Tôn vinh giá trị di sản tranh Hàng Trống - Cốt cách riêng trong thị hiếu người kinh kỳ
Tối 6/4, tại Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với nhà sưu tập Nguyễn Quang Trung và nhóm họa sĩ Nguyễn Thế Sơn tổ chức lễ khai mạc triển lãm “Dòng tranh dân gian Hàng Trống”, với mong muốn góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian Hàng Trống đến gần hơn với công chúng.
Đây là sự kiện hướng tới kỷ niệm 25 năm danh hiệu “Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình” và thực hiện Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa.
Khai mạc triển lãm “Dòng tranh Dân gian Hàng Trống". Ảnh: Phạm Hằng
Cốt cách riêng trong thị hiếu của người kinh kỳ
Phát biểu khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa, giúp các giá trị mãi trường tồn với thời gian. Đây là một trong những dòng tranh dân gian tái hiện một cách sinh động nét đẹp văn hóa của người Việt xưa.
Những giá trị lịch sử, văn hóa chứa đựng trong tranh dân gian Hàng Trống phản ánh đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đặc sắc của người dân Thăng Long - Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Đề tài của tranh dân gian Hàng Trống rất đa dạng, có thể kể đến như: tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội… Chính vì vậy, tranh dân gian Hàng Trống được treo ở nhiều không gian khác nhau.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn phát biểu khai mạc triển lãm. Ảnh: Phạm Hằng
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, từ xa xưa, thú chơi tranh Hàng Trống của người Hà thành là một nét văn hóa, một phong tục đẹp, đặc biệt khi mỗi dịp tết đến xuân về. Tranh Hàng Trống có giai đoạn phát triển cực thịnh trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, từng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian ngày tết cổ truyền của người Hà thành.
“Từ thể loại tranh thờ, với những giá trị tâm linh, hay tranh chúc tụng thể hiện những ước mong về một năm mới tốt đẹp hơn, với sự đa dạng trong thể loại, tinh tế ở kỹ thuật tạo hình, đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa truyền thống, tạo nên cốt cách riêng trong thị hiếu của người kinh kỳ và là bộ phận không thể tách rời của tranh dân gian Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Hoàn nhấn mạnh.
Không gian triển lãm. Ảnh: Phạm Hằng
Trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức, khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại hiện nay, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống của các đơn vị, cá nhân tâm huyết đã được triển khai. Hiện nay nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh dân gian Hàng Trống vẫn đang miệt mài với nghề, với việc bảo tồn, cố gắng giữ lại cho đời sau.
Trong thời gian qua, UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND phường Hàng Trống phối hợp với nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhóm họa sĩ trẻ của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tổ chức các triển lãm giới thiệu những tác phẩm mới của các họa sĩ trẻ, lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống tại các di tích trên địa bàn quận như: Đình Nam Hương số 75 Hàng Trống, Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên (thứ ba từ trái sang) - nghệ nhân duy nhất còn lại của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Ảnh: Phạm Hằng
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản tranh dân gian Hàng Trống
Là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, tranh Hàng Trống được đặt theo tên con phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, xưa thuộc huyện Thọ Xương của Kinh Thành Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.
Lấy cảm hứng sáng tạo từ dòng tranh này, năm 2020, dự án “Từ truyền thống tới truyền thống”, được tổ chức tại Đình Nam Hương, đã nỗ lực đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng những chất liệu truyền thống khác trong nền hội hoạ Việt Nam, đó là chất liệu sơn mài và lụa.
Từ dự án, nhóm họa sĩ trẻ (khi đó là sinh viên chuyên ngành Sơn mài và Lụa thuộc khoa Hội hoạ trường Đại học Mỹ thuật Việt nam) đã tiếp xúc trao đổi và học hỏi từ kỹ thuật tới tình yêu nghề, yêu văn hoá bản sắc bản địa từ nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên.
Không gian triển lãm "Dòng tranh dân gian Hàng Trống". Ảnh: Phạm Hằng
Triển lãm “Dòng tranh Dân gian Hàng Trống” lần này là sự kết hợp giữa các tác phẩm lụa, sơn mài, giấy dó của các họa sĩ trẻ từ triển lãm “Từ truyền thống tới truyền thống” tại Đình Nam Hương và tranh Hàng Trống vẽ bởi nghệ nhân Lê Đình Nghiên, từ bộ sưu tập của nhà sưu tập Nguyễn Quang Trung.
Nhà sưu tập Nguyễn Quang Trung là một người có đam mê về dòng tranh dân gian Hàng Trống, anh đã nghiên cứu và sưu tầm dòng tranh này. Đến nay, nhà sưu tập Nguyễn Quang Trung đã sưu tầm được rất nhiều tác phẩm. Tại triển lãm lần này trưng bày 23 tác phẩm tâm đắc của anh.
Triển lãm là dịp để giới thiệu tới công chúng bộ sưu tập tranh Hàng Trống đặc sắc cũng như sự kết hợp với những sáng tạo cá nhân của các những họa sĩ trẻ trên con đường sáng tác độc lập phía trước, luôn quan tâm đến các giá trị di sản văn hoá truyền thống, văn hoá bản địa để đưa vào các thực hành nghệ thuật, viết tiếp nên những giá trị sáng tạo mới, cũng là một cách bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản một cách có tính sáng tạo hơn.
Triển lãm “Dòng tranh Dân gian Hàng Trống” lần này là sự kết hợp giữa các tác phẩm lụa, sơn mài, giấy dó. Ảnh: Phạm Hằng
Tranh Hàng Trống có hai nội dung chủ yếu: một là tranh phục vụ tín ngưỡng tâm linh, trang trí tại các đền, chùa, đình, miếu, phủ, điện thờ...; hai là phục vụ phong tục chơi tranh cổ truyền, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Thú chơi tranh, treo tranh Tết cũng như chơi hoa vào những dịp Tết đến xuân về đã có từ lâu đời ở văn hóa người Việt. Hai nội dung này dường như song song với nhau.
Về thể loại tranh thờ được tạo hình nhấn mạnh về ý tưởng, miễn sao cho thuận mắt và ưa nhìn. Cùng với các đề tài phản ánh sinh hoạt hàng ngày, hay minh họa các tích truyện tranh, Hàng Trống còn nổi trội về thể loại tranh thờ, ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo với hình tượng tương đối bình dị, gần gũi với con người những không thiếu phần oai nghiêm sùng kính (như tranh các Thánh mẫu, ông Hoàng, Bà Cô).
Khác với dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống không được in tất cả bằng ván khắc mà chỉ in những đường nét chính sau đó lại tô màu. Cụ thể kỹ thuật tranh Hàng Trống là kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ, với việc tô màu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quệt phẩm nước, luôn luôn tạo được những độ chuyển đậm, cho màu sắc uyển chuyển.
Trong công việc vẽ tranh, ngoài những tranh thửa, đặt hàng của người chơi đặt vẽ thì có rất nhiều bản chỉ có một, được vẽ bằng tay mà không có ván khắc.
Triển lãm “Dòng tranh Dân gian Hàng Trống” diễn ra từ ngày 6/4 đến ngày 16/4/2023, tại Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Chiêm ngưỡng một số tác phẩm tại triển lãm do PV Thời báo Văn học nghệ thuật ghi nhận:

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, sáng 4/4, tại Hà Nội, Trung tâm Giao lưu Văn...
Bình luận