Từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Thăng Long (Hà Nội)

(Arttimes) - Ngay từ thế kỷ thứ X, ở Hoa Lư, nay là tỉnh Ninh Bình đã có làng gốm Bồ Bát, hiện nay là thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Hoa Lư. Đây là vùng đất có loại đất sét trắng rất quý dùng để sản xuất các sản phẩm gốm.

Thời đó làng gốm gọi là làng Bồ Bát. Họ đã sáng tạo ra những sản phẩm gốm phục vụ cho việc xây dựng Kinh đô Hoa Lư từ năm 968, nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Những người thợ tài hoa của làng Bồ Bát đã sáng tạo ra những sản phẩm như: Gạch đất nung “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên”, đầu rồng, mặt linh thú, bát, đĩa, hũ, vại...

Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, hàng loạt các nghệ nhân thuộc làng gốm Bồ Bát đã theo triều đình về Thăng Long để góp phần xây dựng Kinh thành Thăng Long. Họ đã định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên một làng, tên là làng gốm Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng được duy trì sản xuất, tồn tại đến ngày nay. Điều đó thể hiện từ thế kỷ thứ X từ làng gốm Bồ Bát tại Ninh Bình mới có làng gốm Bát Tràng ở Thăng Long. Đó là sự gắn bó, nối tiếp giữa Hoa Lư và Thăng Long từ thế kỷ thứ XI. Không chỉ gắn bó, nối tiếp giữa Hoa Lư và Thăng Long về nghề gốm, thế kỷ thứ XI còn gắn bó giữa Hoa Lư và Thăng Long khi vua Lý Thái Tổ xây dựng Kinh thành Thăng Long. Ngày Tân Hợi, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1010), Lý Công Uẩn lên ngôi vua ở Kinh đô Hoa Lư (xã Trường yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), đã ghi nhận sự ra đời của một vương triều mới: Nhà Lý.

Đến mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1910), vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Để tưởng nhớ đến Kinh đô Hoa Lư nơi Lý Thái Tổ đã ở và lên ngôi vua, Lý Thái Tổ lấy tên một số cầu, chùa, đường phố ở Kinh đô Hoa Lư đặt tên cho một số khu vực ở Kinh thành Thăng Long thời ấy như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, chùa Một Cột... Đó cũng là sự gắn bó, tiếp nối giữa Hoa Lư (Ninh Bình) với Thăng Long (Hà Nội) ở thế kỷ thứ XI của triều Lý. Sang thời Trần, vua Trần Thái Tông là người khai lập ra vương triều nhà Trần, sau khi đã lãnh đạo quân dân nhà Trần, chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất vào cuối năm 1257, đến năm 1258, vừa tròn 40 tuổi, nhường ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng, về vùng núi Vũ Lâm tu hành, dựng Hành cung Vũ Lâm, nay là thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Hành cung Vũ Lâm sau đó mở rộng trên 4 xã ngày nay ở huyện Hoa Lư là Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Vân, Ninh Xuân. Ngài về đây tu hành, nhưng vẫn chỉ đạo vua Trần Thánh Tông điều hành đất nước, đồng thời củng cố lực lượng, cho luyện tập quân sự, tích lũy lương thảo, xây dựng Hành cung Vũ Lâm là một hậu cứ vững mạnh để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai.

Từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Thăng Long (Hà Nội) - 1 Vua Lý Thái Tổ - người quyết định rời đô từ Hoa Lư tới Đại La 

Kết quả là năm Ất Dậu (1285), Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân ta từ Thanh Hóa tiến đến phủ Trường Yên (Ninh Bình) đánh quân Nguyên - Mông ở Ninh Bình. Sách “Đại việt sử ký toàn thư” ghi: “Tháng 5, ngày mồng 3, hai vua (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) đánh bại giặc ở phủ Trường Yên (Ninh Bình) chém đầu cắt tai giặc nhiều không kể xiết”. Như thế, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2  (1285), vùng đất Hoa Lư (Ninh Bình) đã góp phần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Đó cũng là sự đóng góp nối tiếp giữa Thăng Long và Hoa Lư. Đến thời Lê, ba vị tướng Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ thấy vua Lê Uy Mục (1505 - 1509) thất đức, tàn bạo, dâm ô đã dấy nghĩa binh để khôi phục cơ nghiệp nhà Lê, đem quân từ Thượng Đạo đi qua làng Láo, nay thuộc xã Văn Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, thấy trên núi có đền, một tảng đá dựng đứng có chữ đề “Cao Sơn Đại Vương”, liền vào đền cầu khấn Thần, phù hộ giúp hoàn thành việc lớn. Ba vị tướng khấn xong bèn chỉnh đốn đội ngũ kéo quân ra Thăng Long chỉ trong có 10 ngày đã lật đổ được vua Lê Uy Mục. Sau đó, vua Lê Tương Dực (1509 - 1516) lên ngôi đã cho xây dựng lại đền Cao Sơn Đại Vương ở làng Láo, xã Văn Phú, huyện Nho Quan. Đến năm Hồng Thuận thứ hai (1510) vua Lê Tương Dực cho dựng bia đá ở đến Cao Sơn, bia cao 2,3m, rộng 1,5m, dày 0,22m, 2 mặt, có 47 dòng, khoảng 1000 chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao của Thần Cao Sơn. Tấm bia này chỉ tồn tại ở Ninh Bình khoảng 100 năm. Đến năm Hoằng Định đời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) Nhà vua chuyển tấm bia này về bến Bồ Đề (nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội), sau đó lại đưa lên dựng ở đền Cao Sơn, tại phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội vào năm Cảnh Hưng thứ 33, năm Nhâm Thìn (1772) đời vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Hiện nay, tấm bia đó, sau trên 230 năm được dựng ở đền Cao Sơn tại Thăng Long vẫn còn, là một trong Tứ trấn của Kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Nam Kinh thành. Phải chăng, đây là vật chứng quan trọng thể hiện sự gắn bó, tiếp nối giữa Hoa Lư và Thăng Long.

Đến nhà Tây Sơn, ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 tháng 01 năm 1789), Hoàng đế Quang Trung khi kéo quân ra Bắc lần thứ hai đã hội đại binh ở đèo Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Ngày 30 tháng chạp, trước khi xuất phát ra Thăng Long, vua Quang Trung mở tiệc khao quân ở đèo Tam Điệp và tuyên bố trước ba quân: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến sang xuân, ngày 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta xem có đúng thế không?” (Sử quán triều Nguyễn). Sự việc diễn biến đúng như vua Quang Trung nói: Chỉ trong năm ngày, vua Quang đã đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn chiến thắng lớn ở Đống Đa, Thăng Long. Như thế đèo Tam Điệp ở Ninh Bình đã đóng góp vào chiến công của vua Quang Trung. Đây cũng là sự gắn bó giữa Ninh Bình và Thăng Long. Tóm lại, ngay từ thế kỷ thứ X ở tỉnh Ninh Bình đã có làng Bồ Bát làm nghề gồm để góp phần xây dựng Kinh đô Hoa Lư, sang thế kỷ thứ XI, rồi XIII, đến thời Lê và nhà Tây Sơn, tỉnh Ninh Bình đều gắn bó, tiếp nối với Thăng Long (Hà Nội) để tạo nên mối liên kết vững bền Hoa Lư - Thăng Long. Sự gắn bó, nối tiếp này vẫn tồn tại và ngày nay càng khăng khít hơn khi Ninh Bình chỉ cách Hà Nội có hơn 100 km, việc trao đổi Văn hóa, Du lịch, Lịch sử và Kinh tế đang được phát triển mạnh. Người dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước đều nhớ đến vua Đinh Tiên Hoàng đã lập nên nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, xây dựng kinh đô ở Hoa Lư để có Thăng Long (Hà Nội) ngày nay.

Lã Đăng Bật  None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những sóng gió vùi dập HAGL và hy vọng “hồi sinh” của bầu Đức

Những sóng gió vùi dập HAGL và hy vọng “hồi sinh” của bầu Đức

Từng là doanh nghiệp BĐS đầu ngành, những quyết định sai lầm trong kinh doanh khiến HAGL trải qua hơn một thập kỷ sóng gió, nhiều thời điểm đối diện nguy cơ phá sản khi tổng nợ lên tới gần 33.000 tỷ đồng. Nhưng sau chục năm chìm trong nợ nần, HAGL của bầu Đức đang dần “hồi sinh” với hướng đi mới.

3 con giáp hớp hồn thiên hạ, quyến rũ bất chấp tuổi tác

3 con giáp hớp hồn thiên hạ, quyến rũ bất chấp tuổi tác

Theo tử vi, những người thuộc 3 con giáp này thường thể hiện sự thu hút và quyến rũ mạnh mẽ trong tình yêu và các mối quan hệ. Hành vi của họ đôi khi có thể gây tranh cãi, nhưng sự quyến rũ và tầm ảnh hưởng của họ là điều không thể phủ nhận.