Operetta “đường cây mùa xuân"

Ngày ấy tôi từ mặt trận về, học tại Trường đại học sư phạm Hà Nội nhưng bởi máu mê văn nghệ, nên tôi thường viết kịch bản cho các anh Đức Duy, Văn Ngải (Đài Tiếng nói Việt Nam) và đạo diễn Phan Lưu mới đi học đạo diễn truyền hình ở Hungary về - đang là “mỳ chính cánh” của Ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam.

Tôi ở trong ký túc xá nhà trường, nhưng hay tá túc nhà anh Phan Lưu ở số 10, Cao Bá Quát. Anh thuộc diện cậu ấm, là cháu ngoại Phó thủ tướng Phan Kế Toại và được mẹ chiều hết mực. Một hôm bỗng anh Lưu bảo:

- Tối nay ngủ lại đây nhé, tao có việc này nhờ mày đây. (ông anh hơn tôi quãng 10 tuổi, nhưng luôn bình dân, xưng hô tao mày với đồng trang lứa, cũng như các đàn em, như tôi và Trần Bình)

- Việc gì thế anh? (Tôi hỏi)

Nghĩ chắc ông anh lại sai mình đêm nay ngồi chép phân cảnh cho các bộ phim truyền hình, hay đi gọi các diễn viên cho anh xây dựng các chương trình nhưng không phải. Bởi thấy giọng anh nghiêm trọng khác thường:

- Hôm trước mới họp Ban văn nghệ, đích thân ông Trần Lâm giám đốc đài tham dự để chuẩn bị cho chương trình Tết. Không hiểu sao ông ấy chỉ đích danh tao: “Cậu phải lo được một nhạc cảnh thiếu nhi thật tưng bừng phát mồng một tết, tươi vui, lạc quan, bám sát hai nhiệm vụ chính trị: Xây dựng miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam”. Văn võ bá quan đủ cả, mà chẳng hiểu sao ông ấy lại chỉ đích danh tao.

Tôi biết thừa cụ Trần Lâm vốn quý trọng ông ngoại anh Phan Lưu, nên quý trọng anh “Nưu” lắm (chúng tôi hay gọi đùa anh như vậy). Đích thân cụ Lâm đã chọn  anh Lưu đi học lớp đạo diễn ở Hunggari từ lúc mới nhen nhóm ý định xây dựng đài truyền hình từ Đài Tiếng nói Việt Nam...

Anh Lưu bảo:

- Tao loay hoay một tuần nay rồi, cũng nhờ người này người kia viết kịch bản nhưng chưa ổn. Hôm rồi vào Đoàn ca nhạc Dân tộc, thấy có cái “Operetta Mùa xuân lên nương mùa xuân lên đường” mày viết với ông Tài Tuệ hay, sẽ quay truyền hình tới đây. Nên tao nảy ra ý định bảo mày thử viết cho tao kịch bản này xem. Biết đâu “cò gỗ mổ cò thật”, “ Thánh nhân đãi khù khờ”...

Thế là tối ấy, anh Lưu dẫn tôi ra quán phở nhà cầu thủ Phương tròn (Quang B) đối mặt ga Hàng Cỏ gần đấy, làm hai bát phở tú hụ, nước béo tràn trề đãi thằng em lấy sức thức đêm ngồi viết. Rồi khi về nhà, lại xếp cho tôi ở phòng ngoài, bàn viết, thếp giấy 5 hào 2, lọ mực và cây bút đã sẵn sàng. Còn ông anh vào phòng trong đánh một giấc tới gần bình minh...

Sẽ bắt đầu như thế nào nhỉ. Tôi nghĩ mãi, rồi chợt nhớ những sáng mùa xuân, khi ấy còn đang là tân binh sư đoàn 320B đóng ở Gia Viễn, Ninh Bình. Vì chiến trường thôi thúc, sáng mồng một tết chúng tôi vẫn phải rèn luyện, hành quân dã ngoại, đi qua những xóm những làng đón xuân lên tới tận Dốc Cun, Hòa Bình. Một hình ảnh luôn làm rộn rã lòng chúng tôi, là ở hai bên đường, những em bé cổ quàng khăn đó đang vào hội trồng cây của xóm làng, trống ếch thì thùng vang dội...

Thế là lời bài hát làm ca khúc chủ đạo vang lên trong tôi:

Sáng mùa xuân em đi trồng cây

Sáng mùa xuân chú đi ra trận

Đất nước đẹp thay.

Cây xanh xanh mát đường dài

Mai đây cho nhiều gỗ tốt tươi

Cây che chặng đường chú đi đánh giặc

Đuổi hết quân thù khỏi đất nước ta

Ngày mai chú về, cháu hát tặng bài ca

Qua những chặng đường hàng cây gió vẫy

Mùa xuân đẹp biết mấy

En yêu chú bộ đội

Yêu đất nước mùa xuân...

Bắt đầu là như thế. Những đoàn quân ra đi trong sáng mùa xuân. Ở hai bên đường hậu phương, là tết trồng cây làm giàu đất nước của nam phụ lão ấu, mà rộn ràng nhất vẫn các em thiếu nhi. Thấy các chú hành quân ra trận, các cháu tíu tít ùa tới, hát múa cho các chú nghe, rót nước các chú uống, lưu luyến tiễn đưa các chú lên đường.

Operetta “đường cây mùa xuân" - 1

Ảnh minh họa

Nhưng càng về trưa, mặt trời càng lên bỏng rát. Nhìn theo các chú hành quân trong nắng gắt, các em rộn rã ước mong và hát nên niềm ước mong ấy: Em mong thành những hàng cây mau lớn, che mát dặm đường hành quân của chú, em ước mong  hóa thành đám mây bay che mặt trời nắng gắt, em ước mong hóa thành ngọn gió thổi mát trên chặng đường chú đi.

Sáng mùa xuân em đi trồng cây

Sánh mùa xuân chú đi ra trận

Đất nước đẹp thay....

Cho đến rạng sáng, đèn bàn vẫn bật, lọ mức chưa đóng nắp, những trang bản thảo vẫn trên bàn. Mệt quá tôi thiếp đi. Bỗng giật mình thấy anh Phan Lưu đã dậy tự lúc nào, đang đứng lật giở những trang bản thảo tôi viết chưa ráo mực. Cho đến trang cuối cùng, ông anh đăm đắm nhìn tôi, giọng đầy nghi ngại:

- Mày viết thật đấy à, hay đi chép ở đâu?

Tôi ngớ ra ngạc nhiên, dù biết ông anh hay nói đùa:

- Anh nhìn đi, nhà anh có tờ báo quyển sách nào không. Có mỗi một tạp chí chữ tây toàn hình gái đẹp ông anh mang từ Hung về... Có muốn chép cũng chẳng có gì mà chép.

Ông anh gật gù, tủm tỉm:

- Mày viết nhanh thật đấy. Mà được lắm. Hôm nay tao sẽ đi nộp duyệt các ông ấy, có thế nào tao sẽ báo mày. À, mà duyệt được, mày muốn nhạc sỹ nào làm nhạc.

Tôi suy nghĩ một lát rồi nói với anh Phan Lưu:

- Nhạc sỹ Chu Minh. Em yêu nhạc ông này lắm...

***

Một tuần sau, tôi đến nhà anh Phan Lưu. Thấy ông anh hoan hỉ: “Xong rồi. Các ông ấy khen lắm. Ông Bửu Huyền biên tập cũng đã đi mời ông Chu Minh viết nhạc. Ông Chu Minh đọc kịch bản rồi, vui vẻ nhận lời, và hứa một thời gian ngắn sẽ hoàn thành phần âm nhạc. Lúc nào mày qua nhà ông ấy xem binh tình thế nào”.

Nghe lời anh Phan Lưu, tôi đến nhà nhạc sỹ Chu Minh, ngôi nhà vốn rất thân thuộc với tôi nhiều năm qua, kể cả những ngày tôi ở mặt trận, mỗi bận về Hà Nội công tác đều đến đây thăm vợ chồng nhạc sỹ mà tôi gọi là cô chú.

Operetta “đường cây mùa xuân" - 2

Nhạc sỹ Chu Minh

Căn phòng rất nhỏ, sát bên  ngoài cửa đặt một cây đàn pianô của trường nhạc cho nhạc sỹ mượn để giảng dạy các sinh viên đến học sáng tác. Khi tôi đến, cô Chung Khuê vợ chú Chu Minh cho hay chú vừa sang nhà nhạc sỹ Huy Du, vốn rất thân thiết với nhạc sỹ Chu Minh. Cũng cô Chung Khuê cho hay mấy đêm nay chú Chu Minh thức suốt để sáng tác (vì ban ngày chú phải dạy).

- Chú nói với cô kịch bản cháu viết phải không?

Tôi bảo vâng ạ, cô Chung Khuê lại bảo:

- Chú Chu Minh khen lắm, bảo thằng này nó đi mặt trận trưởng thành hẳn lên, lại phát lộ tài năng thơ ca!

Nhìn trên nắp đàn pianô rất nhiều bản tổng phổ cho nhạc cảnh, tôi vừa mừng vừa xúc động, bởi chú đã dành rất nhiều công sức những ngày qua cho nhạc cảnh. "Nhạc của ông là nhạc bác học", như bạn tôi Kiều Minh, nghệ  sỹ đoàn ca múa Tổng cục chính trị thường kéo đàn đệm hát cho các bài hát của nhạc sỹ Chu Minh như “ Người là niềm tin tất thắng” hay “ Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” thường gật gù ca ngợi: “Nhạc của ông Chu Minh là nhạc của bậc thầy, sang trọng, trang nghiêm, không thừa không thiếu một nốt”.

Thấm thoắt xuân về, tết đến. Operetta “Đường cây mùa xuân” đã hoàn chỉnh, chỉ còn chờ phát sóng vào sáng mồng một tết năm mới. Thời kỳ này, Truyền hình Việt Nam vẫn đang giai đoạn thử nghiệm, những tiết mục văn nghệ cũng như thời sự đều phát sóng trực tiếp. Có nghĩa là các diễn viên phải thuộc lòng, phải rất nhuần nhuyễn trong từng ánh mắt, động tác, không được phép sai sót dù một chi tiết nhỏ. Hỏi có căng thẳng không? Có chứ! Nhưng niềm vui được lên truyền hình làm mọi người đều hết sức cố gắng... 

Cả đêm giao thừa năm ấy, tôi hòa vào dòng người Hà Nội đi hái lộc quanh hồ Gươm. 5 năm vào mặt trận, đến hôm nay tôi mới được trở  lại như tuổi thơ đi đón giao thừa và hái lộc quanh Bờ Hồ. 22 tuổi, vẫn chưa có tình yêu, vẫn  một mình đi lặng ngắm những đôi lứa đi bên nhau. Nhưng trong tôi lúc ấy là một tình yêu tràn trề với thơ ca, với âm nhạc, với văn học nghệ thuật...

Tôi mong giao thừa đến thật nhanh, pháo nổ thật giòn giã, lộc biếc nẩy thật nhiều, và ngày năm mới đến thật nhanh. Bởi chút nữa thôi, trên màn ảnh truyền hình, nhạc cảnh Đường cây mùa xuân của người lính trẻ là tôi, của đạo diễn tài năng Phan Lưu, của âm nhạc bác học Chu Minh, của những vũ điệu mùa xuân do biên đạo Trần Minh sáng tác và các em khóa 8, khóa 9 trường múa Việt Nam, những Đặng Hùng, Đặng Sơn, Thúy Loan, Thu Huyền, Thạch Bình... đầy sức trẻ biểu diễn. Và đương nhiên, một giọng hát opera tuyệt vời khi ấy là Lê Gia Hội trong vai người chiến sỹ sẽ cất lên tiếng hát tuyệt vời của mình...

Operetta “đường cây mùa xuân" - 3

NSƯT Lê Gia Hội.

Cả đất nước lúc này chỉ một hướng phía Nam và chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã trước mặt. Người chiến sỹ trong nhạc kịch của tôi cũng đang hành quân về phía Nam. Vở nhạc kịch dù chỉ dành cho những mầm non đất nước, những bông hoa nhỏ, nhưng đã như một tiếng gà báo hiệu một chiến dịch lớn sắp mở, một  mùa xuân lịch sử sẽ bắt đầu!

Và với tôi, một người lính 22 tuổi, được trở thành tác giả của hai vở Operetta viết về người lính và tổ quốc, được các nhạc sỹ lừng danh Nguyễn Tài Tuệ, Chu Minh phổ nhạc, các đạo diễn Văn Hà, Phan Lưu đạo diễn, các nghệ sỹ Mạnh Hà, Thu Hiền, Lê Gia Hội  Đặng Hùng  Vương Linh, Thúy Loan, Thạch  Bình biểu diễn, được các đoàn nghệ thuật Ca Nhạc dân tộc TW và Đài truyền hình Việt Nam xây dựng làm tiết mục phục vụ người xem, trong đó có nhiều những đồng đội của tôi, quả thật không sung sướng nào bằng. Và một điều nữa luôn âm ỉ, luôn tự hào trong tôi là các chú các bác nghệ thuật bạn mẹ tôi, khi nói về tác giả của những bài thơ, của những kich bản này, chỉ đơn giản nói với nhau rằng: “Con trai Tân Nhân viết đấy”...

Với tôi, đấy là hạnh phúc nhất rồi...

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - 2024

Tối 17/4, tại Khu Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội cùng các bộ ngành, địa phương tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024 với nhiều hoạt động, sự kiện phong phú, đa dạng.