Tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI từ phương diện cảm hứng sáng tác

Thái Nguyên là một trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng núi và trung du Bắc Bộ, là một tỉnh có truyền thống lịch sử và văn hóa, giàu tiềm năng trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật (là cái nôi của Hội Văn học nghệ thuật Việt Bắc xưa). Các thế hệ nhà văn của Thái Nguyên đã nối tiếp nhau cất lên tiếng nói văn chương mang mầu sắc đặc thù của vùng quê “nửa đồi nửa núi”, đa sắc màu, đa dân tộc.

Riêng nói về thể loại tiểu thuyết, trước năm 2000, văn học Thái Nguyên đã xuất hiện một số cây bút được bạn đọc biết đến với các tên tuổi “nổi danh” vùng Việt Bắc như: Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Ngọc Thị Kẹo, Hà Đức Toàn, Nguyễn Minh Sơn, Hoàng Luận… với nhiều cuốn tiểu thuyết viết về đất và người Thái Nguyên. Và chính những cuốn tiểu thuyết ấy đã góp phần đem lại những thành công, những giải thưởng danh giá, có ý nghĩa đối với các tác giả Thái Nguyên nói riêng, với văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Đến những năm đầu thế kỉ XXI, tiểu thuyết Thái Nguyên dường như chững lại, bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, sau hơn chục năm “trầm lắng” đó, tiểu thuyết Thái Nguyên đã lấy lại “phong độ” của mình bằng hàng loạt các tên tuổi “vừa lạ, vừa quen” như: Hồ Thủy Giang, Phạm Đức, Phan Thái, Phan Thức, Bùi Thị Như Lan, Nguyễn Văn, Hoàng Luận…

Đặc biệt, thể loại tiểu thuyết lịch sử được các nhà văn lựa chọn như là cách để thể hiện lòng tự hào về mảnh đất quê hương giàu truyền thống lịch sử, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, sự tri ân với những người con ưu tú đã chiến đấu, hy sinh anh dũng để bảo vệ quê hương, đất nước của mình. Nhiều sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, địa danh lịch sử của Thái Nguyên đã đi vào trang văn chân thực, sống động, đầy tự hào.

Tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI từ phương diện cảm hứng sáng tác - 1

Một số tác giả tiêu biểu của Thái Nguyên với các tác phẩm về đề tài lịch sử như: Hồ Thủy Giang, Ma Trường Nguyên, Hà Đức Toàn, Phan Thái, Phan Thức, Phạm Đức,... với những tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu như: Ba ông đầu rau (Hà Đức Toàn), Tể tướng Lưu Nhân Chú, Thái Nguyên – 1917, Những người mở đường (Hồ Thủy Giang), Ông Ké thượng cấp, Ông Ké trở lại chiến khu (Ma Trường Nguyên), Thượng thư Đỗ Cận (Phan Thức), Linh Sơn tử chiến, Nắng phía sau mặt trời, Bình minh máu (Phan Thái), Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh (Phạm Đức),…

Tìm hiểu tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỉ XXI, chúng tôi nhận thấy nổi bật hai nguồn cảm hứng chủ đạo: cảm hứng viết về các sự kiện lịch sử với lòng tự hào, ngợi ca những chiến thắng và đau xót trước những mất mát, hi sinh; cảm hứng về các nhân vật lịch sử.

1. Cảm hứng viết về các sự kiện lịch sử Thái Nguyên với lòng tự hào, ngợi ca những chiến thắng và đau xót trước những hi sinh, mất mát

Thái Nguyên là một tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng – là cửa ngõ thủ đô, thuộc vùng phên dậu của đất nước giáp với các tỉnh biên giới: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang. Vì vậy trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc trong hàng ngàn năm qua cho tới ngày nay, mảnh đất Thái Nguyên đã diễn ra bao sự kiện lịch sử quan trọng không thể nào quên.

Những sự kiện lịch sử đó đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các nhà văn, nhà tiểu thuyết viết nên những cuốn tiểu thuyết lịch sử đầy ý nghĩa của mình. Đó là những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử viết về các sự kiện lịch sử một cách sống động, cụ thể, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khơi dậy lòng yêu mến sâu sắc của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên.

Đặc biệt trong khoảng 20 năm đầu thế kỉ XXI, với cảm hứng viết về các sự kiện lịch sử, các nhà tiểu thuyết Thái Nguyên đã sáng tạo khá nhiều tác phẩm ghi dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Những tác phẩm đó đã góp phần làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử quan trọng, những chiến thắng oanh liệt, những hi sinh to lớn của quân, dân các dân tộc Thái Nguyên trong các thời kì, các giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước.

Ví dụ như: Nhà văn Phan Thái viết về cuộc kháng chiến chống quân Tống (thế kỉ XI) tại phòng tuyến Linh Sơn (Linh Sơn tử chiến), viết về cuộc đấu tranh của công nhân mỏ than Phấn Mễ năm 1945 (Bình minh máu), về sự kiện bi hùng sự hi sinh của Đại đội thanh niên xung phong 915 năm 1972 (Nắng phía sau mặt trời); nhà văn Hồ Thủy Giang viết về cuộc kháng chiến chống quân Minh tại vùng đất Thuận Thượng – Đại Từ qua tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú, viết về cuộc khởi nghĩa của Đội Cấn (Thái Nguyên – 1917), về sự hi sinh của Đại đội 915 qua tiểu thuyết Những người mở đường; nhà văn Ma Trường Nguyên viết về các sự kiện gắn với hoạt động của ông Ké – Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc với hai tiểu thuyết Ông Ké thượng cấp và Ông Ké trở lại chiến khu, Phạm Đức viết về Phò mã lang Dương Tự Minh (Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh).

Tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI từ phương diện cảm hứng sáng tác - 2

Cảm hứng tự hào, ngợi ca là cảm hứng chủ đạo được thể hiện trong các tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên. Khi miêu tả những sự kiện, dấu ấn lịch sử của dân tộc, vẻ đẹp phẩm chất, tài năng của những người anh hùng trên đất Thái Nguyên được thể hiện rõ nét. Với những người thật, việc thật, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã thành công khi tái hiện những mốc son đáng nhớ, những tấm gương sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước từ xưa đến nay. Tất cả tạo nên nguồn cảm hứng cho các thế hệ tiếp tục sống và cống hiến sao cho xứng đáng với người xưa. Cùng với đó là cảm hứng bi tráng trước những đau thương, mất mát và hi sinh to lớn của quân và dân Thái Nguyên.

Viết về sự hi sinh mất mát nhưng những tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên không cho thấy sự bi lụy, mà mỗi sự hi sinh mất mát ấy là những khúc tráng ca bi hùng trong lịch sử giữ nước. Với việc tôn trọng lịch sử, cảm hứng trước những mất mát đau thương trở thành một phần tất yếu của tiểu thuyết lịch sử. Có thể khẳng định, những tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã thành công khi phản ánh các sự kiện lịch sử dân tộc nói chung và sự kiện lịch sử trên đất Thái Nguyên nói riêng. Những trang vàng lịch sử luôn được nhuộm đỏ bởi máu của những người con anh hùng. Nhìn lại những đau thương, hi sinh, mất mát là cách để con người thêm trân trọng hiện tại, biết ơn quá khứ.

Các sự kiện lịch sử diễn ra ở Thái Nguyên trong suốt quá trình lịch sử gìn giữ, bảo vệ đất nước đã trở thành niềm cảm hứng mãnh liệt cho các cây bút tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên sáng tạo nên những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử vừa giàu giá trị lịch sử, vừa giàu giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc. Những cuốn tiểu thuyết lịch sử đó đã góp phần nhắc lại, khắc ghi những chiến công oanh liệt, những chiến thắng lẫy lừng, cùng những khó khăn gian khổ, những hi sinh mất mát của cha anh; góp phần giáo dục lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc cho các thế hệ người Thái Nguyên hôm nay và mai sau.

2. Cảm hứng viết về những nhân vật lịch sử (những người con ưu tú của Thái Nguyên, những nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử dân tộc)

Thái Nguyên là mảnh đất có vị trí quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm từ xưa đến nay. Chính vì vậy mảnh đất Thái Nguyên đã ghi dấu nhiều nhân vật lịch sử anh hùng võ tướng, danh nhân văn hóa... Họ có thể là con dân các đồng bào Thái Nguyên, cũng có khi là những người đã sống và gắn bó với Thái Nguyên.

2.1. Những nhân vật anh hùng là những người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Thái Nguyên và những người đã sống, gắn bó với Thái Nguyên

Khi xây dựng hình tượng các nhân vật anh hùng của đất Thái Nguyên, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã đi sâu vào khắc họa những nét tính cách đặc trưng của họ. Đó là những con người khỏe mạnh, trung thực, yêu quê hương đất nước, có tinh thần tự hào dân tộc. Họ là những người con ưu tú của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Họ có tài thao lược, có sức mạnh, có niềm tin và có uy tín lớn đối với cộng đồng dân tộc. Họ đã dẫn dắt nhân dân đứng lên đấu tranh, chiến đấu ngoan cường chống kẻ thù xâm lược.

Khi lựa chọn xây dựng hình tượng người võ tướng thời phong kiến, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đã tuân thủ nguyên tắc sáng tác của thể loại: kết hợp sáng tạo, hư cấu và cốt lõi lịch sử. Bởi vậy đọc các tiểu thuyết Linh Sơn tử chiến (Phan Thái), Tể tướng Lưu Nhân Chú (Hồ Thủy Giang), người đọc đều hình dung được vẻ đẹp, khí chất của những người con ưu tú đất Thái Nguyên - họ có vai trò quan trọng trong công cuộc giữ nước, đồng thời họ hiện lên rất gần gũi, thân thiết, mang đậm chất người miền núi khí khái, thâm trầm, giản dị.

Với hình tượng Lang trung tướng quân Nùng Tông Đản, nhà văn Phan Thái đã đem đến một cảm nhận sâu sắc về người anh hùng quê đất Quảng Nguyên (Cao Bằng). Trong tác phẩm, nhà văn tập trung thể hiện phẩm chất, tài năng của vị tướng quân cùng cuộc sống bình dị hàng ngày của ông. Không chỉ khẳng định được tài năng quân sự của người anh hùng, nhà văn còn đặc biệt khắc họa thành công những diễn biến tâm tư, tình cảm rất chân thật của nhân vật. Chính bởi những nét tâm trạng đa dạng ấy đã làm cho hình tượng nhân vật người anh hùng trở nên sống động, gần gũi.

Trong tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú, nhân vật Lưu Nhân Chú được Hồ Thủy Giang khắc họa khá đầy đủ về ngoại hình, phẩm chất, tài năng và trí tuệ. Để khẳng định sức mạnh của một võ tướng, nhà văn tập trung vào vai trò của người anh hùng trong những trận chiến quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn. Tác phẩm đã thành công khi xây dựng hình tượng người anh hùng đất Đại Từ vừa lớn lao cao cả, vừa rất đỗi gần gũi thân quen. Đó là niềm tự hào cho các thế hệ người Thái Nguyên hôm nay và mai sau.

Thái Nguyên – 1917 là cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công khi tái hiện sự kiện nổi dậy của nhân dân Thái Nguyên năm 1917 với hình tượng trung tâm của tác phẩm là Đại đô đốc Trịnh Văn Cấn. Nhân vật Đội Cấn hiện lên với những nét đặc trưng của một người chỉ huy uy dũng, một con người hội tụ lòng yêu nước, căm thù giặc, đồng thời lại có sự khéo léo, cẩn trọng trong lời nói, hành động, lại điềm đạm, đáng tin, uy tín, được mọi người nể phục, kính trọng. Không chỉ có tầm ảnh hưởng trong quần chúng, mà ngay cả bọn giặc Pháp và tay sai cũng phải kiêng rè.

Tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên 20 năm đầu thế kỷ XXI từ phương diện cảm hứng sáng tác - 3

Tiểu thuyết Bình minh máu là một tác phẩm mới của nhà văn Phan Thái lựa chọn đề tài đấu tranh của giai cấp công nhân những năm trước cách mạng tháng Tám 1945. Tác phẩm không xây dựng hình tượng nhân vật điển hình, tuy nhiên người đọc vẫn nhận thấy hình tượng trung tâm là những người công nhân mỏ than Phấn Mễ trong cuộc đấu tranh với thực dân Pháp những năm đầu thế kỉ XX.

Ở họ có những đặc điểm chung của giai cấp. Họ vốn là những người nông dân nghèo ở các miền quê. Ở họ có một tình cảm tương thân tương ái, yêu thương đùm bọc giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Khi được giác ngộ, tình cảm ấy trở thành tình ái hữu giai cấp, là nguồn động lực tạo nên tinh thần đoàn kết. Có thể thấy, trong Bình minh máu, những người phu mỏ ở mỏ than Phấn Mễ đã sớm đứng lên thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Những con người ấy đã trở thành biểu tượng kiên cường, bất khuất cho các thế hệ công nhân Thái Nguyên mãi về sau.

Cùng lấy bối cảnh là Đại đội thanh niên xung phong 915, hai nhà văn Hồ Thủy Giang và nhà văn Phan Thái đã tạo dựng được một thế giới nghệ thuật khá đặc sắc trong tiểu thuyết Những người mở đường và Nắng phía sau mặt trời. Mỗi nhà văn lại có cách tiếp cận và thể hiện riêng. Ở cả hai tác phẩm, nhân vật trung tâm đều là những thanh niên xung phong tuổi đời rất trẻ, họ hi sinh trong một sự kiện bi hùng.

Với cái nhìn của những người trong cuộc, các tác giả đã xây dựng các nhân vật là những con người đời thường, giản dị. Câu chuyện về sự hi sinh của họ khi đang làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng tại ga Lưu Xá đêm nôel 1972 là câu chuyện về sự hi sinh thầm lặng của những con người ra sức “chiến đấu nơi hậu phương”.

Với hình tượng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, nhà văn Ma Trường Nguyên đã cố gắng thể hiện hình tượng ông Ké – Bác Hồ rất đỗi giản dị, thân thương. Với cách cảm nhận của con người miền núi, cách kể của nhà văn rất dung dị. Đọng lại trong tâm trí người đọc là hình ảnh một ông Ké thân thương, hết lòng vì dân vì nước.

Trong công việc, ông Ké là con người cẩn trọng, chu đáo, có tầm nhìn chiến lược. Trong sinh hoạt hàng ngày, ông Ké là người giản dị, gần gũi, quan tâm mọi người nhất là trẻ em. Với tình cảm ngưỡng mộ, tin yêu, thành kính của nhân dân giành cho ông Ké, những tư liệu về quãng đời hoạt động của ông Ké gắn với chiến khu Việt Bắc trở nên gần gũi, thân thương. Ở đó không có sự xa cách của vị lãnh tụ vĩ đại, mà chỉ có sự trân trọng, yêu thương vô bờ của nhân dân với ông Ké – vị cha già của dân tộc. Tuy các câu chuyện còn rời rạc, xong sâu chuỗi lại người đọc vẫn hình dung được chân dung của một con người vĩ đại.

2.2. Nhân vật là danh nhân văn hóa của Thái Nguyên

Trong tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên, bên cạnh hình tượng người anh hùng với vẻ đẹp về sức mạnh thể chất, sự hi sinh oanh liệt, các tác giả tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên cũng quan tâm đến khắc họa tài thao lược, mưu trí và vẻ đẹp nhân cách con người.

Trong tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú, nhà văn Hồ Thủy Giang bên cạnh việc khắc họa hình ảnh một võ tướng anh hùng, dũng mãnh, hiên ngang xông pha nơi trận mạc, nhà văn còn làm rõ vẻ đẹp một con người văn hóa. Đó là một con người lấy chữ nhân làm trọng, đánh giặc với tư tưởng nhân nghĩa làm đầu. Ở con người này có tầm nhìn xa trông rộng của một bậc kì tài.

Có thể thấy, ở Lưu Nhân Chú là sự hội tụ của một võ tướng và một văn nhân. Lưu Nhân Chú được phong làm Tể tướng - một vị quan đầu triều. Đó là sự khẳng định tài năng cũng như đóng góp lớn lao của ông cho sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh. Lưu Nhân Chú xứng đáng là một trong những công thần khai quốc triều Lê, xứng đáng là danh nhân văn hóa đất Thái Nguyên nói riêng và danh nhân văn hóa nước Việt nói chung.

Với niềm cảm phục sâu sắc với cuộc đời, đóng góp của danh nhân Đỗ Cận với quê hương Phổ Yên, tác giả Phan Thức đã dành nhiều thời gian tìm hiểu tư liệu lịch sử và kết tinh thành quả trong tiểu thuyết lịch sử Thượng thư Đỗ Cận. Đỗ Cận tên thật là Đỗ Viễn. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo. Ngay từ nhỏ ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Câu chuyện về con đường học tập của ông là bài học cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau.

Người học trò nghèo Đỗ Viễn được nhà văn thể hiện với những nét tâm tư, tình cảm rất riêng trong mỗi bước đường đời. Ý chí quyết tâm và lòng ham học cùng với sự thông minh vốn có, Đỗ Viễn trở thành tấm gương sáng cho hậu thế noi theo. Tư tưởng của Đỗ Cận là tư tưởng của một vị đại quan luôn biết lo cho dân cho nước. Hình ảnh một vị quan bình dị, hết lòng vì nhân dân in đậm trong tâm trí người dân Thống Thượng – Phổ Yên.

Nói đến những danh nhân văn hóa đất Thái Nguyên không thể không kể đến vị thủ lĩnh Phú Lương-  Phò mã Lang Dương Tự Minh, người được nhân dân không chỉ ngưỡng mộ, biết ơn, mà còn phong Thánh. Với tiểu thuyết Đức Thánh Đuổm Dương Tự Minh, nhà văn Phạm Đức đã thành công khi xây dựng hình tượng người thủ lĩnh uy dũng, đáng kính trong lòng nhân dân xứ Thái Nguyên.

Như vậy, khi viết về những danh nhân văn hóa trên đất Thái Nguyên xưa, các tác giả tiểu thuyết Lịch sử Thái Nguyên đều nhằm khắc họa hình tượng những con người với những phẩm chất cao quý. Họ là những con người thông minh, tài trí, thao lược. Đồng thời là những con người đạo đức, nhân nghĩa, sống có trách nhiệm, có uy tín lớn, mà rất mực đời thường, giản dị, trần tục. Họ trở thành niềm ngưỡng mộ của nhân dân các thế hệ, là tấm gương để học tập noi theo. Thông qua hình tượng các nhân vật văn nhân, võ tướng thời phong kiến, các tác giả đã góp phần giáo dục những truyền thống tốt đẹp của dân tộc: yêu nước, thương dân, hiếu học, nhân nghĩa.

Kết luận

Tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên (20 năm đầu thế kỉ XXI) đã chú trọng tới hai nguồn cảm hứng chủ đạo: Cảm hứng về các sự kiện lịch sử và cảm hứng về các nhân vật lịch sử các thời kì. Những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử được tái hiện trong các tác phẩm đều mang những dấu ấn riêng.

Các tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên (20 năm đầu thế kỉ XXI) đã tái hiện những sự kiện lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương trong các thời kì với hai mặt chủ yếu: tự hào, ngợi ca những chiến thắng; xót xa, bi hùng trước những mất mát, hi sinh. Đó là hai mặt của lịch sử làm nên tính chân thực, khách quan của tác phẩm. Thông qua các sự kiện lịch sử ấy, tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên không chỉ góp phần lí giải, làm rõ những vấn đề lịch sử, thời đại, mà còn góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Viết về các nhân vật lịch sử, tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên đi vào hai mảng chính, đó là những tấm gương nhân vật là người con của các dân tộc Thái Nguyên và những người đã sống, gắn bó với mảnh đất Thái Nguyên trong các thời kì. Các tác phẩm tập trung làm rõ những phẩm chất tốt đẹp cùng những đóng góp, hi sinh của họ cho quê hương, đất nước.

Bên cạnh đó, các nhà tiểu thuyết cũng ngợi ca những danh nhân đất Thái Nguyên, họ là những anh hùng, dũng tướng, những đại quan có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống cộng đồng dân tộc. Thông qua cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên góp phần giáo dục đạo lí, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, hiếu học,… cho con người. Tất cả những nguồn cảm hứng trên góp phần tạo nên diện mạo của tiểu thuyết lịch sử Thái Nguyên khá phong phú, đầy đủ.

Nguyễn Thị Thanh Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày