Lên chiến khu, nhớ mẹ hiền

(Arttimes) - Tôi rất tiếc một tấm ảnh mà tôi giữ từ hồi còn ở chiến khu Tây Ninh bên sông Vàm Cỏ Đông, giờ tự nhiên mất hút, tìm mãi không ra trong đám bản thảo lộn xộn. Đó là tấm ảnh tôi với nhà văn Lưu Kiểng Xuân đang ngồi xổm dưới đất, nhìn ngắm một bức tượng đắp bằng đất gò mối. Bức tượng hình một gương mặt người mẹ, thô ráp nhưng đầy biểu cảm.

Lên chiến khu, nhớ mẹ hiền - 1

Ảnh minh họa

Đất gò mối, một chất liệu rất sẵn trong rừng, được anh Tư Xuân mang về ngôi nhà bé nhỏ lợp lá trung quân của mình, và anh hì hụi tạc nó thành gương mặt người mẹ. Gặp lúc một anh bạn chúng tôi có chuyên môn chụp ảnh từ Ban Binh vận qua chơi, anh đã chụp tấm ảnh ấy, như muốn cùng chia sẻ với chúng tôi nỗi thương nhớ mẹ mình đang ở rất xa. Người mẹ của anh ấy đang sống ở Đan Phượng - Hà Đông, má tôi thì đang sống ở Gia Lâm - Hà Nội, còn má anh Lưu Kiểng Xuân lại có thể đang sống ở quê Cần Đước. Mãi sau này, anh Tư Xuân mới nói với tôi, là lúc ấy anh hay tin mẹ anh vừa qua đời tại quê nhà. Đau buồn, thương nhớ mẹ nhưng không biết làm sao, tự nhiên anh nghĩ tới việc tạc một bức tượng bằng đất gò mối, để tưởng nhớ mẹ mình. Ngôi nhà trong rừng của chúng tôi quá khắc khổ, gần như tối giản, nhưng vẫn có chỗ đặt bức tượng cho lòng thương nỗi buồn của một đứa con “lên chiến khu, nhớ mẹ hiền”.

Nhiều lúc ngồi uống trà với anh Tư Xuân, hai anh em lại nhìn ngắm bức tượng tạc bằng đất gò mối, mà không giấu được nỗi bùi ngùi. Trong chiến tranh, hình ảnh người mẹ bao giờ cũng là hình ảnh in đậm nét nhất trong lòng đứa con. Sau ngày hòa bình, tôi cũng có dịp về Cần Đước, Cần Giuộc quê anh Tư Xuân, nơi ngày xưa lãnh tụ khởi nghĩa Trương Định dấy binh chống Pháp. Mỗi quê hương dù nghèo khó của chúng ta đều ẩn giấu tầng tầng lịch sử bi thương và oanh liệt.

Bức tượng gò mối của anh Tư Xuân trong rừng Vàm Cỏ Đông, dù tạc thô ráp và tối giản, nhưng đó lại là một phong cách bây giờ gọi là hiện đại hay hậu hiện đại gì đó. Hồi đó chúng tôi đâu biết. Chỉ biết thương nhớ mẹ hiền thì tạo nên một tác phẩm đơn sơ, ngẫu hứng nhưng đầy cảm xúc như thế thôi.

Những năm chiến tranh, tôi đã có dịp gặp nhiều bà mẹ, được các mẹ thương yêu, cho ăn uống, nhẹ nhàng và ấm áp như mẹ mình ở nhà. Đời của người kháng chiến, lại ở tuổi thanh xuân, được có những kỷ niệm như thế, thật không bao giờ quên.

Anh Lưu Kiểng Xuân tạc tượng mẹ mình, nhưng tôi nghĩ đó là mẹ tôi, và chúng tôi cùng nghĩ đó là những bà mẹ nơi chúng tôi từng qua từng ở. Chiến tranh gắn kết những người Việt yêu nước dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ công việc gì. Hồi đó, được ngủ một đêm ở căn nhà lá rách nát của mẹ, đủ cho ta năng lượng yêu thương để sống cả một đời.

Tôi cũng thú thật, khi ở rừng, nhiều đêm tôi đã khóc một mình khi nhớ tới má mình. Và tôi biết, ở nơi xa ấy tên là Hà Nội, thầy má tôi cũng đã bao đêm khóc thầm khi nhớ đứa con độc nhất của mình còn lang thang ở những vùng đất phương Nam. Thương nhớ, xót xa, nhưng chấp nhận, đó là tình cảm và tâm trạng của những người cha người mẹ có con đi chiến trường.

Là một đứa con, dù chưa làm được gì báo hiếu cho cha mẹ mình, nhưng khi mình ra chiến trường báo hiếu cho tổ quốc, lòng mình vẫn thanh thản lắm.

Sau này, khi anh Tư Xuân và gia đình đã định cư tại Úc, thỉnh thoảng anh vẫn gọi điện về hỏi thăm và tâm sự với tôi. Có một lần, anh Tư Xuân nhắc về bức tượng tạc bằng đất gò mối ở trong rừng. Tôi nói, mình tiếc vô cùng vì bức ảnh chụp cảnh hai anh em “lên chiến khu, nhớ mẹ hiền” đã bị thất lạc đâu đó. Tôi vẫn thầm mong, sẽ có ngày tôi tìm lại được bức ảnh quí giá này đối với anh Tư Xuân, và đối với tôi.

Những kỷ niệm trong chiến tranh, nhiều khi chỉ nhỏ nhoi như vậy.

Theo Thời báo Văn học Nghệ thuật số 17/2021

None

Thanh Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước