Bảo tồn và phát huy di sản kí ức Hà Nội qua khu tập thể cũ

Nhà ở là một trong những điều kiện tối thiểu của con người trong hành trình sống của mình. Hà Nội đang trong bước chuyển mình nhanh chóng cùng với công cuộc hiện đại hóa, đô thị hóa và vấn đề nhà ở cũng vì vậy mà cũng có những đổi thay. Hàng loạt những chung cư nhà cao tầng mọc lên, các khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều tích hợp các tiện ích đi kèm nhà ở đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân. Mặc dù vậy nhưng hiện nay, ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội, có một số khu nhà tập thể bằng gỗ vẫn còn tồn tại.

Dưới con mắt của chính quyền địa phương, cũng như các nhà quy hoạch thì đây là những khu nhà đã xuống cấp, có thể gây cháy nổ bất kì lúc nào, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân và cần xóa bỏ để có thể thay thế bằng công trình khác hiện đại hơn, tạo ra lợi nhuận kinh tế hơn. Tuy nhiên theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì khu nhà tập thể gỗ này hiện tồn từ thời bao cấp, là di sản kiến trúc, là di sản gắn với ký ức của người Hà Nội về một thời kì khó khăn nhưng đáng nhớ.

Bảo tồn và phát huy di sản kí ức Hà Nội qua khu tập thể cũ - 1

Một khu tập thể ở Hà Nội năm 1988. Ảnh sưu tầm

Nhà ở tập thể từng là biểu tượng không gian xã hội mới, một trang quan trọng trong lịch sử nhà ở của Việt Nam vào thế kỷ trước. Nhà tập thể không chỉ là nơi để ở mà nó là vật chất hóa một cách rõ nhất của chủ nghĩa tập thể, nơi cá nhân nhường chỗ cho cái chung, trong những không gian chung. Nghiên cứu trường hợp một khu nhà tập thể gỗ (Khu nhà gỗ tập thể số 1, phố Hàm Tử Quan, phường Chương Dương, Hà Nội) hiện còn tồn tại là minh chứng cho những lập luận trên.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì khu nhà tập thể gỗ này hiện tồn từ thời bao cấp, là di sản  kiến trúc, là di sản gắn với ký ức của người Hà Nội về một thời kì khó khăn nhưng đáng nhớ.

1. Khu nhà gỗ tập thể Hàm Tử Quan - lịch sử, số phận

Khu nhà gỗ tập thể số 1 Hàm Tử Quan hiện nay là khu nhà duy nhất còn sót lại trong số 19 khu tập thể bằng gỗ được xây dựng tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo tồn và phát huy di sản kí ức Hà Nội qua khu tập thể cũ - 2

Hành lang như manh áo vá chằng vá đụp khu tập thể phố Hàm Tử Quan - Ảnh Tuổi trẻ

Khu nhà này được xây dựng trong thời kì hoàng kim của các mô hình cư trú kế hoạch hóa đầu tiên diễn ra trong khoảng từ năm 1954 đến năm 1986. Chính sách lúc này là phát triển nhà ở bao cấp cho các cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước. Khu nhà gỗ số 1 Hàm Tử Quan thuộc khu tập thể Bờ Sông (do gần sông Hồng) dành các cán bộ viên chức Bộ giáo dục được xây trong thời gian từ 1954-1960. Theo Trịnh Duy Luân và Nguyễn Quang Vinh (1998) thì quá trình phân phối nhà ở thường kéo dài 27 tháng, đối tượng được phân phối theo hệ thống các tiêu chuẩn lựa chọn kéo dài và phức tạp.

Chính sách nhà ở của nhà nước trong thời kì kinh tế tập trung bao cấp với nguồn vốn  được lấy từ ngân sách nhà nước. Nhà ở được phân phối miễn phí đến các đối tượng thụhưởng khi mà các loại phí nhà ở bắt buộc không vượt quá 1% lương của họ. Nhà ở không được xem như một tài sản kinh tế mà là tài sản xã hội, là một loại phúc lợi xã hội gắn liền với việc làm của người công nhân viên chức. Nhà khu tập thể Bờ Sông dành cho cán bộ cấp trung bình.

Đặc điểm kiến trúc là nhà một tầng hoặc hai tầng. Những căn hộ một tầng thường được xây bằng gạch và lợp mái ngói, bố trí cạnh nhau thành dãy từ 8 đến 10 phòng, mỗi phòng có diện tích 10m2 đến 18m2  cho 1 gia đình hoặc vài cán bộ độc thân ở. Bếp và khu vệ sinh được bố trí riêng. Những khu nhà 2 tầng có lan can hành lang bằng gỗ, khung và sàn cũng bằng gỗ, tường làm bằng vữa phủ lên khung gỗ và tre, mái ngói. Nhiều nhà có bức vách ngăn bằng tre hoặc cót ép bìa cứng.

Như vậy khu nhà gỗ số 1 này thuộc giai đoạn đầu trong thời kì xây dựng các mô hình cư trú kế hoạch hóa. Đó là giai đoạn từ 1954-1960. Giai đoạn thứ hai từ 1960-1974 xuất hiện những khu tập thể từ 4 đến 5 tầng như khu tập thể dệt 8/3, khu Thọ Lão, Nguyễn Công Trứ và Kim Liên… với sự hỗ trợ kĩ thuật từ Bắc Triều Tiên. Giai đoạn từ 1975-1986 với những khu tập thể có dáng vẻ hiện đại hơn, độc lập hơn với những công trình phụ được khép kín như Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ, Bách Khoa, Thanh Xuân, Kim Giang…

Bảo tồn và phát huy di sản kí ức Hà Nội qua khu tập thể cũ - 3

 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Ảnh NSNA Đỗ Huân

Hiện nay là thời kì “hậu khu tập thể”, “hậu bao cấp” nên trong quá trình sản xuất nhà ở là “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Những khu nhà chung cư cao tầng, khu đô thị mới dần xuất hiện thay thế cho mô hình nhà tập thể cũ (Trần Minh Tùng: 2016).

Trở lại với bối cảnh các khu nhà gỗ ở Bờ Sông. Đến khoảng thập niên 1990, trên địa bàn có 2 nhà hư hỏng nặng phải xây lại. Năm 2003, UBND TP Hà Nội đề xuất thanh lý, bán lại cho các hộ dân có nhu cầu mua những khu nhà gỗ tập thể. Khi đó, những khu nhà này đã xuống cấp nặng khiến Thành phố phải thuê đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, đánh giá mức nguy hiểm.

Kết quả đánh giá những khu nhà này ở mức cực kỳ nguy hiểm, buộc phải phá dỡ. Đến năm 2006, UBND TP giải phóng được thêm 7 nhà, sau đó có 2 nhà bị cháy. Thành phố tiếp tục chỉ đạo thu hồi 7 nhà còn lại và chỉ còn khu tập thể đầu tiên là nhà gỗ 1A chưa thể thu hồi với diện tích khoảng 1.300m2, 2 tầng cùng 24 gian .Ông Nguyễn Đình Thắng - Tổ trưởng Tổ dân phố 13, phường Chương Dương nói rằng khu tập thể này như "bị lãng quên". Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hoàn Kiếm thì đúng là khu này nằm trong đề án phải thu hồi từ 20 năm trước để tái định cư cho dân vì quá nguy hiểm nhưng không hiểu vì lí do gì đến nay nó vẫn còn tồn tại.

2. Sinh hoạt của người dân khu tập thể nhà gỗ - Kí ức biểu đạt qua di sản

Nhà tập thể giai đoạn cũ có được coi là di sản hay không? Theo Martin Rama thì: “Ví dụ, để lọt vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO, một điểm văn hóa cần đáp ứng ít nhất một trong sáu tiêu chí. Đơn giản hơn một chút, địa điểm ấy nên: (I) đại diện cho một kiệt tác của thiên tài sáng tạo nhân loại, (II) quan trọng trong giới hạn về kiến trúc, công nghệ, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan, (III) là một chứng thực độc đáo về truyền thống văn hóa, (IV) là một ví dụ nổi bật về một kiểu tòa nhà, (V) là một ví dụ xuất chúng cho một khu định cư, hoặc (VI) được liên kết trực tiếp với các sự kiện trọng đại” (Martin Rama: 2018).

Bảo tồn và phát huy di sản kí ức Hà Nội qua khu tập thể cũ - 4

Martin Rama

Với một vài tiêu chí như vậy, các khu tập thể cũ có thể coi là di sản. Martin Rama từng là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (World Bank), là Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ông cũng là tác giả của cuốn sách đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 - cuốn Hà Nội một chốn rong chơi.

Lý do ông chọn các khu tập thể cũ làm đề tài cho dự án là bởi các công trình này có phong cách riêng của một thời kỳ lịch sử, gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Hà Nội. Những người từng sống tại nơi đây luôn nhớ về nơi mình đã gắn bó bằng nhiều tình cảm và ký ức.

Không chỉ Martin Rama, trước đó nhiều chuyên gia của Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã đề xuất các khu tập thể cũ tại Hà Nội công nhận là những công trình kiến trúc di sản của giai đoạn 1954-1986. Họ mong muốn, một số công trình tiêu biểu sẽ được chọn, tu bổ và phục hồi để gìn giữ trước khi các khu tập thể cũ được phá đi xây dựng lại.

Kí ức có thể được biểu đạt cụ thể thông qua nhiều hình thức như các sản phẩm văn hóa như phim ảnh, hội họa, âm nhạc, nghi lễ, kiến trúc và di sản văn hóa. Ở Việt Nam hiện nay, các hồi tưởng về quá khứ cũng trở thành chủ đề nổi bật. Như Hồ Tài Huệ Tâm có nhận xét trong cuốn sách do bà biên tập là “Đất nước của kí ức” (The country of memory) thì Việt Nam đang trải qua một cơn sốt tưởng niệm (commemorative fever).

Sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ trở nên quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. Hồi tưởng và diễn giải về quá khứ bên cạnh những đại tự sự (grandnarrative) tạo nên cố kết cộng đồng thì còn rất nhiều tiểu tự sự đến từ những kí ức của cá nhân, gia đình, nhóm xã hội và các tầng lớp khác. Những kí ức về khu tập thể cũ qua lăng kính của các cá nhân được phân tích dưới đây cho thấy phần nào lát cắt của Hà Nội xưa.

Trước đây, khu Hàm Tử Quan là xóm nghèo bên sông Hồng. Vì thế người ta thường gọi bằng cái tên dân dã là khu hay xóm Bờ Sông. Ông Trương Đình Hiếu, ở số nhà 34 phố Hàm Tử Quan, hào hứng khoe những bức ảnh chụp khu tập thể từ ngày mình còn trẻ. Gắn với nơi này từ thời tóc còn để chỏm, ông kể hồi đó ngày nào mình cũng leo lên đống tre xem dân quân dựng nhà.

Trước đây, mỗi khu nhà tập thể có một bếp tập thể. Về sau, người dân không còn dùng bếp tập thể nữa, cơ quan cho phép các hộ dùng khoảnh đất lưu không để làm thêm căn bếp. Nhà gỗ 1A có thêm những căn nhà nhỏ xíu mọc ra như chân rết. Dần dần, các hộ dân chuyển ra ở nhà "chân rết" và căn tập thể để làm kho chứa đồ, cho thuê... Như vậy, nhà tập thể còn cho thấy khả năng thích ứng và xoay xở của người Việt khi “biến tấu” những ngôi nhà nhằm đáp ứng nhu cầu của mình.

Trong ngôi nhà 2 tầng ở số 20 Hàm Tử Quan, bà Tường kể đất xây dựng nhà này là đất lưu không căn tập thể cũ. Nó giờ vừa là nơi ở của gia đình vừa là quán nước để bà có thêm đồng gạo, đồng rau qua ngày. Năm 1986, trận lụt lớn khiến nửa dưới của khu nhà bị ngấm nước. Gạch non, vữa "ba ta" (vữa chỉ có vôi và cát) mủn ra khiến vợ chồng bà Tường lại lần nữa dồn toàn bộ tài sản sửa lại. Rồi gia đình bà từ gian 12m2 vách ngăn cót ép khu tập thể dạt ra ngôi nhà xuất phát là cái bếp "chân rết" này...

Cô Thơm hiện là một trong số những người hiếm hoi còn sinh hoạt trong  khu nhà tập thể gỗ 2 tầng đầy nguy hiểm này. Nhiều người miêu tả đây là “vương quốc chuột” bởi khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Bố mẹ cô Thơm trước là cán bộ trong Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đầu năm 1960, dãy nhà gỗ 1A được Nhà nước phân về bộ để làm khu ở tập thể. Cô Thơm cũng là công chức bộ, đã nghỉ hưu và vẫn sống ở đây vì "quen mùi khói than". Gần cuối hành lang là một khoảnh nhỏ được quây bằng mấy mảnh thùng phuy để làm bếp của gia đình.

Vào những năm 1992, nhiều dãy nhà tập thể gỗ cùng nhiều nhà cấp 4 trên địa bàn phường Chương Dương được quy hoạch để xây dựng lại nhằm cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ. Tuy nhiên dãy nhà 1 cho đến nay vẫn còn tồn tại, mặc dù cư dân trong dãy nhà đó đã bỏ đi gần hết, chỉ còn lại gia đình cô Thơm. Trong căn hộ chỉ hơn 10m2, hai đứa trẻ là cháu nội cô chừng 5 tuổi đang nô đùa, nhảy huỳnh huỵch, sàn nhà rung lên bần bật.

Người sống lâu nhất khu tập thể này cũng không thể biết hết các cây cột gỗ đã bị mọt ăn rỗng. Có cây cột bọn chuột còn đào cả đường đi xuyên qua lõi. Không thể tháo dỡ, người ta "bó bột" bằng trét xi măng vào những lỗ bị chuột đục, quây chân cột bằng tấm tôn để tránh mưa và "bó" khung gỗ bằng những thanh sắt. Lâu ngày, những cây sắt đó chỉ còn gỉ màu nâu xỉn, từng lớp bong rơi như vảy khô của cây thông vỏ đỏ.

Đặc biệt, giữa sàn nhà tầng 2 và trần tầng 1 là nới trú ngụ của... chuột! Cô Thơm bảo mấy chục năm nay không ai bóc lớp gỗ ngăn cách giữa 2 tầng ra. Cứ đêm đêm, chuột nổi loạn, chạy rầm rập, kêu rít cả dãy tập thể. Các gia đình trước ở đây đã chuyển đi gần hết, chỉ còn một vài nhà trong đó có nhà cô do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên vẫn cứ bám trụ ở đây.

Trong kí ức của cô vẫn còn nhớ đến cảnh sinh hoạt quanh một cái bể nước được xây ở cuối dãy nhà này. Có lẽ hồi đó tình hình nước sạch khan hiếm, nên bể được xây dựng ở khu nhà nào, thì “vô hình chung” khu nhà đó có quyền và dân của khu khác đến thường bị “bắt nạt”. Vì là nhà tập thể, nên hầu như nhà nào cũng phải có thùng phuy để chứa nước.

Hàng ngày người dân phải đi xách nước về đổ vào đó để có nước dùng cho nhu cầu thiết yếu cho việc nấu cơm, vệ sinh cá nhân đơn giản. Còn có nhu cầu khác như giặt giũ, tắm rửa…v..v.. phải ra bể nước hoặc khu vệ sinh công cộng. Lũ trẻ con trong khu tập thể thì có thú vui mỗi kì nghỉ hè là hò nhau đi xách nước, hoặc khi đi học về, giúp mẹ bằng cách đi ra bể nước công cộng rửa rau. Bể nước tập thể là một không gian công cộng sinh động.

Tại đó, người ta có cơ hội giao tiếp với nhau, nói chuyện chính trị, chuyện bóng đá… và tất cả những câu chuyện liên quan đến đời sống.Những mâu thuẫn, xung đột xã hội về cái quyền được sử dụng nước cũng diễn ra tại đây mỗi mùa hè “khát nước”. Câu chuyện xếp hàng không chỉ ở trong cửa hàng mậu dịch thời tem phiếu mà còn sống động quanh bể nước. Xô chậu xếp hàng dài nối đuôi nhau cả vài trăm mét chờ tới lượt hứng nước đã là nỗi ám ảnh không thể nào quên của những người đã từng sống ở những dãy nhà tập thể.

Bảo tồn và phát huy di sản kí ức Hà Nội qua khu tập thể cũ - 5

Một khu tập thể tại Hà Nội.

Khu tập thể nhà gỗ số 1 nằm trong phường Chương Dương cũng như một số phường khác như Phúc Tân, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, An Dương v.v… là những phường nằm trong đê, luôn bị cảnh lũ lụt hàng năm do nước sông Hồng dâng cao. Với những người dân khu tập thể cũ nói riêng và những người dân vùng trong đê thì sẽ mãi không thể quên được mỗi mùa lụt. Mất điện, mất nước, nhà nào có điều kiện thì đi sơ tán, còn không thì ở lại và nhận sự cứu trợ từ bên ngoài. Người lớn thì sẽ rất vất vả trong việc đi xoay xở thức ăn, nước uống, còn trẻ con thì thích thú vì được thả thuyền giấy và được đi thuyền trên nước.

Những căn nhà gỗ tập thể với kết cấu 2 tầng, người ở tầng 1 sẽ chuyển hết đồ dùng cần thiết lên tầng 2. Mọi người giúp đỡ chia sẻ với nhau từng bữa ăn, giọt nước khan hiếm.Một số nhà còn di chuyển hết đồ đạc lên đê để sống tạm qua ngày.  Khi lũ lụt lên cao cũng khiến họ phải “ra đê mà ở” vì đê là chỗ cao nhất mà con nước chưa ngập tới và là chỗ trú ngụ an toàn của người dân. Con đê, đó  là một không gian công cộng vô cùng thú vị của những người sống trong khu tập thể nhà gỗ khi mùa hè nóng nực gõ cửa.

Trẻ con, người lớn, người cầm quạt nan, người mang chõng, ghế, sang hơn nhà nào có người đi Liên Xô về thì mang giường bạt… tất cả lên bờ đê hưởng không khí mát mẻ bởi lúc đó, chỉ có bờ đê là nơi thoáng nhất, mát nhất. Buổi chiều về, con đê cũng là sân chơi công cộng cho lũ trẻ con thả diều, đá bóng, nhảy dây….

“Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về...” là lời bài hát Nhớ về Hà Nội quá đỗi thân quen của nhạc sĩ Hoàng Hiệp mà người Hà Nội và bất kỳ ai chỉ một lần qua thành phố này cũng thuộc nằm lòng. Với chủ trương của Chính phủ, thì con đê mềm đó đã được “bê tông hóa” trong vòng một vài năm cho đến 1998 thì hoàn thành. Hiện nay con đê “bê tông” đó đã được trang trí bởi gốm sứ và trở thành “con đường gốm sứ” từ dự án 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Con đê ở Hà Nội đã trở thành kí ức….

Nhà ở tập thể như đã trình bày, đó không chỉ là nơi để ở mà nó là vật chất hóa một cách rõ nhất của chủ nghĩa tập thể, nơi cá nhân nhường chỗ cho cái chung, trong những không gian chung. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể là những giá trị văn hóa lớn đã định hình trong các nền văn hóa khác nhau, là một phần của văn hóa dân tộc.

Geert Hofstede viết: “Phần lớn con người trên thế giới sống trong các xã hội trong đó quyền lợi của nhóm vượt lên trên quyền lợi cá nhân. Chúng ta sẽ gọi những xã hội đó là xã hội tập thể… Từ chủ nghĩa tập thể này ở đây không có sắc thái chính trị, nó không chỉ quyền lực của nhà nước đối với cá nhân mà chỉ quyền lực của nhóm” (Geert Hofstede: 2015).

Kết luận và bàn luận

Thành phố Hà Nội đã chủ trương thu hồi nhà tập thể 1A và các nhà trong khuôn viên nhà gỗ, tuy nhiên thì đến nay khu nhà gỗ này vẫn tồn tại. Ban cán sự tổ dân phố cho rằng, cái khó là nếu chỉ thu hồi căn nhà gỗ thì đất hẹp quá, lại bị "bao vây" bởi nhiều nhà dân. Còn thu hồi cả khuôn viên thì hơn 80 hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng. Có lẽ vấn đề đền bù đất đai là một trong những nguyên nhân chính yếu. Tuy nhiên thì khu nhà  tập thể gỗ đó  là một biểu tượng về di sản văn hóa nhà ở một thời đáng được nghiên cứu trước khi mà cả “vật chứng” và “nhân chứng” có thể không còn hiện hữu bởi sự khắc nghiệt của thời gian.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, trước đây đã có nhiều nghiên cứu về kiến trúc truyền thống hay kiến trúc Pháp, kiến trúc hiện đại nhưng thiếu hẳn nghiên cứu về kiến trúc giai đoạn 1954-1986 là giai đoạn phát triển từ đô thị tiêu dùng, đô thị thuộc địa sang đô thị xã hội chủ nghĩa; là thời kỳ Nhà nước bao cấp xây dựng, cũng là thời kỳ có nhiều công trình do các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ thiết kế cùng với đội ngũ kiến trúc sư trong nước đã tạo được dấu ấn đặc thù cho nền kiến trúc Việt Nam. Thậm chí, nhiều công trình còn vượt khỏi giá trị về mặt vật chất, khẳng định giá trị tinh thần là ước mơ, là sự phấn đấu, là niềm kiêu hãnh của một thế hệ.

Bảo tồn và phát huy di sản kí ức Hà Nội qua khu tập thể cũ - 6

KTS Đào Ngọc Nghiêm

Ngày nay, cùng với thời gian, các công trình này đang đứng trước sự lựa chọn và thách thức là được cải tạo, hoàn thiện hoặc phá bỏ xây dựng mới.Việc lựa chọn giải pháp thường chủ yếu dựa trên yếu tố quy mô, sự xuống cấp, độ nguy hiểm, còn những yếu tố giá trị phi vật thể, giá trị văn hóa dường như không được xem xét. Do vậy, cần có quy chế bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản kiến trúc đối với những công trình tiêu biểu cho một thời kỳ phát triển của đất nước (Martin Rama: 2018).

Lê Việt Liên

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.