Tô Hoài và Thái Bá Tân với hành trình tìm về truyện cổ tích dân gian

Vốn dĩ là một thể loại tự sự tiêu biểu của văn học dân gian, truyện cổ tích ra đời từ xã hội nguyên thủy và chủ yếu phát triển trong xã hội có giai cấp. Thể loại này có nguồn gốc ra đời rất bình dân, đúng như niềm tin của Gamzatôp: “Tôi tin rằng bạn đã sinh ra trên đồng cỏ, bên bếp lò, trong túp lều nghèo khổ, bên đống lửa của người chăn cừu.” (Dẫn theo Đỗ Bình Trị, 1999). Như vậy, về lí thuyết, cổ tích là sản phẩm của một thời đại khác, gắn với nền văn hóa có rất nhiều khác biệt so với hiện tại. Tuy nhiên trong thực tế, nó không im lặng lắng đọng với thời gian mà vẫn vận động không ngừng nghỉ trong tình yêu văn hóa, văn học dân gian của con người đương đại. Và sự hóa thân thành “Một trăm cổ tích” và “Truyện thơ cổ tích Việt Nam” là một niềm tự hào riêng có của thể loại này. Hai cá nhân đã góp phần làm nên hành trình bất tử cho truyện cổ tích chính là Tô Hoài và Thái Bá Tân.

Nguyên nhân tạo nên sự va chạm giữa Tô Hoài, Thái Bá Tân với “kí ức thể loại” không hoàn toàn giống nhau. Tô Hoài (2014) tâm sự: “Chuyện cổ tích không biết có từ đời nào. Tưởng đoán không ngoa là những của báu khảo cổ trên mặt đất này đã ra đời cùng với tiếng nói của con người. Những câu chuyện đã nghìn đời chồng chất, biết ai đầu tiên kể, mãi mãi vẫn chắp nối, chắp nối cho đến thời có chữ ghi lại... Ngày trước những câu chuyện lạ lùng được nghe bà ngoại kể, không nhớ trong đêm thanh vắng hay đương mùa đông, mùa hạ, có khi là mọi lúc... Khi tôi cầm bút thì những câu chuyện ngày đêm ám ảnh vẩn vơ này cứ tự nhiên là những chuyện trước nhất tôi viết ra”.

Tô Hoài và Thái Bá Tân với hành trình tìm về truyện cổ tích dân gian - 1

Nhà văn Tô Hoài

Còn “Truyện thơ cổ tích Việt Nam” thì mở đầu bằng những dòng sau: “Đây là tập cổ tích/Đọc khi còn bé thơ,/Bây giờ ông kể lại,/Mà lại kể bằng thơ”. Có sự khác biệt ở đây. Nếu như Thái Bá Tân chủ động tìm đến cổ tích, thì với Tô Hoài, cổ tích là một sự chảy trào từ vô thức, dù tác giả chưa tìm về thì nó đã cứ tự nhiên mà đến và án ngữ trên trang viết của nhà văn.

Dù là thế, vẫn có thể thấy rằng, với mọi thời đại, truyện cổ tích vẫn luôn đồng hành cùng với tuổi thơ. Nhận ra sự thích ứng giữa thế giới cổ tích lung linh sắc màu huyền thoại với đời sống tâm lí trẻ, thấy được ý nghĩa khai sáng của những câu chuyện đời xưa với hôm nay và mai sau, Tô Hoài và Thái Bá Tân đã thực hiện một động thái nghệ thuật vừa dễ vừa khó: viết lại truyện cổ tích và viết truyện thơ cổ tích.

Tô Hoài và Thái Bá Tân với hành trình tìm về truyện cổ tích dân gian - 2

Nhà văn Thái Bá Tân

Nhờ đó, những câu chuyện kể dân gian lại tiếp tục nối dài sự sống ở một sinh thể mới. Tất cả các tác phẩm trong hai tuyển tập này không hẳn đều là truyện cổ tích. Có những truyện vốn dĩ là truyền thuyết (Thánh Gióng, Mỵ Châu Trọng Thủy...), vốn dĩ là thần thoại (Sơn Tinh Thủy Tinh...), vốn dĩ là truyện thơ Nôm của văn học trung đại (Lục Vân Tiên, Truyện Kiều). Nhưng Tô Hoài và Thái Bá Tân vẫn dành cho tất cả một cái tên chung là: Một trăm cổ tích, Truyện thơ cổ tích Việt Nam. Như vậy, hai tác giả đang đi theo một quan niệm khá phổ biến, đó đồng nhất truyện cổ tích với truyện đời xưa. Đấy là quan niệm rất rộng về thể loại.

Về phương diện nội dung, nhìn trên diện rộng, các tác phẩm đã thực hiện khá trung thành chức năng của tấm gương soi cho truyện đời xưa. Nếu thực sự có thiên đường, ở trên đấy người đời xưa hẳn sẽ nhận ra hình hài, tên tuổi những đứa con tinh thần mà mình đã tạo ra trên chính đồng quê, gốc đa, bến nước... Cốt truyện dân gian được tái hiện trọn vẹn trong nhiều tác phẩm. “Sự tích cây nêu” là một ví dụ. Các tác giả đã giữ gìn những tình tiết và hệ thống nhân vật quen thuộc của truyện. Vẫn là mô tip thử thách để nói về cuộc chiến dai dẳng giữa Người và Quỷ. Cuối cùng, với sự trợ giúp của Phật, Người từ chỗ ở nhờ, làm thuê cho Quỷ đã buộc Quỷ chạy trốn ra biển Đông. Cũng từ đấy tục dựng cây nêu trước ngõ vào ngày Tết để xua đuổi Quỷ đã ra đời. Với sự di chuyển nguyên vẹn cốt truyện, mô tip như thế, cái cũ thêm một lần được khắc sâu vào trí nhớ.

Về góc độ thể loại, con đường tiếp sức cho truyện cổ tích dân gian qua “Một trăm cổ tích”  và “Truyện thơ cổ tích” là hành trình dịch chuyển từ TỰ SỰ DÂN GIAN sang TỰ SỰ HIỆN ĐẠI và THƠ CÓ YẾU TỐ TRUYỆN. Chất truyện là điều vẫn còn giữ lại qua mỗi hành trình. Linh hồn của tích xưa vẫn bám chặt qua mỗi bước chuyển thể loại. Tuy nhiên bức tranh cụ thể của nó đã có những dị biệt. Tạo không khí mới cho những câu chuyện cổ là điều mà hai tác giả đã làm. Cũng là những câu chuyện xưa nhưng đã được cấu trúc lại ở nhiều phương diện: thay đổi vai trần thuật, xóa bỏ dần tính phiếm chỉ của nhân vật, đầu tư miêu tả ngữ cảnh xuất hiện và diễn biến tâm lí nhân vật...

“Truyện Trương Chi”, “Mị Nương” của Thái Bá Tân hiện đại hơn khi đã tạo được sự hô ứng giữa cảnh sắc thiên nhiên với lòng người: “Cứ thế nàng nghe mãi/Rồi thành quen, thành yêu/Yêu cái con người ấy,/Xao xuyến vạt nắng chiều”. Tô Hoài, bằng nghệ thuật miêu tả sinh động đã tạo ra một hình ảnh vừa quen vừa lạ: “Chẳng bao lâu, cây thị đã xum xuê ba tầng tán lá. Đã vào mùa bói quả, cả cây đậu được mỗi quả thị bói. Quả thị bói to, tròn xoe, vàng thẫm, trông thật đẹp mắt lại thơm một vùng. Ai đi qua cũng dừng chân ngắm quả thị chín, mùi thị chín thơm ngát như cả vườn hoa cau ở đấy” (Tấm Cám).

Tô Hoài và Thái Bá Tân với hành trình tìm về truyện cổ tích dân gian - 3

Ảnh minh hoạ

Truyện thơ Thái Bá Tân còn có yếu tố ngoại truyện cổ tích, làm nên phần vĩ thanh ý nghĩa cho một số tác phẩm. Ví như trường hợp truyện “Mỵ Châu, Trọng Thủy”. Sau khi kết thúc phần 1 (tương ứng với cốt truyện hoàn chỉnh của truyện dân gian), tác giả viết tiếp phần 2 để bộc lộ quan điểm của mình với các nhân vật và sự kiện trong tác phẩm. Thái Bá Tân thể hiện sự cảm thông trước mối tình trong trắng, chân thành của Mỵ Châu, Trọng Thủy và kết luận: “Người có lỗi duy nhất/Là ông vua Triệu Đà/Vì mưu toan chính trị/Ông giết con trai mình/Giết luôn cả hạnh phúc/Trong trắng một mối tình”.

Phần 2 của truyện thơ tác giả đồng thời tiết lộ những kí ức tuổi thơ của mình ở làng Xuân Tình, nơi cách ngọn núi Mộ Dạ (địa điểm đức vua quyên sinh) chưa đầy cây số. Tác giả còn viết tiếp về cuộc đời tướng Cao Lỗ, viết về xúc cảm của “ông già” Thái Bá Tân khi thắp hương viếng những người thiên cổ. Với những thông tin ấy, người đọc càng củng cố hơn niềm tin với “cái lõi lịch sử” của các truyền thuyết và cảm nhận sâu hơn thái độ của đời sau đối với bi kịch lịch sử này.

Ngoài ra, thậm chí không ít lần hai tác giả đã tạo kết thúc mới cho tác phẩm. Truyện “Tấm Cám” được “dàn dựng” lại với những cái kết sau:

“Ngày nọ, Cám đào một cái hố thật to. Cám đun một nồi nước rồi Cám đứng xuống hố nhờ người dội nước cho Cám tắm lột xác. Cám chết bỏng trong hố nước sôi. Tấm cho người về làng báo tin mẹ Cám biết Cám đã chết. Mẹ Cám chạy lên kinh đô, vào cung, thấy xác Cám vẫn nằm rụi trong hố. Người đàn bà độc ác ngất đi, ngã lăn ra, tắt thở” (Tấm Cám - Tô Hoài).

“Vua nghe xong tức giận

Truyền quân lính ra đi

Bắt mẹ con cô Cám

Để trị tội tức thì

Vốn là người nhân hậu

Lại xét tình người nhà

Cô Tấm xin nương nhẹ

Nên cuối cùng vua tha

Thế là chúng thoát chết

Bị đuổi đi, dọc đường

Chúng bị hổ ăn thịt,

Mà không ai xót thương”

          (Truyện Tấm Cám - Thái Bá Tân)

So với truyện dân gian, hai cái kết này làm nên sự khác biệt lớn. Trong câu chuyện của Tô Hoài, Tấm không can thiệp vào việc báo thù. Nói đúng hơn, Tấm chỉ là một phép thử để Cám thể hiện thêm một cái xấu khác, đó là sự ngu dốt. Kết cục của hai mẹ con dì ghẻ muôn sự là từ sự hiểu nhầm của Cám về câu nói của Tấm: “Lột được xác thì đẹp ra. Chị đã lột xác, hóa kiếp mấy lần, em biết đấy”.

Tô Hoài và Thái Bá Tân với hành trình tìm về truyện cổ tích dân gian - 4

Tranh minh hoạ truyện cổ tích "Tấm Cám"

Với truyện thơ Thái Bá Tân, câu chuyện kết thúc sớm hơn ở không gian quán nước của bà lão. Không gian bình dân này chứng kiến sự vị tha, độ lượng của nhân vật chính và cũng đồng thời mở ra góc nhìn mới về hình tượng nhà vua. Vua đã thể hiện vai trò của mình trong tác phẩm, trở thành biểu tượng của sự chính trực, công bằng vì đã đại diện cho tiếng nói của nhân dân lao động để trừng trị cái ác. Chữ tình cũng là một điểm sáng của hình tượng này. Thấu hiểu nỗi niềm của Tấm, vua đã tha cho hai mẹ con Cám.

Tuy nhiên cuối cùng thì cái ác cũng bị tiêu diệt. Như vậy, dù có những sáng tạo mới nhưng cả hai tác giả đều thể hiện sự đồng cảm của mình với triết lí ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của người bình dân xưa. Những khác biệt đó, hi vọng là cảm hứng đồng sáng tạo của người tiếp nhận chứ không phải là sự “phản ứng” lại văn học dân gian như quan điểm của một số người đối với phần kết thúc của truyện cổ tích Tấm Cám.

Bên rất nhiều sự tương đồng đó, hai tác giả còn thể hiện thái độ, tư duy riêng của mình trong quá trình xử lí cùng một chất liệu dân gian.“Sự tích bánh chưng bánh dày” của Thái Bá Tân giữ nguyên cốt truyện cổ. “Bánh chưng bánh dày” của Tô Hoài có một thay đổi. Người giữ vai trò báo mộng cho Lang Liêu không phải là Thần mà là người mẹ của chàng.

Tô Hoài và Thái Bá Tân với hành trình tìm về truyện cổ tích dân gian - 5

Minh hoạ sự tích bánh chưng bánh dày.

Khi Lang Liêu đang buồn khóc thì người mẹ đã mất bỗng nhiên xuất hiện, đến bên an ủi và dặn dò chàng tỉ mỉ: “Này chiếc lá dong xanh mát mắt vừa ngắt ngoài vườn kia, những đấu gạo nếp hoa vàng mẹ đã vo sẵn. Miếng thịt lợn ba chỉ đặt giữa lớp nhân đậu xanh. Bốn góc lá dong gói gạo đứng thành lên rồi buộc tám ô lạt giang thế là buộc nên chiếc bánh vuông có góc có cạnh. Có phải chiếc bánh vuông vắn như thửa đất ta ở, như mặt đất hàng ngày nuôi con người, cây cỏ, chim muông. Còn đây, thúng gạo nếp cái để giã ra làm thành bánh dầy, chiếc bánh dày trắng trong như ông mặt trời, ông mặt trời ngày đêm soi sáng cho muôn loài trên thế gian...”.

Với sự thay đổi này, nội dung tư tưởng của truyện cũng ít nhiều biến chuyển. Câu chuyện về hai loại bánh không chỉ gắn với biểu tượng trời đất, sự hòa quyện giữa cây cỏ muông thú của nền văn hóa nông nghiệp... mà còn là thông điệp của tình mẫu tử.

Từ hiện tượng này có thể thấy được lối đi riêng của hai tác giả trên cùng một hành trình lớn. “Một trăm cổ tích” và “Truyện thơ cổ tích Việt Nam” là một sự đồng hành tuyệt vời với truyện cổ tích, khẳng định sức sống mãnh liệt của thể loại, nhưng trong sự đồng hành đó, Tô Hoài và Thái Bá Tân vẫn là hai cái tên không lẫn vào nhau. Họ đã khoác lên truyện cổ tích hai chiếc áo mới, một chiếc áo tự sự có sự đan cài giữa yếu tố cổ tích và hiện đại, một chiếc áo trữ tình có sự kết hợp yếu tố truyện dân gian. Kết quả, ta có một Tô Hoài chỉnh chu, tỉ mẩn, nâng niu không khí dân gian cho truyện từ những điều rất nhỏ; một Thái Bá Tân chân chất, nôm na nhưng không thiếu sự tài hoa qua sự nhịp nhàng của âm điệu thơ ngũ ngôn.

Với những gì đã thể hiện, người đọc không còn hoài nghi về sự gắn bó bền vững giữa Tô Hoài, Thái Bá Tân với văn học dân gian. Sự tái hiện sáng tạo những câu chuyện đời xưa nhân hậu, nói như nhà văn Tô Hoài là một tâm tình của các tác giả với ơn huệ của ông bà. Ngày bé, các tác giả đã nghe cổ tích và “cắt nghĩa được tất cả cơn cớ ta tồn tại, ta sinh sôi” (3). Cổ tích gợi cái sâu xa của đức tin, cái bay bổng thăng hoa của khát vọng. cái lắng sâu của tình người. Những ý nghĩa ấy một lần nữa lan tỏa trên những trang truyện cổ tích hiện đại của Tô Hoài, trên sự nhịp nhàng yểu điệu của truyện thơ Thái Bá Tân.

Tô Hoài và Thái Bá Tân với hành trình tìm về truyện cổ tích dân gian - 6Tài liệu tham khảo:

Đỗ Bình Trị (1999), Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian, Nhà xuất bản Giáo dục.

Tô Hoài (2014), Một trăm cổ tích, Nhà xuất bản Kim Đồng.

Thanh Tâm Nguyễn

Tin liên quan

Tin mới nhất