Bàn về sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật

Trong quá trình đổi mới hội nhập và phát triển giao lưu văn hóa, đất nước có nhiều sự biến đổi to lớn về diện mạo, sự bùng nổ của hàng loạt các ấn phẩm văn hóa đa dạng, sự xâm lăng văn hóa, và sự chi phối cả tích cực và tiêu cực tới văn học nghệ thuật nước nhà. Đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động to lớn đến đời sống văn hóa đọc hiện nay, số lượng các ấn phẩm văn học xuất bản thấp, khó phát hành ra thị trường, cuốn sách gần đây nhất của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân là cuốn “Người thầy” của tác giả Nguyễn Chí Vịnh (tái bản lần thứ 5 (13 nghìn bản) nóng trên thị trường cũng chỉ phát hành hơn chục nghìn bản. Trong khi đó vấn đề đa dạng trong sáng tạo văn học nghệ thuật cũng vẫn là muôn thuở, trong phạm vi bài viết này. Tôi xin đề cập tới những vấn đề góc nhìn đa chiều trong sáng tạo văn học nghệ thuật người nghệ sĩ cần phải lao động tìm tòi sao cho tác phẩm của mình có giá trị tới đông đảo bạn đọc.

Ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức thành công tại Hoàng Thành Thăng Long do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, trong đó có buổi tọa đàm: Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ. Đây là một chủ đề khá hay, có rất nhiều ý kiến sắc sảo, sôi nổi và đầy trí tuệ. Bản lĩnh có trước hay bản sắc có trước? Đa số các đại biểu cho rằng từ bản lĩnh rồi mới đến bản sắc. Bản sắc để làm ra nhà thơ, nhưng nếu không có bản lĩnh không có tìm tòi sáng tạo và kiên trì theo đuổi những con đường và lối đi riêng thì không thành bản sắc.

Bàn về sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật - 1

Tọa đàm “Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ” 

Trong một lần được trò chuyện với nhà văn Chu Lai, ông cho rằng: “Văn chương khác một chút với sân khấu, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh… là không đào tạo được. Việt Nam có Trường Viết văn Nguyễn Du nhưng chỉ là nơi nối dài tri thức chứ không hề là điểm đào tạo từ không đến có, bởi nếu không có năng khiếu, thiếu căn cốt bẩm sinh, thì khi ra trường sẽ bị thui chột đi hoặc đua nhau làm nghề khác nhau.

Cái đau đáu, đau đời là rất quan trọng vì nó là sự trải nghiệm cho cảm hứng sáng tạo. Cười hơn hớn, viên mãn là thất bại, vô cảm với cảnh đời trái ngang đang từng ngày diễn ra xung quanh là tự sát. Sáng tạo là cái nghề khổ hơn tất cả mọi nghề. Cái nghề tự “ăn óc” của mình. Khi còn sống, ông Nguyễn Tuân nói rằng: mỗi sáng nhìn vào trang bản thảo trắng phớ nhợn người như nhìn vào pháp trường trắng, còn ông Nguyễn Khải, một bút lực thâm hậu, dồi dào lại chỉ muốn có khách gọi đi chơi để tránh ghì người vào bàn. Nên nhiều người vin vào quản lý, điều hành để trốn viết và đã trốn được thật, trốn mất dạng, mất nghề luôn” (bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Chu Lai, “Góc nhìn đa chiều trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”, NXB Quân đội nhân dân, 2023)

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu nổi tiếng với bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”, vẫn cứ sáng tạo đều đều, năm nay ông vừa cho ra mắt tập thơ Có tiếng ai gõ cửa. Tác phẩm thơ mới của ông đã tạo được dấu ấn riêng có và hấp dẫn bạn đọc. Quan niệm về sự sáng tạo và lao động nghệ thuật thì ông vẫn cho rằng đó là một quá trình lao động cực nhọc. “Có nhiều khi, người làm thơ ngồi lặng yên trước trang giấy trắng hàng giờ liền mà chưa viết được một dòng nào, hoặc viết rồi lại gạch xóa, lại bỏ đi bởi câu chữ mình viết ra nhạt thếch, vô hồn. Có phải anh không có ý tưởng, cảm xúc? Cũng chưa hẳn là thế.

Bởi đã ngồi vào bàn viết, trong anh phải có điều hối thúc. Anh vừa mới đi thực tế ở xa về, trong đầu anh vừa nảy sinh những ý nghĩ bất chợt? Anh muốn viết, muốn nói với mọi người những gì anh nghĩ, anh cảm? Với tâm hồn nhạy cảm, từ góc độ của người viết, có nhiều điều anh muốn tâm sự, bày tỏ, anh như nguồn suối dòng sông đầy nước, muốn trào lên những đợt thác xối sóng dềnh. Ngồi vào bàn viết với niềm say mê, tâm huyết vốn có, anh luôn có ý thức nghiêm túc về nghề. Ấy thế mà, đầu óc cứ mông lung, lan man như một vòm trời âm u đang đợi tiếng sấm rền hay vệt chớp… Có những khoảng lặng như thế trong chặng đường dài của người làm thơ. Không phải lúc nào, thời điểm nào anh cũng viết được. Khoảng lặng yên trước trang giấy có khi kéo dài từ ngày nọ sang ngày kia, tháng này sang tháng khác nó giúp cho người viết biết được cái nghề cầm bút khắc nghiệt, cực nhọc đến chừng nào”.

Bàn về sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật - 2

Ảnh minh họa

Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn hiện nay ra sách rất đều, đặc biệt sách của ông bán được ra thị trường, tràn ngập trên các nhà sách lớn tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, độc giả của ông có nhiều thế hệ nhất là học sinh, khi trao đổi với ông về nghề viết về sự sáng tạo trong văn học ông cũng tâm sự rất chân thật và giản dị:

“Thực ra lúc ngồi sáng tác, tôi cũng chẳng nghĩ gì đến chuyện phấn đấu để có tên tuổi. Tên tuổi nếu có là cái đến sau. Lúc viết, tôi chỉ cố nghĩ viết làm sao cho hay, cho bạn đọc thích. Đó là sự thích ứng tự nhiên, hay nói cách khác là sự đồng cảm giữa người viết và người đọc. Về mặt lao động, tôi viết năm tiếng đồng hồ mỗi ngày, kể cả chủ nhật và ngày lễ, mấy chục năm trời như vậy. Tôi không gọi đó là kỷ luật lao động. Gọi là thói quen lao động thì đúng hơn. Vì chẳng ai bắt tôi làm vậy, nhưng tôi thích, tôi cảm thấy hứng thú khi ngồi trước bàn viết. Sự đam mê công việc đó có lẽ xuất phát từ lòng yêu nghề. Không cứ là nghề văn, tôi nghĩ lòng yêu nghề là phẩm chất có tính quyết định.” 

Nhà văn Văn Lê thì lại cho rằng viết là để trả nợ với bạn bè với đồng đội của ông bị nằm lại ở chiến trường. Tập thơ “Vé trở” về của ông được cho là tác giả đã “rút ruột” để viết ra những câu chữ từ chính những chiêm nghiệm của cuộc đời mình. Có người nói với ông chiến tranh đã qua lâu lắm rồi mà sao vẫn làm ông đau đớn thế? - Chiến tranh vô cùng ác liệt, tuy nhiên chiến tranh cũng qua lâu rồi, vết thương đã liền da rồi, khơi lại làm gì? có người khuyên ông như vậy. Đã có lúc ông ngừng viết về chiến tranh, về đồng đội của ông đã từng ngã xuống, nhưng thật khốn cùng, càng lẩn trốn, ông càng thấy trống rỗng, chơi vơi. Dường như đối với ông, chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Nó cứ lởn vởn ở đâu đó qua những câu chuyện, những bản tin thời sự. Nhiều khi ông mơ thấy bạn bè về.

Họ đói khát, tả tơi, nhìn ông với ánh mắt thật buồn, rồi lặng lẽ bỏ đi, không nói. Không bao giờ nói. Thế rồi ông lại viết. Viết để tự giải tỏa những uẩn khúc ở ngay trong lòng mình. Viết để được nhớ quá khứ, nhớ về họ, nhắc về họ. Mà ở đời, con người ta chỉ thực sự chết khi không còn ai nhớ, ai nhắc đến mình nữa với sự thành công trong bất cứ ngành nghề nào cũng vậy”. Nhà văn Văn Lê chung thủy với đề tài chiến tranh, tìm tòi, trăn trở đến phút cuối đời.

Trong một buổi trưa, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại từ nhà văn Văn Lê, ông nói: “Tao đang viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng, gồm những bức điện từ miền Bắc đánh vô căn cứ Trung ương Cục miền Nam rất hay, nhưng cuốn tiểu thuyết này là cuối cùng của tao, viết xong tao sẽ nghỉ ngơi không viết nữa”.

Thế rồi hôm sau, tôi giật mình khi nghe tin nhà văn qua đời. Chúng tôi đến viếng ông trong niềm thương tiếc một tài năng đích thực, nói về người bạn thân thiết của mình, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nhận xét: “Văn Lê là nhà văn, một đạo diễn đã phải dựa vào đồng đội, hy sinh trong chiến tranh để sống và viết. Người như Văn Lê bây giờ hiếm vô cùng. Anh vẫn viết về chiến tranh. Thụy (Văn Lê tên khai sinh là Lê Chí Thụy) bằng ngòi bút, vẫn truy tìm linh hồn của đồng đội đã hy sinh để đưa họ sống mãi trong các tác phẩm văn học nghệ thuật của mình”.

NSND Đặng Nhật Minh luôn tìm tòi sáng tạo các tác phẩm điện ảnh của mình sao cho chân thực và gần gũi với con người. Ông chỉ làm hơn mười bộ phim, nhưng phim ông rất sâu sắc, làm lay động lòng người và có giá trị bất biến qua thời gian. Ông cũng tâm sự rất chân thật: “Khao khát của tôi là được tiếp tục làm phim như những phim tôi đã từng làm. Nhưng cơ hội làm phim của tôi bây giờ không nhiều. Những phim giải trí do tư nhân bỏ tiền làm thì họ không mời tôi vì biết tôi không thích loại phim đó, còn phim do Nhà nước bỏ tiền làm nhằm kỷ niệm những ngày lễ lớn cũng không phải là tạng của tôi. Những phim nói về thân phận con người, những con người bình thường trong xã hội như tôi đã từng làm nay hầu như không có ai đầu tư. Các bạn trẻ hiện nay có điều kiện tiếp cận với điện ảnh bên ngoài thuận lợi hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều. Trước đây muốn được xem phim của các nước phương Tây phải có giấy phép đặc biệt mới được xem. Do đó, các bạn trẻ có điều kiện để học hỏi cái hay của điện ảnh thế giới, nhưng cũng dễ bị bắt chước nếu không tỉnh táo. Tôi tin rằng các bạn trẻ sẽ tìm ra được cái gì đó riêng của mình. Chỉ như thế chúng ta mới hội nhập được với thế giới” (Bài trả lời phỏng vấn trong cuốn sách: Con đường họ đã đi qua, Nhà xuất bản trẻ, 2016).

Tài năng văn chương không phụ thuộc vào vùng miền, tri thức cao hay thấp, mà phụ thuộc vào chính nội lực của người viết. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Tư - một nhà văn không có một chút vẻ ngoài văn học nào hết mà viết rất hay, rất sâu, rất bền. Ngọc Tư tỏa sáng rất lâu, sáng đủ các thể loại, hoàn toàn tự tỏa sáng, chứ không cần nhờ một ai, một phương tiện nào trợ giúp.

Trong quá trình tìm tòi sáng tạo của mình có lúc cô cũng phải thốt lên: “Tôi chưa thấy một người viết nghiêm túc nào mà có thể ăn ngon, ngủ đẫy giấc như người ta vẫn tưởng. Ngay cả khi một người nói rửa tay gác bút, tôi vẫn nghĩ cái thế giới tinh thần của anh ta cũng đầy những dằn vặt. Mỗi khi nhìn chị kế toán, em văn thư của Hội Văn nghệ, tôi vẫn thường ganh tị bởi mình không bao giờ đạt được cái tâm thế thảnh thơi của họ. Lúc thì xử lý bao nhiêu ý nghĩ sôi sục trong đầu, lúc thì trống hoác đến nỗi phải đào bới tìm kiếm, tôi có được thụ hưởng lúc nào đâu?”.

Sáng tác nghệ thuật là một quá trình nhạy cảm thực tại, suy nghĩ thực tại, tích lũy tình cảm, sắp xếp chất liệu, diễn đạt bằng nghệ thuật, nó đòi hỏi tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhà thông thái, nhà triết học thì ham mê suy nghĩ. Với người nghệ sĩ trong sáng tạo văn học nghệ thuật thì nhạy cảm là yêu cầu cao hơn. Trong tâm hồn có tràn đầy tình cảm, mới có thể tạo ra khả năng diễn đạt. Rõ ràng là phải cảm nhận sâu sắc mới sáng tác được, nhưng cần cảm nhận trong sáng và sâu sắc. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không phải người Hà Nội, nhưng chỉ qua tâm trạng của một người bạn trong một lần trò chuyện, khi ông hỏi: “Này, ông ở lâu ngoài Hà Nội, ông thấy những buổi chiều trên sông Hồng có gì ám ảnh?... Bạn kể với ông về bờ đê và lũy tre mờ xa, sương khói. Và thế rồi, trong bài “Chiều quê hương tôi”, nhạc sĩ chỉ chọn lấy cái bờ xa sương khói thật có hồn…

Còn bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của ông mới chi tiết. Những chi tiết, những hình ảnh khiến cho ai đã từng am tường Hà Nội đều phải sững sờ: “Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa thu mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè thơm từng bước chân qua”… Phải công nhận đó là một trong những bài hay của Trịnh Công Sơn mà nhiều người yêu thích… 

Trong quan niệm nghệ thuật về con người của Trịnh Công Sơn có nhiều độc đáo và mới lạ. Con người được đo bằng thước đo riêng, và vì thế, con người được cảm nhận và khám phá ở những chiều kích rất lạ, nhỏ bé và lớn lao, bình thường và khác thường, hiện thực và siêu thực. Ấy là những gì có thể nhận thấy trong bài Như cánh vạc bay: “Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em/ Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh/ Gió sẽ mừng vì tóc em bay/ Cho mây hờn ngủ quên trên vai/ Vai em gầy guộc nhỏ/ Như cánh vạc về chốn xa xôi”.

Rất nhiều các chuyên gia văn hóa, nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu đều đánh giá nhạc của Trịnh Công Sơn hay ở ca từ, “một phù thủy ngôn ngữ của âm nhạc Việt Nam” (Nguyễn Xuân An). Cái mới mẻ trong những ca khúc của Trịnh Công Sơn trước hết là cái quan niệm về lời ca, về chức năng và vai trò của lời ca. Lời ca không dùng để kể một câu chuyện có đầu, có cuối nữa, câu chữ không còn bị gò bó trong chức năng này nữa. Chúng có một đời sống hoàn toàn độc lập, tự do. Chúng có thể gợi lên những hình ảnh đẹp, những ấn tượng đẹp, những ý ngắn, đôi khi đạt tới mức siêu thực, và giữa chúng đôi khi không còn một mối quan hệ logic nào cả.

Xuyên suốt những tư tưởng triết học ẩn ý của ông về con người, về thân phận và vị trí của con người luôn là sự khắc khoải trong nhiều bài ca. Tư tưởng triết học và tính dân tộc rất đậm nét trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Thế giới của tình yêu, hình tượng mẹ, quê hương Huế, Sài Gòn, Hà Nội cũng như thế giới tâm linh, chính là cái môi trường tự nhiên của những tâm hồn nhạy cảm. Những ca khúc nói lên thân phận con người, nói lên tình yêu, đối với ông là một nguồn cảm hứng vô tận về nghệ thuật. Nó cho phép ông đi vào sâu vào những ngõ ngách thầm kín nhất của tâm hồn.

