Thân phận người phụ nữ, cuộc đời riêng và cảnh ngộ chung trong thơ Hồ Xuân Hương

Thơ Hồ Xuân Hương nói nhiều đến thân phận người phụ nữ không thương cảm chung chung “Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu”.

Cuộc đời riêng của người phụ nữ Xuân Hương là người chịu trận và người phụ nữ nói chung trong thơ bà cũng là người trực tiếp chịu trận. Chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ với những định kiến và quan niệm tam tòng tứ đức, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”.

Khổng Tử nhận xét: nữ nhân nam hóa. Sau này Lỗ Tấn bình luận: Người có ý tưởng trên có nghĩ đấng sinh thành ra mình. Người có nhan sắc thì hồng nhan bạc mệnh” “mệnh bạc nằm trong má đào” “khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”. Người phụ nữ bình thường lại chịu những vất vả cay đắng trong đời.

Thơ Hồ Xuân Hương nhấn mạnh đến thân phận. Thân phận là khởi điểm tiếp đến là sự phê phán xã hội phong kiến, giễu cợt bọn hiền nhân quân tử và khép lại là tấm lòng của một nhà thơ tài năng bảo vệ quyền sống của phụ nữ, bảo vệ nhân cách và đạo lý của cuộc sống con người.

Nhà văn Nguyễn Hữu Tiến xem Hồ Xuân Hương là “người tài nữ giận thân phận đời mà nổi tiếng văn tài thi bá đình đám nữ lưu”. Nhà văn Hoàng Ngọc Phách cho rằng “Xét trong văn chương sử ký nước nhà không ai lừng lẫy bằng nàng này lừng lẫy vì tài mà cũng lừng lẫy vì thân phận”. Nhà văn Hoa Bằng xem Hồ Xuân Hương là nhà thơ cách mạng chống thành kiến khinh nữ của xã hội đương thời.

Ý kiến của Nguyễn Hữu Tiến, Hoàng Ngọc Phách như khởi điểm mà Hoa Bằng là Xuân Hương là cô gái tài sắc lẽ ra về đường duyên phận phải nhiều may mắn nhưng sao phải chịu cảnh cô đơn. Phải chăng người tài sắc lại quá sắc sảo, hay giễu cợt người hèn kém, phê phán bọn hiền nhân quân tử nên giới mày râu cũng ngại ngùng.

Thân phận người phụ nữ, cuộc đời riêng và cảnh ngộ chung trong thơ Hồ Xuân Hương - 1

Tranh vẽ nữ sĩ Hồ Xuân Hương của danh họa Bùi Xuân Phái

Xưa đã thế ngày nay càng thế. Các cô gái sắc sảo, hay chê bai, giễu cợt thường muộn chồng. Xuân Hương tâm sự:

"Tiếng gà văng vẳng gáy trên hom

Oán hận trông ra khắp mọi chòm

Mõ thảm không khua mà cũng cốc

Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om

Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ

Sau giận vì duyên để mõm mòm

Tài tử văn nhân ai đó tá?

Thân này đâu đã chịu già tom" - (Tự tình)

Tình ý trong thơ, chân thực gây thương cảm.

Nhà thơ không dấu diếm, e ngại, che đậy một sự thực của riêng mình và phải chăng cũng là chuyện xã hội.

Người con gái ở tuổi thanh xuân như bông hoa đẹp thu hút sự quan tâm thậm chí say đắm của nam thanh niên. Tuy nhiên không tránh khỏi có chút lo lắng rồi không biết sẽ hợp duyên với ai như tâm trạng trong ca dao về chuyện tế nhị này.

"Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

Hồ Xuân Hương rất hiểu tâm trạng đó cho riêng mình cũng như người cùng giới Xuân Hương ví như chiếc bánh giữa dòng.

"Chiếc bách giữa dòng phận nổi nênh

Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh

Ngán nỗi ôm đàn nhưng tập tênh"

Hồ Xuân Hương đã sử dụng hệ thống vốn từ ngữ phù hợp với chủ đề của bài thơ.

Lo lắng và suy nghĩ nhiều nhưng rồi số phận gieo cho bao đau khổ của cảnh lẽ mọn. Người có học, có tài sắc không thể lấy anh dân cày làm sao mà trò chuyện chưa nói đến chuyện thơ văn. Cùng một cảnh ngộ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cũng rơi vào cảnh lẽ mọn một danh nhân, một quan chức. Hoàn cảnh của Đoàn Thị Điểm dễ chịu hơn hòa hợp với cảnh ngộ. Người phụ nữ trong những hoàn cảnh này phải nén lòng tìm lấy hạnh phúc. Hồ Xuân Hương không có được cái may mắn ấy. Bài thơ Làm lẽ chân thực, tủi thân phận. Sa chân lỡ bước như “chim vào lồng biết thuở nào ra”.

Hồ Xuân Hương đã mượn nhiều thành ngữ dân gian nối tiếp nhau, liên kết với nhau thành một bức tranh tội nghiệp của cảnh làm lẽ.

"Kẻ đắp chân bông kẻ lạnh lùng

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Năm thì mười họa hay chăng chớ

Một tháng đôi lần có cũng không

Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng

Cầm bằng làm mướn mướn không công

Thân này ví biết dường này nhé

Thà trước thôi đành ở vậy không" - (Làm lẽ)

Có thể còn có chuyện buồn phiền đau khổ khác nhưng Hồ Xuân Hương không cam chịu. Bà sẽ hất tung lên những bức màn che đậy cho lộ rõ bản chất cuộc đời. Tuy nhiên với một cách nói nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cái riêng bản lĩnh và cái chung để nén áp chế trong một bài thơ xinh xắn.

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Và em vẫn giữ tấm lòng son" - (Bánh trôi nước)

Bài thơ như nói được chí lớn, bản lĩnh lớn. Ngòi bút Xuân Hương phòng thủ có hiệu quả nhưng về bản chất là ngòi bút tiến công, tiến công đối thủ không vì chuyện đời và thân phận riêng tư mà rộng hơn vì sự đau khổ của người phụ nữ trong xã hội đương thời. Trong dân gian cũng có nhiều chuyện kể nói lên sự vất vả đau khổ ngày xưa. Thị Kính oan mà không dễ kêu oan. Thị Màu bị làng phạt vạ. Thị Hến buôn bán xuôi ngược cũng là nạn nhân của bọn quan huyện, thầy đề, trưởng lý xã thôn. Thực tế ấy cũng gợi ý khơi nguồn cho sáng tác thơ văn.

Hồ Xuân Hương thông cảm và chia sẻ ít nhiều cảnh ngộ người con gái chửa hoang.

"Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa

Mảnh tình một khối thiếp xin mang

Quản bao miệng thế lời chênh lệch

Không có nhưng mà có mới ngoan"

Điều đáng quý và quan trọng của bài thơ này là tấm lòng của người phụ nữ. Kẻ gây chuyện còn đâu đây hay đã đi xa. Không oán trách chuyện đã qua mà nghĩ nhiều đến hậu quả với ý thức bảo vệ giữ gìn.

Nói vậy thôi đùa cợt ra đùa cợt, mà chuyện nghiêm chỉnh phải nghiêm chỉnh như câu ca ở nhiều vùng quê lên án những chuyện ăn chơi bừa bãi thiếu trách nhiệm thiếu nghĩa tình.

"Vui vui ở bạn vui vui

Tiền dâm hậu thúc bỏ tôi sao đành

Hồi nào lê lựu một nhành

Bây giờ cuối bãi đầu ghềnh thảm chưa

Cái thói xấu ấy cũng là căn bệnh của người quân tử.

Trách lòng quân tử bia danh

Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao"

Người quân tử hiện hình là gã Sở Khanh, không phải ở bên Tàu mà ở đâu đó trên mảnh đất này.

Thơ Hồ Xuân Hương thông cảm với những buồn phiền đau khổ của người phụ nữ trong xã hội xưa. Đêm đêm vẫn đâu đây nghe tiếng khóc, không phải đàn ông kẻ gây chuyện mà là người phụ nữ trong cảnh ngộ đáng thương.

"Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì

Thương chồng nên nỗi khóc tỉ tê"

"Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng

Nín đi kẻo thẹn với non sông"

Hồ Xuân Hương muốn khuyên những người phụ nữ trong cảnh ngộ đáng thương đừng khóc lóc rên rỉ. Phần nào là do cảnh ngộ riêng phần nào là do hoàn cảnh xã hội xô đẩy. Phải bình tâm, dũng cảm mà vượt qua những khó khăn. Hồ Xuân Hương muốn nhắc nhở để phần nào xoa dịu nỗi đau riêng. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả làm chú ý đến nguyên nhân khách quan.

"Bảy nổi ba chìm với nước non"

Miêu tả nỗi đau khổ của người phụ nữ Nguyễn Du đã hai lần thốt lên trong truyện Kiều:

"Đau đớn thay phận đàn bà

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu"

"Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Chưa hết, khi xã hội phong kiến kết thúc, người phụ nữ lại chịu đựng bao nỗi khổ cực dưới chế độ tư bản. Đành rằng về mặt lý thuyết một số nhà lý luận, nhà văn tiến bộ góp phần đấu tranh cho quyền sống của con người nhưng trong thực tế những trang đời vẫn ảm đạm. Hai hiện tượng xấu xa và đáng phê phán là tình trạng mại dâm và nạn bạo hành người phụ nữ.

Trong xã hội tư sản tất cả đều trở thành món hàng đều có thể dùng tiền để mua được từ một tập thơ cho đến thân thể một người con gái. Người phụ nữ dễ có thể rơi vào tình trạng phải bán dâm nếu gia đình bị đẩy vào cảnh cùng kiệt. Ở các nước gọi là văn minh như Pháp, Hà Lan, Anh, Mỹ, Canada… dường như những thành phố lớn đều có một khu phố đèn đỏ. Nhiều thành phố ở châu Âu, Thái Lan có dịch vụ múa thoát y vũ. Không còn hiện tượng “ngắm trộm” “đi thì cũng dở ở không xong” mà tất cả phơi bày ra trước mắt kết hợp với âm nhạc, vũ điệu.

Ở Thái Lan lại có hiện tượng đổi giống. Như có câu thơ “tại sao anh cứ mãi mãi là anh và em cứ mãi mãi là em” thì bây giờ thay đổi số phận chuyển nam thành nữ. Các cô nữ chuyển giới  này cũng cao đẹp, hấp dẫn như mọi cô gái khác duy chỉ có giọng nói là ít thay đổi. Tất cả những cảnh tượng đổi thay với người phụ nữ không phải là bước tiến về mặt văn hóa và đạo đức xã hội.

Hồ Xuân Hương nếu bà còn sống với thời nay thì chắc sẽ có những cảm nghĩ vừa vui vừa ngậm ngùi với thân phận người phụ nữ. Nói vui vì người phụ nữ hôm nay cũng được bình đẳng với nam giới trước pháp luật, biết nhảy đầm, đá bóng, cử tạ, lái ô tô thậm chí lái tàu bay và đóng góp về phát minh khoa học. Nhiều người là tiến sĩ, luật sư, giáo sư.

Còn ngậm ngùi là về thân phận. Một trong những đau buồn nữa mà người phụ nữ phải chịu đựng trong đời sống gia đình là nạn bạo hành. Người đàn ông năm xưa trở nên mạnh mẽ, hung dữ hơn với nạn bạo hành vợ con trong gia đình. Chuyện đáng buồn ấy không chỉ xảy ra ở một số nước trình độ kém phát triển mà ngay ở các nước gọi là tiên tiến như Pháp, Mỹ. Ở châu Á, Hàn Quốc cũng diễn ra những hiện tượng tương tự. Một số cô gái Việt Nam mơ ước đổi đời lấy chồng Hàn Quốc và đã có hai trường hợp bị chồng say rượu bạo hành dẫn chết. Xứ sở này có nhiều rượu ngon, nhân sâm, nên người đàn ông kém văn hóa dễ trở thành tội phạm.

Ở Việt Nam chuyện này tuy ít xảy ra hơn nhưng cũng không phải là xa lạ. Ở một vài thành phố có những ngôi nhà cho người vợ cư trú tạm thời khi bị chồng bạo hành. Hà Nội hiện nay cũng có hai ngôi nhà bình yên dành cho công việc này. Trong trường hợp người bạo hành, thường nén chịu thậm chí cam chịu và đến một mức nào đó mới phải cầu cứu đến sự giúp đỡ của xã hội. Giải quyết vấn đề này không dễ phải xử phạt nặng thậm chí hình sự với kẻ gây tội lỗi, phải giáo dục ý thức tôn trọng quyền của người phụ nữ cho những người chồng thô bạo và có thể nữa phụ nữ cũng phải có cách bảo vệ mình mạnh mẽ và khéo léo.

Số phận người phụ nữ trong tương lai sẽ tốt đẹp hơn, điều ấy gắn với sự phát triển văn hóa và đạo đức xã hội. Điều mà Hồ Xuân Hương mong ước sẽ trở thành sự thật.

Hà Minh Đức

Tin liên quan

Tin mới nhất