Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại
(Arttimes) - Ngày 11/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề "Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại".
Hội thảo phân tích thực tiễn để nhận diện, đánh giá thực trạng giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam trên các phương diện cơ bản như: Sự vận động và biến đổi của các giá trị truyền thống; sự xuất hiện, tiềm năng và vấn đề đặt ra đối với những giá trị mới; có hay không tình trạng lệch chuẩn, loạn chuẩn giá trị trong đời sống…
Các đại biểu cũng đồng thời phân tích, làm rõ những yếu tố tác động ảnh hưởng, chi phối đến thực trạng giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Hội thảo hướng tới đề xuất phương hướng, mục tiêu và các kiến nghị, giải pháp để xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại trong nhiệm kỳ mới.
Tham dự hội thảo, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Văn Phuông, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ: Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay có ý nghĩa không chỉ với đời sống văn học nghệ thuật mà còn trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, thời gian qua, đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam đã và đang có những bước vận động nhanh chóng, phong phú, đa dạng, có phần bề bộn với nhiều vấn đề mới. Sự biến đổi mạnh mẽ, sâu sắc về quan niệm giá trị ở hầu hết các lĩnh vực đã và đang chi phối mạnh mẽ đến diện mạo, khả năng, chiều hướng vận động của đời sống văn nghệ dân tộc, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, từ đó chủ động định hướng cho sự phát triển.
Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ cả nước. Các tham luận có nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn các lĩnh vực khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ chủ đề Hội thảo đó là: Xác định cơ sở lý luận, làm rõ nội hàm khái niệm hệ giá trị văn học nghệ thuật và yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại; nhận diện, đánh giá giá trị của văn học nghệ thuật Việt Nam trên các phương diện cơ bản; đề xuất phương hướng, mục tiêu và các kiến nghị giải pháp...
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Bắc Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, mạnh với nhiều chỉ tiêu đứng trong tốp đầu cả nước. Năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 1,36%; quy mô GRDP (giá hiện hành) được mở rộng, ước thực hiện đạt 205 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người ước đạt 144,5 triệu đồng, gấp 2,1 lần bình quân cả nước... Bắc Ninh đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của 1.558 di sản văn hóa trên địa bàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Đặc biệt, tỉnh chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ 44 làng Quan họ gốc, đến nay đã lan tỏa, phát triển 369 làng Quan họ thực hành, có trên 140 Câu lạc bộ Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Kết quả hội thảo sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học để đánh giá thực trạng, xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, hội đồng sẽ có báo cáo tư vấn cụ thể giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo vấn đề quan trọng này.
Tử Văn (tổng hợp)
Bình luận