Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 4 - Đến lúc cần mạnh tay

Hiện tượng đạo tranh vẫn diễn ra phổ biến gây bất bình cho nhiều họa sĩ trong giới mỹ thuật. Tuy nhiên câu chuyện này bao năm qua vẫn chưa đi đến một giải pháp thích đáng. Arttimes ghi nhận ý kiến của các họa về vấn đề này.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 - "Chuyện thường ngày ở huyện"?

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 2 - Ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 3 - Lòng tham, lợi nhuận và nhân cách

Họa sĩ Lê Thiết Cương: “Cần thực thi luật thật nghiêm, xử phạt thật nặng”

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, hiện tượng đạo tranh vẫn còn phổ biến là do sự lỏng lẻo trong việc thực thi pháp luật, lâu dài gây ảnh hưởng lớn tới uy tín của thị trường mỹ thuật Việt Nam. 

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 4 - Đến lúc cần mạnh tay - 1

Họa sĩ Lê Thiết Cương (Ảnh: NVCC)

"Một thị trường minh bạch mới phát triển bền vững"

Vào khoảng 20 năm trước, không chỉ riêng tôi mà phần lớn những họa sĩ được quan tâm nhất của thế hệ đổi mới đều bị đạo tranh.

Ngày nay, có vẻ như mọi người đã quan tâm nhiều hơn tới chuyện bản quyền, họ đã có ý thức tìm hiểu kĩ bức tranh mà mình muốn sở hữu. Cho nên chuyện đạo tranh không còn trắng trợn như trước kia nữa mà những phòng bán tranh giả thường giao dịch với khách hàng qua hình thức online. Chúng ta không thể biết danh tính, địa chỉ của người bán tranh và họ nghĩ ít nhất đó là một cách an toàn cho hành động “ăn cắp” của họ.

Mới đây báo chí có đưa tin câu chuyện của họa sĩ Bùi Văn Tuất tố bị đạo tranh hay bất kì một vụ việc tương tự nào khác, về hình thức thì không nhưng về bản chất là ông ấy đang bị mất đi một số tiền. Nhưng số tiền ấy chỉ là cái mất nghĩa đen, cái hữu hình mà ai cũng có thể thấy được. Còn cái mất lớn hơn là mất cho thị trường. Nếu lặp đi lặp lại những vụ việc như thế thì chắc chắn uy tín của một thị trường có tuổi đời ghê gớm như thị trường mỹ thuật Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Và đó mới là tác hại lớn khó có thể nhìn thấy ngay.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 4 - Đến lúc cần mạnh tay - 2

Bức tranh "Một ngày như thế" của họa sĩ Bùi Văn Tuất (bên trên) và bức tranh bị tố sao chép (bên dưới)

Chưa kể người sưu tầm tranh, có thể họ bị mua nhầm mà không hề biết tác phẩm mình sở hữu là tranh chép. Và rõ ràng ngay cả người mua cũng mất mát, bởi cái họ muốn sở hữu phải là một tác phẩm hội họa độc bản, chứ không ai muốn mua tranh từ một kẻ đạo nhái, một kẻ ăn cắp. Vậy nên, tôi cho rằng để thị trường mỹ thuật phát triển bền vững cần phải có sự minh bạch.

Ở thời của những họa sĩ 5X, 6X, 7X chúng tôi, đến 99% là bán tranh cho người nước ngoài và chỉ một phần nhỏ là bán cho người Việt. Ngược lại, ngày nay phần lớn các tác phẩm giao dịch trên thị trường là bán cho người Việt.

Từ đó cho thấy, ý thức của người Việt khi đi mua tranh ở thời nay chưa có sự quan tâm, hiểu biết thích đáng cũng như trình độ thưởng thức thẩm mỹ nói chung và hội họa nói riêng chưa cao (tất nhiên tôi không đánh đồng tất cả). Và chính sự thiếu hiểu biết sẽ trở thành kẽ hở đầu tiên cho những kẻ bán tranh giả lợi dụng. Cho nên muốn tìm hiểu, muốn thưởng thức, muốn sưu tầm hội họa thì cũng phải học chứ không thể theo cảm tính.

Ở nước ta, chuyện gì cũng có luật pháp quản lí, nhưng việc thực thi luật và chế tài xử phạt hiện nay không đủ mạnh. Và đó cũng chính là kẽ hở thứ hai mà những kẻ đạo tranh lợi dụng. Ở nước ngoài không phải không có hiện tượng chép tranh, nhưng rõ ràng vì luật của họ nghiêm hơn, ý thức chấp hành luật cũng nghiêm hơn và xử phạt rất nặng cho nên vấn đề này không bị lạm dụng.

Theo luật hiện nay, việc đạo tranh để bán không bị coi là vi phạm hình sự mà chỉ xử phạt hành chính thì không bao giờ thị trường minh bạch, phát triển được. Chỉ khi thực thi luật thật nghiêm, xử phạt thật nặng, ít ra đó là hai biện pháp trước mắt có thể làm được trong giai đoạn này. Còn nếu chỉ trông mong vào ý thức tự giác thì rất khó.

Họa sĩ Hùng Khuynh: Chế tài của nhà nước là biện pháp quan trọng nhất 

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 4 - Đến lúc cần mạnh tay - 3

Họa sĩ Hùng Khuynh

Tôi cho rằng biện pháp chính để hạn chế vấn nạn chép tranh, nhái phong cách vì những động cơ không phù hợp là phụ thuộc vào chế tài của nhà nước – đây là biện pháp quan trọng nhất. Cần bắt buộc các cơ quan có thẩm quyền như bộ phận quản lý văn hóa, bộ phận kiểm tra, phát hiện để có các hình thức xử phạt, răn đe nghiêm khắc dành cho các đối tượng. Có chế tài cụ thể thì sẽ có người biết sợ và không thực hiện vi phạm nữa.

Các phòng tranh cũng cần nâng cao tiêu chí thẩm định: không nhận tranh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không xác định rõ tác giả. Với nhà sưu tập, người mua tranh cũng cần phải chủ động thẩm định kỹ tác phẩm, tránh mua tranh không đúng tác giả, hoặc tranh giả, tranh chép. Phần hội đồng nghệ thuật, các nhà phê bình nên có chức năng mở đường, định hướng cho khán giả bởi họ chơi cùng nghệ sĩ, họ sống bếp núc với nghệ sĩ nên họ am hiểu được nghệ thuật hơn ai hết.

Và cuối cùng là phần của người nghệ sĩ: khi người nghệ sĩ tôn trọng tác quyền, trân trọng công sức, giá trị và sản phẩm lao động của bản thân và người khác, hướng đến việc sáng tạo một cách công chính và đàng hoàng – khi ấy hoạt động "sao chép" mới có cơ hội quay trở về với mục đích truyền thống của nó được.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất: Để tòa án lương tâm phán xét 

Tôi cho rằng muốn chơi cái gì cũng cần phải học, chơi tranh lại càng phải học. Có một đặc thù đáng tiếc hiện nay là việc chơi tranh đang diễn ra lặng lẽ, thậm chí nhiều người có tâm lý chui lủi, sợ nếu lộ ra sẽ bị chép. Càng như vậy, những kẻ chép tranh càng dễ thực hiện.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 4 - Đến lúc cần mạnh tay - 4

Họa sĩ Bùi Văn Tuất (Ảnh: Phạm Hằng)

Tôi nghĩ cách tốt nhất là công khai các tác phẩm của mình, đưa mọi thứ ra ánh sáng. Chỉ có vậy, người xem mới biết đến sự tồn tại của tác phẩm. Tranh chép vì vậy cũng mất đi giá trị, khi tác phẩm gốc đã được cộng đồng biết tới.

Trước khi chơi tranh, người sưu tập nên theo dõi quá trình sáng tạo của nghệ sĩ. Họ là người vẽ theo phong cách nào, ảnh hưởng ra sao, phong cách đó có thích hợp với mình? Liệu khi nào họ mở triển lãm? Khi hiểu được những thứ đó, họ sẽ không bao giờ mua phải tranh giả, tranh chép. Đừng mua tranh với tâm lý chộp giật.

Riêng với những kẻ chép tranh, khi đã bán trót lọt một bức tranh giả thì lợi nhuận họ thu về sẽ rất cao. Cho nên việc xử phạt hành chính cũng không thấm vào đâu, mà theo tôi điều họ cần phải đối diện chính là tòa án lương tâm, đạo đức nghề nghiệp.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

3 chòm sao cực tỉnh táo, những lời mật ngọt cũng không thể đánh lừa

3 chòm sao cực tỉnh táo, những lời mật ngọt cũng không thể đánh lừa

Những người thuộc 3 chòm sao này nổi tiếng với sự rõ ràng và lý trí. Họ dường như sinh ra đã có khả năng thấu hiểu đặc biệt, có thể nhìn thấu bản chất thông qua hiện tượng và không bị lừa bởi những lời nói ngọt ngào hời hợt. Họ sống tỉnh táo, được lý trí dẫn dắt và trung thành với sự thật bên trong cùng sự độc lập của mình.

Truyện cổ tích: Bầy thỏ

Truyện cổ tích: Bầy thỏ

Bầy thỏ nhút nhát giật mình khi nghe tiếng nước bắn tung tóe, nhưng khi chúng nhìn thấy lũ ếch lặn sâu xuống đáy hồ,...