Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 6 – Cơ quan chức năng đưa ra hướng giải quyết

Tiếp tục theo sát vấn đề, PV Thời báo Văn học Nghệ thuật (Arttimes.vn) đã ghi nhận ý kiến của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Cục Bản quyền tác giả - hai cơ quan có trách nhiệm trong việc tham mưu, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mỹ thuật và bản quyền tác giả.

Bằng việc lên tiếng cảnh báo và tìm ra những biện pháp hiệu quả để góp phần hạn chế vấn nạn đạo tranh trong thị trường mỹ thuật ở nước ta hiện nay, Thời báo Văn học Nghệ thuật đã thực hiện một tuyến bài về chủ đề này. Loạt bài với 5 kỳ đã ghi nhận ý kiến của các họa sĩ, các luật sư, nhìn chung, các ý kiến đều bày tỏ sự bức xúc trước vấn nạn đạo tranh, sự lo lắng cho tương lai của nền mỹ thuật nước nhà và đều đặt kỳ vọng lớn vào hướng giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 - "Chuyện thường ngày ở huyện"?

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 2 - Ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 3 - Lòng tham, lợi nhuận và nhân cách

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 4 - Đến lúc cần mạnh tay

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 5 - Họa sĩ không đơn độc

Cụ thể, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn phát triển sự nghiệp mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trong cả nước theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Đạo tranh – Vấn nạn bản quyền đầy nhức nhối

Đạo tranh được nhìn nhận là một hành vi vi phạm bản quyền mỹ thuật, vấn nạn này đã xảy ra từ rất lâu và không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn xuất hiện trong lĩnh vực mỹ thuật ở các nước khác trên thế giới.

Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm nhận định đạo tranh, nhái phong cách tranh trên thị trường mỹ thuật là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong giới mỹ thuật và công chúng yêu hội họa trên cả nước.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 6 – Cơ quan chức năng đưa ra hướng giải quyết - 1

Bức tranh "Chân dung nhà sư" của cố họa sĩ Nam Sơn (trái) "một trời một vực" so với bức tranh giả (phải). 

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ” được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022 đã quy định “tác phẩm mỹ thuật, mỹ thuật ứng dụng” nằm trong danh mục các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ quyền tác giả.

Về vấn đề bản quyền, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, Cục Bản quyền tác giả có chức năng đề xuất xây dựng hành lang pháp lý, chính sách, ví dụ như Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các quyền, các nghĩa vụ, thực thi, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đời sống xã hội. Đồng thời khuyến khích các bên cùng nhau thực thi các hiệp định pháp lý quốc tế, trong việc thực thi bản quyền.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Đối với tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 6 – Cơ quan chức năng đưa ra hướng giải quyết - 2

Quyền tác giả đã được quy định rõ ràng trong Luật Sở hữu trí tuệ (Ảnh minh họa).

Như vậy, đăng ký quyền tác giả được xem là bằng chứng tốt nhất chứng minh quyền sở hữu của tác giả. Đăng ký quyền tác giả là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Xử lý đạo tranh cần sự vào cuộc quyết liệt

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 6 – Cơ quan chức năng đưa ra hướng giải quyết - 3

Tranh cổ động dính nghi án đạo nhái.

Đại diện Cục Bản quyền tác giả - Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, việc xử lý các vi phạm bản quyền không chỉ từ những cơ quan nhà nước, cơ quan xây dựng chính sách mà còn cần có sự hợp tác của nhiều bên liên quan, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, cũng như sự kiểm tra, xử lý từ phía các cơ quan thực thi, ví dụ như thanh tra, quản lý thị trường,…

“Từ phía các cơ quan nhà nước, khi nhận được báo cáo vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả, Cục Bản quyền chúng tôi sẽ phối hợp với các bên liên quan, đề nghị có những giải trình và đưa ra hướng xử lý” - Bà Phạm Thị Kim Oanh thông tin.

Trả lời Thời báo Văn học Nghệ thuật (Arttimes.vn) đại diện Cục Bản quyền tác giả đánh giá cao sự hợp tác của các chủ thể quyền, trong đó các chủ thể quyền sẽ cùng các cơ quan nhà nước, các bên liên quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chính họ bằng cách yêu cầu các bên vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại, hay là đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm.

Đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng cho rằng cần có sự đồng hành quyết liệt từ phía tác giả có tác phẩm bị vi phạm, để có thể đưa ra hình thức xử phạt đủ tính răn đe với người có hành vi sai trái. Tác giả có thể gửi đơn đến tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc gửi đơn đến thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được giải quyết.

Là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực mỹ thuật, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan để có ý kiến chuyên môn, nghiên cứu điều chỉnh các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tế của thị trường mỹ thuật trong nước. Đặc biệt, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tiếp tục phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam trong công tác tuyên truyền, định hướng các họa sĩ trong giới mỹ thuật, hướng tới thị trường mỹ thuật lành mạnh.

Khi tác giả hoặc chủ sở hữu phát hiện các vi phạm đối với tác phẩm của mình thì bản thân chủ thể quyền có thể sử dụng Điều 198 - “Quyền tự bảo vệ” của Luật sở hữu trí tuệ với các biện pháp như: Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm; Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để việc bảo hộ quyền tác giả tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng có hiệu quả cần có sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống các cơ quan quản lý, các cơ quan thực thi, các hội nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng và của toàn xã hội.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quyền tác giả, cần phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và tôn trọng quyền tác giả. Việc tôn trọng tác phẩm – những đứa con tinh thần của tác giả chính là thể hiện sự tự trọng của người khai thác và sử dụng tác phẩm.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất