Nhà thơ, nhà báo Hải Đường Trọn đời cây thẳng bóng ngay

Bạn đọc cả nước biết đến Nguyễn Hải Đường (bút danh Hải Đường), trước hết với tư cách nhà báo, sau đó mới đến nhà thơ. Cả cuộc đời ông gắn bó với báo Nhân Dân, từng là Ủy viên Bộ Biên tập trước khi nghỉ hưu. Đối diện với ông, tự nhiên trong tôi xuất hiện câu hỏi: “Báo Nhân Dân chọn ông hay ông chọn báo Nhân Dân?”.

Nhà thơ, nhà báo Hải Đường Trọn đời cây thẳng bóng ngay - 1

Nhà báo Hải Đường

Tại vì, tiếp xúc với Hải Đường dễ nhận ra, ông là con người mực thước, khiêm cung. Người cao lớn, nhưng trên khuôn mặt ông thường trực nụ cười đôn hậu, vị tha. Anh em chúng tôi chẳng lạ gì nhau. Tôi từng là một cộng tác viên của báo Nhân Dân thời cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Hải Đường thường nói, ông đến với nghề báo là “duyên”.

Đầu những năm 80, ông làm ở báo “Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam”. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí (Khóa V) Trường Tuyên huấn Trung ương, năm 1983, ông được phân công về tạp chí Công tác đảng, công tác chính trị thuộc Văn phòng Tổng cục Chính trị. Sau đó, ông chuyển ngành, về công tác và gắn bó với báo Nhân Dân cho tới lúc được nghỉ chế độ năm 2016.

Về hưu đã lâu nhưng nhà báo Hải Đường vẫn tham gia đời sống báo chí; đặc biệt, quan tâm đến thế hệ nhà báo trẻ bằng những kinh nghiệm của mình. Cuối năm 2021, ông xuất bản tập sách “Cây ngay bóng thẳng”, (NXB Chính trị quốc gia Sự thật), tập hợp 60 bài bình luận ngắn với nhiều chủ đề mang tính thời sự, từ năm 2016 đến nay.  

Tên sách gợi nhớ đến câu thành ngữ Việt: “Cây thẳng bóng ngay, cây cong bóng vẹo”. Điều này, hẳn làm người đọc nghĩ ngay đến những vấn đề nghiêm ngắn.

Nhà báo, TS Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nói rằng: “Bình luận kén người viết. Trong gần 20 ngàn nhà báo cả nước, có cả ngàn người viết phóng sự hay, nhưng người viết bình luận được công chúng đọc nhiều và trụ lại được trong nghề, không đến hàng trăm”. Hải Đường, với tư cách nhà báo, từ lâu công chúng biết đến ông như một “thương hiệu” trong thể loại báo chí bình luận.

Trong “Cây ngay bóng thẳng”, bằng những luận điểm rõ ràng, thể hiện tư duy mới, sâu sắc, cập nhật, tính phản biện, tính chiến đấu, tính xây dựng và tính nhân văn của tác giả. Đọc cuốn sách này của ông, độc giả thấy thêm được nét tài hoa trong bút pháp bình luận, thái độ đúng đắn, tinh thần yêu nghề nơi ông.

Nghề báo được đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhất là phóng viên báo Đảng. Cho đến bây giờ, Hải Đường vẫn nhớ như in các kỷ niệm vui buồn nghề nghiệp. Ông kể, đáng nhớ nhất là lần được Bộ Biên tập báo “Nhân Dân” giao nhiệm vụ thực hiện bài phỏng vấn Tiến sĩ luật học, đại biểu Quốc hội Ngô Bá Thành (1931 – 2004) về đề tài dân chủ, nhân quyền.

Đây là đề tài, đến bây giờ vẫn “nhạy cảm”. Ban đầu ông dự định viết khoảng 2.000 từ, nhưng ông lại nghĩ, nếu chỉ vậy mới nói được một phần nội dung cuộc trò chuyện. Vì thế ông quyết định thay đổi cách thể hiện, với thể loại bút ký chính luận. Báo dự định đăng 2 kỳ với độ dài gần 7.000 từ.

Nhưng cuối cùng Bộ Biên tập đã quyết định đăng một kỳ trên trang nhất tiếp trang trong để thu hút sự chú ý của người đọc. Bài viết đã tạo được tiếng vang lúc bấy giờ, sau đó được mang lại cho ông Giải B Giải Báo chí quốc gia.

“Với tôi, muốn cho đỡ khó, đỡ “khô” thì phải có sự rung động, phải từ trái tim mà đến với trái tim. Nhà báo viết về xây dựng Đảng có những thuận lợi nhất định. Họ được tiếp cận nhanh các thông tin chính thống; tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo và những người có thẩm quyền, họ hầu hết là những người có trí tuệ, trưởng thành từ thực tiễn, sẽ cung cấp nhiều thông tin khái quát, chọn lọc, giúp nhà báo có thể đi “đường tắt” trong quá trình sáng tạo tác phẩm”, nhà báo Hải Đường chia sẻ.

“Bình luận thường khô khan, khó đọc nhưng văn phong bình luận ngắn của Hải Đường trong sáng, vừa gợi mở, sáng tạo, nhân bản”, TS.Trần Bá Dung, một chuyên gia đào tạo, trao đổi nghiệp vụ báo chí nói thêm, sau khi đọc “Cây thẳng bóng ngay” của Hải Đường.

Nhà thơ, nhà báo Hải Đường Trọn đời cây thẳng bóng ngay - 2

*

Trưởng thành từ một phóng viên, Hải Đường lần lượt được đề bạt làm Trưởng ban “Nhân dân cuối tuần”, rồi Ủy viên Bộ Biên tập, phụ trách nội dung 6 ban của báo “Nhân dân”. Công việc  nhiều nhưng Hải Đường vẫn đau đáu với thi ca. Ông sáng tác đều đặn và luôn có hướng tìm tòi đổi mới khuynh hướng sáng tác.

Đến nay, nhà thơ Hải Đường đã in 6 tập thơ. Có thể nói chừng bốn năm anh in một tập. Mới nhất là tập thơ “Lãng mạn 4.0” (NXB Hội Nhà văn, năm 2019). Thi pháp trong thơ Hải Đường định hình. Anh không chạy theo sự cầu kỳ trong tiến trình đổi mới mà hướng nội với độ hàm súc dồn nén.

“Lãng mạn 4.0”, ông viết khi nhà thơ đã về hưu. Nếu như tác phẩm báo chí “Cây thẳng bóng ngay” đầy ắp thế sự và kinh nghiệm nghề nghiệp thì “Lãng mạn 4.0” đầy ắp ưu tư. Không chỉ chuyện trong nước mà chuyện thế giới vẫn làm ông suy nghĩ.

Có thể kể ra đây “Cuộc họp báo lúc nửa đêm” nói về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội năm 2019 - từ nốt lặng này nói về quan hệ hai miền trên bán đảo Triều Tiên và dự báo; “Máu ở Las Vegas” ông viết về bạo lực ở Mỹ. Và dù là gặp “Người lính già bên quầy báo”, hay “Bạn mình ra tuyển tập”, hay “Gặp người đạp xích lô đi bỏ phiếu”... cũng chỉ là cái cớ để nhà thơ nói những câu chuyện ngoài thơ.

Người nào thì văn nấy, người xưa nói chả bao giờ sai. Thơ không giấu được ông. Đọc những bài thơ “rất người” của ông, không thể không thú vị. “Ngày đầu tiên nghỉ hưu” là một trong số đó. Hải Đường viết về ngày đầu tiên của mình, nhưng đó là cái cớ để ông giễu nhại một “hiện thực” khác, phải nhìn ra, nhìn rộng mới biết.

 Với hiện thực thứ nhất là cá nhân mình, Hải Đường rất khác: “Tiếng bước chân như lá/ Nhẹ rơi bên cầu thang/ Vợ ơi thương mến quá/ Tóc vấn cao dịu dàng!”. Khổ này Hải Đường mới viết cho riêng mình. Ông thường nói với tôi: “Anh em mình chẳng xuất chúng gì, nên chẳng bon chen gì; cứ hồn nhiên mà sống và sáng tác”.

“Lãng mạn 4.0” mà không hề lãng mạn. Ngồn ngộn sự đời, sự người; ngồn ngộn nhân sinh, nhân thế. Trong tập thơ này, có nhiều bài Hải Đường nói về chiến tranh và người lính thời hậu chiến. Người đã đi qua chiến tranh, không thể hết ám ảnh.

Hải Đường có những câu thơ hay, tài hoa, xuất thần trong những điều tưởng cũ. Hơn hết, thơ anh, đẫm chất thế sự. Trong “Lãng mạn 4.0”, người đọc còn gặp ở rất nhiều bài: “Hà Nội sáng mồng một Tết, So sánh, Ngụ ngôn, Những ô nề trên phố, Lời một bác sĩ nha khoa...”

Gần như nghề báo đã “vận” vào tâm hồn thi sĩ của Hải Đường, anh không thoát ra được khỏi cuộc sống. Thơ anh ngày càng thời cuộc hơn, thế sự hơn. Có thể nói thời cuộc, thế cuộc được thi ca hóa, qua tâm hồn thi sĩ nhà thơ Hải Đường mà thành các tác phẩm trong “Lãng mạn 4.0”.

Cách đây hơn 2 thế kỷ, Vissarion Grigor’evich Belinskij (1811 - 1848), nhà phê bình văn học, nhà chính luận, nhà dân chủ cách mạng, nhà triết học duy vật Nga từng đưa ra quan điểm: “Thơ trước hết là cuộc đời sau đó mới là nghệ thuật”. Điều này đúng trong mọi trường hợp, như trong “Lãng mạn 4.0” của nhà thơ Hải Đường.

Nhà thơ, nhà báo Hải Đường Trọn đời cây thẳng bóng ngay - 3

Nhà thơ, nhà báo Hải Đường là tấm gương của sự chung thủy, trung thành với lý tưởng sống, với nghề; trọn nghĩa, trọn tình  cả với báo chí  và thi ca./.

Ngô Đức Hành

Tin liên quan

Tin mới nhất