Khúc bi tráng một cuộc đời đặc biệt

Những mẩu chuyện “không tên” trong những chiến công - bây giờ mới kể...

Tuổi trẻ nhiều thế hệ cha ông chúng ta là hiện thân của sức sống sôi nổi, mãnh liệt và nồng cháy ngọn lửa cách mạng, tạo nên bản anh hùng ca sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, phẩm chất cộng sản, trí tuệ và đạo đức cách mạng - niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Nhân kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), xin kể về người cộng sản ưu tú - một tấm gương quả cảm vì quê hương, cùng những mẩu chuyện “không tên” trong những chiến công - bây giờ mới kể.

Khúc bi tráng một cuộc đời đặc biệt - 1

Ðinh Thúc Dự (1911 - 2021) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho làm nghề đông y, có truyền thống yêu nước, cần cù lao động và bất khuất trước kẻ thù, tại làng Đông An, tổng Cát Xuyên, phủ Xuân Trường (nay là xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định).

Những lần đi thăm bệnh cùng cha, Đinh Thúc Dự đã chứng kiến cuộc sống lầm than đến cùng cực của người dân mất nước, và may mắn được tiếp xúc với một số sĩ phu yêu nước là bạn tâm giao của cha... Những điều này đã định hướng cho người thiếu niên yêu nước Đinh Thúc Dự sớm có hoài bão lớn là dấn thân vào con đường cách mạng để giải phóng quê hương, đồng bào khỏi kiếp nô lệ.

Năm 1927, khi mới 15 tuổi, được sự giác ngộ cách mạng của thầy giáo Mẫn, (nhà cách mạng Phạm Quang Lịch - Hào Lịch) trực tiếp giác ngộ và gây dựng cơ sở Đảng Cộng sản ở Đông An. Đinh Thúc Dự cùng nhóm học trò họ Đinh làng Đông An vận động hội đồng kỳ mục bầu anh trai mình là Đinh Quang Hạp làm lý trưởng để tạo điều kiện cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Đông An hoạt động và giác ngộ quần chúng ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân bước đầu có tổ chức. Lập Hội Nông dân Tương tế, vận động hội viên góp tiền tổ chức dệt vải tập thể, tiền lãi dùng để tổ chức lớp học xóa nạn mù chữ. Những hoạt động này lúc đó hiếm có địa phương nào làm được.

Ngày 3 tháng 3 năm 1933, tại gác chuông chùa Liêu Thượng đã ghi một dấu ấn cách mạng quan trọng: Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của xã Xuân Thành được thành lập, gồm 4 đảng viên, lấy tên là Chi bộ Đảng Đông An. Đinh Thúc Dự, ở tuổi 22 đã được bầu làm Bí thư Chi bộ. Đây là một trong hai chi bộ Cộng sản độc lập đầu tiên của huyện Xuân Trường - Giao Thủy.

Dưới sự chỉ đạo của ông Đinh Thúc Dự, Chi bộ Đông An ngày càng vững mạnh, phong trào cách mạng phát triển không những lan rộng, đi vào chiều sâu, gắn liền với nguyện vọng và quyền lợi của quần chúng như: phong trào giúp người nghèo thoát nạn mù chữ, người nghèo đi học không mất tiền học và giấy bút, phong trào đảng viên đi thâm nhập thực tiễn lao động v.v.

Năm 1939, bọn mật thám khủng bố tổ chức Đảng, Chi bộ Đông An tạm ngừng hoạt động, ông Dự phải lánh lên Hà Nội, rồi sang Lào làm lái xe cho chủ mỏ Chì Boneng vùng Thà Khẹt. Sau đó, ông trở về Hà Nội làm công cho hãng Avia. Tại đây, ông đã tham gia phong trào công nhân đòi quyền lợi cho anh em thợ thuyền. Khi tình hình hoạt động cách mạng ở Đông An thuận lợi, Đinh Thúc Dự lại trở về quê tiếp tục gây dựng phong trào cách mạng.

Ngày 19-8-1945, trong lúc tin tức khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở khắp nơi trong nước tới tấp bay về làm nức lòng người dân phủ Xuân Trường. Đinh Thúc Dự về họp Hội nghị Liên tịch của Ủy ban khởi nghĩa họp bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy. Theo kế hoạch: Lực lượng khởi nghĩa chia làm hai mũi, một từ Đông An, Hạc Châu do Đinh Thúc Dự chỉ huy; một từ Tự Lạc do Nguyễn Xuân Lầm và Phạm Cương chỉ huy. Hai mũi hợp quân tại dốc Xuân Bảng tiến đánh đồn Lạc Quần trước. Sau đó mới kéo quân về đánh chiếm phủ Xuân Trường.

Trở về địa phương, họp bàn với các đồng chí đảng viên Chi bộ Đông An, ông Dự xét thấy kế hoạch tác chiến vừa họp không phù hợp với tình hình hiện tại, bởi lẽ: nếu tên quan huyện phủ Xuân Trường chưa đầu hàng, thì chắc chắn binh lính đồn Lạc Quần sẽ không chịu giao vũ khí cho quân khởi nghĩa. Do đó, cánh quân xuất phát từ Đông An do Đinh Thúc Dự chỉ huy nhanh chóng thay đổi kế hoạch, quyết định lấy phủ Xuân Trường trước, rồi mới quay lại hợp đồng tác chiến với mũi thứ hai đánh đồn Lạc Quần.

Sáng ngày 20-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa do Bí thư Chi bộ Đông An  Đinh Thúc Dự chỉ huy với hơn 40 người, dâng cao lá cờ đỏ sao vàng nhằm tiến đánh phủ Xuân Trường. Dọc đường đi, quân khởi nghĩa được nhân dân tham gia ngày càng đông, khí thế mạnh mẽ như nước vỡ bờ, Tri phủ Vũ Văn Tỉnh buộc phải đầu hàng vô điều kiện, giao nộp ấn tín, vũ khí cho chỉ huy quân cách mạng.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Xuân Trường diễn ra mau lẹ trong trật tự, không tiếng súng và không đổ máu. Rồi nghĩa binh nhanh chóng kéo về dốc Xuân Bảng kịp phối hợp với cánh quân xuất phát từ Tự Lạc tiến đánh đồn Lạc Quần, đồn Ngô Đồng và huyện lỵ Giao Thủy. Bọn bảo an, bảo hoàng chống đỡ yếu ớt rồi đồng loạt đầu hàng quân cách mạng.

Với những chiến công vang dội của Cách mạng Tháng Tám ở phủ Xuân Trường, ông Đinh Thúc Dự được Đảng được Nhà nước tin tưởng giao phó các trọng trách, như: Trưởng Ty Liêm phóng huyện Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Xuân Trường. Tháng 6-1947, Bí thư Phủ ủy kiêm Phủ đội trưởng huyện Xuân Trường; tháng 9-1949 giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Xuân Trường.

Giặc Pháp tái chiếm huyện Xuân Trường, chúng lập tề, bắt bớ và khủng bố rất tàn khốc những gia đình có người tham gia kháng chiến; cơ sở đảng ở vùng địch hậu phải rút vào hoạt động bí mật, cơ quan huyện phải tản cư sang Nguyệt Giám (Thái Bình). Xuân Trường nằm trong vùng địch hậu. Mặc dù vậy, ông Đinh Thúc Dự vẫn kiên cường bám đất, bám cơ sở để trực tiếp chỉ đạo nhân dân chống Pháp. Địch nhiều lần vây bắt, chúng treo thưởng hàng vạn đồng Đông Dương cho ai lấy được “đầu” Bí thư huyện ủy Đinh Thúc Dự.

Cuối năm 1950, ông Đinh Thúc Dự được Đảng giao nhiệm vụ phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Nam Định. Năm 1951, ông vinh dự là đại biểu chính thức đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, ông Đinh Thúc Dự được Trung ương điều động sang quân đội, phụ trách hậu cần phục vụ chiến dịch Hà Nam Ninh (còn gọi là chiến dịch Quang Trung) diễn ra từ ngày 28-5 đến ngày 20-6-1951 do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trực tiếp chỉ huy, nhằm phá vỡ phòng tuyến sông Đáy của địch.

Chiến dịch Quang Trung toàn thắng, ngày 27 tháng 6 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hà Nam Ninh trong đó có chiến công của lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch do ông Đinh Thúc Dự phụ trách. Đây cũng là trận đánh cuối cùng của ông. Sau chiến dịch Hà Nam Ninh, trong một chuyến công tác vào địch hậu, ông Dự rơi vào ổ phục kích của địch, bị thương nặng được Tổ chức đưa về Bênh viện Dã chiến Nông Cống (Thanh Hóa) cứu chữa nhưng không qua khỏi, ông đã hy sinh ngày 08 tháng 10 năm 1951. (tức ngày mồng 08 tháng 9 năm Tân Mão).

39 năm tuổi đời, 24 năm liên tục hoạt động cách mạng, cuộc đời liệt sỹ Đinh Thúc Dự tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, sự kiên trung, bất khuất vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của ông đã và đang được khắc ghi trong lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Nam Định.

Để bày tỏ lòng tri ân, nhân kỷ niệm 103 năm (1951 - 2014) ngày sinh liệt sỹ Đinh Thúc Dự, thành phố Nam Định đã đặt tên phố Đinh Thúc Dự tại Khu đô thị mới Hòa Vượng, đồng thời giới thiệu cuốn sách Đinh Thúc Dự - Một tấm gương quả cảm vì quê hương do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2013.

Khúc bi tráng một cuộc đời đặc biệt - 2

Vĩ thanh

Chiến tranh đã lùi xa, nhìn lại lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, càng thấy tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của Đảng, Quân đội và Nhân dân ta. Nhưng phía sau bản anh hùng ca chói lọi chiến công ấy, vẫn còn có những “góc khuất”, những câu chuyện bi tráng, những sự hy sinh thầm lặng của những người dân thường, nhưng đã góp phần không nhỏ vào chiến công của các anh hùng - liệt sỹ, khi họ phải đối mặt giữa sự sống - chết, tối - sáng, thiện - ác, mất - còn trước cuộc chiến tàn khốc mà người đời ít được biết đến.

Tất cả đều bắt đầu từ “Một vụ án chính trị” của người phụ nữ mang tên Đinh Thị Vân. Vào tháng 8 năm 1954, xuất phát từ cảng Hải Phòng, điệp viên Đinh Thị Vân nhận nhiệm vụ đặc biệt của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng hòa vào dòng người xuống tàu “há mồm” theo “Chúa di cư vào Nam”.

Với nhiêm vụ bí mật của một điệp viên, bà đã tìm cách ngụy trang để che mắt địch, rồi từng bước xây dựng cơ sở cho mạng lưới tình báo chiến lược của mình luồn sâu, leo cao trong bộ máy chính quyền và quân đội địch. Tại thời điểm này, để hỗ trợ cho hoạt động tình báo của Đinh Thị Vân, cấp trên quyết định thông báo công khai: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”.

Tin dữ lan truyền quá nhanh, anh em đồng chí, họ hàng, quê hương… đều bàng hoàng, sửng sốt. “Vụ án chính trị” này đã khiến nhiều anh em, con cháu ruột thịt của bà Đinh Thị Vân ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa bị “vạ lây” suốt trong nhiều năm, nhưng đã đánh hỏa mù vào cơ quan mật vụ của địch, tạo điều kiện thuận lợi để bà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

Cuối năm 1954, gia đình vợ con ông Dự từ vùng tự do Thanh Hóa trở về quê hương Xuân Thành (Nam Định), đã đưa theo hài cốt của liệt sỹ Đinh Thúc Dự về an nghỉ tại quê nhà. Năm 1955, trong cuộc “Cải cách ruộng đất”, mẹ đẻ của ông Dự và bà Vân là cụ bà Đinh Nhất Hợp (Nguyễn Thị Quỳ) bị “quy” là địa chủ; Đinh Thúc Dự hoạt động “Quốc dân đảng”, Đinh Thị Vân là kẻ bán nước, phản bội Đảng đã bị ta tuyên án tử hình vắng mặt.

Cú sốc tinh thần quá lớn nên bà Nguyễn Thị Quỳ đã tuyệt thực và qua đời ngay trong cuộc Cải cách ruộng đất. Bà mẹ chiến sỹ đã lấy cái chết để tỏ lòng kiên trung nghĩa hiệp, ôm theo nỗi tủi nhục có con phản Đảng, phản cách mạng. Sự quyên sinh bi tráng của cụ khiến kẻ địch hoàn toàn tin rằng Đinh Thị Vân đã phản bội Tổ quốc, góp phần làm nên chiến công huyền thoại của nữ Anh hùng tình báo Đinh Thị Vân. Trọn vẹn 4 chữ vàng: “Toàn gia trung hiếu”.

Cụ Nguyễn Thị Quỳ từng có công lao đóng góp “Tuần lễ Vàng”. Cụ còn là mẹ của 2 chiến sỹ cách mạng ưu tú Đinh Thúc Dự và Đinh Thị Vân nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng “Đồng Tiền Vàng” có công với nước năm 1946. Nhưng khi xét truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, vì không đúng tiêu chí “có 2 con trở lên là liệt sỹ” mà chỉ có một con là liệt sỹ và 1 con là Anh hùng Lực lượng vũ trang nên cụ Nguyễn Thị Quỳ không được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

55 năm sau (1956 - 2011), anh linh ông Đinh Thúc Dự mới chính thức được quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ và tổ chức Lễ truy điệu trọng thể tại địa phương. Rồi đúng 10 năm sau, đủ tròn 70 năm (1951 - 2021), kể từ ngày ông Đinh Thúc Dự hy sinh, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công Liệt sỹ Đinh Thúc Dự”. Vậy là sau ngót 3/4 thế kỷ, mọi “thủ tục” để công nhận “Liệt sỹ” Đinh Thúc Dự mới thực sự khép lại trong tĩnh tâm, thanh thản của đại gia tộc họ Đinh làng Đông An.

Còn Anh hùng Đinh Thị Vân qua đời vào năm 1995, được Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) tổ chức trọng thể theo nghi thức Nhà nước. Để ghi nhớ chiến công của người nữ anh hùng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều huân chương cao quý và đặt tên phố Đinh Thị Vân tại phường Hạ Long, thành phố quê hương Nam Định; đường Đinh Thị Vân ở quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng…

Bà Đinh Thị Vân đã qua đời gần 26 năm, theo nguyện vọng của gia đình, của Hội Phụ nữ Nam Định (nơi bà làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đầu tiên) và được sự hướng dẫn của nguyên Giám đốc Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định, dự kiến sẽ tổ chức trọng thể việc đưa tro cốt của Anh hùng Đinh Thị Vân về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Xuân Thành và được ở cạnh người anh trai là liệt sỹ Đinh Thúc Dự…

Nhưng khi đặt vấn đề với địa phương thì Đảng ủy, Ủy ban xã rất “băn khoăn” và trả lời rằng: Nghĩa trang liệt sỹ là nơi an nghỉ của các liệt sỹ người địa phương, chứ chưa có văn bản nào hướng dẫn là nghĩa trang liệt sỹ được mai táng anh hùng khi qua đời! Vì lẽ đó, tro cốt của bà Anh hùng Đinh Thị Vân lại phải đưa về táng tại Nghĩa trang Văn Điển (Hà Nội).

Thế là “em Bắc - anh Nam”, chỉ có hai ngôi “mộ gió” của hai anh em ông Đinh Thúc Dự và bà Đinh Thị Vân là nằm bên nhau ở lăng họ Đinh làng Đông An. Tuy chỉ là “tượng trưng” nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng, niềm tự hào của dòng họ Đinh làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Kể về cuộc đời hoạt động của ông Đinh Thuc Dự mà không nói đến công lao nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng đằng nhà ngoại, tức là gia đình cụ Đào Văn Thức (cụ Hương Vịnh) - bố mẹ vợ ông Đinh Thúc Dự và các anh chị em ruột như ông Hàm, ông Phổ và bà Giáp, bà Phúc… sẽ là không trọn vẹn.

Trong kháng chiến chống Pháp, có thời kỳ 1949-1951 nhiều vùng thuộc các huyện của Nam Định bị địch tạm chiếm gọi là thời kỳ 2 năm 4 tháng, các cơ sở của Đảng ở vùng địch hậu phải rút vào hoạt động bí mật, cụ Hương Vịnh đã đào hầm bí mật ngay trong nhà mình cho con rể ẩn náu để ông Đinh Thúc Dự an toàn chuẩn bị cho chuyến lên chiến khu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Tuyên Quang và tham gia chỉ huy chiến dịch Hà Nam Ninh thắng lợi.

Khi hòa bình lập lại, cán bộ chính sách về địa phương đề nghị cụ Vịnh khai báo thành tích bảo vệ cán bộ trong thời gian tạm chiếm để nhận khen thưởng của Nhà nước. Cụ Hương Vịnh cười nhân hậu rồi từ chối khéo: “Tôi nuôi con rể chứ có nuôi Việt Minh đâu mà khai báo thành tích để lĩnh thưởng!”. Cụ chỉ buồn vì con rể hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại vợ góa và bốn đứa con côi cút mà cụ đang cưu mang đùm bọc.

Gia đình cụ Vịnh có một nỗi đắng đót, mất mát lớn hơn cả khi bị địch tra tấn tù đày. Đó là trường hợp con trai thứ của cụ là ông Đào Duy Thành (tức Phổ), sinh năm 1923, tham gia cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Xuân Trường tháng 8 năm 1945, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1947, rồi hoạt động liên tục ở địa phương với nhiều trọng trách khác nhau, đến 1983 nghỉ công tác.

Trong thời kỳ địch hậu, ông Thành được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động bí mật, bán công khai trong lòng địch - đảm nhiệm công tác thông tin ở vùng tề. Rủi ro cho ông là đồng chí giao nhiệm vụ bí mật lại bị tử hình oan trong Cải cách ruộng đất, nên không còn ai có thể chứng minh thời gian hoạt động bí mật ấy của ông.

Vậy nên ông Đào Duy Thành “bỗng nhiên” trở thành người “ngoài Đảng”! Niềm an ủi và tin tưởng của ông là các con đều trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, con trưởng tham gia quân đội rồi trở về địa phương tiếp tục công tác Đảng và chính quyền, chung tay đóng góp xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc; Các con gái  người được đi học nước ngoài, người trở thành nhà giáo, trở thành Tiến sỹ khoa học Nông nghiệp…

Khi ông Đào Duy Thành qua đời, chị gái ông là bà Đào Thị Lộc, vợ liệt sỹ Đinh Thúc Dự đã tự tay phủ lên quan tài người em yêu thương tấm vải nâu ướt đẫm nước mắt, khiến những người trông thấy “mà đau đớn lòng”…

Nỗi buồn sẽ bay đi trên đôi cánh của thời gian. Vết thương dẫu sâu bao nhiêu đều lành sẹo, ngay cả nỗi đau đớn xé rách tim gan cũng yên bình trở lại. Những mùa xuân đi qua như thước đo biển đời sâu rộng, lắng lòng những hoài niệm, ký ức vơi đầy.

Khúc bi tráng một cuộc đời đặc biệt - 3

4 người con của liệt sĩ Đinh Thúc Dự

(Theo tư liệu “Đinh Thúc Dự - Một tấm gương quả cảm vì quê hương”, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, 2013)

Đinh Quang Tỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đạt Võ – Kim Ryna: Cặp đôi song ca “Triệu View”

Đạt Võ – Kim Ryna: Cặp đôi song ca “Triệu View”

Tôi biết đôi song ca Đạt Võ – Kim Ryna qua kênh YouTube Giọng ca để đời. Ai thường nghe bolero qua các trang mạng ít nhất cũng đã từng nhấn vào kênh YouTube Giọng ca để đời để nghe những bản bolero đặc sắc. Và Giọng ca để đời ngoài đời thực là một góc không gian ấm cúng (Tôn Thất Tùng, Q1, TP.HCM), vừa đủ cho một nhóm bạn trên dưới 30 người đến cùng nhau ca hát 1-2 tháng một lần. Hiệ