Mỹ thuật Tây Nguyên từ truyền thống đến hiện đại

(Arttimes) - Tây Nguyên luôn được xem là khu vực giàu tiềm năng dành cho sáng tạo. Kho tàng văn học nghệ thuật Tây Nguyên hết sức đa dạng với nhiều loại hình độc đáo, trong đó có mỹ thuật. Nền mỹ thuật bản địa tiền thực dân là vốn quý của đồng bào nơi đây, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của họ.

Khi quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, không chỉ có các tộc người Tây Nguyên mà cả các tộc người miền xuôi cũng tham gia sáng tác về đại ngàn, từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị mang đậm màu sắc núi rừng.

Mỹ thuật đáp ứng nhu cầu tâm linh

Mỹ thuật Tây Nguyên truyền thống nổi bật ở kiến trúc và điêu khắc với những sắc thái riêng biệt và đặc sắc. Các giá trị ấy được thể hiện qua việc xây dựng và trang trí những ngôi nhà rông ở Bắc Tây Nguyên, những ngôi nhà sàn dài ở Trung và Nam Tây Nguyên, những hoa văn trang trí trên trang phục và đồ dùng… Trong đó, mỗi tộc người lại có những phong cách đặc trưng riêng để thể hiện sắc thái văn hóa của mình.

Ngoài nhà ở, người Tây Nguyên còn thể hiện tài năng sáng tạo trong kiến trúc và trang trí nhà mồ. Ở Tây Nguyên, nếu những công trình lớn thường được thiết kế sao cho kiểu dáng nhẹ nhàng thanh thoát, thì các công trình nhỏ lại có dáng dấp hoành tráng đồ sộ, những ngôi nhà mồ chính là những công trình như thế, mang tầm khái quát cao. Nhà mồ thường do tập thể cùng chung tay xây dựng, trong đó những người cao tuổi sẽ phụ trách khâu mỹ thuật. Khi đo đạc làm nhà mồ, người ta không dùng thước mà dùng những đơn vị cơ thể người như một sải tay, một cánh tay, một bàn tay… Điều này thể hiện quan niệm đề cao vẻ đẹp con người và xem tầm vóc con người là chuẩn mực, đó là nét độc đáo trong mỹ thuật dân gian Tây Nguyên.

Bên cạnh kiến trúc, người Tây Nguyên còn nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Tượng nhà mồ là một trong những loại hình điêu khắc đặc trưng của của họ. Tượng nhà mồ có thể được chia làm bốn loại: tượng thương tiếc (hình nhân ngồi bó gối, hai tay chống cằm), tượng phồn - thực tái sinh , tượng bảo vệ (chim công), tượng sinh hoạt (con người, vật dụng). Họ cho rằng các bức tượng đều có linh hồn và là hiện thân của ma nên chỉ dành riêng cho việc trang trí nhà mồ.

Những bức tượng nhà mồ đa dạng về kiểu loại, được đẽo từ những thân cây độc mộc với kích thước lớn nhỏ khác nhau, Khi đẽo, họ chủ yếu sử dụng các công cụ thô sơ như rìu, đục… Nội dung các bức tượng hướng đến cuộc sống thực tế hằng ngày như lao động, sản xuất hay sinh hoạt cộng đồng.  Đó là những người phụ nữ giã gạo hay dệt vải, cánh đàn ông vào rừng săn bắn hoặc đi rẫy, không khí lễ hội rộng ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần… Về sau họ còn kết hợp các chi tiết từ cuộc sống hiện đại vào nội dung bức tượng.

Mỹ thuật Tây Nguyên từ truyền thống đến hiện đại - 1

Nhà mồ Tây Nguyên. Ảnh Internet

Về mặt thẩm mỹ, các tượng nhà mồ được chế tác đơn giản, thô sơ, mang tính khái quát cao. “Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Sự cộng hưởng giữa sáng tạo cá nhân dựa trên chiều sâu văn hóa nơi đây đã tạo nên những bức tượng độc đáo, không trùng lặp và mang đậm dấu ấn riêng của người nghệ nhân” (Tượng gỗ Tây Nguyên: Những pho sử thi bước ra từ đại ngàn - Lê Minh, Công Đạt, Khánh Long). Mặc dù đây là sản phẩm dành cho thế giới bên kia, nhưng trong nó vẫn thể hiện cảm hứng sáng tạo cá nhân của người đẽo tượng.

Những bước đột phá đáng kể

Những năm đầu sau giải phóng, hội họa Tây Nguyên phần lớn là tranh cổ động. Bởi lẽ lúc bấy giờ, đất nước còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, riêng Tây Nguyên lại gặp phải mối đe dọa về an ninh từ tổ chức Fulro. Người nghệ sĩ không thể thực hiện ước mơ sáng tạo của riêng mình, mà phải sáng tác để phục vụ nhu cầu tuyên truyền của ngành văn hóa. Nội dung chủ yếu trong các tranh cổ động là kêu gọi người dân chăm lo sản xuất, tin tưởng vào chế độ mới, không tham gia tổ chức Fulro… Dẫu vậy, số người phụ trách vẽ tranh cổ động khi đó vẫn còn rất ít ỏi trên vùng đất này.

Từ đầu thập niên 1980, hội họa Tây Nguyên bắt đầu có những bước khởi sắc. Chất liệu được sử dụng trong giai đoạn này chủ yếu là bột màu và màu nước. Họa sĩ Xu Man vẫn chưa nguôi ngoai ký ức về chiến tranh, đã cho ra đời bức sơn dầu Phá ấp chiến lược. Song, bên cạnh những ký ức đau thương vẫn có những hình ảnh mang tính lãng mạn, chẳng hạn tác phẩm khắc gỗ Bộ đội qua làng và tác phẩm sơn mài Giã gạo trên sóc Bom Bo của họa sĩ Quách Phong. Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận với tác phẩm sơn khắc Rê thóc thể hiện không khí hối hả của ngày mùa.

Sau đó, Tây Nguyên bắt đầu đón nhận những lớp cư dân từ khắp mọi miền đất nước tìm đến theo phong trào “kinh tế mới”, bổ sung một lượng tác giả đáng kể cho hoạt động hội họa. Mặt khác, đời sống sau chiến tranh dần ổn định, các họa sĩ từ nhiều nơi cũng có cơ hội thuận tiện hơn để đi thực tế sáng tác ở Tây Nguyên và đóng góp nhiều tác phẩm mới cho vùng đất này. Thập niên 1990, Việt Nam sau khi đổi mới và mở cửa đã tạo ra những cơ hội cho các họa sĩ bước đầu hoà nhập vào đời sống mỹ thuật khu vực và quốc tế. Đặc biệt với sự kiện Việt Nam gia nhập ASEAN và mở rộng giao lưu với các nước phương Tây, nhiều cánh cửa mới đã mở ra, giúp mỹ thuật Tây Nguyên học hỏi và giao lưu với mỹ thuật thế giới.

Từ sau những năm 2000, văn học nghệ thuật Tây Nguyên nói chung và mỹ thuật nói riêng, mới thật sự có những bước đột phá đáng kể. Sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng trở thành tín hiệu đáng mừng cho mỹ thuật Tây Nguyên. Các Hội Văn học Nghệ thuật cấp tỉnh dần từng bước đi vào hoạt động ổn định, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có môi trường sinh hoạt và sáng tác. Hoạt động nổi bật của các Hội Văn học Nghệ thuật nhằm thúc đẩy phát triển mỹ thuật Tây Nguyên là tổ chức các chuyến thực tế sáng tác, trại sáng tác, lớp bồi dưỡng, triển lãm tranh, đầu tư kinh phí… Điều đặc biệt là sự xuất hiện của thế hệ họa sĩ trẻ được đào tạo bài bản qua trường lớp. Trường Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin thành lập năm 1977, sau đó nâng lên thành Trung cấp và đến năm 2005 trở thành Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Đây là một trong những cái nôi đào tạo các nghệ sĩ trẻ ở khu vực Tây Nguyên.

Mỹ thuật Tây Nguyên từ truyền thống đến hiện đại - 2

Họa sĩ trẻ Đăk Lăk đi sáng tác thực tế

Những cây cọ trẻ nổi bật trong làng nghệ thuật tạo hình Tây Nguyên hiện nay được biết đến như Lê Nguyễn Thảo My, Mai Quý Ngọc, Siu Quý, Trần Y Anh Tuấn, Trần Hồng Lâm, Lê Vi Thủy…  “Dẫu cho mải mê với việc kiếm sống ở Tây Nguyên hay nơi nào khác, nhưng tác phẩm của các nghệ sĩ này đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế hệ trẻ đang định hình và sẵn sàng hội nhập nhưng vẫn không đánh mất chính mình, trong các lĩnh vực hội họa, truyền hình và nhiếp ảnh được coi là rất khó bồi dưỡng và đào tạo…” (Văn hóa nghệ thuật các dân tộc Tây Nguyên: Những băn khoăn, trăn trở - H’Linh Nga Niê Kdăm). Thời gian phát triển của mỹ thuật hiện đại trên vùng đất Tây Nguyên còn ngắn ngủi, các thế hệ họa sĩ trưởng thành sau chiến tranh cũng có tuổi đời khá trẻ, nhưng họ vẫn không ngừng sáng tạo, công bố tác phẩm thường xuyên và đạt nhiều giải thưởng uy tín.

Vai trò của mỹ thuật trong đời sống người Tây Nguyên

Mỹ thuật đáp ứng nhu cầu tâm linh bởi mỹ thuật truyền thống của Tây Nguyên chủ yếu thể hiện qua nhà sàn, nhà mồ và tượng nhà mồ, do đó phần lớn có liên quan đến văn hóa tín ngưỡng. Những sản phẩm nghệ thuật tạo hình đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân muốn gửi gắm đến thế giới thiêng. Qua những hoạt động đó, người Tây Nguyên cảm thấy an tâm vì đã làm tròn trách nhiệm của mình với thế giới bên kia.

Nội dung trang trí trên nhà sàn, nhà mồ và nội dung được chạm khắc ở các tượng gỗ thường hướng con người đến cái tốt, cái đẹp. Các nghệ nhân không chỉ đưa cảm quan nghệ thuật của mình vào tác phẩm, mà còn thổi vào đó những tri thức và kinh nghiệm của bản thân hoặc cộng đồng. Hệ thống các giá trị được truyền tải trong mỹ thuật đã phần nào định hướng đạo lý sống và quan điểm thẩm mỹ cho cộng đồng, do vậy mỹ thuật có ý nghĩa giáo dục đạo lý và thẩm mỹ.

Ngoài ra, mỹ thuật giúp sáng tạo và bảo tồn văn hóa. Mỹ thuật đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cư dân Tây Nguyên, làm phong phú thêm đời sống của họ. Cộng đồng vừa sáng tạo nên những giá trị ấy, vừa thụ hưởng những thành quả do mình sáng tạo. Mỹ thuật Tây Nguyên còn thể hiện tính năng động của cư dân nơi đây khi đã thổi vào các tác phẩm những luồng gió mới để chúng phát triển theo kịp thời đại. Song song với quá trình sáng tạo văn hóa, mỹ thuật cũng là một trong những phương tiện bảo tồn văn hóa tộc người.

Sự biến đổi của mỹ thuật trong mối quan hệ với các thành tố văn hóa khác

Cùng với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, văn hóa Tây Nguyên nói chung và mỹ thuật nói riêng cũng có nhiều biến đổi. Sự biến đổi của mỹ thuật có mối quan hệ chặt chẽ với sự biến đổi của các thành tố khác trong hệ thống văn hóa vùng Tây Nguyên. Chẳng hạn, các đại gia đình đã dần không còn, nên kiến trúc và trang trí nhà sàn truyền thống của Tây Nguyên cũng đứng trước nguy cơ thất truyền. Đối với nhà mồ, một mặt trên các nhà mồ đã xuất hiện nhiều chi tiết lấy từ cuộc sống hiện đại, mặt khác do lễ bỏ mả đã dần mai một nên các tượng nhà mồ cũng không còn được tạo ra nhiều như trước.

Ngày nay, các họa sĩ vừa học hỏi và chọn lọc tiếp thu những thành tựu của mỹ thuật quốc tế, vừa chú trọng đề cao những giá trị đặc thù của văn hóa bản địa. Các tác phẩm vẽ về Tây Nguyên dù có cách tân để tiếp thu nhiều trào lưu mỹ thuật đương đại, nhưng vẫn không thoát ly khỏi đời sống hiện thực của đồng bào Tây Nguyên. Điều đó khiến chúng không “lạc hậu” so với mỹ thuật khu vực và quốc tế, nhưng cũng không mất đi “chất Tây Nguyên” mà tác giả muốn gửi gắm.

Tây Nguyên bước vào giai đoạn phát triển với nhiều bước chuyển mình, các họa sĩ có nhiều điều kiện hơn để trải nghiệm thực tế, hòa mình với vùng đất - con người nơi đây và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, bối cảnh xã hội đã thay đổi, nên những nội dung được phản ánh trong tác phẩm cũng thay đổi. Tác phẩm về Tây Nguyên giờ đây không chỉ có những đề tài truyền thống như núi rừng, lễ hội, ngày mùa… mà còn có sự xuất hiện của các đề tài hiện đại như đô thị, công nghiệp, y tế, giáo dục, môi trường…

Nhìn chung, gần nửa thế kỷ trôi qua, mỹ thuật Tây Nguyên từng bước thay đổi, với sự ra đời của nhiều tác phẩm có giá trị cao, gắn liền với những tác giả có tên tuổi, đặc biệt là giới họa sĩ trẻ. “Mỗi người một phong cách sáng tạo nghệ thuật nhưng đều có chung một niềm đam mê với những tác phẩm hội họa mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên” (Tây Nguyên qua góc nhìn của các họa sỹ trẻ - Kim Châu & Xuân Huy).

Mỹ thuật Tây Nguyên từ truyền thống đến hiện đại đã trải qua nhiều biến đổi và có những thành tựu nổi bật. Qua từng giai đoạn phát triển khác nhau với những thăng trầm, không ít thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội, cộng đồng bản địa và những nghệ sĩ chuyên nghiệp đã cùng nhau vun bồi cho một nền mỹ thuật độc đáo trên vùng đất cao nguyên.

Ngày nay, thế mạnh của Tây Nguyên trong lĩnh vực mỹ thuật có lẽ chính là nguồn cảm hứng. Thiên nhiên bao la hùng vĩ, con người có nền văn hóa bản địa đặc sắc, chính là hai yếu tố nổi bật tạo nên nguồn cảm hứng cho những họa sĩ. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự năng động của chính các tác giả, để mang đến sự đa dạng cho mỹ thuật Tây Nguyên.

Kỳ vọng vươn xa

Dù vậy so với các vùng khác, mỹ thuật hiện đại của Tây Nguyên phát triển chưa lâu và đội ngũ sáng tác còn ít. Điều này đòi hỏi những người làm công tác quản lý văn hóa cần chú trọng đầu tư hơn nữa để phát triển mỹ thuật Tây Nguyên, đặc biệt là đội ngũ kế thừa. Vai trò của các trường đại học và cao đẳng, các Hội Văn học Nghệ thuật cấp tỉnh, các Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh và huyện… rất quan trọng trong công tác này. Trong thời gian tới, mỹ thuật Tây Nguyên cần chú trọng hai vấn đề:

Bảo tồn mỹ thuật truyền thống song hành với phát triển mỹ thuật hiện đại: Đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ nghệ nhân dân gian và các họa sĩ trẻ một cách bài bản và chuyên nghiệp, không chỉ hoạt động theo phong trào, nghiệp dư, quần chúng…

Mỹ thuật Tây Nguyên từ truyền thống đến hiện đại - 3

Công chúng tham quan Triển lãm Mỹ thuật khu vực V - Nam miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 24 năm 2019 tại Đắk Lắk.. Ảnh: Sovhttdldaklak

Tạo điều kiện hỗ trợ để tác giả sáng tác và quảng bá tác phẩm: Tăng cường các trại sáng tác, các chuyến thực tế, các cuộc giao lưu trao đổi kinh nghiệm, các cuộc thi, liên hoan, triển lãm… để mỹ thuật Tây Nguyên tiếp cận sâu hơn với quần chúng và giúp tác giả cọ xát để trưởng thành.

Chặng đường phát triển của mỹ thuật Tây Nguyên còn dài, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ - kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh mẽ, vừa tác động tới phương thức sáng tác (nhiều loại hình mới ra đời), cũng vừa tác động đến nguồn cảm hứng (sự thay đổi của xã hội). Với những tiềm năng sẵn có, nếu có thêm những điều kiện hỗ trợ thích hợp, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng mỹ thuật Tây Nguyên sẽ ngày một vươn xa.

Theo Thời báo Văn học nghệ thuật số 18/2021

None

Vĩnh Thông

Tin liên quan

Tin mới nhất