Hư cấu từ cốt lõi sự thật (Đọc tập truyện ngắn “Mây hồng” của Nguyễn Trường NXB Thanh Niên, 2023)

Như đã biết, Nguyễn Trường thành công cả ở tiểu thuyết (Mộng đế vương, 1992, 2019) và truyện ngắn, trong đó, truyện ngắn nổi trội hơn. Ông được trao giải Nhất cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (2015 - 2017); bốn năm liền được chọn vào Top 10 truyện ngắn hay báo Văn nghệ trong năm, in lại vào các Tết Nguyên đán 2016, 2017, 2018, 2020.

Nguyễn Trường đã có ý thức ráo riết khi bước vào cuộc theo đuổi truyện ngắn từ thời mới viết văn. Đem tiểu thuyết đầu tay vào học Trường Viết văn Nguyễn Du, ấy thế mà khi ra trường ông lại rất chú ý đến truyện ngắn. 

Với độ dày vừa phải, khuôn khổ sách thông thường, tập truyện ngắn Mây hồng (mang tên một truyện), đưa đến bạn đọc 12 tác phẩm. Có hai truyện bạn đọc đã biết và rất hâm mộ: Di cảo của cha, hay, đã xuất hiện trên báo Văn nghệ Tết Nhâm Dần 2022; Quà tặng tương lai, xuất sắc, là một trong 3 truyện được trao giải thưởng báo Văn nghệ. Mười truyện còn lại là viết mới, đều tay, không có cái nào kém hoặc trung bình. Các truyện Di cảo của cha, Người từ nước Mỹ trở về, Người của đảo, Đồi Phượng Hoàng, Quà tặng tương lai đề cập muôn mặt đời thường thời Đổi mới. Các truyện Bữa cơm chiều ba mươi Tết, Minh Châu tỏa sáng, Mây hồng, Chuyện trên biển Cần Giờ, Người viết sử, Điểm gặp lịch sử có thể xem là truyện lịch sử.

Hư cấu từ cốt lõi sự thật (Đọc tập truyện ngắn “Mây hồng” của Nguyễn Trường NXB Thanh Niên, 2023) - 1

Tác giả Nguyễn Trường

Đi vào cụ thể từng truyện: con sửa lại cái nhìn cũ của cha về cái mới để rồi viết mới về cái cũ - truyện lồng vào truyện (Di cảo người cha). Nhân vật ông Thạch ân hận vì làm giả mộ do tham lam và gia cảnh khó khăn (Đồi Phượng Hoàng). Một người tốt tính tài giỏi nghề biển, có chí làm ăn lớn, đã giúp bà con kinh nghiệm đánh bắt mực đạt năng suất cao (Người của đảo). Trái khoáy, cậu bé đang đi du học, lại quay về bởi tủi nhục dốt vẫn dốt, vốn ham chơi game không bỏ được, lại được cha đón một cách hồn nhiên, vui vẻ bởi có thêm người giúp ông chăm sóc đàn gà công nghiệp. Thật "vui" nữa với sự ngẫu nhiên là cậu ta về cùng một người bác chán cảnh ở xứ người cô đơn, lạnh lẽo (Người từ nước Mỹ trở về).

Trẻ trở về bởi kém cỏi, già trở về bởi nhớ quê nhà Việt Nam, muốn tránh cô đơn. Họ cùng trở về bởi lý do cơ giới mà bản chất nguyên nhân là trái khoáy, khác nhau. Quà tặng tương lai có thể nói theo cách khác là quà tặng của quá khứ cho hiện tại nhưng trớ trêu và cay đắng là người bộ đội trở thành hiện tại đã đánh mất niềm tin khi anh ta gửi món quà từ quá khứ hòng nó đến được tương lai, khi người dân ở lại địa phương suốt ba mươi năm vẫn tin đó là món quà của một người thủy chung với tình yêu, với lý tưởng cao đẹp.

Truyện Bữa cơm chiều ba mươi Tết, thật ấm áp tình người, là lời chiêu tuyết cho hai nhân vật tên tuổi của chính quyền Sài Gòn: Dương Văn Minh - Đại tướng, Tổng thống chính quyền Sài Gòn và Nguyễn Hữu Hạnh - Chuẩn tướng quân đội Sài Gòn. Họ là những người yêu nước, yêu nước không chỉ ở thời điểm tháng tư năm bảy lăm mà trước đó, họ gần như là người của bên ta. Tinh thần hòa hợp dân tộc ở truyện này khá rõ.

Nhân vật Trí - Bộ đội miền Bắc lấy vợ miền Nam mà bố vợ lại là đại tá quân đội cách mạng - đã như một mối nối các quan hệ phức tạp để dẫn đến thống nhất trong một dân tộc, một Tổ quốc. Minh Châu tỏa sáng gỡ nút cho các mâu thuẫn về đánh giá trắng đen, phải trái, địch ta về một số nhân vật lịch sử. Việc hiểu sai lầm, lạc hướng về Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt được giải tỏa. Mây hồng viết về Nguyễn Du những năm ở Nghệ Tĩnh từng bị vào tù, có dịp gặp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (Là cột chèo với anh ruột của Nguyễn Du), một đấng yêu nước, thương dân, đã ảnh hưởng tích cực đến nhà thơ lớn của dân tộc sau này.                                                                  Chuyện trên biển Cần Giờ viết về quan hệ Chăm - Việt với cách nhìn lịch sử trung thực mà nhân ái, khoan dung, trong đó có nhân vật Chế Lan đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức nghiên cứu văn hóa Chăm - Việt, viết được trên năm trăm trang về tục thờ cá voi của người Chăm (lễ hội Nghinh Ông), được người Việt hưởng ứng tín ngưỡng này. Nước Chăm đã mất nhưng người Chăm vẫn còn, thì đây cũng là những trang viết rất đẹp về hòa hợp dân tộc. Dân tộc Chăm đã để mất quốc gia, lý do vì sao thì ai cũng rõ, ở đây, Nguyễn Trường nhấn mạnh một bài học lịch sử như là chân lý vĩnh cửu: “Không được lấy đất đai để đổi bất cứ cái gì”.

Người viết sử là truyện lấy địa danh - di tích Côn Đảo để nói về một nhà văn ân hận bởi đã viết sai lịch sử. Điểm gặp lịch sử chính là cuộc họp mặt đầy xúc cảm, kỳ lạ giữa Dương Văn Minh và Phan Thanh Giản ở hai thời kỳ lịch sử khác nhau mà cách xử lý của họ giống nhau, bởi họ đều là những người yêu nước, thủy chung với dân tộc Việt Nam. Nếu ở truyện trên, tác giả bênh vực Nguyễn Ánh, thì ở truyện này, Phan Thanh Giản đã được dành cho những lời thân thiện. Đến tận ngày hôm nay, hai trường hợp Nguyễn Ánh và Phan Thanh Giản chưa được sự đánh giá nhất trí của nhân dân. Việc viết về lịch sử với cách phản biện như trên, xin được xem là sự táo bạo của nhà văn, rất nên được độc giả tham khảo. 

Theo cách sắp xếp khác thì có những truyện liên quan trực tiếp đến sáng tạo văn chương, nghệ thuật, nêu ra quan niệm về biện pháp nghệ thuật, góp phần làm cho tập truyện thêm màu vẻ đa dạng. Chúng thật sự có ích đối với tác giả và đồng nghiệp về hiểu biết, kinh nghiệm sáng tạo, rằng cốt lõi của tác phẩm văn chương là sự thật đời sống, dẫu hư cấu đến thế nào (Các truyện Di cảo của cha, Người viết sử, Mây hồng). Riêng Người trong cõi mộng là truyện tình riêng biệt, toàn vẹn duy nhất của cuốn sách, có dáng dấp “liêu trai…” (Ở các truyện khác, tình yêu chỉ là yếu tố lẩn quất, như là hiện thực thường xuyên diễn ra, chẳng lạ gì, đó cũng là thói quen khai thác nhằm tạo hấp dẫn của nhiều tác giả).

Ưu điểm của Nguyễn Trường không ở lời văn. Hành văn của ông giản dị (trừ khi nói đến phái đẹp). Nếu hiểu theo nghĩa hẹp về yêu cầu “viết có văn” (câu văn, giọng văn hay) thì không phù hợp với Nguyễn Trường. Tác giả là người có học, trong đời sống hàng ngày, ông ứng xử có văn. Tuy nhiên, là tạng viết hoặc cố ý, ông không để lộ ra những sáng tạo về câu chữ. Nhiều ưu điểm khác đã bù lại cho Nguyễn Trường. Ông chú ý đến tả người: nét mặt, hình dáng, cử chỉ… Ông cũng rất chú ý khai thác chi tiết, tình huống (về địa phương, ngành nghề, tâm linh…) mà không phải người viết, người đọc nào cũng tỏ tường. Đời sống thật do biết khái thác giúp ông đỡ mệt mỏi khi phải “bịa” trăm phần trăm. “Bịa” cũng cần có tạng, có tài.

Về cơ bản, văn Nguyễn Trường vẫn là chân chất, ông viết hay được từ chất liệu đời sống của chính mình. Và ông hư cấu từ cốt lõi sự thật. Hầu như truyện nào cũng là truyện đời thường mà tác giả là người đã tham dự hoặc khai thác trực tiếp. (Người trong cõi mộng là một trường hợp hiếm hoi). Ông quá “khôn ngoan”, Đạo Dừa sờ sờ ra đó, chỉ có Nguyễn Trường đi sâu, rồi chẻ ra mấy nhánh, đều sắc sảo, làm nên tên tuổi tác giả.

Về cấu trúc truyện ngắn, Nguyễn Trường đã huyễn mộng hóa và ly kỳ hóa. Ông xoay đầu lật cuối, chồng xếp thời gian và không gian, dễ thấy ở Di cảo của cha, Người trong cõi mộng, Người viết sử, Đồi Phượng Hoàng, Minh Châu tỏa sáng, Chuyện trên biển Cần Giờ, Quà tặng tương lai. Truyện của Nguyễn Trường không phải không có đôi ba trang máu và nước mắt, ở đó le lói triết lý nhân sinh, nhưng nhìn tổng thể, tác giả thiên về lãng mạn hóa xúc cảm và mỹ lệ hóa hiện thực. Điều ấy thể hiện rõ ở tả cảnh, tả nhân vật chính diện (tích cực) và tả tình. Tả thân thể phái đẹp là một lợi thế của ông.

Thí dụ, trong Người trong cõi mộng có đoạn về cô Loan: “Nàng đi nhẹ nhàng, thanh thoát như gió thoảng, mây bay, dáng mảnh mai trong chiếc váy cao quá đầu gối, để lộ cặp đùi thon nhỏ, trắng hồng. Khuôn mặt trái xoan được đánh phớt qua, điểm chút son hồng trên môi hình trái tim làm khuôn mặt và làn da vốn trắng của nàng thêm tươi tắn, rạng rỡ. Chiếc mũi cao, thanh thanh có nét gì đó tây tây. Chiếc áo hồng khoét cổ hơi rộng thấp thoáng bộ ngực đầy đặn, chắc nịch, mơn mởn, hài hòa với ba vòng đo hoa hậu.” Và cô Phượng: “Chàng như muốn uống hết vẻ đẹp từ chân tóc cho tới gót sen hồng của nàng. Chàng muốn không gian và thời gian như ngưng đọng lại để vẻ đẹp được trường tồn. Mắt chàng gắn chặt vào bộ ngực thanh tân. Trái đào trắng nõn, căng cứng, tròn đầy vươn ra mây mẩy”.

Đây là hình ảnh phu nhân Huỳnh Công Lý: “Bà ta khoảng ba mươi tuổi, tóc dài đen mượt, chảy trên bờ vai tròn lẳn, làn da trắng, khuôn mặt thanh tú, đôi má ửng hồng” (Minh Châu tỏa sáng). Thêm nữa, đây là người phụ nữ nông thôn không còn trẻ nhưng vẫn có thể sánh ngang “hoa hậu quý bà”: “Đôi tay của mẹ như biết nói trong động tác múa, hai cánh tay mềm mại, cổ tay kết hợp với nghệ thuật guộn ngón điêu luyện. Chân mẹ bước nhịp nhàng với đôi tay múa, có lúc tưởng như mẹ đang bay cùng tiếng hát thanh cao, ngọt ngào” (Quà tặng tương lai).

Một số nhân vật được tác giả khắc họa tâm lý khá kỹ lưỡng và tinh tế trong các mối quan hệ hoặc sự việc khi chưa sáng tỏ hoặc còn bị hiểu lầm. Nhân vật Trí dần dần chuyển từ tâm lý tự ti, buồn bã về vị thế chính trị - xã hội của mình đến niềm vui hòa hợp với những người ở phía bên kia mà anh từng ngỡ là xa cách, đối lập (Bữa cơm chiều ba mươi Tết).

Người con lần theo lối đi của cha từ quá khứ, để rồi viết lại tác phẩm của cha vừa vô tình vừa cố ý (Di cảo của cha). Cô gái vừa yêu thầm vừa ấm ức đối với chàng trai tài giỏi, khi mà anh ta không để ý gì đến tình cảm của cô (Người của đảo). Nhân vật Hoàng vui sướng trong mệt mỏi không biết đâu là Phượng, đâu là Loan, khi mà anh ta tiếp cận người sau, lại cứ nhầm là người trước và có lúc lại thấy cả hai chỉ là một trong giấc mộng hoang đường (Người trong cõi mộng). Người làm được việc tốt là tìm được mộ liệt sĩ nhưng lại rất ân hận khi làm thêm mộ giả để trục lợi, rấm rứt suy đi, nghĩ lại trong nhiều năm và tìm cách chuộc lỗi. (Đồi Phượng Hoàng).

Hư cấu từ cốt lõi sự thật (Đọc tập truyện ngắn “Mây hồng” của Nguyễn Trường NXB Thanh Niên, 2023) - 2

Bìa cuốn sách "Mây hồng"

Biện pháp miêu tả tâm lý một cách tinh tế của Nguyễn Trường cũng tạo nên ở bạn đọc xúc cảm thú vị. Một đoạn văn khắc họa tâm lý của ba người đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ. Một anh bộ đội trẻ ở tạm nhà dân, kém tuổi chị chủ nhà đơn côi chút ít, cùng sắm vai vợ chồng ở một buổi sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật tại thôn làng, đã nảy sinh trong lòng một cảm xúc lạ, dẫn đến một hành vi bất thường đáng yêu. Tác giả mượn đứa con của chủ nhà để diễn tả tâm lý của em bé (con chị chủ nhà) và chú bộ đội. "Nhiều đêm, con thức giấc nghe trong buồng mẹ tiếng trở mình trên chiếc giường ọp ẹp, cô đơn và cũng nghe tiếng thở dài của chú Đặng ở gian bên cạnh.

Một lần, con nhìn thấy chú Đặng nhè nhẹ nhổm dậy rón rén đến bên cửa buồng mẹ. Chú cứ đứng như thế, im phăng phắc cả giờ đồng hồ. Có tiếng gõ cửa khe khẽ, tiếng trở mình của mẹ trên giường. Có thể, mẹ nghe thấy tiếng gõ cửa nhưng không mở. Chú Đặng đứng thêm một lúc rồi lại nhè nhẹ trở về giường của mình.

Từ hôm đó, con ngủ rất cảnh giác, hễ nghe giường bên cạnh khẽ kêu cọt kẹt là con hé mắt nhìn ra. Tuổi thơ của con bắt đầu từ việc có ý thức bảo vệ mẹ như thế. Tuy nhiên, mẹ vẫn quý mến hai chú bộ đội và biết giữ khoảng cách. Một khoảng cách mà người đàn bà trẻ vắng chồng phải nghị lực lắm mới giữ được". Nhân vật Nguyễn Du bối rối, có lúc như là hoang hoải tìm đường ở thời khắc khó khăn của lịch sử, khiến ông lâm nạn vào tù (Mây hồng). Hai trạng thái tâm lý khác nhau của người con trai và người mẹ: con đã biết anh bộ đội bội tín, nhưng giấu mẹ, tránh cho mẹ nỗi thất vọng; mẹ thì vẫn tin người chiến sỹ sẽ trở về nhận gói quà được gìn giữ đến ba mươi năm (Quà tặng tương lai). 

Một điều băn khoăn là một vài truyện có cấu trúc quá cầu kỳ, chồng xếp xoay đi đảo lại không gian và thời gian, khiến người đọc mệt mỏi, khó theo dõi mạch truyện. 

Nhìn bao quát, tập truyện Mây hồng nêu được những vấn đề xã hội - nhân sinh sâu sắc, đưa đến bạn đọc những điều thú vị, mới mẻ.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất