Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam

4 bộ phim bất hủ, hơn 200 hình ảnh về những sự kiện, con người, tác phẩm điện ảnh tiêu biểu và cuốn sách áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử (Tập 1: 1953 - 2000) được Viện Phim Việt Nam trình chiếu, trưng bày tại rạp Ngọc Khánh (532 Kim Mã, Hà Nội) là những miếng ghép sinh động giúp bạn đọc hình dung rõ nét hơn về con đường 70 năm phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Diện mạo 70 năm của điện ảnh Việt Nam

Sáng 13/3, Viện Phim Việt Nam đã tổ chức khai mạc triển lãm "Dấu ấn 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam". Lễ khai mạc có sự tham gia của PGS. TS Tạ Quang Đông, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng cục điện ảnh; PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam.

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 1

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Phát biểu khai mạc triển lãm, bà Ngô Đặng Trà My - Phó Viện trưởng, Chủ tịch Công đoàn Viện Phim Việt Nam cho biết, với chức năng lưu chiếu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật, Viện Phim Việt Nam mong muốn giới thiệu những tư liệu Điện ảnh tới các thế hệ khán giả thông qua các hoạt động chào mừng "Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam", nhằm khơi dậy truyền thống lịch sử, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ghi nhận và khẳng định những giá trị, thành quả cách mạng của đất nước, dân tộc ta, trong đó có nền Điện ảnh Việt Nam trong suốt những năm qua.

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 2

Công chúng tham quan triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Với hơn 200 hình ảnh được trưng bày trong 3 chủ đề tại triển lãm đã góp phần phác họa nên diện mạo của nền điện ảnh nước nhà trong 70 năm qua. Đồng thời, giúp người xem trong và ngoài ngành Điện ảnh hiểu thêm về lịch sử ngành, những thành tựu, giải thưởng danh giá mà môn nghệ thuật thứ bảy đã đạt được và những đóng góp của các thệ hệ nghệ sỹ đối với sự hình thành, phát triển của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 3

Không gian triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Chủ đề 1 “Sự ra đời của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” trưng bày những hình ảnh cơ sở, trang thiết bị, hoạt động sản xuất phim trong hai giai đoạn: Điện ảnh Bưng Biền và Điện ảnh Đồi Cọ; Hình ảnh - Sắc lệnh 147/SL ngày 15/3/1953 thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam và con dấu "DOANH NGHIỆP QUỐC GIA CHIẾU BÓNG VÀ CHỤP ẢNH VIỆT NAM".

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 4

Bản sao Sắc lệnh 147/SL ngày 15/3/1953. (Ảnh: Huyền Thương)

Chủ đề 2 “Những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam” gồm hình ảnh các tác phẩm tiêu biểu được sản xuất trong ba giai đoạn: thời kỳ kháng chiến (1953 – 1975), thời kỳ thống nhất và xây dựng đất nước (1976 – 1985) và thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế (từ năm 1986 đến nay).

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 5

Không gian trưng bày những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam. (Ảnh: Huyền Thương)

Chủ đề 3 “Vinh danh nghệ sỹ điện ảnh” trưng bày chân dung của 75 nghệ sĩ điện ảnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – Những cây đại thụ đã đặt nền móng góp phần xây dựng ngành Điện ảnh nước nhà cũng như các nghệ sĩ trưởng thành trong thời kỳ đất nước đổi mới hôm nay.

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 6

Triển lãm vinh danh 75 nghệ sĩ điện ảnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. (Ảnh: Huyền Thương)

Làm sống lại những thước phim bất hủ một thời

Bên cạnh hoạt động trưng bày, Viện Phim Việt Nam mang đến cho khán giả 4 bộ phim điện ảnh bất hủ. Lần lượt trong các ngày từ 13-16/3, rạp Ngọc Khánh sẽ chiếu miễn phí các phim "Chung một dòng sông" (1959), "Bao giờ cho đến tháng Mười" (1984), "Mùa ổi," (2002), "Đừng đốt" (2009).

Bộ phim "Chung một dòng sông" của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam) là bộ phim đầu tiên được lựa chọn trình chiếu trong dịp này, đây cũng là tác phẩm phim truyện điện ảnh đầu tiên sau khi Sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam được ký.

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 7

Đông đảo khán giả tới xem bộ phim "Chung một dòng sông". (Ảnh: Huyền Thương)

Chia sẻ với phóng viên, bà Giang Thu (68 tuổi) cho biết, lần đầu bà được xem bộ phim "Chung một dòng sông" là tại nhà văn hóa thôn, bộ phim khi đó được nhân dân hào hứng đón nhận, là chủ đề bàn tán của nhiều người và nhân vật Hoài đã để lại ấn tượng sâu sắc trong bà.

“Hôm nay tôi cùng một vài người bạn tới đây để xem lại bộ phim này, chúng tôi mong muốn được ôn lại những kỷ niệm của một thời đã qua, những ngôi nhà vách đất, chiếc chõng tre, bộ quần áo vá chằng, vá chịt trong phim làm tôi nhớ tới một thời khó khăn, vất vả, tuy thời đó đã xa nhưng tôi luôn nhớ mãi vì ở đó có tuổi trẻ và kỷ niệm của chúng tôi”, bà Giang Thu chia sẻ.

Nhìn lại lịch sử Điện ảnh qua áp phích phim

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, Viện Phim Việt Nam cũng ra mắt cuốn sách “Áp phích phim Điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (Tập 1: 1953 - 2000). Cuốn sách giới thiệu tới bạn đọc hơn 200 áp phích ở các thể loại: phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình được sản xuất từ năm 1953 đến năm 2000. Các Áp phích được giới thiệu trong sách được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau và hiện đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam.

Mở lại những trang ký ức của điện ảnh Việt Nam - 8

Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam xem cuốn sách “Áp phích phim Điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (Tập 1: 1953-2000). (Ảnh: Huyền Thương)

Qua cuốn sách “Áp phích phim Điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (Tập 1: 1953-2000), lịch sử Điện ảnh Việt Nam sẽ được soi dọi dưới một góc nhìn khác, đồng thời sản phẩm này cũng là lời tri ân tới những nghệ sĩ thầm lặng phía sau màn ảnh, ghi nhận đóng góp của các thế hệ họa sỹ thiết kế điện ảnh trong thành công của mỗi tác phẩm điện ảnh nói riêng cũng như sự phát triển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam nói chung.

Triển lãm "Dấu ấn 70 năm ngày thành lập Điện ảnh Cách mạng Việt Nam" diễn ra ở Hà Nội từ ngày 13/3/2023 đến ngày 19/3/2023 tại Rạp Ngọc Khánh, 523 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.

Tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 23/3/2023 đến ngày 06/4/2023.

Tại Trường Đại học Văn hóa (cơ sở 2), 288 Đỗ Xuân Hợp, Phước Long A, thành phố Thủ Đức.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.