Rực sáng chân mây một điệu đàn: Kịch thơ Kiều Loan

Trong tác phẩm của Hoàng Cầm, nhân vật nữ chiếm giữ một vị trí thiêng liêng, và nghiêng về bi kịch

Trong tác phẩm của Hoàng Cầm, nhân vật nữ chiếm giữ một vị trí thiêng liêng, và nghiêng về bi kịch

Rực sáng chân mây một điệu đàn: Kịch thơ Kiều Loan - 1

Nhà thơ Hoàng Cầm

Lúc đương thời, trong một bài viết, nhà thơ kể theo lời mẹ ông được sinh lúc gần nửa đêm 12 tháng giêng Nhâm Tuất (1922), một lúc trước ngày hội Lim - hội làng quan họ. Mẹ ông là một chị hai quan họ có giọng hát và nhan sắc nổi tiếng vùng Tiên Du, Thuận Thành, Bắc Ninh: “Mẹ tôi xưa vốn là một cô gái Kinh Bắc có nhan sắc, óng ả, kiều diễm, có đôi mắt “lúng liếng” thật tình tứ, đôi mắt rất quan họ, có dáng đi đài các, uyển chuyển, thanh tao, và khi mẹ tôi mặc chiếc váy lụa kiểu Đình Bảng, mép váy “buông chùng cửa võng” xuống đến mu bàn chân, ai trông thấy phía trước mặt đều tưởng như người con gái này đang đi trên sóng rập rờn”.

Bà là con gái làng Bựu, cùng quê với mẹ Đại thi hào Nguyễn Du, nên được kế thừa tinh hoa của nghệ thuật hát quan họ. “Đó là nghệ thuật hát thơ, những câu thơ trữ tình (cốt lõi là thể thơ lục bát) mang đầy sức quyến luyến, yêu thương, nhớ nhung, đằm thắm và da diết đến mức có thể làm say cả gỗ đá”. Có thể tại mê quan họ, dù lấy chồng năm 17 tuổi, mà mãi đến năm 31 tuổi, bà mới sinh ra nhà thơ.

Cha ông là một nhà Nho khí tiết, từng tham gia nhiều hoạt động yêu nước. Hai dòng máu say mê nghệ thuật và yêu nước, khí tiết như hòa quyện làm nên cốt cách Bùi Tằng Việt (bởi ông sinh ở thôn Phúc Tằng huyện Việt Yên, Bắc Giang). Hoàng Cầm, bút danh khi làm thơ là tên một vị thuốc bắc có vị đắng, liên quan đến nghề bốc thuốc của người cha.

Một người con gái nữa cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong đời cũng như trong thơ ông: “Năm 12 tuổi, tôi say mê một người con gái láng giềng, hơn tôi những 8 tuổi”. Thực ra ông đã phát hiện ra cô láng giềng từ năm lên 8, và sớm có thơ tặng nàng. Để rồi gần 30 năm sau, mối tình thơ dại đắm đuối ấy ngỡ chìm khuất trong nấm mồ ký ức, một đêm đông, khi bị cách ly khỏi môi trường văn nghệ sôi động sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, bỗng trỗi dậy thì thầm vào tai ông bài thơ Lá Diêu bông. Việc của nhà thơ, chỉ là chép lại lời của ai đó mà thôi. Có người gọi đó là Thần thi.

Hoàn thành Về Kinh Bắc, tập thơ mà ông coi là xương sống của đời mình, Ông: “Ước nguyện: Gửi Mẹ và Chị, cõi Âm, Bến Lú, bên kia sông Giác:

Ước Sao Sáng Mẹ bừng Công chúa

Chớp mắt nghiêng buồn…kiếp ảo sinh/

Ước sao Soi Chị lim dim hát

Tay gió đàn lơi, yếm trắng tinh

Ví chăng em cứ bơ vơ nhớ

Nắng hiện cồn mây

Lá hiện hình…

Lần lại chút tiểu sử để chúng ta hiểu nguồn cội trong toàn bộ tác phẩm thơ, văn, kịch của người, nhân vật nữ chiếm giữ một vị trí thiêng liêng, và nghiêng về bi kịch. Trong thơ thì đã nhiều người biết. Hình tượng nữ càng nổi bật trong mấy tác phẩm kịch, chủ yếu là kịch thơ. Sơn Nữ, người con gái miền sơn cước mê đắm Nguyễn Trãi trong “Hận Nam Quan”, màn đầu viết khi nhà thơ mới học năm thứ ba thành chung ở Bắc Ninh, từ năm 1936-1937, nghĩa là ở tuổi 14-15, hai màn 2, 3 viết thêm năm 1944, từng được diễn nhiều nơi trước và sau Cách mạng tháng 8/1945.

Đó còn là cô Phương, con gái cụ Đồ, vợ Lê Thái trong Lên đường (viết 1943, nhưng tháng 4/1946 mới được diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội), là Tần Huyền Cơ trong Cô gái nước Tần (viết 1947, được diễn lần đầu tháng 3/1947 ), là Mỵ Nương trong Trương Chi (1957 ), là Tâm, nhân vật chính trong vở kịch nói Đêm Lào Cai (viết 1951). Nhưng là nhân vật nữ chính thì phải kể tới vở Kiều Loan, lấy tên nhân vật.

Kịch thơ Kiều Loan: rực sáng chân mây một điệu đàn 

Rực sáng chân mây một điệu đàn: Kịch thơ Kiều Loan - 2

             Một cảnh trong vở kịch “Kiều Loan”

Theo lời tác giả, kịch bản “Kiều Loan” khởi thảo cuối xuân 1942 - tác giả tuổi 20 - đến giữa năm 1943 đã tạm hoàn thành. Dự định đưa lên sân khấu, ở thị xã Bắc Giang đã tìm được vai khó nhất là nữ chính, chuẩn bị cùng bạn bè dàn dựng, kịch bản phải đưa lên Chánh công sứ Pháp Luciani, một người khá am hiểu tiếng Việt kiểm duyệt, thì y xóa hết kịch bản.

Đến cuối 1943, bạn bè ở Hà Nội, do Chu Ngọc đứng đầu lại định đưa vở kịch thơ lên sân khấu. Nhưng lần này, Phòng kiểm duyệt do Cousseau, chủ nhiệm Phòng Thông tin - tuyên truyền - báo chí của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cầm đầu lại xóa sạch cả 4 màn của Kiều Loan. Rõ ràng hệ thống kiểm duyệt thực dân rất nhạy bén với mọi biểu hiện của lòng yêu nước, và lên án sự đàn áp tàn bạo đối với người dân.

Kịch thơ “Kiều Loan” là chuyện về một người phụ nữ nhan sắc bị điên - hay giả điên - từ phương Nam về kinh thành Phú Xuân - Huế tìm chồng. Kịch xảy ra khoảng tháng 9/1802, Gia Long vừa lên ngôi ở Phú Xuân, triều đình nhà Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ mất, Nguyễn Quang Toản nối nghiệp đang suy yếu. Chuyện kịch diễn ra từ tối hôm trước đến sáng hôm sau. Một ngã ba đường ngoại thành, xa xa mấy nếp nhà hoàng cung đang chìm trong sương.

Bên đường, một vài túp lều ủ rũ, vài thân cây khẳng khiu giơ lên nền trời úa đỏ những ngón tay tuyệt vọng. Tiếng trống thu không, chuông chùa rền rỉ. Mấy tốp lính dẫn những xâu người bị trói giễu qua. Đoàn người tù tội bị buộc cúi đầu, áo quần tả tơi, mặt xám ngoét. Tiếng roi bọn lính vụt nghe vun vút. Bọn trẻ bên đường sợ hãi. Dằng dặc những đoàn tù diễu qua. Trầm trầm, lơ lớ tiếng hát của bọn lính bắt người.

Trên cái nền ấy, Kiều Loan từ mé trái chạy ra, xiêm áo xốc xếch, dính nhiều sợi cỏ, cánh hoa, bùn đất - gợi nhớ một Súy Vân trong vở chèo cổ - Bị bọn trẻ trêu đùa, nàng cất tiếng hát thơ. Nhờ thế, người xem biết nàng điên, năm đó 28 tuổi, đang đi tìm người chồng nàng đã bảo bọc, đỡ đần thuở hàn vi, mười năm nay, mãi theo đường binh nghiệp, không tin tức. Ngỡ là chàng đi phò nhà Tây Sơn, đâu ngờ Vua Quang Trung đột ngột qua đời, thấy Nguyễn Quang Toản không nối được chí cha, chàng đã chạy theo giúp Gia Long. Giờ là Vũ Tướng quân, chức Chưởng vệ, võ quan thân tín của Gia Long.

Để tỏ lòng trung thành và được Gia Long tin cậy, y đã dốc lòng dẹp mọi sự phản kháng, dìm họ trong biển máu. Đêm nay, biết là người vợ giả điên đang đi tìm, lại gặp lại người thầy dạy học xưa, y cũng tìm cách lẩn tránh. Phần vì sợ bọn quan lại của tân triều theo dõi, phát hiện ra tung tích xưa. Cả một lũ hình quan cạnh tranh nhau thể hiện lòng trung thành, giết nhau, để rồi cùng bị chúa giết.

Rực sáng chân mây một điệu đàn: Kịch thơ Kiều Loan - 3

Nhà thơ Hoàng Cầm và các nghệ sĩ tham gia vở kịch "Kiều Loan"

Trước lúc dẫn quân lên đường đi dẹp những người nổi loạn, Vũ Tướng quân vào ngục gặp người vợ ân nghĩa ngày xưa. Không thuyết phục được chồng buông gươm về quê xưa sinh sống, Kiều Loan đã tự tay đâm chết Vũ Tướng quân bằng lưỡi gươm xưa nàng đã tặng chồng, rồi cùng tự sát. Không thể chấp nhận kẻ đã hai lần bội bạc: với chủ tướng xưa, và với người vợ thuở hàn vi. Nhưng như thế là Kiều Loan cũng tự kết liễu cuộc đời của mình. Có những điều nhân vật người quê đáp lời ông già, người mong đất nước sẽ thanh bình, khi Gia Long thành công, như một lời tiên tri:

“Cụ nhầm rồi, thì giặc lại như ong

Vì sắc đẹp bắt gươm quay mũi lại

Thì hai bên đã biết ai thắng bại

Giang sơn này lại sông máu, núi xương

Lại bồng bế nhau nghìn vạn nẻo đường

Lại đói rét lầm than, chúi đầu, gảy cổ

….

Cuộc phân chia lại diễn ra lần nữa

Nơi kinh thành chưa khỏi vết thương xưa

Tôi lại đứng đây xem một ván cờ

Kẻ sắp được lại lâm vào nước hết”.

Kịch viết xong rồi, tác giả cùng bạn bè đi tìm các nhân vật có thể vào vai cho vở diễn. Khá nhiều văn nghệ sĩ đã chon các vai diễn cho mình. Đồng hương Kim Lân nhận vai “Ông già say”, Trần Hoạt - Ngọc Đỉnh thay nhau làm người quê, Lộng Chương - Trúc Lâm làm nhị vị tham tri, thị lang, Nguyễn Thân cao to, đẹp mã, đài từ tốt nhận vai Vũ Tướng quân. Vai Hiệu uý, tùy tướng của Vũ Tướng quân, người đắm đuối và mê say cô gái điên – Kiều Loan tác giả xin đảm nhận. Mọi chuyện chỉ có thể tiến hành khi tìm được người nữ sẽ sắm vai cô gái điên có sắc đẹp ma mị, giọng ca hay, vũ điệu quyến rũ. Đã tìm hàng chục người mà vẫn chưa vừa ý, phải chờ đến Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhưng để dựng Kiều Loan, lúc này không còn hàng rào kiểm duyệt cũ, vẫn không dễ dàng.

Từ đầu tháng 9/1945, dưới sự chủ trì của Hoàng Tích Chủ, ban Kịch Đông Phương đã được thành lập. Đồng thời với họ, và trước đó đã có ban kịch Tinh Hoa của Thế Lữ - Song Kim, ban kịch Tháng Tám của nhóm Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính bước đầu chuẩn bị,… Trong khi chờ đợi tìm Kiều Loan, ban kịch Đông Phương với Hoàng Cầm, Kim Lân và hai nhà hoạt động sân khấu tận tụy là Trần Hoạt và Hoàng Tích Linh, ban đã dựng các vở “Bóng giai nhân”, “Lên đường”. Vốn hay giao du rộng, chính nhà văn Kim Lân đã phát hiện ra một nữ diễn viên của ban kịch Tháng Tám là ngườì có vẻ đẹp sắc sảo, lại hát hay, ngâm thơ thì… rất mê. Vậy là cả nhóm kịch kéo nhau tới phố Huế để tìm gặp, mời chị Tuyết Khanh vào vai Kiều Loan.

Rực sáng chân mây một điệu đàn: Kịch thơ Kiều Loan - 4

Qua trò chuyện, Tuyết Khanh đã tìm thấy sự đồng cảm. Sau một tuần nghiên cứu kịch bản, chị đã vui vẻ nhận lời, và tình nguyện xuống ở cùng ban kịch trong một ngõ hẻm cuối phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội bây giờ để tập cho thuận lợi. Để thấy vị trí của vở kịch thơ có sức hấp dẫn đến mức nào, chỉ nên nhắc đến sự ủng hộ nồng nhiệt của các nghệ sĩ tài danh, thuở ấy mới trong ngoài tuổi 20: các họa sĩ Hoàng Tích Chủ, Nguyễn Tiến Chung (lo hóa trang và trang phục sân khấu), Nguyễn Sĩ Ngọc lo trang trí sân khấu, Nguyễn Đình Hàm lo các đạo cụ và nội thất sân khấu, Hoàng Lập Ngôn đã tạo ra 15 bộ mặt những người tham gia vở diễn băng lối vẽ “Tinh tướng” độc đáo của mình.

Đặc biệt: “Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bìa cho một tờ chương trình 12 trang, dự định sẽ kèm theo mỗi vé bán, mỗi giấy mời trong 5 đêm diễn đã được Ủy ban Thành phố cho phép. Quên sao được, dẫu hôm nay tôi không thể tìm đâu ra một tờ, hình ảnh một cô gái điên, tóc bay chênh chếch trên đôi mắt lúng liếng, ngây dại, xiêm áo như sóng xô, gió cuốn, dưới bóng một cổ thụ thân to quằn quại, có ba nhánh trăn trở hướng nghiêng về một phía với ước chừng 15 chiếc lá rất to, mà… các bạn hãy tưởng tượng xem, mỗi cái lá đúng là một con mắt mở to đang nhìn thẳng vào cuộc sống nhân gian, có mắt đờ đẫn trầm tư, có mắt đăm chiêu, có mắt buồn, mắt đau đớn, có mắt quắc lên như hỏi tội ai đây, có mắt mòng mọng như sắp khóc trước một nỗi đời oan trái”.

Khi tác giả đưa vở kịch đến Hội Văn hóa Cứu quốc, yêu cầu sự giúp đỡ để có thể diễn, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Nguyên Hồng, và nhà học giả Đặng Thai Mai đều tỏ ý hoan nghênh và khuyến khích dàn dựng sớm. Nhưng như đã nói, chỉ đến khi tìm được chị Tuyết Khanh cho vai Kiều Loan mà tác giả coi là “Chúng tôi mừng hơn bắt được viên kim cương đắt giá nhất trần gian” thì đầu tháng 8/1946 mới khởi công dàn dựng.

Sáng chủ nhật cuối tháng 11/1946, đúng dịp có Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, vở kịch mới được tổng duyệt. Trong quá trình tập, vở kịch đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ao ước Tuyết Khanh mà vào vai Đan Thiềm trong “Vũ Như Tô” thì thật yên tâm. Nam Cao thích ý tưởng vở kịch và đề nghị Văn hóa Cứu quốc ủng hộ về tài chính. Nguyên Hồng theo dõi, xúc động theo từng cảnh kịch và không ít lần sụt sùi lau nước mắt. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương thì không biết vì mê Kiều Loan trên sân khấu, hay Tuyết Khanh ngoài đời, mà không chỉ bám đoàn khi tập, mà sau này còn theo đoàn đi diễn mấy làng ở Bắc Ninh.

Hai kịch tác gia Lưu Quang Thuận, Trúc Đường theo dõi đoàn tập, phỏng vấn, viết bài và đăng màn đầu Kiều Loan lên tạp chí Sân khấu do NXB Hoa Lư của Lưu Quang Thuận xuất bản hàng tháng, và chuẩn bị in trọn vẹn vở kịch trong năm 1946. Tác giả còn nhớ được bảng phân vai với những diễn viên mà tên tuổi còn in đậm dấu trong nền văn nghệ cách mạng và kháng chiến. Ngoài các nhân vật tự nhận như đã kể, còn có Thạch Can vai Nội quan, Duy Lễ đóng Ngục quan, Nguyễn Như Tiếp, Ngô Cừ - người qua đường, Tạ Vũ, Chu Xuân Hoan vai thư sinh với một số bạn và cháu nhỏ các vai thư lại, lính tráng và trẻ con. Đạo diễn: Hoàng Tích Linh.

Nhưng sau đêm diễn hoành tráng chào mừng thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc và được chào đón nhiệt liệt, những tràng pháo tay dường như không ngớt, trong Nhà hát lớn, đêm khuya, lúc đã qua ngày mới, thì nhận được lời mời của ông Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng Thành phố Hà Nội mời Trưởng đoàn Hoàng Tích Chù, Đạo diễn Hoàng Tích Linh, và tác giả Hoàng Cầm lên trụ sở Ủy ban. Bằng giọng ái ngại, cảm thông, ông nói: Hoãn đi, các anh ạ! Tôi biết các anh đã mất nhiều công lắm mới có được cái thành tựu hôm nay. Nhưng tình hình nghiêm trọng lắm rồi, giả dụ như đang lúc khán giả ùn ùn kéo vào Nhà hát, nó mà choang vài quả lựu đạn vào đấy thì phiền lắm lắm. Tôi làm Chủ tịch Thành phố, không thể để việc đó xảy ra.

Được cấp phép và dự định diễn 5 đêm, mà chỉ mới đêm đầu đã… Mà tình hình lúc bấy giờ căng thẳng thật. Nam Bộ đã nổ súng kháng chiến từ “Mùa thu rồi, ngày 23” (tháng 9/1946 ), ở Hải Phòng, bọn Pháp đã bắn giết nhiều người dân, ngoài các phố Hà Nội xe quân sự và binh lính Pháp đã nghênh ngang đi lại. Những ngày sau, đoàn tản cư về diễn ở Phù Lưu quê Hoàng Tích Chù, Hoàng Tích Linh, Kim Lân, về Đình Bảng, quê Trần Hoạt, về Lạc Thổ, Đông Hồ, nơi “màu dân tộc sáng bừng trang giấy điệp”, quê của tác giả. Đường đi đành đột ngột dừng bước, vì đêm 19/12/1946, nổ ra toàn quốc kháng chiến. Ban kịch phải giải tán, nhưng còn một tốp nhỏ vẫn tiếp tục đi diễn nhiều làng quê mấy huyện Tiên Du, Từ Sơn, Thuận Thành.

Cặp đôi Hoàng Cầm – Tuyết Khanh còn cùng diễn trong mấy vở ngắn: “Lên đường”, Tuyết Khanh vai Cô Phương, Hoàng Cầm: Lê Thái, Trần Hoạt: cụ đồ, Trúc Lâm: ông Tú; Vở “Hận Nam quan”: Hoàng Cầm vai Nguyễn Trãi, Tuyết Khanh vai Sơn Nữ người yêu Nguyễn Trãi; diễn trong năm 1946; Vở “Cô gái nước Tần” ra mắt lần đầu vào tháng 3/1947 ở Thị trấn Thắng, - Hiệp Hòa - Bắc Giang với bảng phân vai: Tuyết Khanh vai Huyền Cơ, Hoàng Cầm vaiTần Vũ, Chu Đình Uy vai Thái Bá. Cả mấy vở đều do Hoàng Tích Linh đạo diễn. Nhưng đến vở “Đêm Lào Cai” diễn cuối 1951, tác giả vẫn vào vai một viên sĩ quan Việt gian si tình, thì cô Tâm vai nữ xinh đẹp, hấp dẫn, đã liều thân xông vào hang cọp để quyết diệt cọp lại do Thùy Chi sắm vai.

Bởi trên đường cùng đoàn kịch đi lưu diễn, vượt bao nhiêu gian khó và hoạn nạn họ đã ghép thành đôi. Tháng 1/1948, giữa rừng Việt Bắc, tình yêu của họ đã đơm hoa kết nụ, và hai người chọn tên nhân vật Kiều Loan đặt cho con gái. Rồi chiến tranh đã chia lìa họ mãi mãi. Sau nhiều biến động, thiên di, mẹ con Kiều Loan đã cư trú ở Mỹ. Mấy năm sau ngày thống nhất, Kiều Loan đã về gặp lại người cha, lúc này đã là một cụ già ngoài 80, vóc hạc, mình mai, nhưng tình yêu đời, yêu thơ ca thì không hề vơi cạn.

Sống bền bỉ với cuộc đời, hơn 60 năm sau ngày ra đời, năm 2005, “Kiều Loan” lại có dịp xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, vai Kiều Loan do nghệ sĩ Quách Thu Phương, một gương mặt sắc sảo, đôi mắt đầy sức hút đảm nhận. Kịch do  NSƯT Anh Tú làm đạo diễn. Lúc này, tác giả đã phải ngồi trên xe lăn tới dự buổi tổng duyệt. Được vây bọc bởi một thế hệ hệ sĩ trẻ trung, xinh tươi, góp sức làm sống lại những nhân vật mình sáng tạo từ thuở đôi mươi, có lẽ là niềm hạnh phúc mà không phải một kịch tác gia nào cùng có được.

Ngô Thảo

Tin liên quan

Tin mới nhất