“Ký ức lương thiện” hay là ba đoản khúc về tiểu thuyết “Trở lại chốn xưa” của nhà văn Trần Thiên Hương
“Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau, thắm những ngày” (Tố Hữu - Việt Nam máu và hoa)
Chiến tranh vẫn dường như chưa kết thúc.
Nhà văn Nga tài danh I. Bondarev (1924-2020), vốn là một cựu chiến binh trải qua cuộc Chiến tranh ái quốc vĩ đại (1941-1945) của nhân dân Liên Xô đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức, vãn hồi hòa bình cho quê hương và cho toàn thế giới. Ông tự nhận mình là thế hệ “Nhà văn trung úy”; là tác giả của nhiều tiểu thuyết xuất sắc về chiến tranh, trong đó có Tuyết nóng, đã dịch ra tiếng Việt, từng chia sẻ với độc giả: “Chiến tranh là một chấn động lớn nhất trong đời sống của xã hội loài người, là một thử thách lớn khôn lường đối với nhân dân, và do đó các nhà văn luôn luôn tìm kiếm đề tài chiến tranh. Đặc biệt là những nhà văn đã từng nghe tiếng súng máy rít trên đầu và đã không phải một lần đau nỗi đau mất mát. (...). Có những ký ức là sự trừng phạt, có những ký ức là trách nhiệm. Tôi thuộc loại sau”.
Vì chiến tranh là điều bất bình thường, tàn phá và hủy diệt, chết chóc và đau thương vô hạn trong khi con người muôn thuở mong muốn sống trong bình thường, hòa bình dựng xây và kiến thiết hạnh phúc. Nhưng chiến tranh và hòa bình luôn như là hai mặt của một một tờ giấy, cái này là mặt trái của cái kia, không thể nào khác được.
Tiếp nhận bản thảo Trở lại chốn xưa của nữ sĩ Trần Thiên Hương, thực sự tôi quan tâm và có cảm tình với cây bút nữ “xứ Quảng” này sau khi đọc tiểu thuyết Tình yêu vĩnh cửu (2022) của chị. Có lẽ, tiểu thuyết đã chọn nữ sĩ Trần Thiên Hương, theo lối như dân gian nói “chọn mặt gửi vàng” (!?). Viết tiểu thuyết đã đành phải giàu trải nghiệm (vốn) sống thực tế, như là điều kiện tiên quyết, song cao hơn và bền vững hơn là trải nghiệm (vốn) văn hóa. Tôi nghĩ, nữ sĩ Trần Thiên Hương đang tiệm tiến trên đại lộ này của nghiệp văn.
Được như thế là do sự dấn thân quả cảm của người viết.
Đề tài không làm nên thành công của tác phẩm văn chương. Tất nhiên. Nhưng sự lựa chọn đề tài đồng thời cũng thể hiện phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Cao và sâu hơn thể hiện cái tình của nhà văn với đời sống và con người trong chiến tranh nhiều cả “máu”, cũng nhiều cả “hoa” - tôn trọng và bảo vệ ký ức lương thiện. Nếu như trong tiểu thuyết Tình yêu vĩnh cửu (2022), chiến tranh trải dài qua quá nửa thế kỷ XX, mở rộng từ Bắc vào Nam (từ khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám đến thời điểm giải phóng miền Nam), thì trong Trở lại chốn xưa, thời gian và không gian chiến tranh được “định vị” trong một giới hạn và khuôn khổ nhất định (khoảng đầu những năm 60 đến 1975, trên không gian địa lý thu gọn).
Tiểu thuyết "Trở lại chốn xưa" của nhà vănTrần Thiên Hương.
Sống cạnh cái chết
“Sống cạnh cái chết” được coi là nội dung cuốn tài liệu do một cựu chiến binh quê Thái Bình, người đã từng hiến dâng tuổi xuân trong chiến tranh giải phóng trên quê hương Quảng Đà những năm đánh giặc Mỹ gửi cho nhà văn Trần Thiên Hương với mong muốn nhà văn xứ Quảng ghi lại thành văn chương (tiểu thuyết). Đó là nguyên nhân trực tiếp, nguồn cảm hứng thiết thân để nữ sĩ bắt tay viết tiểu thuyết này.
Với nhà văn, viết trước hết như là “sự trả nghĩa những người đã một thời “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Viết, vì “Mỗi hơi thở trong hòa bình đã phải trả giá bằng mồ hôi và xương máu của cả một thế hệ”. Viết, bởi vì “Đọc những dòng ký ức của người cựu chiến binh ấy, tôi mới hiểu rằng mảnh đất chúng tôi đang sống đây đã thấm máu của hàng ngàn chiến sĩ, lẽ nào chúng ta không mang ơn họ?”. Từ đó có thể suy nghiệm, viết với người nghệ sĩ đích thực có tâm và có tầm chính là một cách chống lại sự lãng quên con người, cũng có nghĩa chống lại sự lãng quên lịch sử một cách vô tình hay cố ý như thể một căn bệnh có tính biến thái thời đại. Viết, như là một hành động giữ gìn ký ức lương thiện - đó là lý do tồn tại của một dân tộc, một thế hệ, một con người chân chính bất kỳ.
Cuốn sổ ghi chép của cựu chiến binh là “bột” để gột nên “hồ” một câu chuyện của hai nhân vật có tên là Thống và Thắng, những người gần 50 năm sau trở lại chiến trường xưa (làng Giảng Hòa bên bờ sông Thu Bồn, thuộc xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà). Không thể nói chiến tranh là một ngày hội, để rồi thi vị hóa, lãng mạn hóa nó một cách sai lệch theo lối huyễn tưởng. Chiến tranh cũng không phải là một trò đùa của tạo hóa, bởi vì máu người không phải là nước lã. Đích thực nó là sự hủy diệt. Vì thế trong tâm thức của người cựu chiến binh thì “Thời gian thật tàn nhẫn. Nhưng thời gian chỉ có thể huỷ diệt tuổi trẻ và sự sống mà chắc chắn không thể nào xóa được những kỷ niệm đẹp trong trái tim của mỗi người, khi họ đã cùng nhau trải qua những tháng ngày gian khổ”.
Một thế hệ tuổi trẻ như người cựu chiến binh tên B.T.T (sau này vào tác phẩm có tên là Thống) trải qua lửa đỏ và nước lạnh của chiến tranh, đã được trui rèn nên “thép đã tôi thế đấy”. Vậy nên cuốn sổ ghi chép của ông sau này được ngòi bút tài hoa của nữ sĩ Trần Thiên Hương tái tạo thành tiểu thuyết Trở lại chốn xưa, là câu chuyện về những người sống và những người chết (là quân nhân hay thường dân). Những người lính thuộc về một thế hệ “Dám từ bỏ trái hạnh phúc đã ửng hồng trong vườn nhà mình để ra đi” (Nguyễn Minh Châu). Với thế hệ như cựu chiến binh tên Thống, thì hạnh phúc và khổ đau, vinh quang và cay đắng, được và mất, nước mắt và nụ cười... đủ cả để soi chiếu nhau theo phép “tấm gương” (nhìn thấu sự vật, - sự việc – con người này trong sự vật - sự việc - con người khác).
Đọc tiểu thuyết mới của nữ sĩ Trần Thiên Hương, tôi chợt nhớ tới bài thơ Lên Cấm Sơn (1947) của nhà thơ Thôi Hữu viết từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến nay đã bảy mươi sáu năm vẫn còn vang vọng, da diết, ám ảnh: “Cuộc đời gió bụi pha xương máu/ Đói rét bao lần xé thịt da/ Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật/ Đâu còn tươi nữa những ngày hoa!/ Lòng tôi xao xuyến tình thương xót/ Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa/ Tặng những anh tôi từng rỏ máu/ Đem thân xơ xác giữ sơn hà. (...)/ Họ vẫn gầy, vẫn ốm/ Mắt vẫn lõm, da vàng/Áo chăn chưa đủ ấm/ Ăn uống vẫn tồi tàn/ Nhưng vẫn vui, vẫn nhộn/ Pháo cười luôn nổ vang/ Lòng tôi bừng thức tình trai mạnh/ Muốn viết bài thơ rộn tiếng cười/ Tặng những anh tôi trong lửa đạn/ Qua nghìn gian khổ vẫn vui tươi”.
Câu chuyện sống và chiến đấu của các chiến sĩ Trạm QT1, núi Bàn Cờ chỉ có năm anh em chiến sĩ (trong đó có nhân vật Thống) làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Mỗi người một quê, một tâm tính, nhưng sống ở chiến trường nên “nghe tiếng bom rất nhỏ”, họ đã kề vai sát cánh chia máu, chia lửa nên trân quý nhau như anh em ruột thịt. Vì vậy, trong mọi thứ “tình” thì tình đồng chí, đồng đội là cao cả, sâu nặng nghĩa tình nhất. Đúng như nhà thơ Chính Hữu đã khái quát bằng hình tượng thơ trong thi phẩm Đồng chí (1948): “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau/ Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ/ Đồng chí”. Hình tượng thơ bay lên ở những câu kết bài thơ “Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau, chờ giặc tới/ Đầu súng/ Trăng treo”.
Đúng là, người ta sinh ra không phải đã là lính. Nhưng khi khoác bộ áo lính (quân phục Giải phóng quân) thì chính họ chứ không ai khác đã được tạo tác nên bởi tượng đài bằng thơ Dáng đứng Việt Nam (1968), một thi phẩm xuyên thời gian - không gian - thế hệ của thi sĩ - liệt sĩ Lê Anh Xuân (1940-1968).
Trong tiểu thuyết mới của nữ sĩ Trần Thiên Hương, không ít trường đoạn chất trữ tình bay vút lên trên cái nền hiện thực đời sống chứa chất thiếu thốn và gian khổ, đói rét và bệnh tật, khói lửa và chết chóc của chiến tranh.
Những khoảnh khắc nên thơ của cuộc đời binh lửa vút lên nhờ thi ca (vị Chính uỷ Trung đoàn đọc bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của nhà thơ Chế Lan Viên; quân và dân cùng chung vui dự Lễ hội Kỳ Yên - “Cầu an”- của nhân dân địa phương; nghe ca sĩ Tường Vy hát bài Tiếng đàn Ta-lư qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam; Già làng kể bằng thơ về sự tích cây đàn Abel...). Vì thế, khi nói “sống cạnh cái chết” được coi như “sợi chỉ đỏ” quán xuyến từng trang sách thì đồng nghĩa với tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm - sự sống nảy sinh từ cái chết, cảm hứng về tương lai là giá đỡ của tác phẩm.
Sinh thành và hủy diệt luôn đi kề nhau. Cuộc sống không có con đường cùng. Những con người (quân và dân) trong chiến tranh luôn thông minh sáng tạo, cải biến hoàn cảnh để tồn tại, để sống có ý nghĩa hơn khi kẻ thù rắp tâm áp đặt nô lệ, bắt chúng ta phải “trở về thời kỳ đồ đá” (?!). Nhưng trái lại: “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục /Ta làm sen thơm ngát giữa đầm” (Tố Hữu - Việt Nam máu và hoa). Sự sống không bao giờ chán nản, ngưng trệ, tan rã trong tay những con người Việt Nam nắm chắc chính nghĩa và nhân đạo. Đúng như những câu thơ hào sảng vang lên giữa binh lửa chiến trận “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng” (Chế Lan Viên - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).
Vĩ thanh
Đọc tài liệu lưu trữ liên ngành giúp chúng ta biết về Dân tộc Do Thái đã trường tồn sức sống bất diệt hàng nghìn năm trong lịch sử nhân loại. Thời kỳ hiện đại (thế kỷ XX) dẫu bị tàn sát, săn đuổi, truy nã ráo riết trên toàn thế giới, nhất là từ khi chế độ độc tài phát xít Hitler lên nắm quyền ở Đức. Sức sống nào của cả một cộng đồng dân tộc đặc biệt này, nếu không phải là sức mạnh tinh thần vô biên khi muôn người như một chung tay gìn giữ ký ức lương thiện, được hiểu như là đạo đức, đạo lý, văn hóa riêng của họ? Đang có một trend trên thế giới và cả ở Việt Nam: quay lưng với quá khứ, lịch sử, thậm chí “ghê tởm”, “nhổ nước bọt” vào quá khứ, vào các thần tượng (những kiệt hiệt) do lịch sử tạo tác nên... Tất cả những hành động đó đều có căn đế suy đồi đạo đức, suy đồi văn hóa. Vì thế, chủ nghĩa hiện sinh (Existentialism) được cổ súy cũng bởi những lý do khách quan và chủ quan của nó. “Ôn cố tri tân” là một động hướng tinh thần tích cực trong đời sống xã hội và đặc biệt trong sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay.
Trên văn đàn Việt Nam đương đại đã hiển hiện sự trở lại ngoạn mục đề tài truyền thống (lịch sử, cách mạng và chiến tranh). Không ngẫu nhiên khi các giải thưởng văn học lớn, các cuộc thi tiểu thuyết gần đây đều trao xứng đáng cho những tác phẩm văn chương viết về chiến tranh cách mạng, ái quốc. Tiểu thuyết Hương của nhà văn - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành năm 2022 (với 2500 bản in lần đầu, có 1000 bản ưu tiên chuyển tới bà con Việt kiều ở Hoa Kỳ), được coi là một hiện tượng văn chương, xuất bản mới nhất hiếm thấy trong cảnh quan khó khăn của văn hóa đọc phải cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn. Nó chứng minh sự nhiệm màu của đề tài chiến tranh cách mạng được viết theo cảm quan lịch sử - nhân văn - nghệ thuật mới mẻ trên tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc, con người Việt Nam trong Thời đại Hồ Chí Minh “Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng” (Huy Cận).
Trong lý thuyết và thực hành sáng tác văn chương đã chỉ ra một đặc điểm của đoạn kết thúc - nơi thể hiện rất rõ nhãn quan chính trị và quan điểm thẩm mỹ của nhà văn. Bởi lẽ, nói (viết ) một cách hình tượng thì “Nơi kết thúc tác phẩm chính là nơi một sự sống mới bắt đầu”. Đọc đoạn kết tiểu thuyết Trở lại chốn xưa của nữ sĩ Trần Thiên Hương, người đọc không trải qua chiến tranh sẽ bị níu chân vì: “Trở về từ chuyến “hành hương”, ông đã thấy yên lòng, không phải hổ thẹn với lương tâm và cả với những người đồng đội. Bởi ông đã sống hết mình, đã cống hiến hy sinh như bao người khác và cũng đã trọn nghĩa vẹn tình với những anh em còn nằm lại. Giờ phút này, ngồi nhìn mọi người trong gia đình vui vẻ, ông nghĩ ngợi: “Ôi, mình thật là may mắn! Cho dù chiến tranh tàn phá đất nước này, cướp đi sự sống của bao người, khiến bao gia đình tang thương, nhưng mình vẫn còn sống đến hôm nay để được nhìn thấy những đứa con trưởng thành, những đứa cháu hiếu thảo thế kia âu cũng là phúc đức của tổ tiên. Một ngày kia, khi nhắm mắt xuôi tay mình cũng thấy mát lòng...”. Những người như ông Thống thuộc về một thế hệ tận hiến nhiều hơn tận hưởng. Tất nhiên. Nhưng nếu không có một thế hệ xả thân vì nghĩa lớn như thế thì nền hòa bình chúng ta được ân hưởng sẽ từ đâu ra?! Đó là một câu hỏi “mở” đến vô cùng, vô tận. Mỗi người sống trong hòa bình sẽ tự tìm cho mình một câu trả lời theo cách riêng. Đó chính là thông điệp nghệ thuật của tác phẩm Trở lại chốn xưa.
Hải Nguyễn là một cây bút thơ đã thầm lặng sáng tác trong vài ba mươi năm trở lại đây. Những sáng tác của anh ngỡ như...
Bình luận