Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

Phi lộ

Cách nay nửa thế kỷ, khi đọc công trình nghiên cứu Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2 tập, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1974-1975) của Giáo sư Phan Cự Đệ, không riêng tôi rất chú ý đến những phần trích, được ghi chú cuối trang “Bùi Xuân Bào - Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 – Khai sinh & tiến trình, tiếng Pháp). Chỉ biết tiếng Nga, nên khi đọc tôi rất chú mục đến những tư liệu được trích và ghi chú nghiêm túc của một nhà khoa học có uy tín. Vào những năm tháng đó, chưa có internet, nên mặc nhiên có thêm tư liệu nào là đáng quý chừng đó, không chú ý đến nhân thân tác giả và xuất xứ tác phẩm. Bây giờ thời mở cửa, chúng ta tha hồ lựa chọn từ M. Bakhtin, đến M.Kundera - những “tổ sư” lý thuyết tiểu thuyết (chưa kể ông thứ hai còn là tiểu thuyết gia trứ danh). Nhưng dẫu sao vẫn muốn đọc thêm nhiều các công trình của người Việt Nam viết về tiến trình tiểu thuyết Việt Nam hiện đại với ý nghĩa không chỉ là một thể loại nòng cốt của văn học, mà còn qua đó khúc xạ sắc diện tinh thần con người thời đại và những thăng trầm của thời cuộc.

Vậy nên, khi biết dịch giả Ngân Xuyên (Phạm Xuân Nguyên) đầu tư công sức và trí tuệ dịch công trình quan trọng và bổ ích này với người làm nghề văn, tôi đã nhờ con trai lên mạng mua liền... 2 cuốn (1 để đọc, 1 để tặng một nhà văn nữ thế hệ 8X, đã in liền 8 cuốn tiểu thuyết trong vòng ba năm, từ 2021-2024). Tặng sách và khích lệ “Em hãy đọc cuốn sách của dịch giả Ngân Xuyên. Không có lý do gì người sáng tác không đọc sách nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nhất là về tiểu thuyết!”).

Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - 1

Bìa cuốn sách "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình" của Bùi Xuân Bào.

Tiểu thuyết - một khái niệm mở

Từ điển văn học (Bộ mới, Nxb Thế giới, 2004), Mục TIỂU THUYẾT “Thuật ngữ chỉ thể loại tác phẩm tự sự, trong đó sự trần thuật tập trung vào số phận một cá nhân trong quá trình hình thành và phát triển của nó; sự trần thuật ở đây được khai triển trong không gian và thời gian nghệ thuật đến mức đủ để truyền đạt “cơ cấu” của nhân cách”. Biêlinxki gọi tiểu thuyết là “sử thi của đời tư”, do chỗ nó “miêu tả những tình cảm, dục vọng và những biến cố thuộc đời sống riêng tư và đời sống nội tâm của con người” (Sđd, tr. 1716).

Học giả Bùi Xuân Bào: “Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ  quốc ngữ” (Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình, Bùi Xuân Bào, dịch giả Ngân Xuyên, Nxb Tri thức, 2024, Chương I, tr.1).

Bình luận: Như vậy, rõ ràng định nghĩa “tiểu thuyết” của học giả Bùi Xuân Bào có “phổ” rộng hơn, linh hoạt hơn. Nếu hiểu tiểu thuyết theo cách này thì nó bao gồm cả cả những sáng tác truyện ngắn, tuy nhiên ở đây chúng tôi chưa bàn đến chất lượng nghệ thuật. Cũng có thể thuật ngữ tiểu thuyết vốn xuất xứ từ Trung Quốc rồi sang ta. Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan (trong Đời viết văn của tôi, Nxb Văn học, 1970) thì vào khoảng đầu những năm 30 thế kỷ XX người ta dịch “đoản thiên tiểu thuyết” thành “truyện ngắn”, “trung thiên tiểu thuyết” thành “truyện vừa” và “trường thiên tiểu thuyết” thành “tiểu thuyết” như cách hiểu hiện nay chăng (?!). Nên mới có chuyện, trong một hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu cứ “đu đưa” khi định danh thể loại cho Truyện thầy Lazaro Phiền (in 1887) của nhà văn Nguyễn Trọng Quản (1865-1911) thuộc “ô” nào (truyện ngắn hay là tiểu thuyết (?!). Giờ thì đã rõ như dưới thanh thiên bạch nhật.

Nay thì có thể “thở phào” nhẹ nhõm khi đọc học giả Bùi Xuân Bào trong công trình của mình đưa (tuyển) cả nhà văn Bùi Hiển (1919- 2009) vào chương VI (Tiểu thuyết Việt Nam trong thế chiến II, 1940-1945, tr. 277-278). Dẫu chỉ dành hơn 500 chữ cho một tác giả lâu nay người đọc đinh ninh là “một cây truyện ngắn” có hạng (?!). Ở đây không có chuyện đặc quyền đặc lợi, hay “nhóm lợi ích”, mà là tinh thần khoa học - công bằng, khách quan.

Với độ mở của khái niệm tiểu thuyết này, chúng ta sẽ yên tâm tiếp nhận khuynh hướng tiểu thuyết ngắn đang “phì đại” trên văn đàn Việt Nam đương đại. Thậm chí có cả tiểu thuyết “siêu ngắn” của nhà văn Vũ Xuân Tửu, nhan đề Hình bóng đàn bà (chỉ có hơn 50 trang in khổ nhỏ). Trong một bài viết chính chủ Tiểu thuyết ngắn nhìn từ cơ chế đọc, tôi có nhấn mạnh một ý: dòng này đã khởi từ tiểu thuyết Tố Tâm (1925) của nhà văn Hoàng Ngọc Phách (1896-1973). Nghĩa là, cách nay một thế kỷ, nhà văn khi sáng tác đã rất chú ý đến công chúng nghệ thuật sẽ đón đọc tác phẩm như thế nào, dẫu cho khi đó Lý thuyết tiếp nhận chắc chắn chưa rầm rộ, trương nở như bây giờ (!?).

Định nghĩa/ khái niệm về “tiểu thuyết” của học giả Bùi Xuân Bào có tính mở (phổ rộng) nên hiệu quả như là cách chơi cờ ĐÔMINÔ (CHỈ TÁC ĐỘNG VÀO QUÂN ĐẦU TIÊN, SỐ 1). Cứ thể “chuyển động và chuyển động”. Cứ thế “mở và mở”. Cứ thế “hiệu quả và hiệu quả”. Sẽ có nhiều người dự ra sách hôm nay, tôi lường trước, muốn đọc (văn bản) hay nói nhiều điều hay lẽ phải về công trình rất đáng đọc của học giả Bùi Xuân Bào và dịch giả Ngân Xuyên. Mức độ “tín - đạt - nhã” của bản dịch tới đâu tôi không dám lạm bàn (vì không biết tiếng Pháp). Nhưng kinh nghiệm nghề nghiệp (chuyên tâm nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, đặc biệt quan tâm thời đương đại), tôi có thể xác tín rằng bản dịch này của dịch giả Ngân Xuyên sẽ được những người có trình độ tiếng Pháp cao lại vừa có chuyên môn sâu (lý thuyết thể loại, đặc biệt tiểu thuyết) minh định. Tin tưởng, tại sao không?!

Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - 2

Vĩ thanh

Đọc một cuốn sách sáng tác, hay một công trình khoa học, ở thời đại internet, và không gian mạng xã hội, vấn đề tư liệu, theo chúng tôi không cốt tử (dẫu rất bổ ích và thú vị). Người ta đinh ninh “Không phải nhà văn viết cái gì mà là viết như thế nào”). Vấn đề là nó (sách sáng tác) đem lại cho độc giả một tư tưởng nghệ thuật mới mẻ nào; cũng lại vấn đề là nó (sách nghiên cứu) đem đến một “phương pháp tư duy khoa học nào”, có ý nghĩa lý thuyết và thực tiễn sát sườn, theo tính hiệu quả đôi khi có tính thực dụng. Không có gì là không đúng. Đọc Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 – Khai sinh & tiến trình của học giả Bùi Xuân Bào và dịch giả Ngân Xuyên, riêng tôi, nhận thấy điều bổ ích nhất với mình là phương pháp tư duy “từ 1 đến hơn 1” (ĐÔMINÔ).

Theo nhà báo, nhà văn Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) trong cuộc thi tiểu thuyết của Thời báo Văn học nghệ thuật lần thứ nhất, 2023-2025 (phát động từ tháng 4-2023), tính đến nay Ban tổ chức đã nhận được hơn 50 tác phẩm (sách đã xuất bản hoặc bản thảo hoàn chỉnh). Đáng chú ý nhất trong số đó có một tiểu thuyết (dạng bản thảo), gồm 10 chương nhưng chỉ có... 5000 chữ (!?).

Trong một cuộc tọa đàm có chủ đề “Tiểu thuyết và hiện thực đổi mới của đất nước” do Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức tại Lương Sơn, Hòa Bình (ngày 23/3/2024) như là sự kiện/ hoạt động hưởng ứng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất (2023-2025) của Thời báo Văn học nghệ thuật, nhà văn Kiều Bích Hậu trong tham luận của mình đã chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân về việc viết tiểu thuyết ngắn (và siêu ngắn) trong bối cảnh văn chương cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn.

Theo đó, tiểu thuyết hiện nay cần ngắn gọn để phù hợp với cơ chế đọc mới khi văn học mạng đang bành trướng, khi quỹ thời gian nhàn rỗi của con người thời nay càng ngày càng eo hẹp. Trong tự nhiên có quy luật “Không phải loài thông minh, không phải loài mạnh, mà chính loài biết thích nghi thì tồn tại”. Câu chuyện “viết lách” trước đây bị xem là không phù hợp với nhà văn  nghiêm túc chính danh, thì nay hai chữ “viết lách” lại có ý nghĩa thâm hậu. Nhà văn phải biết độc giả thích đọc gì và vì sao, hơn là viết theo sở thích của mình để rồi độc giả thờ ơ. Ít nhiều có dan díu đến quy luật thị trường. Nên mới nảy nở loại hình truyện ngắn trong tiểu thuyết. Nghĩa là độc giả thưởng thức trọn vẹn từng truyện ngắn sau đó tự mình kết nối lại bằng một chất keo đặc biệt và vô hình mà tác giả đã giăng mắc ra khéo léo.

Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - 3

Buổi ra mắt cuốn sách "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945 - Khai sinh & tiến trình".

Ở đây không thuần túy là kỹ năng, kỹ xảo hay mẹo mực. Ở đây chính là tinh thần thực tiễn của người sáng tác, theo quan niệm: “Nhưng hành động viết bao hàm hành động đọc như tương liên biện chứng của nó và hai hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau đó cần có hai tác nhân  khác nhau. Chính sự hợp lực của tác giả và độc giả sẽ làm nảy sinh ra vật thể cụ thể và tưởng tượng, là cái công trình trí tuệ. Chỉ có nghệ thuật cho người khác và bởi người khác” (J. P. Sartre - Văn  học là gì?, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr. 58).

Vậy là, lý thuyết mở lối cho thực tiễn. Không thể không vui mừng!

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Manchester United ghi nhận năm thứ năm thua lỗ liên tiếp

Manchester United ghi nhận năm thứ năm thua lỗ liên tiếp

Sau một mùa giải thất vọng 2023-2024 và đầu tư lớn vào đội hình mới, Manchester United vừa trải qua năm thứ năm liên tiếp thua lỗ. Câu lạc bộ đang nỗ lực cải thiện cả về mặt tài chính và thành tích thi đấu nhằm hướng đến mục tiêu trở lại đỉnh cao bóng đá châu Âu.

Đồng Yên tăng giá mạnh

Đồng Yên tăng giá mạnh

Đồng yên Nhật đã vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 140 yên đổi một đô la Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 2023. Động thái này diễn ra ngay trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc cắt giảm lãi suất, khiến thị trường tài chính toàn cầu quan tâm.

Triển lãm tranh và sản phẩm sơn mài Việt Nam tại Pháp

Triển lãm tranh và sản phẩm sơn mài Việt Nam tại Pháp

Sự kiện “Quảng bá, tuyên truyền thương hiệu sơn mài Việt Nam - Triển lãm tranh, sản phẩm sơn mài” tại Paris – Cộng hòa Pháp là hoạt động ý nghĩa, giới thiệu đến công chúng Pháp, bạn bè quốc tế 40 bức tranh, tượng độc đáo, đặc biệt về màu sắc, chất liệu và kỹ thuật thể hiện của các họa sĩ, nghệ sĩ tiêu biểu đang hoạt động, nghiên cứu, sáng tác sơn mài tại Việt Nam.