Cách mạng Tháng Tám và các giá trị tinh thần bền vững của nền văn học mới nhìn từ văn hóa

Nền văn học cách mạng là chủ lưu, chủ đạo, quan trọng song hành với nền văn học yêu nước, tiến bộ ở những không gian - thời gian sáng tác khác do hoàn cảnh lịch sử tạo nên.

Sự ra đời của Nhà nước Dân chủ nhân dân – giai đoạn phát triển mới của nền văn học cách mạng

Vai trò to lớn và quyết định của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong sự nghiệp sáng lập nền văn học cách mạng Việt Nam được khẳng định trước sau như một. Nói hình tượng thì, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là kiến trúc sư vĩ đại của nền văn học cách mạng Việt Nam có bề dày truyền thống tính từ những năm 20 thế kỷ trước khi Người sáng tác văn xuôi bằng tiếng Pháp (xuất bản ở Pháp), đã đặt nền móng cho nền văn học cách mạng (về sau được tập hợp trong tác phẩm Nguyễn Ái Quốc: Truyện và ký, nhà văn Phạm Huy Thông dịch và giới thiệu, NXB Văn học, 1974). Bản Tuyên ngôn Độc lập, áng hùng văn thời đại được Lãnh tụ Hồ Chí Minh - vị Chủ tịch đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội lịch sử, ngày 2-9-1945.

Cách mạng Tháng Tám và các giá trị tinh thần bền vững của nền văn học mới nhìn từ văn hóa - 1

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: TTXVN

Bản Tuyên ngôn Độc lập vừa là một văn kiện lịch sử vô giá, vừa là một mẫu mực của văn chính luận của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, anh hùng dân tộc thời đại mới “Một bậc đại nhân - đại trí - đại dũng” (nhà thơ Trung Quốc Viên Ưng ca ngợi tác giả Nhật ký trong tù). Một tác phẩm văn học thấm đẫm tư tưởng lớn về độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân hướng theo những tư tưởng nhân quyền, dân quyền tiến bộ từng được thể hiện sâu sắc trong những bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp được Người tiếp thu, chọn lọc, nâng cao phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Hơn thế, bản Tuyên ngôn Độc lập còn là một áng văn mẫu mực về tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt - thân thương, cao quý, trong sáng, giàu có biểu cảm. Khi Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, là khi: “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác tưởng nhe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu - Sáng tháng năm).

“Cách mạng, kháng chiến và nhà văn” đã trở thành một mệnh đề văn hóa mới kể từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19-12-1946). Nhưng trong thực tế thì cuộc kháng chiến chống Pháp đã nổ ra ở miền Nam trước đó một năm (23-9-1945), khi quân Pháp núp sau lưng quân Anh nổ súng gây chiến trước ở Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh, thành khác ở miền Nam: “Miền Nam đi trước về sau/ Bước đường cách mạng dài lâu đã từng” (Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng). Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Chiến lược này khẳng định văn hóa không thể đứng ngoài chính trị (kháng chiến) và kháng chiến phải thực sự là cuộc đấu tranh giành thắng lợi của văn hóa Việt Nam trước sự xâm lăng văn hóa ngoại bang.

Nhà văn Đặng Thai Mai trong luận văn Kháng chiến và văn hóa đã viết: “Cả một dân tộc kiên quyết đấu tranh cho một lý tưởng chung, thực hiện cho kỳ được một mục đích vĩ đại, gương hy sinh của chiến sỹ trên tiền tuyến, của toàn thể đồng bào ở hậu phương và cuối cùng là cái triển vọng sáng sủa của cuộc kháng chiến toàn dân và toàn diện. Bấy nhiêu sự trạng lẽ nào không chạm trổ vào tâm hồn người trí thức những nét tâm trạng bền bỉ sâu sắc? Mà nét quý báu nhất chắc chắn là mối tin tưởng vào tiền đồ của tổ quốc, của  dân tộc. Mối tin tưởng đó là một cái hoa men của văn hóa kháng chiến” (Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, 1945-1954, hồi ức kỷ niệm, NXB Khoa học xã hội, 1995, trang 32-33).

Tác phẩm Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948) của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh như một tiền đề lý luận của nền văn hóa/ văn học cách mạng được trình bày trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948). Trong tác phẩm này, tác giả đã trình bày thấu suốt và thuyết phục mối quan hệ giữa văn hóa (trong đó có văn học nghệ thuật) với thực tiễn đời sống mới (như là thước đo các giá trị mới).

Đồng thời tác giả cũng đề xuất tinh thần của nền văn học mới do Đảng lãnh đạo lấy phương pháp Hiện thực xã hội chủ nghĩa làm nền móng. Nếu trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946) khẩu hiệu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh) được coi như kim chỉ nam, ngọn đuốc phát tỏa ánh sáng rạng ngời thì đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Người nêu khẩu hiệu “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Từ lý luận đến thực tiễn, từ thực tiễn nâng lên thành lý luận là đặc sắc tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Thư gửi các họa sỹ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Người viết: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”.

Văn nghệ sỹ đồng hành cùng nhân dân, đất nước

 Lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và cuộc trường chinh vĩ đại theo những “dấu chân người lính” tạo tác nên “Dáng dứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Vóc dáng nhà văn bỗng lớn vụt lên vì: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Xuân Diệu - Những đêm hành quân).

Nền văn học cách mạng Việt Nam trải qua thời kỳ tiền khởi nghĩa, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã được đánh giá chính xác và công bằng: “Xứng đáng đứng vào hàng ngũ những nền văn học tiên phong chống đế quốc của thời đại”. Hình tượng trung tâm của nền văn  học cách mạng là nhân dân anh hùng, vì “Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng” (M. Go-rki). Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết những câu thơ tráng lệ, ngút ngàn hào khí Đông A về thời đại và con người Việt Nam anh hùng những năm  kháng chiến: “Không ai có thể ngủ yên trong đời chật/ Buổi thủy triều vẫy gọi những vừng trăng/ Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt/ Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm/ Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).

Các thi nhân thời đại cách mạng, bằng ngôn từ nghệ thuật, đã khắc họa những tượng đài bằng thơ về người chiến sỹ - anh Bộ đội Cụ Hồ trong sáng tác của Trần Mai Ninh, Hồng Nguyên, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Thôi Hữu, Tố Hữu, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Hoàng Lộc, Vũ Cao, Nguyễn Bao, Phạm Tiến Duật, Phạm Ngọc Cảnh, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Hữu Thỉnh, Vương Trọng, Anh Ngọc, Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu...

Cách mạng Tháng Tám và các giá trị tinh thần bền vững của nền văn học mới nhìn từ văn hóa - 2

Một cuộc họp của văn nghệ sĩ ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Nguồn ảnh: Báo Văn hóa

Thơ ca đã dựng “tượng đài người lính cách mạng”, tạo “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Đây cũng là thời đại xuất hiện những tác phẩm văn xuôi mang âm hưởng sử thi - lãng mạn về cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc qua hàng loạt tác phẩm văn xuôi: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Một truyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Chiến sỹ của Nguyễn Khải, Vùng trời của Hữu Mai, Sống như Anh của Trần Đình Vân, Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh, Mẫn và tôi của Phan Tứ... Câu nói đầu cửa miệng ở Việt Nam thời chiến tranh “Ra ngõ gặp anh hùng” đã ứng nghiệm vào văn hóa, văn học dân tộc.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh là hình tượng lộng lẫy, kỳ vĩ nhất trong văn học nghẹ thuật Việt Nam thời đại cách mạng và chiến tranh, khúc xạ tập trung và rực rỡ nhất trong thơ Tố Hữu qua các thi phẩm: Hồ Chí Minh, Sáng tháng năm, Bác ơi, Theo chân Bác, Thăm bác chiều đông, bởi lẽ “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ” (Nhà thơ Cuba F. Rôđrighêt). Nhà thơ Chế Lan Viên đã có một tổng kết bằng ngôn ngữ thơ về Lãnh tụ anh minh của dân tộc, qua tráng ca Người đi tìm hình của Nước.

Công cuộc Đổi mới và sự phát triển bền vững của nền văn học cách mạng

Đại thắng mùa Xuân 1975 và chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh vĩ đại đã lập lại nền hòa bình của nhân dân Việt Nam sau 10.000 ngày (1945-1975) khói lửa của cuộc chiến tranh trường kỳ, gian khổ và ác liệt nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ XX. Hòa bình được trả bằng một giá đắt “Việt Nam ơi máu và hoa ấy/ Có đủ mai sau thắm những ngày“ (Tố Hữu - Việt Nam máu và hoa). Lịch sử sang trang - Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976), thúc đẩy quá trình kiến thiết trang mới của nền văn học cách mạng, khi đất nước hòa bình, thống nhất, giang sơn thu về một mối. Lịch sử không phải là văn học. Nhưng văn học không thể đứng ngoài/đứt lìa với lịch sử, luôn nương theo truyền thống “văn sử bất phân” của dân tộc từ hàng nghìn năm.

Công cuộc Đổi mới (1986) do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo như một tất yếu lịch sử - văn hóa. Công cuộc Đổi mới giải phóng năng lượng sáng tạo văn hóa/văn học. Các nghị quyết/ chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước đều quan tâm đặc biệt đến đổi mới và phát triển văn học dưới ánh sáng của văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11-2021) đã xác quyết vị thế của văn hóa “Văn hóa còn thì dân tộc còn” trong chiến lược phát triển đất nước từ tầm nhìn trung hạn và dài hạn.

Cách mạng Tháng Tám và các giá trị tinh thần bền vững của nền văn học mới nhìn từ văn hóa - 3

Nền văn học cách mạng là chủ lưu, chủ đạo, quan trọng song hành với nền văn học yêu nước, tiến bộ ở những không gian - thời gian sáng tác khác do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. (Ảnh minh họa)

Các thế hệ nhà văn tiếp nối theo quy luật “tre già măng mọc” đã cùng đồng lòng xây đắp ngôi đền văn hóa, học dân tộc ngày càng sáng đẹp theo lý tưởng “chân - thiện - mỹ”. Không chỉ trong chiến tranh mà cả trong thời bình, nhà văn vẫn giữ vững tinh thần đồng hành cùng đất nước, nhân dân. Đổi mới đã tạo điều kiện và cơ hội để các nhà văn Việt Nam bước lên đại lộ sáng tạo.

Trải qua 10 đại hội (1957-2020), Hội Nhà văn Việt Nam (với hơn 1600 hội viên) luôn giữ nguyên tắc hoạt động, được thể hiện trong SLOGAN báo Văn nghệ “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Nhiều nhà văn đã ngã xuống trên chiến trường, được phong danh hiệu Liệt sỹ (Trần Đăng, Thâm Tâm, Nam Cao, Dương Thị Xuân Quý, Lê Anh Xuân,...), Anh hùng (Chu Cẩm Phong, Sơn Tùng,...). Cùng với công cuộc Đổi mới, văn học Việt Nam đang tìm đường hội nhập vào “bản đồ văn học thế giới”, vì biết “ngoài trời còn có trời”, với quyết tâm làm cho “tiếng Việt không còn cô đơn”, vì cao vọng “chạm” vào được “mẫu số chung của nhân loại”. Đó là niềm hy vọng thiêng liêng cần được cổ vũ kịp thời. Chúng ta đã khiêm tốn “xuất khẩu” bước đầu văn học Việt Nam (chủ yếu là tiểu thuyết) vào những thị trường văn học khó tính như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản,...

Văn hóa là chân tủy của văn học. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11-2021), Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu, đã nhấn mạnh đến tiên đề “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn học cách mạng Việt Nam phát triển trong bối cảnh lịch sử Đảng cầm quyền, trong thời đại Hồ Chí Minh với lý tưởng cao cả “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Định đề “ Văn học là nhân học (M. Go-rki) trường tồn ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn cao cả. Trong khái niệm/ phạm trù văn học dân tộc Việt Nam thời hiện đại (thế kỷ XX), có thể khẳng định: Nền văn học cách mạng là chủ lưu, chủ đạo, quan trọng song hành với nền văn học yêu nước, tiến bộ ở những không gian - thời gian sáng tác khác do hoàn cảnh lịch sử tạo nên (Văn học miền Nam 1954-1975, trong vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, chẳng hạn).

Đất nước hòa bình, thống nhất đã ngót nửa thế kỷ (1975-2023), vì thế thống nhất văn hóa là điều kiện tiên quyết để thống nhất nhân tâm. Bởi lẽ, gần 100 triệu người dân Việt Nam đều là con Rồng cháu Tiên, đều thấm đượm nghĩa tình đồng bào (cùng bọc). Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu viết cách đây gần 70 năm vẫn còn vang vọng: “Ta đi tới, không thể gì chia cắt/ Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam” (Ta đi tới, 8-1954)./.

Bùi Tùng Ảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất