Gây dựng lại thời vàng son của nghệ thuật ca trù
(Arttimes) - Nghệ thuật hát Ca trù thịnh hành đỉnh cao vào thời nhà Hậu Lê, thế kỷ XV và lưu truyền đến ngày nay. Năm 2009, ca trù được UNESCO xác định là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cấp thế giới, đây là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đứng thứ hai sau ả đào pansori của Hàn Quốc.
Cuối năm 2020 vừa qua, chúng tôi theo đoàn khảo sát các điểm đến du lịch tỉnh Hưng Yên do Tổng cục Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên tổ chức. Đoàn điền dã gồm lãnh đạo ngành du lịch của nhiều tỉnh, đại diện các hãng lữ hành, dịch vụ du lịch và các nhà báo. Một trong những điểm đến khảo sát là Đền Mẫu Đào Nương, thờ “bà tổ” của nghệ thuật hát ca trù, với những tên gọi khác như hát nhà tơ, hát cửa đình, hát cửa quyền, hát ả đào, hát cô đầu…
Cái nôi của ca trù
Đền Mẫu hay đền Đào Nương tọa lạc ở phận làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, là một trong những di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngôi đền này thờ Đào Thị Huệ, sống vào thế kỷ XV, được coi là “bà tổ” của nghệ thuật hát ca trù. Trong khuôn viên đền hiện nay vẫn còn ngôi mộ của bà. Tại đền còn lưu giữ được 16 di vật gắn liền với nghề cầm ca của bà Đào Thị Huệ: hộp đồ trang sức, vòng tay, hoa tai, khuyên bạc, quạt ngà, lược ngà, trâm ngà cùng một số câu đối, đại tự cổ…
Đền Mẫu hay đền Đào Nương tọa lạc ở phận làng Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, là một trong những di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ảnh Chu Minh Khôi
Ông Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết, tương truyền, Đào Thị Huệ hát hay múa khéo, tiếng đồn tài hoa dậy khắp mọi nơi, người ta thường gọi bà là Ả Đào. Năm Ả Đào 18 tuổi, nhà Minh mượn cớ "phù Trần diệt Hồ" xâm lược nước ta, chúng đóng đồn trại ở tận các thôn xóm, vơ vét của cải, giết hại lương dân. Đàn ông bị bắt làm phu dịch, đàn bà bị bắt làm nô tì. Chúng kéo đến làng Đào Đặng, dân chúng bỏ chạy cả, nàng ca nhi họ Đào và mấy chị em chậm chân không trốn được đành chịu ở lại. Chúng bắt nàng phải múa hát, hầu hạ trong các dịp yến tiệc. Nhờ có tài nghệ xuất sắc, các nàng làm cho chúng có phần vị nể, biến nhà ca lâu thành nơi đi lại, nghỉ ngơi.
Nàng Đào Thị khéo chiều chuộng, làm cho chúng tin cẩn, không đề phòng gì nữa. Quân Minh cứ thế kéo đến biến nhà Đào Thị thành chỗ tập trung chè chén suốt đêm. Rượu tiệc no say, chúng lăn ra ngủ. Vừa sợ lạnh, vừa sợ muỗi đốt, (xưa kia vùng này lau sậy um tùm, muỗi nhiều như chấu), chúng nảy ra "sáng kiến" làm những chiếc túi bằng bao tải gai. Đêm đến là chui vào ngủ, buộc túi lại sáng mai mở túi ra. Đào Thị nhiều lần được chúng giao cho việc thắt và mở túi. Quen với việc, nàng đã nghĩ ra kế để giết giặc.
Nàng bí mật tìm các bô lão và trai tráng đang ẩn nấp trong làng, ước hẹn cứ đêm khuya giặc đã ngủ say, anh em đến khiêng từng túi vất xuống sông. Khi vất xuống sông lại buộc thêm đá, nút thắt chặt phía ngoài, dù chúng có tỉnh dậy cũng chịu chết đuối, làm mồi cho cá. Cứ như thế, quân số của giặc ngày càng hao hụt mà không biết duyên cớ tại đâu, cuối cùng chúng tin rằng vùng đất này "động", "nghịch", "linh thiêng"... không thể ở được, chúng sợ hãi liền nhổ trại kéo đi. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống.
Khi nàng Đào Thị mất, dân làng tưởng nhớ công lao to lớn đã lập đền thờ Bà. Đất nước thanh bình, vua Lê Thái Tổ phong bà làm "Phúc thần" cho sửa lại nhà thờ và cấp ruộng cúng tế hàng năm. Lễ hội Đền Đào Nương hàng năm được tổ chức từ ngày mồng 1 đến mồng 6 tháng 2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức tưng bừng, đông vui và nhộn nhịp. Dân làng tổ chức nhiều cuộc vui như đấu vật, ném vòng... đặc biệt là hội chọi gà và thi ca trù. Vì bà Đào Thị Huệ được suy tôn là sư tổ nghề hát ca trù của nước ta, nên trong những ngày hội làng không thể thiếu được những màn biểu diễn ca trù truyền thống cùng những tiếng "tom, chát".
Độc đáo nghệ thuật ca trù
Ca trù thực chất là một từ chữ Nôm là loại hình diễn xướng bằng âm nhạc thính phòng rất được ưa chuộng tại Bắc bộ và Bắc Trung bộ Việt Nam, trở thành một loại hình âm nhạc kinh điển, đỉnh cao của việc kết hợp thơ ca và âm nhạc. Ra đời từ thế kỷ XV, trải qua thời gian, nghệ thuật hát ca trù ngày càng hoàn thiện và phát triển. Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, nhu cầu nghe hát ca trù phát triển rầm rộ khắp nước. Nhiều đào nương ở nông thôn đua nhau ra Hà Nội và các tỉnh thành, phố thị mưu sinh. Người nhiều tiền thì thuê địa điểm mở nhà hát ca trù ngay ven đường, người ít tiền thì đi hát thuê. Để thu hút khách, các chủ nhà hát đã chiêu mộ thêm những cô gái trẻ không biết hát làm công việc chiêu đãi khách gọi là cô đầu rượu. Thông thường, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch,” nghĩa là “ngay ở chiếu”.
TS. Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là một người đã dày công nghiên cứu ca trù, nổi tiếng với công trình Đặc khảo ca trù Việt Nam cho hay, ca trù vừa là loại khí nhạc, vừa là loại thanh nhạc với một ngôn ngữ âm nhạc độc đáo, tinh vi. Người hát ca trù phải có giọng cao, trong, thanh và phải vang, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ và hát tròn vành rõ tiếng, biết nảy hạt (đổ hột), đổ con kiến. Người hát ca trù vừa hát, vừa gõ phách. 5 khổ phách cơ bản phải biết rất rõ, tiếng phách phải giòn, chắc, dứt điểm. Lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau. Về khí nhạc trong nghệ thuật ca trù, đàn đáy chính là kép đàn dùng làm phụ họa. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ phách, khổ đàn và tiếng ca phải hòa quyện vào nhau. Có những cách đàn ca chân phương- theo lề lối hay hào hoa, bay bướm và sáng tạo.
Ca trù là nghệ thuật diễn xướng cổ truyền vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học. Ca trù có nhiều lối hát, trong đó hát nói là thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất. Nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng tài hoa như: Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Khuyến… là tác giả của nhiều bài hát nói nổi tiếng.
Theo Việt Nam ca trù biên khảo, thì vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã hình thành nên những giáo phường hát ca trù. Giáo phường là một tổ chức của hát ca trù gồm nhiều họ. Cô đầu và kép từng vùng đều có một tên họ riêng, đào, kép ở họ nào mang tên họ ấy kèm theo tên của mình. Trong tổ chức giáo phường, có hai loại là giáo phường cung đình và giáo phường dân gian. Giáo phường cung đình có trách nhiệm như một Ty giáo phường. Ngoài ra, còn có một tên gọi khác nữa của giáo phường là giáo phòng. Bên cạnh đó còn có các xóm Nhà trò, thôn Ả đào cũng là những không gian văn hóa ca trù tương tự như giáo phường. Ty giáo phường là một sự liên kết, tập hợp của các giáo phường các địa phương các xã, các giáp, các họ. Ty giáo phường là cơ quan chuyên nắm giữ tục nhạc (âm nhạc dân gian), là nơi thu thập, chỉnh lý và truyền bá nhạc vũ dân gian. Có Ty giáo phường cấp phủ (tỉnh, thành hiện nay) và Ty giáo phường cấp huyện bao gồm giáo phường các xã, các giáp, các họ mà thành.
Gây dựng lại thời vàng son của nghệ thuật ca trù
Về thăm làng ca trù Đào Đặng và đền thờ ca nương Đào Thị Huệ, chúng tôi được thưởng thức màn biểu diễn ca trù do các thành viên trong Câu lạc bộ ca trù làng Đào Đặng thực hiện. Tiếng đàn, tiếng phách…cứ lúc trầm, lúc bổng.
Hát ca trù tại làng Đào Đặng. Ảnh Chu Minh Khôi
Sau nhiều năm mai một, thất truyền trên chính nơi khởi nguồn, nghệ thuật hát ca trù ở Đào Đặng đang được "hồi sinh". Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng được thành lập năm 2012, ban đầu có vẻn vẹn 8 thành viên. Đến nay, Đào Đặng hiện duy trì câu lạc bộ ca trù có gần 30 thành viên, người cao tuổi nhất gần 80 tuổi, người trẻ nhất là cháu nhỏ 5, 6 tuổi. Chỉ trong thời gian ngắn, các thành viên Câu lạc bộ ca trù Đào Đặng đã chứng tỏ được sự tài hoa của mình khi lần lượt dành giải Nhì tại Liên hoan hát ru, hát dân ca của tỉnh; giải Bạc tại cuộc thi Liên hoan hát ru, hát dân ca và cổ truyền khu vực phía Bắc được tổ chức tại Bắc Ninh, huy chương đồng tại Liên hoan Ca trù toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức.
Nghệ nhân Đỗ Thị Thanh Nhàn, làng ca trù Đào Đặng cho biết, hồi chị mới về làm dâu ở làng, chỉ một vài người dân gốc làng Đào Đặng còn biết hát làn điệu ca trù. Với tình yêu ca trù và tố chất nghệ sĩ sẵn có, chị Nhàn cùng những người dân Đào Đặng có chung niềm say mê quyết tâm khơi mạch nguồn, lưu giữ và truyền dạy ca trù. “Đào Đặng là cái nôi của quê hương ca trù. Bởi nơi đây có một người phụ nữ tài hoa đã dùng tiếng hát của mình để giết giặc Minh ngay trên quê hương yêu dấu của mình. Nên chúng tôi là con cháu của bà, gìn giữ nét văn hóa của toàn nhân loại, còn là mốc lịch sử đáng quý của quê hương nên chúng tôi cố gắng giữ gìn để truyền lại cho con cháu lịch sử quê hương”, chị chia sẻ.
Ca trù Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2009. Với quyết tâm gây dựng, hồi sinh nét văn hóa ca trù trên đất Hưng Yên, chính quyền và người dân nơi đây không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để ca trù không biến mất khỏi chính nơi mà nó sinh ra. Ông Đoàn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết, toàn tỉnh hiện có 9 câu lạc bộ ca trù và đội ca trù ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động, thành phố Hưng Yên… với trên 200 người biết đàn, hát ca trù. Cách truyền dạy ca trù, trống quân hiện nay của các câu lạc bộ là người biết nhiều truyền cho người biết ít, người biết ít lại dạy cho người chưa biết. Đều đặn mỗi tuần, tiếng phách, tiếng trống chầu khoan nhặt hòa cùng giai điệu thánh thót của tiếng đàn đáy, tiếng hát luyến láy của ca nương.
Hàng năm, Ban quản lý các di tích tỉnh Hưng Yên thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các câu lạc bộ ca trù trình diễn tại Văn miếu Xích Đằng nhân dịp triển lãm thư pháp đầu xuân. Trong tất cả các cuộc thi, liên hoan, biểu diễn văn nghệ quần chúng của Hưng Yên đều khuyến khích thể loại hát Ca trù. Nhiều địa phương đã vận động, khuyến khích đưa việc trình diễn Ca trù thành nghi thức hát, tế trong lễ hội truyền thống tại các di tích lịch sử văn hóa.
NoneBình luận