“Lá đơn thứ 72”- Thành công mới về xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trên sân khấu với nhân vật Bác Hồ thường có hai dạng: Tác phẩm “có nhân vật Bác Hồ” và tác phẩm “về nhân vật Bác Hồ”. Ở dạng thứ nhất, nhân vật Bác được đặt trong một hoạt cảnh hoặc xuất hiện cuối tác phẩm như một biểu tượng. Dạng thứ hai, nhân vật Bác là nhân vật chính, tham gia vào hành động kịch và giải quyết xung đột kịch. “Lá đơn thứ 72” trên sân khấu Lệ Ngọc ở dạng thứ 2 là một tìm tòi mới , thành công, được công chúng đón nhận cho tới nay với hơn 150 buổi diễn.

Tác phẩm sân khấu “về Bác Hồ” cho tới nay không nhiều. Đáng chú ý có “Đêm Trắng” của Lưu Quang Hà nói về việc Bác ký quyết định tử hình một cán bộ cao cấp.. Ở “Lá đơn thứ 72” lại là chuyện Bác tham gia giải oan cho một người bình thường. Cả hai vở diễn đều lấy cảm hứng từ chi tiết có thật là Cục trưởng cục Quân nhu Trần Dụ Châu trong kháng chiến chống Pháp và ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, nguyên là cán bộ địa phương ngày hòa bình bị lĩnh án 8 năm tù vì tội giết người.

Từ tư liệu của Tòa án Nhân dân Tối cao, tác giả Hoàng Thanh Du đã viết và sửa kịch bản trong hơn 20 năm. Cái khó của tác phẩm về việc minh oan cho một người bình thường khó không kém việc xử tội một cán bộ cao cấp trong quân đội. Bởi minh oan cho người vô tội là chấp nhận hệ thống luật pháp có sai sót, có thể ảnh hưởng uy tín chính quyền, nhất là trong hoàn cảnh đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

“Lá đơn thứ 72”- Thành công mới về xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu - 1

Một cảnh trong vở kịch “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc

Tác giả khéo léo xây dựng xung đột kịch không phải giữa thói quan liêu, tắc trách với nỗi oan người vô tội mà khai thác vào xung đột giữa bằng chứng và những éo le của bằng chứng. Nhân vật kết án không phải người xấu mà là người có trách nhiệm, tin vào sách vở “án tại hồ sơ”. Xung đột đẩy lên căng hơn khi thêm Viện trưởng Minh có “linh cảm” nhưng luật pháp liệu có thể dựa vào linh cảm. Cách giải quyết xung đột kịch không áp đặt theo ý chủ quan của tác giả mà là kết quả hành động kịch nhân vật kịch.

Cái mới của tác phẩm là niềm tin của nhân vật Đỗ Minh vào pháp luật, tin vào chính mình và tin vào Bác Hồ để bền bỉ có 72 lá đơn gửi lên Người. Xúc động nhất là nhân vật Bác Hồ sau khi lần đầu nhận được lá đơn thứ 72 có cảm nhận rất nhân văn từ trái tim lớn đầy yêu thương của mình: “Bác không hài lòng với lối làm việc cứ đùn đẩy cho nhau. Người ta đã gửi tới 70 lá đơn mà không cơ quan nào đứng ra giải quyết dứt điểm”. Và chính Người đã tham gia giải quyết xung đột kịch. Là Chủ tịch nước, Bác Hồ không ra lệnh hay chi thị mà chính Người… đi thực tế xác minh! Bằng chứng đã rõ trong hồ sơ vụ án nhưng thực tế muôn hình vạn trạng khiến bằng chứng tưởng rõ vẫn có những uẩn khúc éo le. Làm rõ điều uẩn khúc này phải bằng tình yêu thương con người, thực tế đời sống và chuyến “vi hành” của Bác Hồ ngoài việc tìm hiểu thực tế còn là để xác minh… cảm nhận của chính nhân vật.NSND Lê Tiến Thọ được người trong nghề gọi là “Thầy Tuồng” với hàng loạt vai diễn và đạo diễn thành công song lần đầu dàn dựng kịch nói đã tìm được chìa khóa của vở với những điểm nhấn để làm rõ nhân vật và hành động kịch tạo nên sự thuyết phục và hấp dẫn.

Lý giải niềm tin của Đỗ Minh - người tù bền bỉ viết thư kêu oan - đạo diễn cùng tác giả tổ chức lại lớp kịch ba phạm nhân trong một buồng giam. Ở đó, các phạm nhân cũng thể hiện quan điểm, tính cách với những mâu thuẫn – đấu tranh quyết liệt. Từ đó, lý do Đỗ Minh ngồi tù vẫn xin nộp đảng phí trở nên hợp lý về hình ảnh người đảng viên trong hoàn cảnh nào cũng không quên vị trí, lý tưởng của mình giữ vẹn nguyên tính Đảng trong trái tim mình. Nhiều lớp kịch được khai thác kỹ như lớp hai vợ chồng Đỗ Minh gặp nhau trong tù và đặc biệt là lớp Bác Hồ vi hành. Những bất cập trong bối cảnh kịch xảy ra tạo nên mâu thuẫn khiến Bác Hồ phải trăn trở: Người bị tù chưa nói oan hay không nhưng bị tuyên án là có tội song vợ con họ vô tội sao lại bị khó khăn vì cách đối xử của chính quyền sở tại.

Đạo diễn nhấn vào tiếng kêu của người vợ: “Giời ơi không tem phiếu gạo nước thì nhà tôi sống bằng gì đây… giời ơi...”. NS Nguyễn Hải trong vai Bác Hồ đã rất thành công trong lớp kịch này khi lặng đi, tay rút khăn chấm nước mắt: “Các chú nghe thấy gì không… có nghe người mẹ của 2 đứa con ấy than gọi giời không... Không! Chị ta không gọi giời đâu... mà gọi chính quyền chúng ta... gọi Bác và  Đảng đấy ...  Chúng ta đã làm cho dân tộc này có độc lập, có tự do nhưng hạnh phúc thì chưa bởi chính quyền vẫn còn lỗ hổng những người yếu thế trong xã hội”.

Với kịch về Bác Hồ, đạo diễn không chủ tâm tìm trò để gây hấp dẫn mà tìm sự hấp dẫn trong cách khai thác tâm lý, nội tâm nhân vật để từng chi tiết kịch chạm vào cảm xúc khán giả là một thành công đáng kể. Để có thành công này, không thể không nói đến dàn diễn viên nhiệt thành sáng tạo như NSƯT Nguyễn Hải (trong vai Bác Hồ), Nguyễn Quang Tuấn (vai Đỗ Minh), Hán Quang Tú (vai Viện tưởng Viện Kiểm sát), NSND Lệ Ngọc (vai vợ Đỗ Minh). Niềm tin của người bị oan, sự trăn trở của Viện trưởng Viện Kiểm sát giữa hồ sơ bản án và sự cảm nhận, hay  nỗi bức bối của bà bán quán nước mưu sinh có chồng đi tù oan được các nghệ sĩ thể hiện khá rõ, đầy tính thuyết phục.

“Lá đơn thứ 72”- Thành công mới về xây dựng hình tượng Bác Hồ trên sân khấu - 2

Vở kịch ''Lá đơn thứ 72'' gây xúc động tấm lòng bao la của Bác

Đặc biệt, vai Bác Hồ là vai diễn khó được Nguyễn Hải chăm chút từng chi tiết nhỏ. Anh không sa vào lối diễn biểu tượng mà diễn bằng mắt, bằng bàn tay buông bút hay động tác chấm nước mắt khiến nhân vật của anh rất đời, gần gũi tạo nên sự vĩ đại của Bác Hồ là người bình thường như tất cả chúng ta chứ không để nhân vật như một vị thánh. Có thế mới có thể ai cũng học tập và làm theo được chứ là Thánh chỉ có thể kính phục nhưng… kính nhi viễn chi, khó theo.

Đóng góp vào thành công vở diễn còn là sự tham gia của thiết kế mỹ thuật sân khấu. Với một kịch bản có nhiều địa điểm xảy ra như buồng giam, ngoài vỉa hè, phòng Viện trưởng Viện Kiểm sát, nơi Bác Hồ làm việc…, NSND Vương Duy Biên đã thiết kế sân khấu bằng thủ pháp ước lệ khá ấn tượng. Chỉ cần vài tấm pano di chuyển được trên sân khấu nhưng lại tạo biến hóa khôn lường. Khi là nhà tù, khi lại là trụ sở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao hay trong bệnh viện…

Ngay khi mở màn, người tù Đỗ Minh đã mở toang ra hai cánh cửa để kêu oan, rồi khi nhận thức giữa người bị oan và viên cán bộ điều tra, những tấm pano lại trở thành bức tường rào đấu tranh giữa hai tuyến nhân vật, tạo nên xung đột kịch đầy kịch tính. Ước lệ trong thiết kế mỹ thuật nhưng lại rất thật khi cảnh trí không chỉ là địa điểm mà đã tham gia vào hành động kịch, đẩy được tiết tấu vở diễn là một tìm tòi sáng tạo của NSND - Họa sĩ Vương Duy Biên. Có lẽ trong trường hợp này, họa sĩ nổi tiếng là nhà điêu khắc với những tượng đài trên khắp nước còn có am hiểu sân khấu trong từng mạch máu, là NSND của sân khấu đã làm nên sự thành công này chăng?

Xin chúc mừng Sân khấu Lệ Ngọc - một đơn vị sân khấu xã hội hóa - dù khó khăn muôn phần về kinh phí, điểm hoạt động, tập vở và biểu diễn đã liên tiếp ra vở diễn thường xuyên. Chúc mừng cả tập thể sáng tạo vở diễn không chạy theo thị hiếu, vở giải trí câu khách mà đi tìm những vấn đề lớn trong cuộc sống để đưa lên sân khấu. Chỉ có thể đó là tình yêu sân khấu, lòng biết ơn, kính trọng lãnh tụ. Và tình yêu sẽ đến với tình yêu khi “Lá đơn thứ 72” cho tới nay đã có hơn 150 buổi với chật kín những hàng ghế trong khán phòng mỗi đêm…

Lê Qúy Hiền

Tin liên quan

Tin mới nhất