Kính chào một người lính, kính chào một người cha

(Arttimes) - Tên ông là Vũ Chiến Thắng, một người lính chân chính, một chiến sỹ quân tình nguyện quả cảm từ cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta.

Ông sinh năm 1928, tại phố Trường Thi, Hà Nội, nghĩa là trai Hà Thành chính cống. Thế rồi theo gia đình trôi nổi sang tận Thái Lan, rồi từ đây 20 tuổi chàng trai này tham gia bộ đội tình nguyện quân đi chiến đấu ở Lào, rồi về chiến đấu ở Việt Nam tham gia kháng chiến.

Kính chào một người lính, kính chào một người cha - 1

Ông Vũ Chiến Thắng ngày trẻ

Ông tâm sự về đường đời - đường binh ngũ của mình: “Kể từ khi còn nhỏ, tôi  là một học sinh học đến lớp nhị trên. Đến tuổi thanh niên, tôi tham gia đội ngũ giáo viên dạy học cho Kiều bào ta ở Thái Lan, vì trước đó tôi có được học Trường Thiếu sinh quân để về phụ trách thiếu nhi ở Thái Lan, rồi sau đó được học trường Giáo giới của Thái Lan để phụ trách dạy bậc tiểu học cho kiều bào ta ở Thái Lan. Sau thời gian này, tuổi 20, đáp lời kệu gọi của chính quyền kiều bào của ta ở Nakhon (Thái lan), tôi đã hăng hái lên đường tham gia quân tình nguyện sang chiến đấu ở mặt trận Lào, rồi về chiến đấu ở mặt trận Việt Nam”.Vâng, cuộc đời người lính của ông, như lời hát của chính con trai ông hằng hát rất tự hào về những người chiến sỹ: “Bao nhiêu năm trường trên đường cách mạng/ Anh vẫn đi đi mãi không ngừng/Như cánh chim trời không biết mỏi/ Mỗi bước đi biết mấy gian nan”.

Ngay từ năm đầu quân ngũ khi ở tiểu đoàn 2 phân khu 56 Trung Lào, người lính tình nguyện trẻ này đã được đơn vị tuyên dương và khen thưởng, rồi tiếp nối những chặng đường chiến đấu sau, ở đơn vị nào ông cũng được biểu dương, như ở Trung đoàn 44 Quân khu 4, Trung đoàn 359 Quân khu 4, vì thành tích “Luôn dũng cảm trong chiến đấu, tích cực trong công tác”.

Cho đến năm 1960, miền Bắc đã hòa bình, cũng là do sức khỏe ông bị bào mòn từ những chặng đường đánh giặc trước đây, ông được chuyển ra dân sự, về công tác tại nhà máy in của tỉnh Nghệ an, và cuộc đời từ đó gắn bó với thành phố Vinh (Nghệ An).

Đi đánh giặc chưa một lần yêu đã đành, cho đến lúc chuyển ngành tuổi cũng đã "tầm tầm", mới gặp được một cô gái làm xao xuyến trái tim ông, là chị Nguyễn Thị Lan, công nhân nhà máy thủy tinh trong tỉnh. Đến năm 1985, ông bà có con trai trưởng, không niềm vui gì bằng, và người cha - người lính mang tên “Chiến Thắng” ấy, đặt ngay tên con - cái tên ông ấp ủ bao năm đường chinh chiến “Nằm ngắm sao trời và mơ ước tương lai” là “Thắng Lợi - Vũ Thắng Lợi”. Cha Chiến Thắng, con Thắng Lợi, với người lính thật sự không hạnh phúc nào hơn…

Kính chào một người lính, kính chào một người cha - 2

Ông Vũ Chiến Thắng và con trai

Niềm hạnh phúc càng lớn lao hơn nữa, khi người con trai của ông, không chỉ mang hình hài, âm hưởng tên ông, mà còn kế tục bước đường chiến sỹ của ông, “Lớp cha trước, lớp con sau/ Trở thành đồng chí chung câu quân hành”. Con trai ông lên đường nhập ngũ, về học Trường Đại học Văn hóa Quân đội, tốt nghiệp xuất sắc, được giải thưởng hát quốc gia, tiếp tục về công tác tại Đoàn nghệ thuật Quân khu 2, của những người lính miền Tây Bắc, nhưng tiếng hát thì đã là của chung mọi người lính, của chung những người nghe cả nước, trong đó có vợ chồng ông. Con trai ông là một trong  những giọng hát hay nhất của quân đội hiện nay, một  giọng hát trong sáng, khỏe khoắn, rất kỹ thuật mà cũng rất có tình, nhất là khi anh hát những bài về Tổ quốc, Nhân dân một nắng hai sương, về những người lính “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/Cơn bão chưa tan trong tâm hồn biết bao người”.

Kính chào một người lính, kính chào một người cha - 3

Ca sĩ Thắng Lợi

Hôm nay,  người cha thân yêu của người nghệ sỹ ấy, người đồng đội thân yêu của người nghệ sỹ ấy, người lính già quả cảm của người nghệ sỹ ấy, đã như đám mây trắng bay đi, khi ông 93 tuổi.

Kính chào một người lính,

Kính chào một người cha!

None

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.