Tiếp tục đổi mới để chấn hưng sự nghiệp nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay

Hành động chấn hưng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới là một sự nghiệp vô cùng rộng lớn, có liên quan tới nhiều mặt, nhiều phạm vi của hạ tầng cơ sở với thượng tầng kiến trúc xã hội… Tôi đề cập tới một góc nhìn của ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam và chỉ góp bàn qua vài vấn đề có tầm quan trọng bậc nhất của một sự nghiệp phục hưng ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay.

Trước hết, đó là tác giả và kịch bản văn học. Không có kịch bản văn học thì nghệ thuật sân khấu không có “bột để gột nên hồ”, không có gì để diễn và không có tác giả thì tất nhiên cũng không có kịch bản nào ra đời. Tác giả và kịch bản là hai phạm trù vừa độc lập, vừa thống nhất với nhau, trong đó vai trò tác giả luôn luôn là nhân tố quyết định cho một nền sân khấu tiên tiến hay lạc hậu, đổi mới hay bảo thủ, hoành tráng hay nghèo nàn…

Do đó, các Nhà hát, các nghệ sĩ phải có đội ngũ tác giả tài năng, bản lĩnh của riêng mình để tạo nên danh tiếng, thương hiệu, phong cách độc đáo của mình. Chất lượng của đội ngũ tác giả, tài năng, danh tiếng của nhà biên kịch chính là sức sống uy tín của mỗi nhà hát, mỗi đơn vị nghệ thuật trong mọi thời đại.

Tiếp tục đổi mới để chấn hưng sự nghiệp nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay - 1

Các nghệ sĩ phải có đội ngũ tác giả tài năng, bản lĩnh của riêng mình để tạo nên danh tiếng, thương hiệu, phong cách độc đáo của mình.

Nhìn lại đội ngũ biên kịch và tác phẩm của nghệ thuật sân khấu Việt Nam từ sau đổi mới cho tới nay thật đáng buồn. Vì, các tác giả nổi danh thời chiến tranh cách mạng đã lần lượt về cõi “niết bàn” hoặc già yếu “rửa tay gác bút”. Chủ thể cầm bút hôm nay là các tác giả trẻ, không được đào tạo cơ bản làm nghề, do Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không tuyển được sinh viên, không mở được lớp Biên kịch.

Họ viết theo cảm ứng thị trường, thiếu vốn sống, vốn chính trị, vốn nghề nghiệp nên hầu hết tác phẩm của họ chạy theo xu hướng “hoài cổ”. Nghĩa là viết theo đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại, quái dị, phi thực và đứng ngoài, lãng quên những vấn đề của cuộc sống đương thời gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cách mạng công nghệ 4.0 v.v…

Họ không bám sát, khám phá và phản ánh chiều sâu hiện thực, không nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, sớm phát hiện biểu dương cái mới, phê phán những tiêu cực cản trở sự đổi mới xã hội… Họ quên sáng tạo vì hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc và soi đường cho quốc dân đi như Bác đã dạy. Do đó, ngành nghệ thuật sân khấu Việt Nam mấy chục năm đã qua vẫn không thay đổi được “bài ca”: nhiều vở yếu, thiếu vở hay, loay hoay mãi mà không sống được!

Mặt khác, như chúng ta đều biết, sân khấu không thể không có khán giả. Khán giả là một trong những bộ phận cấu thành và có tính quyết định sự tồn tại, phát triển nghệ thuật sân khấu. Khán giả vừa là đối tượng khách thể để phản ánh, vừa là đối tượng chủ thể hưởng thụ, đánh giá, sáng tạo nghệ thuật. Đối tượng phản ánh của nghệ thuật sân khấu là hiện thực đời sống xã hội, đời sống của chính khán giả, là những tâm tư, tình cảm, ý nghĩ, nguyện vọng và những mối quan hệ xã hội của khán giả.

Khán giả đến với sân khấu, tức là đến với cuộc sống hiện thực của mình. Thông qua nghệ thuật sân khấu, họ nhận thức, đánh giá về cuộc sống, về những mối quan hệ xã hội chung quanh mình và tìm thấy ở đấy những niềm vui, lòng tin, sức mạnh của cuộc sống, của lý tưởng mà mình đã có, đang có và sẽ có… Sân khấu thuộc về khán giả, là tiếng nói chân thực với những giá trị hữu ích nhất cho khán giả. Nó là tấm gương phản ánh cuộc đời, là công cụ để khám phá, để hiểu biết, để sáng tạo hiện thực xã hội.

Nghệ thuật sân khấu là một trong những hình thái cao nhất của quan hệ thẩm mỹ của con người đối với hiện thực. Mối quan hệ đó trong nghệ thuật sân khấu là mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ thẩm mỹ của khán giả với quan hệ thẩm mỹ của nghệ sĩ đối với hiện thực, trên cơ sở một lý tưởng thẩm mỹ của một giai cấp, một dân tộc, một thời đại nhất định.

Do đó, khi nào mối quan hệ trên được đảm bảo thống nhất thì khi đó nghệ thuật sân khấu tỏ ra sống động, phồn thịnh theo chân lý: khán giả nào thì sân khấu ấy và sân khấu thế nào thì khán giả thế ấy. Sự sống động và phồn thịnh ở đây bao giờ cũng được thể hiện qua hai mặt của một tác phẩm: vừa làm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ của khán giả, vừa nâng cao nhận thức cái thẩm mỹ của khán giả lên một tầm nhìn mới. Tức là, nghệ thuật sân khấu đã làm cho khán giả nhận thức được đầy đủ nhất, toàn diện nhất, đúng đắn nhất về cái thẩm mĩ của hiện thực và làm cho họ lớn hơn chính bản thân mình vốn có.

Nghiên cứu thực tế về mối quan hệ giữa nghệ thuật sân khấu với khán giả suốt mấy chục năm đổi mới, ai cũng thừa nhận rằng: khủng hoảng trầm trọng! Tức là sân khấu không có khán giả, đêm diễn nào cũng “vắng như chùa bà Đanh”. Vì tác phẩm sân khấu rất cũ về nội dung và hình thức, không có gì đổi mới so với trước năm 1975.

Tiếp tục đổi mới để chấn hưng sự nghiệp nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay - 2

Ảnh minh họa

Đặc biệt, nhân vật chủ lực của hai dòng sân khấu Nhà nước và tư nhân (xã hội hóa) đều không phải là những hình tượng con người đương thời của khán giả đương thời và những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng của thời đại thế giới phẳng, công nghệ 4.0, xã hội số… Nghĩa là, cái thẩm mỹ ở sân khấu không đồng cảm với thẩm mỹ của khán giả trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Và chưa làm tốt chức năng: thư ký thời đại của mình.

Nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời kỳ đổi mới có nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ đạt danh hiệu tài năng trẻ, nhiều vở diễn đạt Huy chương Vàng hội diễn… Nhưng, ở nó không có khán giả, nên có thể nói: đó là nền sân khấu ảo!...

Đặc biệt hơn, lý luận, phê bình sân khấu là con đẻ của nghệ thuật sân khấu. Nó có chức năng: thẩm định, đánh giá, giải thích, phát hiện định hướng những giá trị sáng tạo của nghệ thuật sân khấu.

Lý luận, phê bình sân khấu - là một chuyên ngành đặc biệt, nhưng bao giờ cũng được thể hiện bằng những cá nhân cụ thể trong thế giới của loại hình tổng hợp, nên đòi hỏi mỗi cá nhân nhà lý luận, phê bình sân khấu phải có năng khiếu bẩm sinh nổi trội. Đó là phải có năng lực biết phát hiện vấn đề, phản biện vấn đề và lý giải vấn đề đầy thuyết phục cho nghệ sĩ. Năng khiếu bẩm sinh của nhà lý luận, phê bình sân khấu không chỉ ở khả năng phát hiện, phản biện, lý giải, mà còn cả tính trung thực nữa. Tính trung thực này đòi hỏi nhà lý luận, phê bình sân khấu không biết cong lưng, uốn gối, khuất phục trước cường quyền, tiền bạc để nói “nửa sự thật” làm vừa lòng nghệ sĩ non kém, tầm thường. Bởi vì, họ nói “nửa sự thật” là tự hủy diệt chính mình.

Nghệ thuật sân khấu vốn là loại hình tổng hợp nên đòi hỏi nhà lý luận, phê bình sân khấu phải có kiến thức, bản lĩnh tổng hợp về triết học, mỹ học, lịch sử học, xã hội học, dân tộc học, chính trị học để hiểu đúng sáng tạo và đánh giá đúng sáng tạo của nghệ sĩ.

Nghệ thuật sân khấu không thể không có lý luận, phê bình sân khấu. Nếu không nghệ thuật sân khấu khó hoàn thiện và sẽ bị ốm đau, bệnh tật, què quặt… nên người ta đã ví von: nhà lý luận, phê bình sân khấu chính là bác sĩ của nghệ thuật sân khấu.

Nghiên cứu ở nhiều thập kỷ qua, ta thấy lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam chưa có truyền thống. Sự hiện diện của nó hôm nay cũng không thể gọi là chuyên nghiệp hoàn toàn. Nó mang tính cảm hứng, tự do, có cũng được, không có cũng chẳng sao và có thể khẳng định, từ ngày đất nước đổi mới, nghệ thuật sân khấu Việt Nam không có lý luận, phê bình sân khấu. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này là do lý luận, phê bình sân khấu đối lập với văn hóa duy tình của dân tộc: trăm cái lý không bằng một tý cái tình, anh em chín bỏ làm mười…

Đặc biệt, nhân dân Việt Nam ưa khen hơn là chê và phê bình sân khấu tức là chê, nên nghệ sĩ coi nhà lý luận, phê bình sân khấu thuộc “dòng họ Choang”, ghét, cách ly, không cần, cô lập. Mặt khác, Đảng, trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, có đào tạo các nhà lý luận, phê bình sân khấu ở trong nước và nước ngoài. Nhưng, họ sau khi tốt nghiệp thì Đảng, Nhà nước, không dùng họ, mà chuyển sang ngành khác: dạy học, nghiên cứu, quản lý…

Ở nước ta, từ xưa cho tới nay, chưa có một tổ chức, cơ quan nhà nước nào làm chức năng phê bình sân khấu. Ngay ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có Ban Lý luận, Phê bình Sân khấu thì Ban đó làm chức năng “tư vấn cho Ban Chấp hành Hội thực hiện Điều lệ Hội”, chứ không làm lý luận, phê bình sân khấu. Chắc Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và các Hội chính trị xã hội nghề nghiệp khác cũng vậy.

Nhìn chung, ở Việt Nam hôm nay, nghệ thuật sân khấu đang tồn tại một hiện tượng ba không. Đó là: Không có đội ngũ biên kịch; không có lực lượng lý luận, phê bình sân khấu;không có khán giả đến xem. Vì vậy, muốn phục hưng nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam thời đổi mới, hội nhập quốc tế thì trước hết mọi giải pháp đầu tiên là phục hưng lại ba không trên để thành ba có. Nếu không có ba thành tố: tác giả, nhà lý luận, phê bình sân khấu và khán giả thì mọi việc bàn về chấn hưng, đổi mới nghệ thuật sân khấu Việt Nam đều trở nên vô duyên, vô lý, vô ích đối với thời “chuyển dịch giá trị xã hội” hôm nay./.

(*) Bài tham luận tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ của đất nước.”

Trần Trí Trắc

Tin liên quan

Tin mới nhất