Có lẽ không lĩnh vực nào cho phép ông diễn đạt một cách thoải mái, tự do như lĩnh vực này. Những cảm xúc mong manh, mơ hồ, tế nhị nhất trong cái thế giới kỳ ảo của tình yêu, của tâm hồn, tưởng như khó có thể nói lên được bằng lời, đã được diễn đạt bằng những hình ảnh, những câu chữ riêng mà Trịnh Công Sơn đã không ngần ngại vượt qua những khái niệm thông thường, vượt qua hiện thực, để sáng tạo ra.

Bàn về sự sáng tạo trong văn học nghệ thuật - 3

Ảnh minh họa

Trong thời gian gần đây, văn học nghệ thuật “trăm hoa đua nở”, là một người làm việc trong lĩnh vực xuất bản, tôi thấy rất hiếm khi có tác phẩm nào ra đời gây tiếng vang mạnh với bạn đọc. Các nhà văn, nhà thơ phải tự bỏ tiền ra xuất bản cho các tác phẩm của mình và tự phát hành theo hình thức ký gửi, vì thế các nhà văn nhà thơ cũng khó khăn trong công cuộc đời thường mưu sinh, đa số họ phải sống bằng nhiều nghề khác và vẫn theo đuổi đam mê sáng tạo, có người cả đời tìm kiếm, đào bới mà cũng không gặt hái được gì, người đọc không thể nhớ nổi tên họ và tác phẩm của họ.

Đúng là nghệ thuật, văn học có đi nhưng chưa chắc đã đến. Sự sáng tạo của văn học nghệ thuật là một vấn đề lớn mà các cơ quan văn hóa của Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế đầu tư cho văn hóa nói chung và cho văn học nghệ thuật nói riêng đặc biệt cho các nghệ sĩ các nhà văn nhà thơ là điều không thể thiếu và cần thiết trong lúc này nhằm chấn hưng văn hóa một chiến lược và tầm nhìn của Đảng ta.

“Văn học, nghệ thuật suy cho cùng phản ánh sinh động, đa chiều hiện thực phức tạp cuộc sống vốn có của nó, thiên chức cao cả thiêng liêng của văn học nghệ thuật là vì con người và đấu tranh chống lại cái xấu, cái thấp hèn, muôn đời vẫn không thay đổi. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn đánh giá vai trò thành tựu của văn học nghệ thuật trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Có thể khẳng định, văn học nghệ thuật nắm được mạch chính là nêu cao chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó dân tộc, nỗ lực phản ảnh chân thực cuộc sống, đấu tranh cách mạng, lao động sáng tạo của nhân dân.

Phạm Xuân Trường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Người Trung Quốc ùn ùn về quê ăn Tết

Trong bối cảnh Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, người Trung Quốc chen chúc trên ô tô, tàu hỏa và máy bay để về quê ăn Tết, chính thức khởi động mùa Xuân Vận - cuộc di cư thường niên lớn nhất thế giới của loài người.

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Honda City và các đối thủ: Thiết kế nào vừa lòng người Việt nhất?

Phân khúc sedan hạng B tại Việt Nam luôn nóng bỏng với những cái tên như Honda City, Toyota Vios, Hyundai Accent, Mazda2 và Kia Soluto. Mỗi mẫu xe mang phong cách thiết kế riêng, từ sự sắc sảo, thể thao của City đến vẻ bền bỉ của Vios hay thời thượng của Accent. Vậy đâu là thiết kế chinh phục người Việt nhất?

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Những SUV đáng chú ý sẽ ra mắt trong năm 2025

Khi mà thị trường ô tô ngày càng phát triển, các thương hiệu lớn đang chuẩn bị cho ra mắt những mẫu xe mới với thiết kế và công nghệ tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.