Duyên thơ mở những cung tình

Hải Nguyễn là một cây bút thơ đã thầm lặng sáng tác trong vài ba mươi năm trở lại đây. Những sáng tác của anh ngỡ như chỉ viết cho mình, đọc trong ấy, thấy những tìm tòi sáng tạo thấy những tự tin đáng quý, những vô tư, cởi mở đáng yêu của một người thơ đã rất trải đời trong bể phù sinh này.

Tác giả Hải Nguyễn chính là Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Ngọc Hải, đã từng làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hiện nay anh đang làm công tác quản trị doanh nghiệp. Bút danh Hải Nguyễn được anh sử dụng để xuất bản cùng lúc hai ấn phẩm thơ có tên Đoản khúc mùaChúng mình đi nhặt heo may tại NXB Hội Nhà văn năm 2024 này.

Thơ Hải Nguyễn là thơ của một tri thức làm thơ, bởi vậy hiển nhiên, ngôn ngữ thơ ấy được tạo dựng và kiểm soát bằng các tầng thức của trí tuệ, chứ không đơn thuần là tiếng nói ngẫu hứng, ngẫu cảm của cảm xúc thơ ca. 

Nguồn mạch chủ đạo để làm nên Đoản khúc mùaChúng mình đi nhặt heo may là những cảm xúc của yêu thương, là những cung bậc của tình yêu đôi lứa, là những nỗi niềm thăm thẳm của cõi người, của phận người được câu chữ chắt ra từ những cuộc yêu ấy.

Duyên thơ mở những cung tình - 1

"Đoản khúc mùa" và "Chúng mình đi nhặt heo may".

Phàm trong cõi thơ, thì thơ tình trong cõi yêu vốn là chỗ hút cảm xúc của người viết mạnh nhất, nhưng cũng là chỗ khiến cho người làm thơ dễ làm mất mình, làm tan mình, làm khổ mình, trước những câu chữ mà tiền nhân đã đắp nên thành cung thành tháp ở cõi yêu. Bởi vậy, thời nay, với nhiều người, khi được/phải đọc cả một tập thơ tình, là đọc kèm với một vài phần e ngại. 

Bài viết nhỏ này, xin được tiếp cận và tương tác cùng mạch chữ, mạch yêu của nhà giáo Hải Nguyễn (Nguyễn Ngọc Hải) qua thi phẩm Đoản khúc mùa, để thấy nguồn mạch cảm xúc thơ từ miền yêu của một nhà khoa học, đã đủ duyên để gửi mình vào cõi tình thơ của nhân gian.

Duyên thơ mở những cung tình - 2

Bìa tác phẩm "Đoản khúc mùa" của Hải Nguyễn.

Đoản khúc mùa được mở ra với những câu thơ dẫn nhập bởi nét trau chuốt, chỉn chu, đăng đối, kiệm nén, lay gợi: “Một lần đỗ, mấy lần trôi/ Một em hối tiếc, một tôi lỡ làng…/…/ Bấm tay tính những muộn màng/ Ngày mai sững lại, cũ càng hiện ra” (Đoản khúc mùa). 

Trong mạch chữ ngỡ là những tự sự, những kể tả, giãi bày kia, đã thấy những lay gợi kín kẽ từ những hối tiếc, lỡ làng, nuối nhớ làm nên hình hài một cung yêu với những nổi chìm trầm tích. 

Đọc thơ tình hôm nay, người ta ngại nhất sự sến súa cũ mòn từ ngôn ngữ thơ, và cũng chả thú vị gì khi thấy câu chữ vật nhau trần trụi. Nhiều cây bút vô tình mà lạc vào hai lối viết này, là coi như đã tự làm hỏng thơ mình khi đem những câu chữ như thế tiến gửi vào cung cấm của miền yêu. 

Thơ tình là thứ thơ của sự thăng hoa, nên nỗi đau trong ấy cũng là nỗi đau của cõi yêu, nó khác thường, nó cao cả, nó chạm đến dục tính bằng sự thiêng liêng, tận hiến, chứ không phải sự chiếm đoạt hay sự thỏa mãn. Cho nên viết thơ tình, để được người đọc chấp nhận, để thơ ấy sống được đã là điều không hề dễ. 

Mọi thứ thơ khác có thể có chút vay mượn cảm xúc của ai đó, riêng với thơ tình, thì cảm xúc là điều cốt yếu, từ cảm xúc thật ấy, qua góc nhìn của trí tuệ mới tạo nên những lời thơ yêu thật sự rung động: “Cần bao nhiêu hoài niệm/ Cho ta về ngày xưa/ Cần bao nhiêu bong bóng/ Cho phập phồng cơn mưa/…/ Em đương đông buổi chợ/ Anh nắng quái chiều hôm/ Hai cung bậc nồng nã/ Sao chẳng gộp thành yêu?/ Tốn bao nhiêu im lặng”… (Cánh đồng kỷ niệm).

Cảm xúc yêu trong thơ Hải Nguyễn được kiểm soát bằng trí tuệ, nói đúng hơn là cảm xúc ấy được nâng tầm từ cuộc yêu lên cõi yêu bằng sự minh triết của một tư duy thơ: “Những mỹ từ và bao nhiêu từ khác/ Với mùa Thu đều đã cũ cả rồi/ Em giống Thu mỗi khi gặp lại/ Mọi ngôn từ đành bất lực mà thôi…/…/… Và cứ thế, giữa bộn bề ký ức/ Em và Thu, và tôi kẻ tội đồ/ Cái tam giác ngập tràn tình yêu thực/ Giữa ma trận cuộc đời nhiều lắm những hư vô” (Em, mùa Thu và thơ)

Đọc những bài thơ trong tình thơ Đoản khúc mùa, ta nhận ra cái giới hạn trong những trang thơ tình của của nhà giáo Hải Nguyễn thường ít những chi tiết dẫn gợi sức gợi, sức mở của sex cảnh giới, nhưng trong những cung yêu ấy, sự thăng hoa về cảm xúc lại được xử lý kín và chín. Từ đó, những câu thơ được hình thành qua sự trăn trở và chiêm nghiệm của nhiều góc độ tư duy. “Đành thôi/ Buông nhé/ Đêm ngoan/ Những hun hút nhớ, đã toan luống mùa/ Với tay/ Vin gió mà thưa/ Cây muốn lặng/ Gió đừng lùa, gió ơi/ Đã qua những trận bão đời/ Đành thôi/ Buông bỏ/ Đành thôi/ Đêm à.” (Đành thôi).

Thơ Hải Nguyễn không mới ở thể thức thơ, nhưng trong từng khuôn chữ mang hình hài truyền thống và cổ tích, anh đã làm câu chữ thơ mình cựa động bởi những tìm tòi, gieo ngay trong từng khuông nhịp của mạch thơ lớp lang, tự sự. Như cái tiếng chuông đêm Noel bời bời gióng lên từ nỗi nhớ, rồi thị hiện, rung ngân qua ngôn ngữ thơ, nằm ở câu cuối khổ thơ này là rất đáng để ta tâm đắc: “Giáng sinh/ Ta với bóng ta/ Lang thang cùng tiếng chuông là lạ rơi/ Quán cóc xưa, chỗ ta ngồi/ Một đôi nam nữ chạm môi hít hà/ Vòng vèo ngõ cũ anh qua/ Vẫn giai điệu Trịnh, vẫn hoa sữa nồng/ Không gian ắng đến mông lung/ Lá vàng kết cặp vẫn lùng nhùng rơi/ Em giờ ở phía xa xôi/ Để cho nỗi nhớ bời bời gióng lên.” (Noel một mình). 

Để có sự ám gợi, lay thức ấy từ phía người đọc, thì người viết đã phải tìm chữ nghĩa, tìm ngữ liệu, tìm hình ảnh đặc trưng, thì mới mong làm ra những câu thơ thức gợi trong cái vỏ cũ xưa của thể thức, nhịp điệu. Như cái lạ trong bài thơ Lục bát tứ tuyệt dưới đây, có neo níu lại được nơi người đọc ấy là ở cái nụ “bìm bìm” dân dã, được “thả rông” nơi phên xưa giậu cũ mà nhói thức trong tứ thơ. Ấy chính là những nhãn tự được tạo nên khi nó đặt đúng mạch chữ, để tạo ra những cảm thức dẫn động và sự liên tưởng nơi người đọc: “Người xưa lạ một ánh nhìn/ Giậu xưa, lạ một bìm bìm thả rông/ Bờ xưa, lạ một dòng sông/ Và em, lạ một người không lạ mình.” (Lạ).

Đọc nhiều câu thơ trong Đoản khúc mùa, được viết bởi một nhà khoa học tự nhiên, khiến ta không khỏi giật mình. Thì ra, dẫu ngoài kia vũ trụ có hỗn độn đến mức nào, cuộc sống có sấp ngửa đến đâu, nhưng trong thẳm sâu những hồn thơ đích thực, chỗ mà thơ ngự trị vẫn là nơi bất khả xâm phạm. Vậy cho nên người ta mới kết lại rằng Thơ là cái Duyên cái Nghiệp trong bể khổ, chứ không phải một cái Nghề của nhân gian này. Và nhà khoa học Nguyễn Ngọc Hải đương nhiên là người nợ nghiệp thơ, nên mới có thể trộn kiếp đàn bà vào kiếp chữ như thế này: “Đa đoan gom những muộn phiền/ Vá chằng vá đụp truân chuyên vào lòng/ Cả tin đã trót đèo bòng/ Sông mê bến lú một vòng rủi may/ Dại khôn thì cũng cơi này/ Run run, gió lọt kẽ tay/ Đàn bà…” (Nào đâu nông nổi). 

Thơ hay, không bao giờ khiến người ta chú ý bởi sự véo von của câu chữ thơ, mà cốt lõi là ý tứ thơ ấy chạm đến những cung bậc nào trong nỗi niềm sâu kín của con người. Hướng đi, đích đến của thơ từ ngàn đời nay là vậy. Mời tiếp cận thêm một cung đàn bà nữa trong Đoản khúc mùa: “Trái đất ngừng trôi/ Đời tan chảy và mùa đi rệu rã/ Giếng khơi đắm mê và cơi trầu say lả/ Bỏ cõi phàm/ Em đưa anh về đầy ắp rỗng không…” (Em - Đàn bà).

Trong thơ, thi thoảng có nhà thơ được những câu trời cho, nhưng trời không bao giờ cho ai cả một hệ thống tư duy thơ hay một mạch chữ cho một tập thơ cả. Cái đó là năng khiếu và trí tuệ luyện thành, bạn đọc đã cùng tôi đọc thơ Hải Nguyễn đến đoạn này, thì hẳn rằng cũng đồng ý rằng những câu chữ này chỉ được sinh ra bởi một tâm hồn thi sỹ đích thực: “Tóc em xanh đến sững sờ/ Để ngơ ngác gió, để thờ thẫn mây/ Lồng không, chim đã sổ bay/ Bơ vơ chùa vắng/ Giời đày/ Tương tư.” (Bơ vơ chùa vắng giời đày tương tư). 

Xen giữa những cung yêu đa sắc trong Đoản khúc mùa, thi thoảng gặp một nhành thế sự trổ lên, những câu chữ đọng nỗi niềm thời thế ấy được đọng lắng qua góc nhìn cùng sự trải nghiệm của một tâm hồn thơ nhân hậu và mẫn tuệ. Bài thơ về muối sau đây là cách mà anh tiếp cận với kiếp người qua kiếp muối: “Giữa bể đời nhợt nhạt/ Vẫn cạn mình trắng tinh/ Cầm trên tay hạt muối/ Rưng rưng đến giật mình.” (Đầu năm mua muối). 

Đọc Đoản khúc mùa của nhà giáo Nguyễn Hải, nhận ra chặng chữ mà anh đã đi qua. Thì đấy, suốt mấy mươi năm qua, có nặng mối duyên thơ, có mắc nghiệp thơ, thì một tiến sỹ khoa học như anh, mới ra rả cùng chữ nghĩa như thế. Từ đấy, mới có ý thức sâu sắc về thơ để mà vật vã lật cũ, làm mới, để rắp tìm lối riêng cho câu chữ thơ mình giữa những xối xả đa sự của cả văn chương và thế cuộc hôm nay. 

Nguyễn Thế Kiên

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Triển lãm tranh “Won Chang Lee Ju Reem” tại Việt Nam

Nghệ Sĩ Lee Ju Reem – một tài năng hội họa, thư pháp và thi ca của Hàn Quốc. Từ ngày 28/12/2024 - 01/1/202 tại Việt Nam, ông sẽ tổ chức triển lãm tranh cá nhân với mong muốn giới thiệu các tác phẩm của mình đến công chúng; mở ra cơ hội giao lưu giữa hai nền văn hóa Việt – Hàn thông qua góc nhìn của ngôn ngữ nghệ thuật tranh thư pháp, tranh thủy mặc.