Tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông vừa xin từ nhiệm sở hữu tài sản thế nào?

Trước khi xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), doanh nhân 53 tuổi này đã có hơn chục năm ngồi “ghế nóng” tại nhà băng này.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) mới đây đã công bố thông tin về việc ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc. OCB cho biết thời điểm có hiệu lực với đơn xin từ nhiệm của ông Tùng sẽ có hiệu lực khi Hội đồng quản trị có quyết định miễn nhiệm chức vụ với ông.

Trước khi rời vị trí Tổng giám đốc ngân hàng này, ông Tùng đã có hơn chục năm gắn bó với OCB. Ông Nguyễn Đình Tùng sinh năm 1971, tốt nghiệp MBA Trường Maastricht University, Hà Lan. Ông Tùng có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Tài chính - Ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài.

Ông Tùng gia nhập vào OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012. Trước đó, tháng 7/2021, HĐQT OCB tái bổ nhiệm ông Tùng tiếp tục đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Thời hạn bổ nhiệm 36 tháng kể từ ngày 23/8/2021.

Tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông vừa xin từ nhiệm sở hữu tài sản thế nào? - 1

Ông Nguyễn Đình Tùng có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc ngân hàng OCB

Ông Tùng cũng từng giữ các chức vụ: Phó Tổng Giám đốc, phụ trách kinh doanh Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, từ tháng 5/2009 đến tháng 4/2012, ông còn giữ thêm chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Mekong; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ING Private Banking, Singapore; Phó Tổng Giám đốc, phụ trách Khối Khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam; Giám đốc Chi nhánh TP. HCM, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam; Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam.

Trong hơn chục năm qua ông Nguyễn Đình Tùng đã cùng các thành viên ban lãnh đạo của ngân hàng dẫn dắt và đưa OCB từ một nhà băng nhỏ trở thành ngân hàng tư nhân trong nhóm hoạt động hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Tại thời điểm cuối năm 2023, ông Nguyễn Đình Tùng đang trực tiếp nắm giữ 829.503 cổ phiếu OCB. Tính theo giá thị trường, khối tài sản doanh nhân 53 tuổi đang trực tiếp nắm giữ có giá trị gần 12 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2023, ông Tùng cũng nhận thù lao gần 11,3 tỷ đồng cho vị trí Tổng giám đốc của ngân hàng, mức thù lao này giảm nhẹ so với mức thù lao gần 12,5 tỷ đồng nhận được trong năm 2022.

Năm 2024, ngân hàng OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Tổng tài sản đến cuối năm tăng 19% lên 286.562 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 17% lên 197.346 tỷ. Dư nợ thị trường 1 dự kiến tăng khoảng 20% lên 177.592 tỷ và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng tín dụng do NHNN phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, OCB ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi đều tăng trưởng tốt. Dư nợ thị trường 1 đạt 153.199 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2023; Tổng thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó thu thuần từ lãi đạt 1.901 tỷ tăng 8,6% và thu thuần ngoài lãi đạt 386 tỷ tăng 13,8%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.214 tỷ đồng tăng 23% so với quý 1/2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 954 tỷ đồng, tăng 21,31% so với cùng kỳ.

Hoàng Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Phụng dựng và biểu diễn những tác phẩm xuất sắc tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất năm 1954

Lần đầu tiên sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các tác phẩm xuất sắc đạt giải Nhất, giải Nhì tại Đại hội văn công toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức năm 1954 được phục dựng lại và biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình nghệ thuật đặc biệt “Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên”.