Chính sách xã hội với hai trụ cột lớn
Chính sách xã hội là hệ thống cơ chế, chính sách bao gồm chương trình, giải pháp của Đảng, Nhà nước bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội mang tính bao trùm, toàn diện nhằm góp phần đổi mới, phát triển đất nước phồn vinh và thể hiện tính ưu việt của chế độ. Chính sách xã hội có hai trụ cột lớn là Chính sách Người có công và Chính sách An sinh xã hội. Chính sách xã hội phù hợp sẽ là yếu tố tích cực phát huy mọi khả năng của con người và lấy phục vụ con người làm mục đích cao nhất theo quy định tại Điều 34 Hiến pháp năm 2013 “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, từng bước xây dựng để hoàn thiện thể chế “Nhà nước phúc lợi” trong tầm nhìn tương lai...
Hai trụ cột lớn của chính sách xã hội
Sau 37 năm đổi mới (1986 - 2023) Việt Nam đã thoát khỏi là một quốc gia nghèo, lạc hậu. Từ năm 2011 trở thành nước có thu nhập trung bình. Theo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ vươn lên trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển vào năm 2045 với mức thu nhập cao.
Kết quả và tương lai đó là quá trình vận động theo hướng tích cực với quyết tâm xoá bỏ chính sách bao cấp trong quá khứ, xây dựng nền kinh tế thị trường, ra sức phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Thành tựu nổi bật là từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, hàng năm thiếu cả lương thực cho người dân đã trở thành một trong các cường quốc xuất khẩu gạo. Nền công nghiệp, các dịch vụ gia tăng mỗi năm. Những thắng lợi về kinh tế - xã hội là nguồn lực bảo đảm chính sách xã hội ngày càng ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao, nhất là các đối tượng người có công, người lao động trong các thành phần kinh tế, người nghèo, đối tượng yếu thế trong cộng đồng…
Theo nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 (Hội nghị Trung ương 5 khoá XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” nhấn mạnh tập trung 2 nhóm cơ bản trong hệ thống chính sách là Chính sách Ưu đãi người có công và Chính sách An sinh xã hội. Nghị quyết nêu rõ: “Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và chính sách an sinh xã hội, đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn, đến năm 2020 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”.
Trong quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, các chính sách xã hội từng bước phát triển, ngày càng mở rộng, bao trùm, đa dạng, hiệu quả. Đó là sự nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu cao cả là nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần của nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội là quyền cơ bản của công dân trên cơ sở tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng giai đoạn phát triển kinh tế bảo đảm tính kế thừa, liên tục, xuyên suốt, tính hội nhập quốc tế, phù hợp với thực tiễn.
Bản chất tốt đẹp của chế độ, có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị và phát triển đất nước
Thực hiện chính sách xã hội ngày càng hoàn thiện, toàn diện, bao trùm, mở rộng là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, nhân tố quan trọng giữ ổn định chính trị, bảo đảm cơ bản quyền an sinh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân về nhu cầu ngày càng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hoá và tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn lại 10 năm qua, các chính sách cho người có công và bảo đảm an sinh xã hội đạt nhiều thành tựu, cơ bản hoàn thành những mục tiêu đề ra.
Chính sách đối với người có công đã mở rộng đến 12 đối tượng ưu đãi. Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh nặng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động được ưu tiên về nhà ở, đất làm nhà; được cả hệ thống chính trị chăm sóc, phụng dưỡng. Giai đoạn 2013 - 2021, tỉ lệ hỗ trợ nhà ở các đối tượng này đạt 96,7%.
Trong quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, các chính sách xã hội từng bước phát triển, ngày càng mở rộng, bao trùm, đa dạng, hiệu quả. Đó là sự nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu cao cả là nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần của nhân dân. (Ảnh minh họa)
Đến nay, cơ bản đã giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng tồn đọng. Cả nước có trên 9,2 triệu người có công được ưu đãi, trong đó 1,2 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng, 96,8% gia đình người có công đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Mỗi năm trợ cấp một lần cho 12.000 trường hợp và 512.000 lượt người có công được điều dưỡng luân phiên.
Giai đoạn 2013 - 2019 trên cả nước cơ bản hoàn thành dứt điểm về hỗ trợ nhà ở cho 339.176 hộ người có công, đạt 96,7% tổng số đối tượng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được toàn dân chung tay đóng góp nên nhiều gia đình người có công được hỗ trợ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo.
Chính sách an sinh xã hội là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, được đặt ngang tầm với chính sách phát triển kinh tế, có mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế thị trường, đem lại sự tăng trưởng nhanh về kinh tế là điều kiện bảo đảm an sinh xã hội. Mục tiêu của chính sách xã hội thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế, đều nhằm phát huy nhân tố con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội, giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần của nhân dân.
Chính sách an sinh xã hội bao gồm các trụ cột: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; trợ cấp, hỗ trợ, cứu trợ, ưu đãi xã hội, chương trình xoá đói giảm nghèo, bảo đảm lương thực, nhà ở, đổi mới chế độ tiền lương, tạo việc làm và các dịch vụ xã hội (chăm sóc y tế, hỗ trợ tài chính trong thời gian thất nghiệp, bệnh tật, nghỉ hưu, hỗ trợ thiên tai, hoạn nạn…).
An sinh xã hội cũng quan tâm các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, rủi ro trong cuộc sống, người cao tuổi, trẻ em, người bệnh, người thất nghiệp, người nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Nhà nước thúc đẩy phúc lợi của người dân thông qua các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền tiếp cận các nguồn lực về nhu cầu đời sống.
Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Hiện nay, số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng hơn 16 triệu người (năm 1995 mới có 2,3 triệu người, năm 2015 lên 12,1 triệu người), so với năm 1995 năm 2021 tăng 13 lần, bình quân mỗi năm tăng 0,5 triệu người. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện từ chỗ 6.000 người (năm 2008) lên 218.000 người (năm 2015), đạt 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 6,65 lần so với năm 2015), bình quân mỗi năm tăng 100.000 người. Số người tham gia Bảo hiểm y tế tăng từ 7,1 triệu người (năm 1995) lên 70 triệu người (năm 2015) và 88,8 triệu người (năm 2021), chiếm 91% dân số cả nước (bình quân mỗi năm tăng 3 triệu người). Bảo hiểm thất nghiệp từ 6 triệu người năm 2009 lên 10,3 triệu người (năm 2015) và đạt 13,4 triệu người (năm 2021).
Diện bao phủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trở thành quỹ An sinh xã hội lớn nhất, được quản lí chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, công khai, minh bạch, giám sát từ nhiều phía. Hàng năm, cả nước có 3,3 triệu người hưởng lương hưu trí và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng. Trong đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trở thành phao cứu cánh của hàng triệu người lao động được hỗ trợ tài chính để có cuộc sống tối thiểu trong hoạn nạn.
Ngoài ra, Chính phủ chi từ ngân sách cho hơn 10 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, lao động tự do với tổng kinh phí 12.293 tỷ đồng, riêng năm 2021 hỗ trợ 37,06 triệu lượt đối tượng với số tiền 42.740 tỷ đồng…
Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội (thường xuyên và đột xuất) được bố sung, sửa đổi phù hợp với thực tiễn theo hướng mở rộng đối tượng tăng mức hưởng. Đó là trợ cấp thường xuyên cho người tàn tật, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, được hỗ trợ khám, chữa bệnh, giáo dục miễn phí, dạy nghề, tạo việc làm. Trong trường hợp không có người nuôi dưỡng sẽ đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc tập trung. Năm 2021 số người trợ cấp thường xuyên khoảng 3,25 triệu người (bao phủ 3% dân số).
Chính sách giáo dục và y tế có bước phát triển quan trọng. Ngành giáo dục hoàn thành trước thời hạn phổ cập giáo dục mầm non (5 tuổi) đến trung học cơ sở. Tỉ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 97,85%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70%. Hệ thống y tế cơ sở bao phủ đến cấp xã, được hoàn thiện kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ giảm từ 16,2% (năm 2012) xuống 15% (năm 2021) và trẻ em được tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.
Phát triển chính sách lao động, hàng năm có 1,5 - 1,6 triệu người được giải quyết việc làm; riêng 2 năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chỉ có 1,2 - 1,3 triệu người có việc làm mới. Hiện nay, cả nước có khoảng 600.000 người Việt Nam đang lao động, làm việc ở nước ngoài, mỗi năm gửi về nước 3,5 tỷ USD.
Chính sách xoá đói giảm nghèo thực hiện trong suốt thời kỳ đổi mới, với sự chung tay của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Sự nghiệp giảm nghèo ở nước ta đã đạt những thành tựu nổi bật, được thế giới đánh giá cao. Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình. Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 1 - 1,5%/năm, đến năm 2021 hộ nghèo giảm còn 2,23%. Thu nhập trung bình hộ nghèo ngày càng tăng lên (năm 2020 gấp 3,5 lần năm 2010).
Chính sách về nhà ở trong 10 năm qua, ngoài hỗ trợ hàng trăm nghìn căn nhà cho người có công, Nhà nước còn hỗ trợ 1.050.200 gia đình, trong đó có 648.000 hộ nghèo nông thôn, 323.000 căn nhà cho người có thu nhập thấp ở đô thị, 17.200 hộ phòng tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung và 52.000 hộ bị ngập lụt vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vừa qua, Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030 dành cho người thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp với gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước.
Chương trình bảo đảm nước sạch được Chính phủ tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới cấp nước sạch nông thôn, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Trong giai đoạn 2012 - 2021 tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia từ 38,7% lên 55%.
Rõ ràng, chính sách xã hội trong 10 năm qua được triển khai sâu rộng, tương đối bao trùm, đem lại hiệu quả đáng kể về đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tiếp tục đổi mới chính sách xã hội trong công cuộc phát triển đất nước
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững của các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, anh ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát triển xã hội, xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý xã hội bền vững, hài hoà”. “Cải cách chính sách tiền lương theo hướng tiệm cận với giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc”, “chủ động thích ứng với già hoá dân số”.
Trong giai đoạn tới, để việc tổ chức thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, các mặt chính sách, Quốc hội cần sửa đổi một số đạo luật: Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người cao tuổi, Pháp lệnh Ưu đãi người có công cho phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong bối cảnh mới, đồng bộ giữa chính sách xã hội với công cụ pháp lý, với các chính sách kinh tế liên quan.
Nhìn lại 10 năm qua, việc triển khai thực hiện nghị quyết số 15-NQ/TW còn một số tồn tại: Chính sách xã hội thiếu tính bao trùm, trong tổ chức thực hiện thiếu sự liên kết giữa các chính sách, tỉ lệ bao phủ thấp. Mức sống giữa các vùng, miền, khu vực, nhóm đối tượng chênh lệch còn lớn. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
Bảo hiểm xã hội vẫn thấp (số người trong độ tuổi lao động tham gia mới đạt khoảng 53%), chưa thật sự hấp dẫn người lao động. Chất lượng dịch vụ y tế cơ sở chưa đạt yêu cầu. Hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội phát triển chậm, chưa tương xứng với sự đòi hỏi của người dân. Đầu tư cho chính sách xã hội còn khiêm tốn (giai đoạn 2012 - 2020 chi 8,2% tổng ngân sách cho chính sách xã hội, tương đương 2,7 % GDP, trong khi mức trung bình của thế giới là 13% GDP).
An sinh xã hội là một hệ thống chính sách và giải pháp nhằm bảo đảm an ninh thu nhập, bảo vệ đời sống cho các tầng lớp dân cư trước những rủi ro và tác động bất thường, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng xã hội; góp phần ổn định chính trị, phát triển văn hoá, bảo đảm công bằng xã hội; vừa là nhân tố ổn định, vừa là động lực phát triển đất nước. Hiện nay, lĩnh vực chính sách xã hội chưa hoàn thiện lý luận, sự đồng bộ trong thực tiễn, chưa theo kịp đòi hỏi của nền kinh tế thị trường và xu hướng thời đại. Tiến tới mô hình “Nhà nước phúc lợi” trong tương lai là con đường đi tới của tiến trình hội nhập quốc tế.
An sinh xã hội là chính sách đặt ngang tầm với chính sách phát triển kinh tế, là đạo đức, là văn minh và tính ưu việt của chế độ, vì con người, cho con người, phát triển con người. Nguyên tắc đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phái trong sáng, liêm khiết, thật sự là công bộc của dân.
Trong thực hiện chính sách quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực như vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Công ty cho thuê tài chính (ALC II) trước đây. Vụ án này, hai người đứng đầu là cựu Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Bạch Hồng cùng Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Huy Ban phạm tội cho vay vượt hạn mức bảo lãnh làm thất thoát 1.700 tỉ đồng của Quỹ Bảo hiểm xã hội…
Đầu tư nước ngoài (FDI) là một thành phần quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Thu hút nguồn vốn FDI gắn với phát triển...
Bình luận