100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái: Vẽ với tâm hồn nghệ thuật

(VHNT) - Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) là cái tên thuộc hàng kinh điển của nền Mỹ thuật Việt Nam. Những đóng góp của ông cho nền hội họa nước nhà, đặc biệt là thương hiệu “Phố Phái” sẽ còn sống mãi với thời gian.

Vào mùa thu năm nay, giới mỹ thuật Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Danh họa Bùi Xuân Phái! Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật. Cũng vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô đã quyết định đặt tên phố Bùi Xuân Phái tại khu đô thị mới Mỹ Đình để vinh danh ông - một nghệ sĩ tài hoa với tình yêu Hà Nội, đã gắn bó cả sự nghiệp sáng tạo hội họa của mình với Thủ đô yêu quý.

Đúng như những lời tâm sự của ông trong tập sách “Viết dưới đèn dầu” xuất bản năm 2008: “Hà Nội có rất nhiều vẻ đẹp mà mỗi vẻ đẹp lại thích hợp với mỗi người… Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian… Phố cổ, những căn nhà cổ vào tranh rất dễ đẹp… Có nhiều mảng tường tưởng như là bẩn, không phải đâu. Nó rất đẹp đối với những đối tượng biết nhìn thấy, biết khám phá… những loang lổ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng của người nghệ sĩ, sẽ tạo ra những cái đẹp bất ngờ”…

100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái: Vẽ với tâm hồn nghệ thuật - 1 Tranh tự họa của Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại Hà Nội (làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội) - địa danh là một làng quê với nghề vẽ tranh khắc gỗ dân gian nổi tiếng. Chính vì thế mà ấn tượng tuổi thơ với những gam màu rực rỡ, những hình vẽ kỳ thú gắn với làng quê Việt Nam đã luôn theo suốt ông trong cuộc đời một nghệ sĩ, tạo nên niềm đam mê hội hoạ ngay từ ngày còn thơ bé.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoá 15 (1941 - 1946), cho đến lúc qua đời, Bùi Xuân Phái đã có ngót nửa thế kỷ gắn bó máu thịt cả đời mình với hội hoạ - mà trong đó, hàng trăm góc phố cổ Hà Nội đã làm nên một cụm từ “Phái Phố - Phố Phái” nổi tiếng cả trong và ngoài nước.

Nhớ lại những năm tháng chiến tranh ấy, trên 40 năm đã trôi qua. Những ngày máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Những ngày B52 Hà Nội - An Dương, Bạch Mai, Khâm Thiên. Hồi đó, tôi, họa sĩ - nhà thơ Tường Vân từ Hải Phòng về, nhà thơ Lưu Quang Vũ, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Phùng Quán và đạo diễn điện ảnh Trần Thịnh vẫn lang thang mấy quán rượu phố Tạ Hiện nhập nhoạng lên đèn; cùng dăm bảy anh em Đoàn Kịch Hà Nội.

Chúng tôi ngồi nhâm nhi tí rượu “cuốc lủi” và mấy củ lạc luộc, gói lạc rang. Bùi Xuân Phái thường cười nhẹ nhẹ, mặt ửng hồng vì tửu lượng ông vốn rất ít, chỉ để lấy vui với bạn hữu thân tình. Những khi ấy, ông hay nói về hội họa. Ông nói về bột mầu, về sơn dầu, về chì than, về ký họa, về thiết kế mỹ thuật sân khấu, về nghệ thuật Chèo và minh hoạ. Nhưng bao giờ ông cũng hay nói về phố. Và quả thật, phố cổ Hà Nội đã gắn bó máu thịt với ông suốt cả một đời cầm bút vẽ. Bởi thế, anh em trong giới và công chúng yêu hội họa Việt Nam vẫn gọi là Phái - Phố hay Phố - Phái. Và hình như, mỗi khi nhắc đến Hà Nội, có lẽ không thể không nhắc đến họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Vì thế, khi ngồi giữa TP. Hồ Chí Minh, thấy anh em, bạn bè, người lạ, người quen, người trong giới hay ngoài giới hội họa luôn nhắc đến ông, trong lòng tôi lại bừng lên một niềm vui thật nhỏ nhoi, bình dị. Với riêng tôi, nghĩ về tranh Bùi Xuân Phái, ngoài bảng mầu ghi ghi, nâu nâu, xám xám trầm buồn và những vạch sáng trắng; tôi còn rất đam mê dăm ba nét chấm phá và những đốm mầu da cam nguyên chất rất đỗi tài hoa; đã để lại một cái tên cùng những tác phẩm nghệ thuật đích thực của ông là mãi mãi tươi xanh, bất tử. Bởi tôi được biết ở TP. Hồ Chí Minh, một trong những bức tranh khá nổi tiếng của họa sĩ Bùi Xuân Phái “Hà Nội 1946” đang được một người yêu hội họa giữ gìn rất trân trọng…

Cũng những năm tháng đó, những buổi tối mùa đông chuyển gió heo may Hà Nội, tôi cùng nhà thơ Phùng Quán, họa sĩ Bùi Xuân Phái lang thang đến nhà nghệ sĩ điện ảnh Trần Trung Tín số 7 phố Nguyễn Biểu ở gần Hồ Tây. Anh là diễn viên Xưởng Phim truyện nghệ thuật Việt Nam, người Nam Bộ tập kết, đã ngoài băm nhưng cứ thích độc thân, chẳng vợ con gì; chuyên đóng những vai Bí thư chi bộ, hay lãnh đạo cơ quan, huyện, xã - nghĩa là toàn những nhân vật chính diện. Nhưng rồi do ngẫu hứng, Trần Trung Tín tìm đến với hội hoạ - suốt ngày đêm quay sang bôi vẽ.

100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái: Vẽ với tâm hồn nghệ thuật - 2 Tranh phố cổ Hà Nội của Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Vừa vẽ tranh trên các tờ báo đã bỏ đi, hoặc trên bìa sách vở học sinh, trên cả các mảng tường nhà ở - bằng than, bằng bút chì, bút bi, bột màu, rồi cả sơn dầu của anh em họa sĩ mang đến cho… Anh vẽ thâu đêm suốt sáng - quên ăn, quên ngủ, vẽ như lên đồng… chỉ với một thể loại là tranh “trừu tượng” có đề tài tình yêu, mùa thu, chim hòa bình, em và súng. Bốn anh em chúng tôi quây quần vừa ngâm nga thơ phú, vừa vẽ, vừa nhâm nhi chén rượu cuốc lủi, vài hạt lạc rang, lưng cơm nguội rang nên đỡ đói lòng.

Những lúc đó, Bùi Xuân Phái lại hào hứng ký họa chân dung tôi, Trần Trung Tín và Phùng Quán; cũng như ông phác họa dăm ba nét phố cổ trên bao thuốc lá, trên cả vỏ bao diêm, nghĩa là trên tất cả những gì có thể vẽ được - vì ngày ấy giấy vẽ còn hiếm hơn vàng… Sau này, đến ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nghệ sĩ Trần Trung Tín đã trở về Sài Gòn - anh lấy vợ, và vẫn vẽ, cả làm thơ rồi đi đạp xích lô - mỗi khi vào Sài Gòn, có ngày, anh chở tôi trên xích lô đến nhà bạn bè nhậu từ trưa đến tối mịt…

Cho đến hôm nay, nhiều người anh, người bạn, những văn nghệ sĩ thực sự tài hoa, thân thiết một thời của tôi trong đó có Bùi Xuân Phái, Phùng Quán, Trần Trung Tín, Trần Thịnh, Tường Vân, Lưu Quang Vũ đều đã đi xa mãi mãi. Thi thoảng, có lúc đi qua số 7 phố Nguyễn Biểu rẽ thước thợ vào Quán Thánh - những kỷ niệm vui buồn thời chiến tranh lại hiện về thật là rõ nét. Bởi, ngày ấy mới ngoài hai mươi, còn hồn nhiên, vô tư, trong sáng; có những điều mà mình tự chiêm nghiệm, tự suy ngẫm, mới hiểu ra để thấm thía, để đắng cay và cả ân hận nữa.

Vậy là đã tròn 32 năm, từ khi Danh họa Bùi Xuân Phái qua đời. Nhưng những kỷ niệm một thuở hàn vi có vui và buồn, có no và đói, có cả vinh và nhục trong niềm vui sáng tạo bất tận của người nghệ sĩ, vẫn như những ngọn lửa bùng cháy lên trong tôi không bao giờ tắt. Như những bức tranh Phố Phái vẫn còn mãi với thời gian, mà Giải thưởng Hồ Chí Minh đã vinh danh ông một cách xứng đáng; một đường phố ghi tên Bùi Xuân Phái bình yên và trân trọng. Một Giải thưởng về văn học nghệ thuật mang tên Bùi Xuân Phái.

Và rồi, những nỗi niềm tâm sự của ông về nghề lại luôn vang lên trong tôi, thân thiết hơn bao giờ hết: “Nhà văn không ngày nào không viết, thì trong ngành họa cũng vậy thôi. Phải vẽ hàng ngày. Hình như không vẽ luôn, tay nó “cứng” ra. Vẽ nhiều, vẽ cho thuần tay để lúc nào cũng thành điêu luyện và thoải mái, ông Henri Matisse vẽ như chơi là vì ông vẽ rất nhiều. Nên hiểu vẽ với tâm hồn nghệ thuật, chứ không phải vẽ nhiều để… kiếm tiền nhiều!”…

NSND Lê Huy Quang None

Tin liên quan

Tin mới nhất