Suy tư về “cuộc hẹn với chính mình”

Qua 12 bài phỏng vấn và 23 tiểu luận, cuốn sách "Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình" của tác giả Nguyễn Thị Từ Huy đã cung cấp cho độc giả các góc nhìn mới trên nền tảng lý luận triết học được thể hiện ở dạng những bài phỏng vấn và phê bình chủ yếu trong lĩnh vực văn học, giáo dục.

Suy tư về “cuộc hẹn với chính mình” - 1

Tọa đàm ra mắt cuốn sách "Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình". Ảnh: Huyền Thương

Tại buổi ra mắt cuốn sách do Viện Pháp tại Hà Nội và Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức, tác giả Nguyễn Thị Từ Huy cho biết, tựa sách "Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình" là câu nói được rút ra trong bài phỏng vấn đầu tiên của cuộc đời chị.

“Tôi phải đi đến bao giờ mới gặp được chính mình? Lúc nào là lúc tôi có thể gặp chính mình? Và chân trời là ở đâu? Thực ra tôi không thể trả lời được. Hoặc chỉ có thể trả lời vào phút cuối, tức là cùng với cái chết. Nhưng ở thời điểm đó, nếu các câu trả lời xuất hiện, thì chúng sẽ xuất hiện để ngay lập tức rơi vào im lặng.

Tuy nhiên, mọi việc không có gì bi quan, vì sự lựa chọn và tìm kiếm thái độ sống, cách thức sống, sự lựa chọn cách thức sử dụng thời gian, đó đã là một hình thức trả lời. Sống là đang trên đường đi tới cuộc hẹn với chính mình. Điểm hẹn chính là đường chân trời, là ranh giới của các mảnh không thể hợp nhất của bản ngã”.

Chị chia sẻ: “Đôi khi có những thứ được bắt đầu từ những khoảnh khắc đầu tiên nhưng lại theo ta mãi về sau này và mang một ý nghĩa quan trọng nào đó”.

Suy tư về “cuộc hẹn với chính mình” - 2

Tác giả Nguyễn Thị Từ Huy chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

Tựa đề cũng là cách mà tác giả muốn đặt lại cho mình: “sống là gì?”, qua đó mong muốn mọi người cũng cùng đặt ra câu hỏi đó. Rồi từ đó, đặt lại câu hỏi về công việc mà những người như chúng ta đang làm, ví dụ như viết là gì? giảng dạy là gì? nghiên cứu là gì?... Theo chị, khi chúng ta đặt ra những câu hỏi và suy nghĩ về nó thì có thể chúng ta sẽ đi tới một cái gì đó thực sự có ý nghĩa trong công việc của mình.

Là một cuốn sách được ra đời bằng tập hợp những bài phỏng vấn và phê bình, tác giả Từ Huy chia sẻ, các sản phẩm trí tuệ xưa nay vốn là kết quả của sự liên kết giữa nhiều tinh thần khác nhau. Một bài phỏng vấn là cuộc gặp giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Một bài viết là sự tương tác giữa rất nhiều tác giả, dù có thể ta không nhìn thấy điều đó một cách rõ ràng. Không ai viết một mình. Và một khi đã in ra thì không ai viết chỉ để cho riêng mình. Cũng như viết, sống là đi tới cuộc hẹn với chính mình, nhưng ta cũng chỉ thực sự sống khi gặp những người khác.

“Tương tự như vậy, cuốn sách này được hình thành từ ý tưởng của họa sĩ Lê Thiết Cương, từ sự gặp gỡ nào đó giữa hành động đọc của anh và hành động viết của tôi. Một sự gặp gỡ như thế luôn là điều kỳ diệu. Với điều kỳ diệu ấy mà cuốn sách có mặt ở trên đời này”, tác giả cho hay.

Suy tư về “cuộc hẹn với chính mình” - 3

Cuốn sách "Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình" của tác giả Nguyễn Thị Từ Huy do họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa. Ảnh: Huyền Thương

Bìa sách được tạo nên ấn tượng với gam màu đỏ chủ đạo, chia sẻ về ý nghĩa liên tưởng sâu xa của bìa sách này, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Bức tranh này là một dòng sông máu”.

Suy tư về “cuộc hẹn với chính mình” - 4

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ về ý nghĩa bìa sách. Ảnh: Huyền Thương

Màu đỏ của máu tương hợp với nhan đề cuốn sách là sống, màu của máu là màu của sự sống, nhưng nhìn kỹ hơn, ta sẽ còn thấy những đường màu trắng rất mảnh đan xen trong đó, tạo ra hiệu ứng gợn sóng, tạo cho người xem cảm giác màu đỏ này đang chuyển động, giống như cách sự sống này đang diễn ra. Mà theo như tác giả diễn tả, nó đang chảy xuôi về cái điểm hẹn mà tất cả chúng ta không thể tránh được vào một ngày nào đó.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhấn mạnh, cuốn sách được nhà xuất bản chọn in bởi lòng tôn trọng đối với tư duy, bản lĩnh, giọng nói của tác giả Từ Huy.

Và ông cũng cho biết, ông đọc nó cho chính bản thân mình: “Tôi đợi cuốn sách này ra đời, dù đã đọc qua bản thảo nhưng tôi vẫn ôm nó về nhà và buổi tối hôm đó là một buổi tối đẹp. Với đầy nghi lễ trong việc đọc sách, tôi thắp nến, tôi uống rượu, tôi đọc sách và tôi hưởng thụ. Tôi hy vọng những người yêu văn chương đều sẽ có nghi lễ như vậy trước những cuốn sách hay”.

Suy tư về “cuộc hẹn với chính mình” - 5

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn chia sẻ. Ảnh: Huyền Thương

Về nội dung của tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, nếu trên các tạp chí của chúng ta thường xuyên có được những bài phỏng vấn như vậy, với những phần trả lời như vậy thì cách nhìn của chúng ta đối với thế giới văn chương, đối với nghệ thuật, đối với giáo dục, với tất cả lĩnh vực chúng ta quan tâm sẽ được khai mở rất nhiều.

“Phần tôi rất mê đó là tính triết học trong cuốn sách. Nếu không đọc cuốn sách, các bạn hẳn đã bỏ trượt đi một bến xe, mà rất có thể tại chính bến xe ấy, các bạn sẽ gặp được điều mà mình đang đợi trong suốt chuyến tàu”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Suy tư về “cuộc hẹn với chính mình” - 6

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng đây là một cuốn sách lạ lùng, giúp độc giả soi và phản biện lại chính bản thân mình. Ảnh: Huyền Thương

Khẳng định tính thi ca, tính nghiên cứu sâu sắc nhưng cũng đầy tự do, đầy sám hối, đầy sự tiên phong vào nhiều vấn đề, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Đây là một cuốn sách lạ lùng vô cùng, tôi nghĩ rằng tôi sẽ lý giải nó bằng một cách nào đó, hoặc viết một điều gì đó về cuốn sách để kêu gọi những người viết văn ít nhất ở thế hệ tôi hãy đọc nó và suy tưởng, soi và phản biện lại chính bản thân mình và tìm ra những điều mà Từ Huy mang đến”.

Cuốn sách còn cho thấy, tác giả là một người yêu văn chương vô cùng, yêu xứ sở cũng vô cùng, chị đã gợi mở ra rất nhiều câu chuyện, cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi mà chị đã đi tìm cách trả lời và hy vọng độc giả cũng đi tìm cách trả lời qua tâm niệm: "Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy là tiến sĩ Văn học Pháp và tiến sĩ triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot. Tiến sĩ từng giảng dạy các Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Thị Từ Huy là tác giả của các tác phẩm: “Alain Robbe – Grillet: Sự thật và diễn giải”; “Viết: Cô đơn và sức mạnh”; “Các khái niệm chính trị của Hannah Arendt”; Truyện ngắn "Con chữ"; Tập thơ "Chữ cái";…

Là dịch giả của các tác phẩm: "Giờ im lặng" - tập truyện ngắn của Albert Pouvourville; "Nietzsche và triết học" của Gilles Deleuze (2010);...

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất