Gặp lại đạo diễn Khắc Tuế trong một chiều đông Hà Nội

Nhận được tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” là tôi bay ngay ra Hà Nội tìm đến thăm và tặng sách anh chị Khắc Tuế. Một buổi chiều đông Hà Nội rất đẹp...

Đạo diễn Khắc Tuế bao giờ cũng là một tên tuổi “lẫy lừng” trong nghệ thuật, với một bề dày nghệ thuật hết sức đáng kính nể. Từ một chiến sĩ bắn” bazooka” trong tiểu đoàn của Tướng Sùng Lãm lừng danh, anh  được các nhạc sĩ Huy Du, Vũ Trọng Hối khi ấy phụ trách Đoàn văn công đại đoàn 320 tuyển về xây dựng đội múa cho đoàn, rồi đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau hoà bình, Khắc Tuế  được đưa về Đoàn văn công tổng cục chính trị (Nhà hát ca múa nhạc quân đội hiện nay), được chọn lọc trong đoàn dưới sự chỉ huy của  đoàn trưởng Đỗ Nhuận đi biểu diễn nhiều nước trên thế giới, từ Trung quốc, Triều Tiên, Mông cổ, Liên xô, Nam dương( Indonesia)... đến các nước Ba Lan, Tiệp Khắc và các Festival thanh niên sinh viên quốc tế…

Năm 1960, Khắc Tuế được cùng Ngọc Minh đi học biên đạo múa tại Triều Tiên, và sau đó liền 8 năm, vào thời kỳ chiến tranh ác liệt căng thẳng nhất, ông trở thanh  một đoàn trưởng rất xuất sắc của Đoàn văn công TCCT, liên tục cùng các mũi nhọn  đi biểu diễn phục vụ chiến trường nóng bỏng, và chi viện rất nhiều lực lượng cho các đoàn văn công các quân khu, các đơn vị trong quân đội...

Ông Khắc Tuế còn lẫy lừng với chiến công năm 1973, là đoàn trưởng Đoàn nghệ thuật thanh niên Việt Nam (nòng cốt là các nghệ sĩ quân đội) đi tham dự Festival thanh niên sinh viên thế giới tại Đông Đức, 9 tiết mục tham gia hội diễn với một Ban giám khảo uy tín bao gồm các nghệ sĩ nổi tiếng đủ các màu da, đoàn đã vinh dự dành được 8 huy chương vàng và một huy chương bạc (trong đó có huy chương vàng cho tốp ca nam do Kiều Minh đệm đàn Accordion  hát bài “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Hữu Thỉnh và Doãn Nho)

Nhưng lẫy lừng hơn nữa, là giữa sân vận động Berlin hoành tráng với hàng ngàn người tham dự, đã diễn ra màn múa Sạp Việt Nam vô cùng sôi nổi và hấp dẫn,  với hơn một ngàn thanh niên và nghệ sĩ từ 5 châu 4 biển hội tụ về Festival tham gia biểu diễn. Đạo diễn Khắc Tuế chính là Tổng đạo diễn của màn múa sạp cả ngàn người tham gia này, và tên tuổi của ông cũng vì thế  ngày càng bay xa...

Đến nay cũng đã nửa thế kỷ. Những sự tích oai phong ấy vẫn còn ngân vang trong tâm khảm của những người lính thế hệ chống Mỹ chúng tôi. Dù bao thời gian đi qua, chúng tôi vẫn nhớ mãi đoàn văn công tổng cục chính trị những ngày ấy, nhớ mãi người đạo diễn và đoàn trưởng xuất sắc Khắc Tuế, nhớ mãi mối tình Điện Biên của anh chị Khắc Tuế, Ngọc Diệp.

Nhớ mãi những tháng ngày tuổi thanh xuân, anh chị đều là những nghệ sĩ quân đội tay đàn tay súng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đội hình các đoàn văn công các đại đoàn 308, 320, 351, 316, 312... tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Và bởi thế, tôi đã say sưa viết về các anh các chị - Binh đoàn nghệ thuật với sức mạnh vô biên  trong tiểu thuyết mới nhất của mình” Vầng trăng Him Lam” do NXB Quân đội mới in xong gần đây.

Gặp lại đạo diễn Khắc Tuế trong một chiều đông Hà Nội - 1

Tác giả Châu La Việt và Khắc Tuế - Ngọc Diệp - những nhân vật trong tiểu thuyêt “Vầng trăng him lam”.

...Đạo diễn  Khắc Tuế năm nay đã 92 tuổi, và phu nhân của ông, nữ nghệ sĩ Ngọc Diệp cũng đã U90. Chị là một tiểu thư “ lá ngọc cành vàng “ cùng các anh chị em ruột thịt đi tham gia quân đội, rồi tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ, với 25 nghệ sĩ trong đoàn văn công đại đoàn 308 quân Tiên Phong, những Đào Hồng Cẩm, Ngô Sỹ Hiển, Phùng Đệ, Nguyễn Thành( tục gọi Thành quăn, tác giả bài hát Qua miền Tây Bắc)... một ngày đầu năm 1954 đã vượt đèo Khâu  Vác để đến với chiến dịch Trần Đình.

Thật ra thì trong tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam, hình tượng chị Ngọc Diệp đậm nét nhiều hơn hình tượng ông Khắc Tuế, tôi bảo với anh chị là, bởi “thực ra đây toàn là tư liệu ông Khắc Tuế cung cấp cho em, viết giúp cho em. Bác Khắc Tuế yêu vợ hơn bản thân mình, nên viết nhiều hơn, kể nhiều hơn về vợ, còn  em chỉ là kẻ chép lại thôi”.

Anh Khắc Tuế  nâng niu cuốn sách trên tay, bảo tôi “Em viết cảm động lắm, chân thực lắm. Anh đọc suốt đêm qua, mà hết sức cảm xúc. Nhớ anh Đỗ Nhuận, nhớ Mạc Ninh, nhớ Nguyễn Thành, Vũ Trọng Hối và bao nhiêu anh em đồng chí ngày ấy tham gia Điện Biên. Nhớ lại cả tuổi trẻ của mình...”

Chị Ngọc Diệp cũng bảo với tôi: “Em viết hay lắm. Em tặng anh chi ít cuốn nữa nhé, chị mang đến tặng các anh các chị có tên trong sách để các anh các chị đọc cho vui và giữ làm kỷ niệm”.

Chiều mùa đông Hà Nội. Với người phương Nam như tôi là lạnh lắm. Nhưng ngồi bên những nghệ sĩ Điện Biên như anh Khắc Tuế và chị Ngọc Diện thân tình, lại có sách “Vầng trăng Him Lam” trên tay, như có ngọn lửa rất ấm áp sưởi ấm tâm hồn anh chị em chúng tôi.

Tôi vẫn luôn thầm nghĩ rằng: “Vầng trăng Him Lam như một bản hợp xướng, với những giọng hát tuyệt vời chủ đạo của thế hệ Điện Biên Phủ: Đỗ Nhuận, Mạc Ninh, Khắc Tuế, Ngọc Diệp… Họ bằng cả cuộc đời mình, những trang hồi ức của mình, chính là  giọng hát chủ lực làm nên bản hợp xướng tuyệt vời này, làm nên cuốn sách rất ý nghĩa này, mà tôi chỉ là một cây vĩ cầm réo rắt dẫn dắt câu truyện mà thôi…”

Châu La Việt

Bên dòng sông huyền thoại
Bên dòng sông huyền thoại

Đang chúi mũi vào chiếc điện thoại để giết thời gian, bỗng có người reo to: "Cột cờ Hiền Lương kia kìa". Tôi giật...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi