Tin giả về lũ lụt miền Trung: Thiên tai chưa qua, 'nhân họa' đã tới

Giữa lúc cả nước chung tay chia sẻ thiệt hại, đau thương cùng đồng bào miền Trung, thì có không ít người lợi dụng lòng trắc ẩn và sự quan tâm của cộng đồng để tung tin thất thiệt.

Trong khi miền Trung đang hứng chịu bão chồng bão, lũ chồng lũ, thì trong thế giới ảo, cơn bão tin giả cũng đang hoành hành, chưa có dấu hiệu lắng xuống.

Giữa lúc cả nước chung tay chia sẻ thiệt hại, đau thương cùng đồng bào miền Trung, mạng xã hội trở thành phương tiện hữu hiệu để các cá nhân, tổ chức huy động sức mạnh cộng đồng; thì lại có những người lợi dụng lòng trắc ẩn và sự quan tâm của cộng đồng đối với tình hình lũ lụt để tung tin thất thiệt. Có những thông tin chỉ nhằm mục đích câu like, câu view nhưng cũng có những lời kêu gọi ủng hộ, cứu trợ bằng tiền, có dấu hiệu lừa đảo.

Và, ngay cả trong trường hợp các tài khoản Facebook chia sẻ thông tin chỉ để câu like thì việc đưa thông tin sai lệch cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu trợ.

Bùng phát tin giả về bão lũ

Trong những ngày qua, trên mạng Facebook, thông tin siêu bão cấp 17 sẽ đổ bộ vào miền Trung được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, khiến người dân rất hoang mang. Ngay lập tức, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đã đưa ra thông báo khẳng định đây là tin giả.

Một hình ảnh khác gây chấn động Facebook thu hút hàng chục nghìn lượt chia sẻ là hình ảnh một phụ nữ đang ôm con dưới lớp bùn đất. Đi kèm theo đó là câu chuyện về một gia đình bị chôn vùi do sạt lở đất ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và đội cứu hộ sau đó tìm thấy người mẹ vẫn đang ôm con với tư thế che chở. Qua kiểm chứng, đây là ảnh chụp bức tượng tạc hai mẹ con được phát hiện sau vụ động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc vào năm 2008.

Hàng loạt thông tin giả khác đã xuất hiện tràn lan trong đó có những kẻ giả danh tài khoản Facebook của những người nổi tiếng để kêu gọi cứu trợ người dân vùng lũ với mục đích nhằm trục lợi cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nổi bật là vụ tài khoản Facebook của ca sỹ Thủy Tiên bị giả mạo để kêu gọi chuyển tiền ủng hộ.

Tin giả về lũ lụt miền Trung: Thiên tai chưa qua, 'nhân họa' đã tới - 1 Bùi Xuân Huấn (Huấn Hoa Hồng) mới bị xử phạt hành chính vì tung tin giả. (Ảnh: CA)

Mới đây, tài khoản Facebook Huấn Hoa Hồng (Bùi Xuân Huấn) cũng bị VTV24 phát hiện đăng tin giả. Cụ thể, tài khoản này đăng một bản tin video cắt ghép từ chương trình thời sự của VTV24 về việc các nghệ sĩ làm từ thiện tại miền Trung. Trong đó, hình ảnh ca sỹ Mỹ Tâm trao quà cho một người dân được thay bằng ảnh của Bùi Xuân Huấn. Hiện video này đã bị gỡ bỏ.

Trong những ngày gần đây, Bùi Xuân Huấn thường xuyên livestream cảnh đi phát mỳ tôm ở Quảng Bình, Quảng Trị, đồng thời kêu gọi mọi người chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để hỗ trợ đồng bào miền Trung. Ngày 24/10, đối tượng này công khai đã nhận được hơn 150 triệu đồng.

Huấn Hoa Hồng được biết đến vào khoảng năm 2015 trên mạng xã hội và đang có 1.3 triệu người theo dõi. Đầu tháng 7 năm nay, Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội xử phạt Bùi Xuân Huấn 17,5 triệu đồng hành vi bán hai "cuốn sách" do Huấn tự biên soạn, không hề có quyết định xuất bản của đơn vị có thẩm quyền. Tháng 8, Bùi Xuân Huấn tiếp tục bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng do đưa thông tin sai sự thật.

Giám đốc Trung tâm tin tức VTV24 Lê Quang Minh cho biết Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đang phối hợp với VTV24 để xử lý việc tài khoản Facebook Huấn Hoa Hồng đăng video cắt ghép nói trên.

Theo ông Lê Quang Minh, đã có nhiều trường hợp bịa đặt nội dung, mạo danh Trung tâm tin tức VTV24 cũng như các cơ quan khác của Đài Truyền hình Việt Nam với mục đích đánh bóng tên tuổi và cả mục đích thương mại. Nhưng liên quan chuyện từ thiện với đồng bào đang gặp lũ lụt ở miền Trung, VTV24 đánh giá mức độ ảnh hưởng đến uy tín của kênh truyền hình này là tương đối rộng rãi nên ngoài việc lên tiếng vạch trần sự giả mạo trên công luận thì VTV24 quyết phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, xử lý nghiêm.

Phải xử phạt mạnh

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết ông cũng đang rất quan tâm đến việc một số cá nhân lợi dụng tình hình thiên tai, lũ lụt để lan truyền tin giả.

“Việc đưa tin sai sự thật, đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội khi tình hình bão lũ đang diễn ra phức tạp là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý mạnh tay theo đúng quy định của pháp luật,” ông nói.

Ông cho rằng trường hợp Huấn Hoa Hồng giả mạo VTV chỉ để trở nên nổi tiếng hơn mà chưa có hành vi chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Trường hợp hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 7 năm, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

“Nếu có căn cứ cho thấy đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là số tiền từ thiện của các nạn nhân thì đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.' Việc đối tượng lợi dụng tình hình thiên tai lũ lụt để chiếm đoạt tài sản sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cụ thể là phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân,” ông Tuấn cho biết.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo người sử dụng mạng xã hội cần kiểm chứng nguồn thông tin. Nếu nó đến từ người lạ hoặc một trang tin tổng hợp không rõ nguồn gốc, người dùng mạng xã hội cần phải cảnh giác trước khi chia sẻ.

“Đối với mạng xã hội, những fanpage chính thống của cơ quan, báo chí, tổ chức thường có dấu tích xanh để xác thực. Người dùng mạng xã hội cần quan sát và phân biệt rõ các fanpage chính thống và giả mạo để tránh chia sẻ nhầm các thông tin sai sự thật,” ông nói.

Tin giả về lũ lụt miền Trung: Thiên tai chưa qua, 'nhân họa' đã tới - 2 Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc hãng Luật TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). (Ảnh: NVCC)

Người dùng cũng cần kiểm tra kỹ nội dung để xác định đây là thông tin thật hay giả. Tin giả thường hay bị sai chính tải, bố cục lộn xộn, hình ảnh, video thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung ngày tháng... Người dùng mạng xã hội nên tìm các tin, bài viết trên các trang báo chính thống, có nội dung tương tự để đối chiếu.

Hiện tại, Việt Nam có 60 triệu tài khoản Facebook cùng rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác. Đây có thể coi là kênh thông tin đa dạng, tiện lợi và có sức lan tỏa rất lớn. Tuy nhiên không phải tất cả mọi thứ đều thật sự hữu ích và đúng sự thật. Do đó, trước khi bấm nút chia sẻ, người dùng cần phải lựa chọn thông tin, nguồn từ các trang uy tín.

Trong trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dùng mạng xã hội cần báo ngay cho các cơ quan chức năng như Cục An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời báo cáo với đội ngũ kiểm duyệt của Facebook để xử lý kịp thời, tránh thông tin sai sự thật được chia sẻ rộng rãi bởi những người dùng khác.

Một lần nữa, làn sóng tin giả lại trỗi dậy, gây nhức nhối dư luận. Và, dù với bất cứ mục đích gì, việc đưa những thông tin giả mạo về thiên tai và mất mát của người dân miền Trung là rất đáng lên án./.

Theo Truyền hình Thông tấn  None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ; Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024”.