"Cần thiết xây dựng luật phát triển văn học nghệ thuật”
Nhà thơ Hữu Thỉnh, “vị Chủ tịch lâu bền ở Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam” đã luôn mong muốn xây dựng một bộ luật với tên gọi “luật phát triển văn học nghệ thuật”, để củng cố, hoàn thiện và xây dựng nền văn học nghệ thuật của nước nhà thêm vững mạnh.
Vừa qua, tại buổi “Gặp mặt các thế hệ văn nghệ sĩ nhân dịp kỷ niệm 74 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 2022)”, Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã đề xuất xây dựng “luật phát triển văn học nghệ thuật” để “làm định hướng, tạo hành lang pháp lý chung cho toàn giới văn học nghệ thuật”.
Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các chính sách về văn hóa, nghệ thuật, bởi văn hóa là nền tảng, là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Để xây dựng một nền văn hóa kế thừa và phát huy tinh hoa của dân tộc và nhân loại, để kiên định với mục tiêu phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã có rất nhiều các chính sách, phương án của Đảng và Nhà nước được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu này.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ, để góp phần “chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước”.
Hội nghị Văn hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa cần phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, “vị Chủ tịch lâu bền ở Hội Nhà văn Việt Nam và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam” đã luôn mong muốn xây dựng một bộ luật với tên gọi “luật phát triển văn học nghệ thuật”, để củng cố, hoàn thiện và xây dựng nền văn học nghệ thuật của nước nhà thêm vững mạnh. Nhà thơ Hữu Thỉnh đề xuất: “theo tinh thần của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021) để văn hóa phát triển một cách bền vững, để những nội dung trong những chiến lược của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống thì cần thiết phải xây dựng một bộ luật”.
Tại buổi “Gặp mặt các thế hệ văn nghệ sĩ nhân dịp kỷ niệm 74 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 – 2022)” do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức nhà thơ Hữu Thỉnh đã đề xuất xây dựng "luật phát triển văn học nghệ thuật".
Ông nhấn mạnh: “Chiến lược văn hóa đã có và việc thực hành nó mang lại hiệu quả như thế nào, những nội dung trong đó có đi vào đời sống được hay không thì phải có bộ luật này, phải ưu tiên xây dựng nó”.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đại diện cho các tổ chức thành viên có cùng tôn chỉ, mục đích, có tư cách pháp nhân, gồm: các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các Hội Văn học nghệ thuật địa phương) và Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong đó, các hội chuyên ngành đã có điều lệ hoạt động riêng và ở một số hội đã có luật như Luật Điện ảnh của Hội Điện ảnh Việt Nam, Luật Kiến trúc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về hội quần chúng còn chưa kịp thời dẫn đến những phát sinh bất cập về cơ chế, chính sách. Như việc còn thiếu các chế tài xử lý khi các hội vi phạm pháp luật và Điều lệ trong quá trình hoạt động hay thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành đối với tổ chức, hoạt động của các hội còn chưa rõ ràng, hiệu quả phối hợp chưa cao.
Do đó, đối với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần thiết phải xây dựng một bộ luật chung cho tất cả các ngành văn học nghệ thuật. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ đã đưa ra một số luật nhưng theo tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021), để cho văn hóa phát triển một cách bền vững thì cần phải có một cái luật chung về phát triển văn học nghệ thuật”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh luôn mong muốn xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật nước nhà thêm vững mạnh.
Nhà thơ Hữu Thỉnh đã đưa ra những lý do ông đề xuất xây dựng “luật phát triển văn học nghệ thuật”.
Thứ nhất, theo nhà thơ Hữu Thỉnh, để phát triển được văn học nghệ thuật chúng ta đã có điều lệ của các hội chuyên ngành, vì vậy xây dựng thêm một bộ luật chung, bao quát toàn bộ lĩnh vực văn học nghệ thuật là điều cần thiết.
Thứ hai, cần phải thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp định, chế tài của Nhà nước. Đại hội Đảng lần thứ 13 đã có những tư tưởng chỉ đạo rất cụ thể về đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật. Mà muốn phát triển được văn học nghệ thuật cần phải thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành các pháp lệnh của nhà nước, có như thế thì mới đưa nghị quyết vào đời sống được.
Thứ ba, có một số quy định, chính sách đối với văn nghệ sĩ đã được đưa ra từ rất lâu và đến nay đã trở nên lạc hậu, cần thiết phải sửa đổi hoặc thay thế. Như những chính sách đối với diễn viên, đối với nhuận bút đã cũ rồi, không phù hợp nữa, cần một chế tài mới cho thích hợp.
Thứ tư, chúng ta phải phấn đấu xây dựng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, muốn đạt được điều ấy cần phải có một chế tài cụ thể của nhà nước thì các Hội mới phát triển lâu dài được. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, “luật phát triển văn học nghệ thuật” này ra đời do yêu cầu thực tiễn của đời sống.
Thứ năm, văn học nghệ thuật của chúng ta cần phải nỗ lực vươn lên có nhiều tác phẩm tầm cỡ, phản ánh cái công cuộc đổi mới. Cho nên cần có các chế tài cụ thể đưa nghị quyết vào đời sống thì mới có thể tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ phát triển, tích lũy vốn sống, tập chung cho những công trình lớn.
Nhà thơ Hữu Thỉnh.
Như vậy, nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị cần có một luật chung cho toàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, với tên gọi “Luật phát triển văn học nghệ thuật”, để làm định hướng, tạo hành lang pháp lý chung cho toàn giới văn học nghệ thuật, không những đưa văn học nghệ thuật vào đời sống mà còn đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng vào đời sống. Bên cạnh đó, nó còn khích thích sáng tạo làm cho văn nghệ sĩ yên tâm để tập trung vào làm những công trình lớn, những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
Đề xuất các cơ quan tham gia xây dựng bộ luật này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết có thể giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ,… trong đó sự tham gia của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam là rất quan trọng.
Cuối cùng, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: “Cần thiết phải xây dựng bộ luật này, chỉ khi có nó mới đánh dấu một bước phát triển mới, đáp ứng được nhu cầu phát triển mới của văn học nghệ thuật, làm cho văn học nghệ thuật xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đại diện cho văn nghệ sĩ. Chắc chắn khi có luật văn học nghệ thuật thì quản lý nhà nước mới tốt hơn, có điều kiện hơn, có nhiều nguồn lực hơn để tập trung cho những công trình lớn”.
Bình luận