Chuỗi Bách Hóa Xanh kinh doanh ra sao trước khi lộ việc bán giá đỗ ngâm hoá chất độc hại?
Trước khi lộ việc bán giá đỗ ngâm hoá chất độc hại, chuỗi Bách Hóa Xanh đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 11 tháng đầu năm 2024.
Bách Hóa Xanh lộ việc bán giá đỗ ngâm hoá chất độc hại
Ngày 26-12, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đã triệt xóa thành công và khởi tố 4 chủ cơ sở dùng chất cấm là "nước kẹo" sản xuất giá đỗ thu lợi bất chính cho bản thân, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Sau khi giám định, "nước kẹo" mà chủ các cơ sở dùng để làm "phụ gia" trong sản xuất giá đỗ là hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin), nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, thậm chí có thể gây tử vong. Do đó, đây là hóa chất không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Bách Hóa Xanh lộ việc bán giá đỗ ngâm hoá chất độc hại của nhà cung cấp từ Đắk Lắk
Kết quả điều tra cho thấy trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine, trung bình mỗi ngày từ 8 - 10 tấn. Đáng chú ý có 1 cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng bán cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh từ 350 - 400kg giá đỗ/ngày. Đáng nói, những bao giá đỗ ngâm với "nước kẹo" được dán lên những nhãn mác "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản" để lừa dối người tiêu dùng.
Ngay sau vụ việc, đại diện Bách Hóa Xanh đã có phản hồi cho biết sản phẩm giá đỗ ở Đắk Lắk của nhà cung cấp Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo chiếm khoảng 2% tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ trong chuỗi. Bách Hóa xanh cho biết đã khẩn trương thu hồi và ngừng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này. Đồng thời, công ty cũng tiến hành kiểm nghiệm lại toàn bộ sản phẩm giá đỗ đang được cung cấp trong chuỗi hệ thống.
Theo Cổng thông tin quốc gia đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo mới thành lập tháng 1/2024 với vốn điều lệ 200 triệu đồng. Ông Lâm Văn Đạo sinh năm 1990 giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Thực tế đây không phải lần đầu tiên hệ thống bán lẻ tạp hóa của chủ đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vướng lùm xùm về thực phẩm không đảm bảo an toàn. Năm 2022, Bách Hóa Xanh đã phải lên tiếng xin lỗi, thu hồi và dừng bán toàn bộ mặt hàng nấm từ một nhà cung cấp sau khi đơn vị này được cho là nhập nấm Trung Quốc về gắn mác VietGap. Trong các năm 2019, 2024, một số cơ sở Bách Hóa Xanh tại các địa phương như Đồng Nai, Đà Lạt cũng đều bị cơ quan chức năng “tuýt còi” vì vi phạm an toàn thực phẩm.
Chuỗi Bách Hóa Xanh đang kinh doanh ra sao?
Trước khi lộ việc bán giá đỗ ngâm hoá chất độc hại, chuỗi Bách Hóa Xanh đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 11 tháng đầu năm 2024. Theo số liệu được MWG công bố, chỉ riêng tháng 11 vừa qua, chuỗi này mang về doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng. Bình quân doanh thu mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh hiện ở mức hơn 2 tỷ đồng/tháng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm, chuỗi bách hóa của Thế Giới Di Động đã mang về gần 37.400 tỷ đồng doanh thu, chiếm 30,6% doanh thu của MWG và tăng 32% so với cùng kỳ nhờ đóng góp từ ngành hàng tươi sống và FMCG.
Bách Hóa Xanh chiếm 30,6% tổng doanh thu của MWG trong 11 tháng đầu năm 2024
Tổng doanh thu của MWG trong 11 tháng năm 2024 đạt gần 122.300 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 98% kế hoạch doanh thu cả năm. Trong đó, chuỗi Điện Máy Xanh và Thegioididong.com (bao gồm TopZone) đóng góp 67% tổng doanh thu.
Trong buổi họp với nhà đầu tư tháng 11, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG khẳng định chưa có ý định đưa chuỗi Bách Hóa Xanh rầm rộ tiến ra Bắc trong năm 2025, bởi cơ bản chỉ cần mở rộng ở khu vực miền Trung đã có tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông tiết lộ doanh nghiệp vẫn cân nhắc thử nghiệm một số cửa hàng ở miền Bắc, dù quyết định chính thức chưa được đưa ra. "Thị trường miền Bắc rất đặc thù và khác biệt", ông chủ Thế Giới Di Động đánh giá.
Bình luận