Tạp chí Văn nghệ Quân đội với “Tổng tập Nhà văn Quân đội”

“Tổng tập Nhà văn Quân đội” là công trình chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và tri ân các thế hệ nhà văn mặc áo lính.

Trong lời nói đầu của “Tổng tập Nhà văn Quân đội”, Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội viết: ‘Hiếm có dân tộc nào nặng lòng văn chương như dân tộc ta. Cũng hiếm có đất nước nào phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt để bảo vệ sự độc lập vẹn toàn như đất nước ta. Đặc điểm lịch sử ấy đã kiến tạo nên dòng văn học về đề tài chiến tranh với nhiều những tác phẩm xuất sắc, cùng đội ngũ các tác giả xuất sắc, trong đó có những tướng lĩnh nhà văn và chiến sĩ nhà văn. Chỉ riêng ở thế kỷ 20, đất nước trải qua 4 cuộc chiến tranh lớn, chống thực dân, đế quốc, đáng đuổi xâm lấn để bảo vệ vẹn toàn biên cương Tổ quốc, đã hình thành một đội ngũ nhà văn áo lính đông đảo, hùng hậu. Qua sáng tác của đội ngũ này, ta thấy diện mạo của dòng văn học về chiến tranh, người lính vô cùng phong phú, dày dặn và hết sức giá trị. Bằng sức sáng tạo của mình, những nhà văn  –chiến sĩ thời đại Hồ Chí Minh đã góp phần làm nổi bật lên hình ảnh cao đẹp của tinh thần quả cảm, chiến đấu hi sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Tổ Quốc.

Xét về phương diện tuyên truyền, có thể nói tác phẩm của các nhà văn quân đội đã làm tròn nhiệm vụ một cách xuất sắc với việc kịp thời động viên chiến sĩ trong những thời khắc cam go nhất, lúc lòng dạ con người xốn xang vì sự lựa chọn giữa mạng sống cá nhân với lẽ tồn vong của tổ quốc. Nhưng sâu hơn, các sáng tác ấy đã bồi đắp, nâng cánh cho tâm hồn người lính trong chiến tranh, gieo vào họ tình yêu quê hương gieo vào họ tinh thần nhân đạo, gieo và họ tình yêu quê hương, gieo vào họ tinh thần nhân đạo và nghị lực chờ đón ngày mai. Giá trị này không thể đo đếm được, nhưng có thể thấy được qua tinh thần lạc quan và điềm tĩnh của người chiến sĩ lúc băng qua đạn lửa, cũng như lúc dành chiến thắng cuối cùng. Nếu cần tìm hình ảnh đầy đủ nhất, cụ thể nhất, tinh tế, sâu sắc nhất thì không đâu hơn là tìm kiếm trong những trang sáng tác văn học của các nhà văn quân đội”.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội với “Tổng tập Nhà văn Quân đội” - 1

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Có thể bởi những  lý do này, Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhiều năm tháng qua đã dày công biên soạn tổng tập nhà văn quân đội, như  một sự tri ân với các thế hệ nhà văn áo lính, những người đã dành sự tâm huyết đơi mình để cống hiến cho dòng văn học vừa phong phú, sống động, mà cũng hết sức vạm vỡ, lẫm liệt về đề tài chiến tranh cách mạng và hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ.

Với hơn 5000 trang in khổ 18x24, Tổng tập chia làm 5 tập, các tập in đều rất bề thế, trang trọng, nội dung phong phú và hàm súc, khá trọn vẹn và đồ sộ khi giới thiệu đến 366 gương mặt nhà văn từng mặc áo lính cùng tác phẩm tiêu biểu.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội với “Tổng tập Nhà văn Quân đội” - 2

“Tổng tập Nhà văn Quân đội”

Tập 1 có  930 trang in, giới thiệu 77 tác giả theo vần từ A đến D, tập 2 có 935 trang in, giới thiệu 74  nhà văn tên từ Đ đến L, tập ba  có 929 trang in, với  72  nhà văn, tên từ vần L đến vần P, tập 4 có 940 trang in, giới thiệu 70 nhà văn có tên từ vần P đến vần T, và tập 5 bao gồm 937 trang in, giới thiệu 73 nhà văn, từ vần T đến vần Y (Tổng cộng là 366 nhà văn nhiều thế hệ từng mặc áo lính).

Tạp chí Văn nghệ Quân đội với “Tổng tập Nhà văn Quân đội” - 3

Các nhà văn mặc áo lính tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ảnh tư liệu

Mỗi gương mặt văn học được giới thiệu trong Tổng tập đều có ảnh chân dung, lý lịch trích ngang, những thành tựu văn học đã gặt hái và tác phẩm tiêu biểu. Có thể nói bộ mặt tinh thần của mỗi nhà văn áo lính xuất hiện trong tổng tập đều rất rõ nét, tiêu biểu và đều rất đáng trân trọng, yêu quý.

“Tổng tập Nhà văn Quân đội” là công trình chào mừng 80 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, chào mừng 80 năm ngày truyền thống Tổng  cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tri ân các thế hệ nhà văn mặc áo lính của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và do Nhà xuất bản Văn  học ấn hành.  Rất đáng trân trọng và biểu dương.

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Bà chúa Vĩnh

Truyện cổ tích: Bà chúa Vĩnh

Đến nay không ai biết do đâu bà chúa Vĩnh có được  tấm yếm đào thần kỳ ấy. Có người bảo, bà được tiên truyền cho...