Nguyễn Văn Huyên Người đặt nền móng cho ngành giáo dục cách mạng Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một học giả uyên bác. Ông có những đóng góp quan trọng và có tính quyết định trong xây dựng nền Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hình ảnh vị Bộ trưởng Giáo dục trong kháng chiến đi lại trên các nẻo đường Việt Bắc với chiếc ba lô gọn nhỏ, một chiếc xe đạp cà tàng và một trí tuệ uyên bác trong một con người có sức vóc không mấy cường tráng mà phong trào và hệ thống giáo dục trong kháng chiến vẫn phát triển, từ lớp bình dân học vụ đến giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học đều mở rộng.

Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16/11/1905 tại Lai Xá - "Làng nhiếp ảnh - Đất danh nhân”, thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Cha ông là cụ Nguyễn Văn Vượng, làm công chức Sở Kho bạc Hà Nội và mất từ khi Nguyễn Văn Huyên mới 8 tuổi. Mẹ ông là cụ Phạm Thị Tý (người cùng thôn) làm nội trợ.

Ông có người chị gái, bà Nguyễn Thị Mão là người có học thức cao, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương từ niên khóa 1924-1927. Bà thuộc thế hệ giáo viên nữ đầu tiên của Việt Nam. Thương các em mồ côi cha từ nhỏ, bà Mão đỡ đần mẹ, lĩnh trách nhiệm và nuôi hai em ăn học, ở đó cho đến khi học hết đại học cho đi du học tại Pháp quốc.

Chồng bà Mão là quan Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại, đến năm 1948 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy vời ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng rồi Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến khi qua đời.

Biết ơn và thương mẹ và chị nuôi mình ăn học, Nguyễn Văn Huyên cố gắng học hành và thành đạt sự nghiệp từ rất sớm. Năm 18 tuổi đã học xong Ban Tú tài toàn phần rồi đậu Cử nhân Văn khoa ưu tú năm 1929 (khi mới tròn 24 tuổi). Hai năm sau (1931) lại đậu Cử nhân Luật tại trường đại học danh tiếng thế giới thời bấy giờ - Trường Đại học Tổng hợp Sorbonne (Pháp). Thời kỳ làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Pháp, để có kinh phí tự nuôi mình, ông dạy tiếng Việt tại Trường Ngôn ngữ Đông Phương.

Nguyễn Văn Huyên Người đặt nền móng cho ngành giáo dục cách mạng Việt Nam - 1

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên những ngày mới đến Montpellier, Pháp, năm 1926, bắt đầu cuộc hành trình đến luận án tiến sĩ. Ảnh: Tư liệu gia đình

Năm 29 tuổi (1934), Nguyễn Văn Huyên là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Văn khoa xuất sắc tại Đại học Sorbonne. Thời đó, để bảo vệ luận án nghiên cứu sinh phải trình 2 luận văn. Cả hai luận văn này đều được xếp loại xuất sắc. Sự kiện này làm cho vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo - Giáo sư Vendryes phải thốt lên: “Đây là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử Trường Đại học Sorbonne!”. Điều đó chứng tỏ rằng người Việt Nam là cực kỳ thông minh, có nền văn hóa thực sự. Hai bản luận án này được in ngay thành sách do Nhà xuất bản Paul Guethner ở Paris xuất bản với sự đánh giá rất cao của các nhà chuyên môn Pháp, Đức, Hà Lan thời bấy giờ.

Trong khoảng 10 năm sau đó, ông đã nghiên cứu và liên tục công bố bằng tiếng Pháp thêm 46 công trình nghiên cứu khoa học về văn hóa và văn minh Việt Nam. Bằng luận cứ khoa học trong các lĩnh vực: dân tộc học, văn hóa học, văn nghệ dân gian, lịch sử, xã hội học…

Và theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ông sớm nhận ra rằng: “Dân tộc Việt Nam không chịu sao chép những gì của Trung quốc mà tự tạo lấy cuộc sống riêng trong trường kỳ lịch sử, vẫn luôn luôn thanh xuân hóa”. “Nước Việt Nam tuy trải dài nhưng tư duy khá đồng bộ. Cũng một nền văn hiến, được truyền bá bằng cùng một ngôn ngữ với cùng một hệ thống giáo dục, nó để lại những dấu ấn rõ nét trên khắp đất nước. Hơn nữa, giữa các vùng có những quan hệ liên tục và đôi khi ở một chừng mực nhất định là đều đặn. Các trung tâm thi cử, kinh đô, sự có mặt một bậc thầy lớn hay một vị hiền giả, luôn luôn lôi cuốn những người dù ở xa nhất. Cũng như vậy, các danh lam thắng cảnh, các đền chùa nổi tiếng bao giờ cũng là chốn hành hương cho một tín đồ”.

Đây là ý tưởng về Tổ quốc Việt Nam thống nhất ở một chàng thanh niên trí thức yêu nước mới 26 tuổi đầu và chưa hề được giác ngộ cách mạng… Ông cùng với học giả Đào Duy Anh đặt nền móng cho việc nghiên cứu văn hóa, văn minh Việt Nam. Các nghiên cứu của ông góp phần khẳng định người Việt Nam có tín ngưỡng của riêng mình, thể hiện qua việc thờ Thành hoàng như Phù Đổng, Tản Viên, Chử Đồng Tử. Thông qua các nghiên cứu về phương pháp và cách tiếp cận khoa học của Nguyễn Văn Huyên về văn nghệ dân gian, lễ hội, kiến trúc, địa lý học, lịch sử, cấu trúc giai tầng trong xã hội, người ta có thể cảm nhận rõ nét tinh thần, tâm lý dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, nhà sử học nổi tiếng Trần Quốc Vượng (Giải thưởng Hồ Chí Minh) đã viết về GS.TS Nguyễn Văn Huyên: “Ông là một nhà khoa học nhân văn lớn và hiện đại ở nửa đầu thế kỷ XX này. Giới nghiên cứu trẻ, già hôm nay còn được học và phải học ở ông nhiều về phương pháp luận và các phương pháp tiếp cận những sự kiện nhân văn”.

Giáo sư Hà Văn Tấn trong lời đề dẫn công trình dịch và xuất bản lần đầu các tác phẩm của ông Huyên bằng tiếng Việt: Nhà bác học Nguyễn Văn Huyên với Văn hóa Việt Nam, đã viết: “Người ta thường coi Nguyễn Văn Huyên là một nhà dân tộc học lớn, điều đó đúng. Nhưng đọc ông, nghiền ngẫm các tác phẩm của ông, tôi lại thấy trội vượt lên với tư cách của một nhà xã hội học. Có thể nói rằng phần lớn các công trình nghiên cứu của ông đều nhằm hướng tới những phân tích và kết luận xã hội học”, “Tất nhiên, là để hiểu những gì Nguyễn Văn Huyên nói với chúng ta, chúng ta cần có thì giờ để nghiền ngẫm, để nghiên cứu những công trình đồ sộ hiện đã được dịch tất cả của nhà bác học này”.

Năm 1938, Nguyễn Văn Huyên đã tham gia Ban Trị sự Hội Truyền bá quốc ngữ, một cuộc vận động do Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương. Một bức ảnh trong buổi ra mắt Hội truyền bá quốc ngữ cho thấy trên đoàn Chủ tịch có Nguyễn Văn Huyên, Võ Nguyên Giáp và một số người khác, còn nhà thơ Hằng Phương đang trên bục diễn thuyết. Khi Cách mạng tháng Tám diễn ra, chiều ngày 22/8/1945, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên cùng ba nhà trí thức nổi tiếng ở Hà Nội là Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường cùng ký tên dưới một bức điện thư gửi Hoàng đế Bảo Đại.

Trong bức điện có đoạn viết: “…Một Chính phủ nhân dân lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà!”.

Sau ngày độc lập, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho trọng trách Tổng Giám đốc Đại học Vụ kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1946 ông là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên rất vui khi nhận thấy rằng ông và các nhà trí thức đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng và dìu dắt với một sự quan tâm liên tục, cụ thể và hết sức đặc biệt. Ông còn được Hội đồng Chính phủ tiến cử tham gia hai cuộc hội nghị lịch sử có quan hệ đến vận mệnh đất nước. Ông là thành viên trong Ban cố vấn Hội nghị Đà Lạt và là thành viên trong phái đoàn ta dự Hội nghị Fontaineblaus tại Paris-Pháp. Trong những ngày ở Pháp ông thường được làm việc trực tiếp với Hồ Chủ tịch.

Sau chuyến đi Pháp trở về, đầu tháng 11/1946, GS, TS Nguyễn Văn Huyên nhận được tấm danh thiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến Phủ Chủ tịch bàn công việc và ông được đích thân cụ Hồ tiến cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và giữ chức vụ này liên tục 28 năm 350 ngày cho đến khi ông qua đời ngày 19/10/1975, hưởng thọ 70 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) là một học giả uyên bác. Ông có những đóng góp quan trọng và có tính quyết định trong xây dựng nền Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong bài diễn văn rất nổi tiếng đọc trong Lễ Khai giảng năm học đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15/11/1945, ông bày tỏ tầm nhìn xa và sâu sắc của mình: “Trong buổi lễ hôm nay, anh em giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn tỏ ra cho thế giới biết rằng, trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt Nam, ngoài cuộc đấu tranh bằng xương máu trên chiến địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hóa của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền Đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng của Việt Nam. Chúng tôi muốn nó làm một thành lũy để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ, và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiến có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và đã gây nên một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này…”.

Trong lễ khai giảng này có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo trong chính phủ đến dự. Cũng tại Hà Nội, Bảo tàng Quốc gia mở cửa triển lãm lịch sử - văn hóa dân tộc do Giám đốc Nguyễn Văn Huyên và các cán bộ Viện Bác Cổ tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều vị trong Chính phủ đến dự và chụp ảnh kỷ niệm với anh em cán bộ của Viện.

Bác Hồ với gia đình giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên

Bằng những hoạt động năng nổ nhưng khiêm tốn, sắc sảo và sâu sắc, giáo sư Nguyễn Văn Huyên được Bác để ý tới. Bác nhận ra ông là một thanh niên trí thức có lòng yêu nước thực sự. Sau ngày độc lập, ông được Bác Hồ gặp trực tiếp và giao trọng trách là Tổng giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ, rồi Bộ Trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. GS Huyên nhớ mãi lời ân cần của Bác: “Tôi thấy chú chăm chỉ, có đạo đức nên đã giới thiệu với đoàn thể và được đoàn thể chấp nhận”. Ông còn được Hồ Chủ tịch cử tham dự hai hội nghị ngoại giao quan trọng của đất nước, đó là Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fonteineblaus (Pháp).

Nguyễn Văn Huyên Người đặt nền móng cho ngành giáo dục cách mạng Việt Nam - 2

Tấm ảnh kỷ niệm hạnh phúc cuối cùng chụp 8/1975 trước lúc GS vĩnh viễn ra đi. (Ảnh tư liệu gia đình cung cấp)

Cũng đúng hôm Bác rời Hà Nội thăm chính thức nước Pháp, tại sân bay Gia Lâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp một cháu nhỏ trong đoàn đi tiễn, Người vui vẻ bế cháu khi đó mới biết là con gái bố Huyên, tên là Hiếu. Trong những năm đầu cuộc kháng chiến, cháu Hiếu bị ốm, đôi chân bị bó bột suốt 2 năm vì bệnh lao xương. Chủ tịch Hồ Chí Minh biết tin đó bèn cho người tìm thuốc và cao cho bé Hiếu.

Bác đưa cho GS,TS Nguyễn Văn Huyên đem về chạy chữa cho bé Hiếu. Mỗi lần họp Hội đồng Chính phủ, Người lại hỏi thăm sức khỏe cháu Hiếu. Năm 1953, biết tin cháu khỏi bệnh và được cử sang nước bạn học tập cùng với một số thiếu nhi khác, Bác Hồ đã gửi GS,TS Nguyễn Văn Huyên một hộp sữa và một miếng vải làm quà cho cháu. Người còn dặn thêm: “Chú bảo thím may gấp cho cháu một cái áo bằng mảnh vải này nhé!”.

Sau khi Bác và Chính phủ về lại Thủ đô, một lần các cháu ngoan Bác Hồ được vào Phủ Chủ tịch gặp Người. Bác hỏi chuyện thấy một cháu thưa: “Cháu là con bố Huyên”. Người đã ôm hôn và âu yếm hỏi: “Có phải cháu tên là Hiếu không?”

Năm 1949, khi thân mẫu ông Nguyễn Văn Huyên qua đời, Bác Hồ đã rất quan tâm tự đánh máy một bức thư gửi đến ông và gia đình những lời chia buồn thân tình nhất.

Chính Bác Hồ đã chọn ông Nguyễn Văn Huyên tham gia Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ, năm 1955 do Bác dẫn đầu đi thăm và cảm ơn các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Cũng chính Bác đã lại chọn ông cùng đi với Người trong Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đi thăm Indonesia năm 1959 theo lời mời của Tổng thống đầu tiên của Indonesia Sukarno.

Theo nhật ký ghi chép của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác: Tháng 5 năm 1969 khi đã yếu mệt Bác Hồ còn cho gọi chú Nguyễn Văn Huyên đến báo cáo tình hình về giáo dục, về việc thúc đẩy phong trào học tập và rèn luyện của học sinh. Cũng vào tháng 5 năm 1975 này, ông Huyên có một buổi nói chuyện về sự quan tâm và tình cảm của Bác với 30 năm sự nghiệp phát triển giáo dục. Đây cũng là lần cuối cùng ông diễn thuyết trước công chúng, bởi sau vài tháng ông qua đời. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cũng hết lòng vì Bác, vì cách mạng.

Hình ảnh vị Bộ trưởng Giáo dục trong kháng chiến đi lại trên các nẻo đường Việt Bắc với chiếc ba lô gọn nhỏ, một chiếc xe đạp cà tàng và một trí tuệ uyên bác trong một con người có sức vóc không mấy cường tráng mà phong trào và hệ thống giáo dục trong kháng chiến vẫn phát triển, từ lớp bình dân học vụ đến giáo dục phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học đều mở rộng.

Đến năm 1950 đã có 10 triệu người được xóa nạn mù chữ, học sinh phổ thông lên đến 44 vạn. Năm 1954, số học sinh phổ thông tăng lên một triệu, cùng hàng nghìn cán bộ kỹ thuật được đào tạo và một số lớn sinh viên được gửi đi du học nước ngoài. Bác Hồ cảm thấy hài lòng vì đã chọn người giao việc rất đúng.

Có một việc tưởng chừng không lớn nhưng mà khó vượt qua: ấy là vị Bộ trưởng không là Đảng viên nên gặp nhiều trở ngại trên cương vị quản lý. Một số người có trách nhiệm còn có thái độ phân biệt đối xử giữa Đảng viên và quần chúng lãnh đạo. Đã có lần ông chất vấn dồn dập: “Thế nào là Đảng Đoàn? Đảng Đoàn bao gồm tất cả các Thứ trưởng là Đảng viên, lại thêm một hay hai thành viên khác phụ trách các Vụ quan trọng, Thế thì Đảng Đoàn bàn những việc gì? Tại sao tôi là Bộ trưởng mà lại không được biết những gì Đảng Đoàn quyết định? Cái tiếng “phải là Đảng viên mới có thể lãnh đạo được” truyền đến tai ông và ông bức bách gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh xin thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục để làm công tác chuyên môn đơn thuần.

Vào thời gian ấy ông gửi đơn tham gia Đoàn luật sư. Ngay lập tức Hồ Chủ tịch đã gặp ông, ân cần giải thích và khuyên ông cứ tiếp tục công việc rằng: “Chú làm việc rất tốt, điều đó chứng tỏ không phải cứ ai là Đảng viên mới làm việc hiệu quả, vì vậy Bác khuyên chú cứ tiếp tục giữ trọng trách mà chính phủ giao. Đây cũng là chú làm việc vì dân, vì nước”. Người nhấn mạnh: “Không cốt là Đảng viên Cộng sản hay không Đảng, mà cốt là làm việc có tốt hay kém, có hiệu quả hay không hiệu quả, điều đó mới là quan trọng”.

Sau đó, Hồ Chủ tịch đã cho gọi một số Đảng viên lãnh đạo của ngành giáo dục lên gặp Người để nhắc nhở, phê bình họ về một bài học vỡ lòng của những người Cộng sản: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng viên chỉ là số ít. Người ngoài Đảng thì hàng triệu, hàng chục triệu, đoàn kết với nhau mới là đưa Cách mạng đến thắng lợi”.

Có lẽ như vậy mà sau này khi họp Đảng Đoàn, Đảng ủy, Chi bộ các tổ chức này đều mời Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên dự với tư cách là khách mời, có quyền tham gia góp ý kiến như Đảng viên nhưng không phải đóng đảng phí và không được quyền biểu quyết. Người giải thích: “Để Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn ở trong Đảng”. Ý đồ chiến lược đó của Bác và của Bộ Chính trị được truyền đạt đến cán bộ Đảng viên thuộc Đảng Đoàn Đảng ủy Bộ Giáo dục và cũng từ đấy con cái của vị Bộ trưởng không Đảng mới lần lượt được giới thiệu vào Đảng.

GS, TS Nguyễn Văn Huyên có một tình yêu và lòng biết ơn đặc biệt với Bác bởi ông hiểu rõ sự tin cậy và tấm lòng yêu thương ông của Hồ Chủ tịch. Ông đã toàn tâm toàn ý tất cả vì sự nghiệp giáo dục của đất nước. Ông liên tục được tín nhiệm bầu là Đại biểu Quốc hội nước Việt Nam các khóa: II, III, IV, V, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Đảng và Nhà nước ta tặng Huân Chương Độc lập hạng Nhất và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và mãi mãi được giới chuyên môn và nhân dân tôn vinh GS, TS Nguyễn Văn Huyên là Nhà Sử học, Nhà dân tộc học, Nhà Giáo dục học, Nhà Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Văn Huyên, ông mãi mãi là Nhà Bác học với Văn hóa Việt Nam.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất