Khoảng trống sách nghệ thuật

Số đầu sách ít, đội ngũ tác giả thiếu, ít bạn đọc quan tâm khiến sách nghệ thuật vẫn còn là một khoảng trống ở nước ta.

Trong buổi trò chuyện diễn ra hôm 7/11 tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, một giảng viên của Đại học Mỹ thuật Việt Nam hồi tưởng về tình trạng thiếu sách nghệ thuật những năm 1990.

Khi còn là sinh viên, một lần anh thấy nhà sách ngoại văn ở phố Tràng Tiền, Hà Nội bán sách nghệ thuật của nhà xuất bản Phaidon (một đơn vị hàng đầu thế giới ở lĩnh vực sách nghệ thuật) với giá chiết khấu.

Anh đã giục bố ra xem, mua về được sách hay, nhưng do khả năng ngoại ngữ lúc ấy chưa tốt nên không tiếp cận được nhiều nội dung. Từ khi ấy, anh đã mơ ước có nhiều sách nghệ thuật tiếng Việt.

Cho đến nay, khi đã trở thành giảng viên, anh vẫn thấy sách nghệ thuật ở Việt Nam còn thiếu. Theo nhận định của giới hội họa, sách về nghệ thuật tiếng Việt chưa phong phú, nội dung cũng ít hấp dẫn.

Khoảng trống sách nghệ thuật - 1
Sách Leonardo Da Vinci đoạt giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai. Ảnh: Omega Plus.

Họa sĩ Trịnh Lữ cho rằng sách dịch ít, sách của tác giả trong nước có chất lượng chưa cao. Mặt khác, sách nghệ thuật chủ yếu lại phục vụ thị trường, thiếu các cây bút có kiến thức sâu, đưa ra quan điểm riêng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc phổ thông.

Những người làm công tác xuất bản cũng nhận thấy khoảng trống sách nghệ thuật ở nước ta. Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books - nói ở Việt Nam, những năm mở cửa thị trường, mọi người đều bận rộn nhiều việc mà quên lãng nghệ thuật. Do đó, sách nghệ thuật chưa được quan tâm đúng mức.

“Xuất bản sách hội họa, âm nhạc của ta vẫn còn khoảng trống. Khi ra nước ngoài, tôi rất xúc động khi tiếp cận lượng sách nghệ thuật phong phú hoặc bước chân vào các bảo tàng. Tôi nghĩ giới xuất bản có thể đóng góp vào sự phát triển của nghệ thuật bằng cách làm ra những cuốn sách về lĩnh vực này”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói.

Trong khi lượng sách ít, tác giả thiếu, công chúng của sách nghệ thuật cũng không nhiều. Những năm gần đây, khi cuộc sống vật chất dần đầy đủ, công chúng bắt đầu có nhu cầu về những giá trị tinh thần, nhờ đó, có nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, nhu cầu về sách nghệ thuật ở Việt Nam có, nhưng lượng người quan tâm rất nhỏ. “Đầu sách in ra khiêm tốn, các cuốn sách lý thuyết nghệ thuật chỉ in khoảng 500 bản/ đầu sách”, nhà nghiên cứu Phạm Long nói.

Số lượng bản in là một thách thức với những người làm công tác xuất bản. Ông Vũ Trọng Đại - Giám đốc công ty sách Omega Plus - cho biết năm 2019, công ty ông phát hành cuốn Leonardo Da Vinci. Cuốn tiểu sử về nghệ sĩ vĩ đại thời Phục hưng của tác giả Walter Isaacson được công chúng đón nhận và được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai. Đó là động lực để công ty này tiếp tục thực hiện tiếp những đầu sách nghệ thuật.

Khi có kế hoạch làm cuốn Câu chuyện nghệ thuật (một tác phẩm kinh điển về nghệ thuật của tác giả E.H. Gombrich), Omega Plus lại gặp thách thức khác. Nhà xuất bản Phaidon - nơi giữ bản giữ bản quyền tác phẩm - đưa ra yêu cầu trong lần phát hành đầu, tác phẩm phải in 5.000 cuốn thì mới nhượng quyền.

“Trong bối cảnh sách nghệ thuật ở nước ta chỉ in 500 bản, thì lượng sách chúng tôi phải in lần đầu gấp 10 lần. Điều đó có nghĩa là thách thức khi làm sách nghệ thuật lớn gấp 10 lần”, ông Vũ Trọng Đại nói.

Khoảng trống sách nghệ thuật - 2
Bộ sách Đây là... giới thiệu các họa sĩ quan trọng của hội họa thế giới. Ảnh: Đông A.

Sở dĩ, lượng bản in trở thành thách thức bởi lợi nhuận ngành sách phụ thuộc vào số bản in. Nếu một cuốn sách in với số lượng lớn, được mua nhiều thì lợi nhuận cao. Ngược lại, phải in nhiều bản, chi phí lớn mà lượng người mua không nhiều sẽ dẫn tới tình trạng thua lỗ.

Ngoài việc thiếu tác giả, công chúng ít, làm sách nghệ thuật ở nước ta còn gặp khó khăn về kỹ thuật. Ông Vũ Trọng Đại nói làm sách nghệ thuật đòi hỏi công nghệ in ấn tốt để có thể tạo ra hình ảnh đẹp, sắc nét; kéo theo đó là chi phí lớn.

“Mãi gần đây ta mới có những máy in tốt đáp ứng yêu cầu chất lượng sách nghệ thuật. Ta bắt đầu mua bản quyền của những nhà xuất bản hàng đầu thế giới. Điều kiện công chúng đang tốt dần lên, quan tâm hơn tới nghệ thuật”, ông Nguyễn Cảnh Bình nhận định.

Do đó, người đứng đầu Alpha Books nhận định đây là thời điểm tốt để đưa những cuốn sách nghệ thuật hay về Việt Nam.

Theo Zing
None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi