Cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ

Qua những chia sẻ thú vị, li kì của ba diễn giả Nguyễn Quốc Vương, Phạm Thị Kiều Ly và Tạ Huy Long, toạ đàm giới thiệu sách “Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” đã mang đến cho công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu rõ hơn về tiếng Việt, đồng thời truyền ngọn lửa tình yêu đối với tiếng Việt - thứ ngôn ngữ rất đẹp của dân tộc Việt Nam.

Từ luận án Tiến sĩ thành tranh truyện

Toạ đàm xoay quanh những câu chuyện về cuốn sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”, đây là cuốn tranh truyện bán hư cấu, với nội dung dựa vào luận án Tiến sĩ của Phạm Thị Kiều Ly về “Lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt (1615-1919)” tại Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018.

Cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 1

Toạ đàm có sự tham gia của đông đảo độc giả Thủ đô.

Là người phụ trách phần nội dung và cốt truyện của cuốn sách, tác giả, TS. Phạm Thị Kiều Ly bày tỏ: Viết sách cho trẻ em là một niềm vui vô cùng lớn dù hành trình tạo nên cuốn tranh truyện này cũng rất gian nan, từ phần lời chuyển thành phần hình để làm sao có thể thể hiện được đúng "linh hồn" của cuốn sách.

Quan niệm “màu sắc là cảm xúc của câu chuyện”, họa sĩ Tạ Huy Long – người đảm nhận vẽ minh hoạ cho cuốn sách chia sẻ: Màu sắc - với tôi là cảm xúc của câu chuyện, không hẳn nương theo những gì thực tế mô tả. Tôi đã rất cân nhắc khi chọn hai màu và chỉ hai màu thôi với sắc độ đậm nhạt từ chúng. Màu xanh cây già - màu của cây lá nhiệt đới, của áo thầy tu bạc màu. Màu nâu sepia - màu của đất đai màu mỡ và da người cháy nắng. Đơn giản như vậy!

Hoạ sĩ Tạ Huy Long cũng chia sẻ thêm, bản thân anh khi còn nhỏ đã từng vẽ về nhân vật Alexandre de Rhodes nên khi được mời tham gia dự án này, anh đã dành rất nhiều tâm huyết để làm sao tạo nên một cuốn tranh truyện tiếp cận gần gũi nhất với giới trẻ.

Cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 2

Các diễn giả chia sẻ tại chương trình.

Bày tỏ quan điểm về mối liên hệ giữa tác giả và hoạ sĩ khi tạo nên cuốn sách này, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho rằng, việc tạo nên cuốn sách dường như có sự “va chạm” trong quan điểm giữa một bên là một người luôn phải căn cứ vào tư liệu và luôn phải đặt ra trong đầu liệu có thật không, liệu có tin tưởng không, giữa một bên là họa sĩ tin tưởng sự thật theo cách của mình, bởi "họa sĩ tư duy vào lịch sử khác chúng ta”.

Tuy nhiên, “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” vẫn được hoàn thiện một cách rất hài hoà, cho phép độc giả dễ dàng hiểu được các tình tiết cũng như đi sâu hơn vào nội dung của tác phẩm.

Cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 3

"Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes.

Cuốn sách gồm hai phần là “Đắc Lộ kí sự” và “Chữ Quốc ngữ kí sự”.

“Đắc Lộ kí sự” được đặc biệt thể hiện bằng hình thức truyện tranh, giúp độc giả dễ theo dõi và nắm được hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ của các thừa sai phương Tây, qua lời kể của Alexandre de Rhodes.

“Chữ Quốc ngữ kí sự” lại mang độc giả đi ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về hành trình chữ Quốc ngữ đi vào đời sống của người dân Việt Nam. Phần này kể sâu hơn về vai trò, đóng góp của những người Việt và người Pháp trong việc biên soạn từ điển hay dịch sách sử dụng chữ Quốc ngữ, thái độ của giới trí thức Việt Nam trước sự lan rộng của chữ Quốc ngữ, cùng chặng đường chông gai để chữ Quốc ngữ được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam.

Cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 4

Cuốn sách gồm hai phần là “Đắc Lộ kí sự” và “Chữ Quốc ngữ kí sự”.

Truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, chữ viết là một trong những phát minh vĩ đại, là công cụ để ghi lại lời nói và tư duy. Nếu không có chữ viết, hẳn sự trao truyền tri thức, kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ vô cùng khó khăn. Và tất nhiên, không có chữ viết thì không có sách vở.

Khác với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, hay các triều đại phong kiến Việt Nam xưa kia chủ yếu sử dụng chữ tượng hình, Việt Nam ngày nay đang sử dụng một dạng văn tự khác biệt: chữ Quốc ngữ, tức là chữ viết ghi âm của tiếng Việt bằng kí tự Latinh.

Cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 5

Cuốn sách đưa bạn đọc trở lại Việt Nam thế kỉ 17, với không gian nhiệt đới và những xung đột của Đàng Trong và Đàng Ngoài.

“Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” ra đời đã giải đáp hàng loạt thắc mắc như: Chữ viết Tiếng Việt ra đời như thế nào? Tại sao chúng ta hiện nay lại đang dùng thứ văn tự Latinh, khác hẳn với các nước xung quanh? Vậy chữ Quốc ngữ là gì? Ai đã tạo ra nó?

Kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican, đã tới Việt Nam từ thế kỉ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651. Cuốn sách đưa bạn đọc trở lại Việt Nam thế kỉ 17, với không gian nhiệt đới và những xung đột của Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - 6

Cuốn sách góp phần truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt.

Thông qua những tình tiết li kì và đặc sắc được lựa chọn để kể lại quá trình sáng tạo và phát triển của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, cuốn sách giúp bạn đọc có cơ hội hiểu rõ hơn về cách ghi âm của tiếng Việt. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn sáng tạo một đoạn phỏng vấn đặc biệt với ba nhân vật tiêu biểu trong quá trình sáng tạo chữ Quốc ngữ: Alexandre de Rhodes, Francisco de Pina và Gaspar do Amaral, bàn luận về quá trình sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Việt.

"Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" hứa hẹn là một trong những nguồn tham khảo để các bạn trẻ hiểu rõ hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt, thứ ngôn ngữ rất đẹp của dân tộc Việt Nam.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất