Góc nhìn mới mẻ về điện ảnh Châu Phi

Đến với Chương trình giới thiệu tuần phim châu Phi (FESPACO) lần thứ 2 tại Việt Nam, các tín đồ điện ảnh tại Thủ đô sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc sống thường nhật, mối giao thoa giữa quá khứ và hiện tại và sự phát triển của cá nhân trong bối cảnh lịch sử đau thương của gia đình và dân tộc tại Châu Phi.

Chiều 26/6, tại Viện Phim Việt Nam đã diễn ra khai mạc Chương trình giới thiệu tuần phim châu Phi lần thứ 2 tại Việt Nam. Chương trình do Đại sứ quán Vương quốc Morocco, Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Viện Pháp tại Việt Nam và Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam phối hợp tổ chức.

Đến dự khai mạc có ông Edgar Doerig, Trưởng đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam; ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Ma – rốc tại Việt Nam; bà Trần Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; bà Vũ Thị Thuỳ Dương, Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles của Bỉ tại Việt Nam; ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam;…

Góc nhìn mới mẻ về điện ảnh Châu Phi - 1

Các đại biểu tham dự khai mạc. (Ảnh: Huyền Thương)

Khẳng định tài năng của các nhà làm phim châu Phi

Chương trình giới thiệu tuần phim châu Phi (FESPACO) lần thứ 2 tại Việt Nam là hoạt động góp phần tăng cường sự đa dạng văn hoá và ý thức thuộc về Cộng đồng Pháp ngữ và là một phần trong các hoạt động kỷ niệm Ngày châu Phi 25/5.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1969, FESPACO đã trở thành sự kiện không thể bỏ qua của điện ảnh châu Phi, một biểu tượng của sự biểu đạt nghệ thuật và sự đa dạng văn hóa của châu Phi.

Góc nhìn mới mẻ về điện ảnh Châu Phi - 2

Ông Edgar Doerig, Trưởng đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Huyền Thương)

Theo ông Edgar Doerig, Trưởng đại diện khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tại Việt Nam, FESPACO làm nổi bật tài năng, sự sáng tạo và tiếng nói của các nhà làm phim châu Phi - những người đưa chúng ta đến với câu chuyện, tầm nhìn và hiện thực của họ. Nó tôn vinh sự phong phú của các nền văn hóa, khuyến khích đối thoại liền văn hóa và xây dựng cầu nối giữa các quốc gia châu Phi và với phần còn lại của thế giới.

Khẳng định “điện ảnh là một nghệ thuật mạnh mẽ có thể thay đổi cuộc sống, truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Edgar Doerig cho rằng, việc hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là một trong những ưu tiên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, bởi ngoài việc thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, nghệ thuật thứ 7 còn là động lực phát triển kinh tế toàn diện và bền vững ở các quốc gia phía Nam. Nó cũng tạo ra việc làm và của cải, đồng thời thúc đẩy sự bình đẳng và thể hiện nghệ thuật trong tất cả sự đa dạng của nó.

Trình chiếu 5 tác phẩm điện ảnh xuất sắc

Chương trình giới thiệu tuần phim châu Phi lần này sẽ đưa khán giả đến với chuyến du ngoạn tại Ma-rốc và Bờ Biển Ngà, phiêu du tới Cộng hòa Haiti ở khu vực Ca-ri-bê, trước khi đặt chân tới thủ đô Bruxelles, để hiểu hơn hiện thực cuộc sống thường nhật, mối giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, sự phát triển của cá nhân trước lịch sử đau thương của gia đình hay dân tộc, ở những nơi chốn này.

Góc nhìn mới mẻ về điện ảnh Châu Phi - 3

Đông đảo khán giả trong buổi chiếu đầu tiên. (Ảnh: Huyền Thương)

5 bộ phim được trình chiếu tại Viện Phim Việt Nam là “Thiên mã”, “Đêm của các vị Vua”, “Khiêu vũ trong làn bụi”, “Freda”,“Mặt trời”. Các tác phẩm điện ảnh này đều nhận được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim danh giá trên thế giới.

Mở màn chương trình là bộ phim của Maroc mang tên "Thiên mã”. Theo ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc Ma – rốc tại Việt Nam, bộ phim kể lại hành trình của 2 anh em trong một khu ổ chuột ở Casablanca, bị những người Hồi giáo thu phục và biến thành công cụ. Bộ phim được trình chiếu 10 năm sau vụ tấn công thảm khốc ở Casablanca cướp đi sinh mạng của hơn 40 người dân (16/05/2003).

Góc nhìn mới mẻ về điện ảnh Châu Phi - 4

“Thiên mã” là bộ phim mở màn cho chương trình. (Ảnh: Huyền Thương)

"Thiên mã" từng đoạt giải kịch bản tại FESPACO và giải Francois Chalais tại Liên hoan Phim Cannes năm 2013. Francois Chalais là giải thưởng dành cho các tác phẩm tôn vinh giá trị sống và mang tính báo chí, có tác động mạnh mẽ. Phim cũng là đại diện mà Maroc chọn để gửi đi dự Oscar năm 2013.

Liên hoan phim FESPACO là một trải nghiệm đáng nhớ và thú vị, mang đến cho người xem cái nhìn toàn diện về con người, văn hoá châu Phi và tầm quan trọng của điện ảnh trong việc khám phá và truyền tải những câu chuyện đầy ý nghĩa.

Góc nhìn mới mẻ về điện ảnh Châu Phi - 5

Thông tin những bộ phim chiếu tại chương trình Giới thiệu Liên hoan phim PESPACO lần thứ 2.

Thông qua Chương trình giới thiệu tuần phim châu Phi (FESPACO) lần thứ 2 tại Việt Nam, ban tổ chức mong muốn hoạt động này sẽ là điểm hẹn thường niên nhằm quảng bá các khía cạnh khác nhau của điện ảnh châu Phi, cũng như sự đa dạng về văn hoá và nghệ thuật của lục địa này. Đồng thời, có thể đem đến cho công chúng một cái nhìn mới mẻ về nền điện ảnh của châu Phi.

FESPACO hay Liên hoan Điện ảnh và Truyền hình châu Phi Ouagadougou là Liên hoan điện ảnh lớn nhất châu Phi, được sáng lập năm 1969 và diễn ra hai năm một lần tại thủ đô của Burkina Faso.

Các bộ phim được chiếu nguyên bản, phụ đề tiếng Pháp và tiếng Việt, tại  Viện Phim Việt Nam, 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Lịch chiếu phim:

Ngày 26/6: 18h30 khai mạc phim Thiên mã (T18)

Ngày 27/6: 19h30 phim Đêm của các vị vua (T18)

Ngày 28/6: 19h30 phim Khiêu vũ trong làn bụi (T18)

Ngày 29/6: 19h30 phim Freda (T16).

Ngày 30/6: 19h30 phim Mặt trời (T16)

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Đôi dòng hồi ức của những người lính Điện Biên

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 70 năm, nhưng những sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy vẫn còn vang vọng mãi với non sông đất nước, là niềm tự hào của con dân nước Việt. Đọc lại những trang hồi ký của các cựu chiến binh, chúng ta càng thêm xúc động trước những câu chuyện thú vị của một thời oanh liệt. Và theo năm tháng những con người nhân ch