng cũng có những hành vi nghiêm trọng, lặp đi lặp lại nhiều lần thì không thể bỏ qua được. Đối với những trường hợp như vậy thì cách tốt nhất là nên loại trừ ra khỏi đời sống nghệ thuật, điều này không chỉ tốt cho xã hội nói chung mà còn tốt cho chính nghệ sĩ đó. Khi xây dựng được môi trường nghệ thuật hướng thiện, chúng ta có điều kiện để phát triển con người Việt Nam toàn diện, hướng tới ước mơ thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc!

Nghệ sĩ phải là tấm gương đạo đức cho xã hội

PV: Ông có lo ngại rằng hình ảnh nghệ sĩ Việt Nam nói riêng và hình ảnh nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung sẽ trở nên xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, nhất là sau vụ việc ở Tây Ban Nha mới đây?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Có một thực tế đáng buồn là chúng ta đang thấy ngày càng có nhiều người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài.

Bộ Công an cho biết đã tiếp nhận hơn 25.000 người Việt vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất kể từ năm 2018. Việc vi phạm pháp luật này còn đáng lưu ý hơn đối với những nghệ sĩ, người nổi tiếng khi họ chính là người của công chúng, được công chúng yêu thương, theo dõi, ảnh hưởng rất nhiều đến thị hiếu, lối sống của công chúng và là tấm gương để công chúng noi theo.

Trước đây là Minh Béo, gần nhất là hai nghệ sĩ Việt Nam ở Tây Ban Nha. Và chúng ta không thể lường trước rằng sẽ còn những nghệ sĩ nào có thể vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức như thế nữa. Đó là những sự việc khiến chúng ta thực sự phải có suy nghĩ nghiêm túc về việc giáo dục luật pháp và đặc biệt là cách thích nghi văn hóa địa phương với người Việt đi lao động và du lịch ở nước ngoài, để tránh tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín đất nước, con người Việt Nam từ những vụ việc rất buồn này. Đặc biệt, cần có những trường hợp phải xử lí mạnh tay mang tính chất làm gương, làm bài học cho những nghệ sĩ khác đồng thời gây dựng niềm tin cho công chúng, cho xã hội.

PV: Sau những bài học đã qua, người nghệ sĩ cần có sự thay đổi và trách nhiệm như thế nào đối với sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà, thưa ông?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Chúng ta luôn đánh giá cao vai trò của nghệ thuật đối với sự phát triển đất nước. Nghệ thuật trước hết phải vì con người, vì cuộc sống, từ đó mới lan tỏa được giá trị chân - thiện - mỹ và định hướng sự phát triển đạo đức xã hội. Tuy nhiên, để nghệ thuật đi vào lòng người và truyền cảm hứng của sáng tạo, thì nghệ thuật cũng đồng thời phải là cái đẹp và tôn vinh cái đẹp. Có được điều đó, nghệ thuật sẽ có ý nghĩa nhiều hơn trong cuộc sống.

Với sự đồng hành của nghệ thuật, chúng ta sẽ có một đời sống tinh thần tích cực và lành mạnh, vượt qua khó khăn, thử thách để đạt được thắng lợi cuối cùng một cách dễ dàng hơn. Chính vì thế, người nghệ sĩ, trung tâm của nghệ thuật, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Chúng ta luôn mong muốn họ là những tấm gương sáng để truyền cảm hứng tích cực cho toàn xã hội. Trên báo Cứu quốc số 1986, ngày 5/1/1952 có đăng toàn văn Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời của Bác như một sự khẳng định về vai trò, vị trí và ý nghĩa của các văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

-Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn đã trả lời phỏng vấn của Arttimes.vn!

Phạm Hằng - Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T