Từ “Quản tử “đến “Quân vương”: Thuật trị nước cho bậc đế vương

Trải qua nhiều thế kỷ, nhưng những vấn đề được đề cập đến trong hai cuốn sách “Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương” của Quản Trọng và “Quân vương” của Machiavelli vẫn đầy lý thú, thu hút được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và độc giả.

Nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương, Công ty cổ phần Văn hoá và truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Thuật trị nước: từ Quản tử đến Quân vương” nhằm bàn luận, đánh giá thêm về những điểm chính trong quan điểm của Quản Trọng và Machiavelli, thông qua hai tác phẩm nổi tiếng của họ. Từ đó, hy vọng có thể ngẫm nghĩ sâu hơn về sự kế thừa có chọn lọc những cẩm nang quản trị, nghệ thuật lãnh đạo mà người xưa từng đề đạt, thực hành.

Từ “Quản tử “đến “Quân vương”: Thuật trị nước cho bậc đế vương - 1

Tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: GS. TS. Trần Ngọc Vương, Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn. Ảnh: Huyền Thương

Được biết đến như là hai chính trị gia đề xuất mô hình pháp trị, quân chủ nhưng Quản Trọng và Niccolò Machiavelli bởi những khác biệt về bối cảnh chính trị xã hội nên tư tưởng của họ có điểm vừa tương đồng, vừa dị biệt.

Quản Trọng (725 tr.CN - 645 tr. CN) sống trước thời Khổng Tử khoảng 100 năm, xuất thân từ vùng Dĩnh Thượng, nước Tề, tên là Di Ngô, hiệu là Trọng Phụng, là chính trị gia, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân Thu của Trung Quốc.

Thuở trẻ ông từng chơi với Bão Thúc Nha, Bão Thúc biết ông là người hiền. Về sau Bão Thúc thờ công tử Tiểu Bạch của Tề, Quản tử thờ công tử Củ. Đến khi công tử Tiểu Bạch lên làm Hoàn công, công tử Củ chết, Quản Trọng bị giam, Bão Thúc bèn tiến cử Quản Trọng. Quản Trọng gánh vác chính sự ở Tề, Tề Hoàn công nên nghiệp bá, chín lần hội họp chư hầu, chấn chỉnh thiên hạ đều là nhờ mưu lược của Quản Trọng.

Niccolò Machiavelli (1469-1527) sống trong thời kỳ nước Ý bị chia nhỏ thành nhiều công quốc, nhưng ông chủ yếu gắn bó và dần trở thành quan chức cấp cao của Cộng hòa Florence quê hương. Phụ trách ngoại giao và quân sự, Niccolò Machiavelli có điều kiện hiểu sâu và đồng thời hiện thực hóa các quan điểm chính trị của mình trong hai lĩnh vực này. Các quan điểm này, dù chịu nhiều chỉ trích và phê phán, song được người đời sau hết sức coi trọng, xem như nền móng của tư tưởng chính trị hiện đại.

Từ “Quản tử “đến “Quân vương”: Thuật trị nước cho bậc đế vương - 2

Sự kiện thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và độc giả muốn tìm hiểu tư tưởng của Quản Trọng và Machiavelli. Ảnh: Huyền Thương

Tại tọa đàm, các diễn giả cho rằng, cả Quản Trọng và Machiavelli đều theo chủ nghĩa hiện thực chính trị và đều sinh ra vào thời điểm xã hội có nhu cầu tạo ra các mô hình chính trị mới, nên các quan niệm của hai ông chủ yếu bàn về lập pháp, thể chế, thiết chế.

Các quan niệm về phương thức quản trị đất nước mà các ông đề đạt, thực hành như những cuốn cẩm nang chính trị, có giá trị và ảnh hưởng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, do tính chất hai mặt, chúng đòi hỏi người làm chính trị phải ngẫm nghĩ sâu hơn và phải kế thừa có chọn lọc.

Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn cho rằng, Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương của Quản Trọng có độ khả dụng mà có thể nhìn thấy được ở hiện tại qua việc ông đề đạt kiểm soát hoạt động thương mại, thống kê số liệu dân số, chia ruộng đất,… những đề đạt đó vừa mang tính cụ thể ở tại thời điểm đó, đồng thời khá đặc trưng cho xã hội Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cuốn sách có nội dung khá phong phú với 86 thiên, tổng hợp tư tưởng học thuật của Đạo gia, Pháp gia, Nho gia, Danh gia, Binh gia, Nông gia, Âm dương gia… chú trọng đến việc làm nước giàu dân yên, nói tóm gọn những điều trọng yếu.

Từ “Quản tử “đến “Quân vương”: Thuật trị nước cho bậc đế vương - 3

Cuốn sách "Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương" của Quản Trọng. Ảnh: Nhã Nam

Tác phẩm không những tạo được nền tảng triết học cho chính trị pháp quyền mà còn đưa tư tưởng Đạo gia vào sâu trong các vấn đề xã hội và con người thời đó; không chỉ vạch ra những kế hoạch cụ thể để cai trị đất nước bằng pháp luật mà còn coi trọng vai trò cơ bản của giáo dục đạo đức đối với dân chúng; không chỉ xác định thể chế chính trị quân chủ là cốt lõi mà còn chủ trương lấy con người làm gốc và thúc đẩy sự phát triển cân bằng giữa nông nghiệp, thủ công nghiệp và buôn bán.

Đây cũng là bản sách lược giúp các quân vương có thể vừa xưng hùng xưng bá vừa kiên trì đi theo lý tưởng vương đạo chính nghĩa; vừa tránh được khuynh hướng của Pháp gia xem nhẹ đạo đức nhân tâm vừa bổ sung cho sự khuyết thiếu kinh nghiệm chính trị thực tiễn của Nho gia.

Quản tử - Thuật cai trị đất nước của bậc đế vương là nguồn tư liệu rất quan trọng để nghiên cứu về chính trị xã hội, kinh tế, quân sự, luật pháp, văn hóa và các khía cạnh khác của Trung Quốc, đặc biệt là thời Xuân Thu.

Từ “Quản tử “đến “Quân vương”: Thuật trị nước cho bậc đế vương - 4

Cuốn sách "Quân vương" của Machiavelli. Ảnh: Nhã Nam

Trong khi đó, Quân vương của Machiavelli được viết trong một khoảng thời gian rất ngắn bởi tác giả của nó đang cố gắng tìm kiếm lại vị trí của mình trong chính quyền Florence (một số đồng nghiệp đã được phục chức nhưng ông lại không may mắn như vậy).

Trải qua nhiều thăng trầm trước khi có được hình thức như ngày nay, tác phẩm bao gồm 26 phần, cung cấp góc nhìn của Machiavelli về quyền lực, nghệ thuật lãnh đạo, bản tính con người và chính sách ngoại giao, bao gồm những nội dung quan trọng như: cách cai trị các vương quốc, vấn đề quân đội, những phẩm chất cần có của một quân vương, các bề tôi của quân vương.

Theo Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm, Quân Vương là cẩm nang dành cho người tốt, tác giả của nó cho rằng, có những người rất tốt nhưng cuộc đời này không công bằng, vì thế không sớm thì muộn những người không tốt sẽ “túm” những người tốt. Nếu người tốt muốn tồn tại, không bị người khác bắt nạt, không bị mất đi quyền lực hãy làm theo những chỉ dẫn trong cuốn sách.

“Machiavelli chủ trương rằng, làm chính trị là làm cho người ta yêu và là làm cho người ta sợ, nếu không làm được cả hai thì hãy làm cho người ta sợ. Vì làm cho người khác yêu phụ thuộc vào ý muốn của họ, còn làm họ sợ lại là ý muốn của mình, bởi đó là cái mình có thể kiểm soát được”, Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm cho biết thêm.

Buổi tọa đàm "Thuật trị nước: Từ Quản tử đến Quân vương đã mang đến những trao đổi về thuật trị nước trong tư tưởng phương Đông và phương Tây. Khẳng định tầm quan trọng, giá trị, tầm ảnh hưởng của Quản tử và Quân vương. Đồng thời, chỉ ra một số tương đồng và khác biệt trong tư tưởng của Quản Trọng và Machiavelli.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất