Người phụ nữ quyết định dành trọn đời mình để cưu mang trẻ điếc

Câu chuyện trên tưởng chừng chỉ có thể xuất hiện trên màn ảnh nhỏ nhưng đó lại là điều thực tế, là câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều bậc làm cha, làm mẹ khác yêu thương lấy đứa trẻ mình đã sinh ra.

Đến thăm “Lớp học của trẻ Điếc” vào một ngày tháng 6, tôi có cơ hội gặp gỡ cô Tống Thị Nga - người thành lập và đồng hành với cơ sở từ những ngày đầu tiên. Từ hành trình trải nghiệm đáng quý ấy, tôi càng hiểu thêm về những khó khăn khi tiếp cận giáo dục của trẻ điếc và lý do cao cả giúp cô bén duyên với công việc ý nghĩa này. Trong ngôi nhà nhỏ ấm áp tình người, các căn phòng được cải tạo, sắp xếp lại để trông giống với một lớp học hơn. Có lẽ, chính bởi vậy, tôi luôn có cảm giác quen thuộc.

"Ngôi nhà" nằm gọn, khép mình trong một góc nhỏ của thành phố. Nơi mà cô Nga đã dành biết bao tâm huyết, tuổi trẻ để gây dựng và chứng kiến nhiều lớp trẻ điếc khôn lớn, trưởng thành. Được cô dẫn vào lớp học, ngắm các em nhỏ say sưa với con chữ, lòng tôi đã nghẹn lại bởi những cảm xúc không lời mãnh liệt trào dâng.

Người phụ nữ quyết định dành trọn đời mình để cưu mang trẻ điếc - 1

“Lớp học của trẻ Điếc” của cô Tống Thị Nga

Trong không gian nhỏ hẹp, khoảng chừng 30 mét vuông, các em lặng lẽ ký hiệu bằng cơ thể và thầy cô cũng đang ân cần chỉ dạy bằng thứ “ngôn ngữ không lời” ít ai hiểu được. Tôi tự hỏi rằng: “Liệu ông trời có đang đối xử bất công với các em?” và “Liệu tôi có phải là người may mắn nhất cuộc đời?”. Những dòng suy tư ấy cứ vương vấn mãi trong đầu, cho đến khi tôi giật mình nhận ra quang cảnh xung quanh yên ắng đến lạ. Giữa thành phố tấp nập, lớp học của những thiên thần nhỏ bị mất đi thính lực lại khiến một người năng động như tôi phải lặng người suy ngẫm.

Di chuyển lần lượt qua các tầng của căn nhà, tôi thấy những lớp học nhỏ bé dần hiện ra trước mắt. Từng tầng, tôi bắt gặp những ánh mắt ngây thơ nhưng chất chứa biết bao khát khao mãnh liệt từ các cậu bé, cô bé có tài năng nhưng chưa được cung cấp đủ tri thức để thực hiện ước mơ giúp đỡ cộng đồng của mình. Ôi chao! Cái sự chua xót cứ cuồn cuộn trong tâm hồn tôi ngày một nhiều. Tại sao đã là ngày 1/6 mà các em vẫn phải tới trường? Tại sao lớp học ngay kề bên đã cửa đóng then cài tự bao giờ, nhưng tuyệt nhiên các em vẫn đang còn học, vẫn ngoan ngoãn ngồi “lắng nghe” những âm thanh tri thức mà thầy cô cố gắng truyền đạt.

Gửi những thắc mắc này tới cô Nga, cô từ tốn trả lời chúng tôi với chất giọng đầy tâm tư và trầm ấm: “Các em là trẻ điếc. Vì thế, so với các bạn nhỏ bình thường khác, thời gian học để có thể tiếp thu kiến thức của các em sẽ phải dài hơn. Do vậy hiện tại, các em vẫn đang nỗ lực để hoàn tất chương trình dù kì nghỉ hè phải chậm trễ”.

Trong tiết trời Thủ đô mùa hạ nóng bức đến ngột ngạt, tôi cảm tưởng trái tim mình như bị bóp nghẹt đến mức nghẹn ngào. Cảm giác ấy sinh ra, không phải vì sự vất vả khi đã di chuyển một chặng đường dài. Cảm giác ấy là kết quả của chính những câu chuyện quá “đời” đã lay động và im dấu đậm sâu vào tâm trí. Cô Nga cũng có con là trẻ điếc. Cô chia sẻ rằng: "Chính vì hoàn cảnh của cá nhân, cô thấu hiểu nỗi lòng của những bậc cha mẹ không may có con mang khiếm khuyết." Có lẽ, chính sự cảm thông đã khiến người phụ nữ mạnh mẽ quyết tâm theo đuổi và thực hiện ước mơ “xây trường” cho trẻ điếc.

Người phụ nữ quyết định dành trọn đời mình để cưu mang trẻ điếc - 2

Trên vai trò là người thầy, người mẹ, cô luôn đau đáu về những giấc mơ nhỏ bé, đang hiển hiện trong ánh mắt trong veo của những đứa trẻ kém may mắn nơi đây.

Trên vai trò là người thầy, người mẹ, cô luôn đau đáu về những giấc mơ nhỏ bé, đang hiển hiện trong ánh mắt trong veo của những đứa trẻ kém may mắn nơi đây. Vòng qua vòng lại ngoài hành lang lớp học, gọi hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác, cô nỗ lực liên hệ nhiều tổ chức, cá nhân với mong muốn trẻ điếc được xã hội quan tâm giúp đỡ nhiều hơn. Mặc cho những lời thỉnh cầu chân thành chỉ nhận lại sự thờ ơ, hứa hẹn chuyện "sau này", cô vẫn kiên trì và không bỏ cuộc.

Có lẽ, ẩn sau giọng điệu khép nép nhún nhường ấy, “người mẹ” đặc biệt này chỉ muốn bảo vệ vẹn tròn quyền lợi của những “đứa con thơ” vô tội. Tôi đứng từ xa nhìn mắt cô dần ngấn lệ. Rồi cô dần đưa tầm mắt đượm buồn vào các lớp học nhỏ như muốn nói lời xin lỗi vì lực bất tòng tâm.

Trước đó cô cũng dặn dò tôi: "cô xin lỗi em vì hôm nay cô không được khoẻ để có thể hỗ trợ em hết mình". Những giây phút ấy, lòng tôi cũng “cay xè” đắng chát! Có thể vì tôi thương cho sự nỗ lực của cô, vì khát vọng của các trẻ em điếc được sống đúng nghĩa, không bị hắt hủi vào một góc khuất nào đó trong xã hội. Cũng có thể là khóc vì sự vô tâm của một bộ phận xã hội chưa thể cảm thông, thấu hiểu và còn thể hiện sự kỳ thị với trẻ điếc.

Người phụ nữ đáng kính nhưng cũng thật đáng thương khi luôn cố gắng giữ nụ cười lúc tôi đến thăm lớp học. Nhưng, dường như đâu đó trong ánh mắt đã hoen mờ kia, chính là những ước mong và trăn trở của một người cô tâm huyết: “Cô mong các em học sinh của mình có cơ hội tốt hơn trong học tập và có thể chắp cánh ước mơ cho nhiều mảnh đời bất hạnh trở thành hiện thực.”

Có cơ hội tham gia tổ chức buổi liên hoan cho các em nhỏ tại lớp học cùng cô Nga và các thầy cô người điếc khác đang giảng dạy tại đây. Tôi có cơ hội quan sát nhiều hơn về cô và các em. Từng gương mặt nhỏ xinh, từng ánh mắt yêu đời, mến người cứ ngóng chờ những bịch bánh, viên kẹo được phát tới.

Dường như, đây là lần đầu tiên tôi thấy cô cười - một nụ cười rạng rỡ, xinh đẹp và đầy tình yêu thương. Chắc chắn rằng, đây là khoảnh khắc cô vui và tự hào nhất khi nhìn những “đứa con” mình dốc lòng chăm sóc đang ngày một khôn lớn, chăm ngoan. Cũng trong bữa tiệc ấy, tôi có cơ hội được nhìn cách cô quan tâm và san sẻ với các em nhiều hơn. Chẳng cần dùng đến tiếng nói, cô dùng thanh âm từ trái tim để chạm đến các em và cũng vì thế mà buổi tiệc diễn ra lặng lẽ nhưng bầu không khí luôn tràn ngập niềm vui, sự háo hức.

Trong buổi tiệc “không âm thanh” ấy, tôi nhìn thấy các em không hề tranh giành những món quà vặt ngon mắt. Những đứa trẻ san sẻ với nhau, cùng cười đùa và giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ của riêng mình.

Những đứa trẻ kém may mắn nhưng nghị lực sống để trở thành người tốt trong xã hội chưa từng mai một. Bữa tiệc dần đông đủ cũng là lúc chúng tôi được giao tiếp để thấu hiểu các em nhiều hơn. Chỉ một câu hỏi rằng: “Ước mơ của các em là gì”, câu trả lời nhận lại khiến tôi và cô Nga đều dâng trào nước mắt.

Các em đồng loạt thay phiên nhau ký hiệu “Chúng em muốn đi học quanh năm”. Với tôi, “đi học” vốn là một quyền cơ bản, nhưng với các em tại lớp học trẻ điếc và trẻ em điếc khắp mọi miền Việt Nam thì đây lại là một ước mơ “xa xỉ”. Bởi lẽ, khi nhìn vào thực tế, điều kiện giáo dục của đối tượng trẻ này chưa được quan tâm và đảm bảo một cách trọn vẹn. Các em dường như rơi vào trạng thái thấp thỏm, bấp bênh. Chúng lo sợ có lẽ một ngày nào đó không xa, chúng sẽ chẳng còn cơ hội được cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Và chúng sẽ phải gánh tiếng đời thóa mạ là “gánh nặng xã hội” chỉ vì không đủ năng lực học vấn để được trao cơ hội cống hiến.

"Nếu như mỗi khi buồn chúng ta biểu hiện cảm xúc qua lời nói, âm thanh thì với trẻ điếc đó là những cái cau mày, nhăn mặt hay những cử chỉ xua tay vội vàng." - Cô Nga chia sẻ thêm. Dù không có nền tảng về ngôn ngữ ký hiệu từ trước, tôi vẫn có thể hiểu được sơ qua những gì các em muốn biểu đạt. Chắc có lẽ đây là “thần giao cách cảm” của trái tim.

Đồng hồ điểm 17 giờ, từng chiếc xe của các bậc phụ huynh nối đuôi nhau đến đón những thiên thần nhỏ xinh ấy về nhà. Trong phút chia tay quyến luyến, các em ra dấu vội cho chúng tôi những ký hiệu gì đó. Về sau, khi mở lại thước phim đã quay rồi hỏi lại cô Nga, tôi mới biết rằng: “Chúng em xin lỗi nếu có làm gì sai khiến anh chị buồn, lần sau anh chị lại ghé chơi với chúng em nhé”. Vậy là trong vài tiếng ngắn ngủi tôi đã nhận được tới hai lời xin lỗi. Phải chăng trước những khó khăn, áp lực đó, cô và các em đã luôn có trong mình những nỗi sợ, sợ mọi người kỳ thị, sợ mọi người sẽ bỏ rơi mình hay sao?

Đưa các em về với gia đình xong xuôi, người mẹ của 37 đứa trẻ đáng thương ấy lại quay trở vào “nhà”, di chuyển ra sân sau, nhóm lửa lên và nấu bữa ăn tối cho những đứa con thơ phải xa quê đi tìm con chữ. Cạnh ánh lửa bập bùng cháy sáng rực ấy, cô tâm sự: “Cô nấu cơm một ngày ba bữa cho các em xa quê lên đây học, cô thương các em lắm, có em quê ở Vĩnh phúc, Nam Định, Nghệ An.

Sau khi các em sống ở Hà Nội được bố mẹ đón về, cô sẽ nấu ăn cho các em học nội trú ở đây”. Cô tâm huyết đến từng món ăn, chỉ mong sao các em có sức học tập và vơi đi nỗi nhớ nhà. “Có em phải 2-3 tháng mới được về quê thăm gia đình một lần” - cô Nga tâm sự liền sau đó. Những điều phi thường mà người mẹ này đã và đang tạo ra quả thực khiến tôi xúc động vô cùng.

Thầy Phạm Anh Duy - giáo viên điếc tại cơ sở cũng chia sẻ: “Cô Nga là người tâm huyết và đặc biệt, cô luôn tìm mọi cách để duy trì hoạt động của lớp cho các con. Có cơ hội làm việc với cô Nga giúp thầy càng ngưỡng mộ cô hơn. Thầy mong rằng cô sẽ có sức khoẻ thật tốt để tiếp tục chèo lái con thuyền này.”

Người phụ nữ quyết định dành trọn đời mình để cưu mang trẻ điếc - 3

Gần nửa cuộc đời dành trọn tình yêu thương cho những đứa trẻ đáng thương, cũng là gần nửa cuộc đời cô Nga gánh chịu biết bao áp lực từ công việc đến cuộc sống.

Sau chuyến thăm, tôi cứ nhớ mãi về câu nói của cô trước khi rời lớp học: “Các em đăng bài để cho mọi người biết đến trẻ điếc nhiều hơn và giúp đỡ các em là cô mừng rồi”. Gần nửa cuộc đời dành trọn tình yêu thương cho những đứa trẻ đáng thương, cũng là gần nửa cuộc đời cô Nga gánh chịu biết bao áp lực từ công việc đến cuộc sống.

Nhưng con người cao cả trong thân hình nhỏ bé ấy chưa bao giờ nguôi hy vọng rằng: “Một ngày không xa trẻ em điếc sẽ có cơ hội phát triển bình đẳng như bao đứa trẻ khác”. Và người mẹ này sẽ không còn phải đau đáu đi tìm địa điểm học uy tín, đảm bảo chất lượng để gửi gắm con mình. Giống như lời hát mà cô vẫn ngân nga trong suốt buổi hôm ấy: “Có loài hoa nở trên đồng xanh, cũng có loài hoa khoe sắc trên cành. Mỗi loài hoa, mỗi sắc hương.”

Cô Tống Thị Nga - đồng sáng lập Lớp học trẻ điếc tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội:

- Từng làm việc tại Hội Phiên dịch Ngôn ngữ Ký hiệu Hà Nội / HASLI

- Vì có con bị khuyết tật nghe nói bẩm sinh nên cô đã dành thời gian học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với con, đồng thời sáng lập nên lớp học giúp đỡ cho các em nhỏ có những hoàn cảnh tương tự.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tìm kiếm tài năng Guitar toàn quốc

Tìm kiếm tài năng Guitar toàn quốc

Cuộc thi Festival guitar talent toàn quốc năm 2024 được Viện Phát triển giáo dục và văn hóa Việt Nam phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức nhằm tìm kiếm và phát triển tài năng âm nhạc Việt Nam diễn ra từ ngày 1/8 đến 27/10.