Đông Nam Á: Một “vườn văn hóa” đặc sắc, đa dạng

Trước khi có sự tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, cư dân Đông Nam Á đã tạo lập cho mình một nền tảng văn hóa riêng. Đó chính là nền văn hóa bản địa phát triển, khi tiếp nhận những hạt giống văn minh tốt từ bên ngoài đã tạo nên một vườn văn hóa đặc sắc, đa dạng như ngày hôm nay, theo nghiên cứu của ThS Quảng Văn Sơn, Trường Đại học Văn Lang.

Văn hóa Đông Nam Á mang tính thống nhất trong đa dạng

Đông Nam Á, một bộ phận, một khu vực ở phần đông nam châu Á. Hiện nay, khu vực này gồm 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, đang hợp tác chặt chẽ và ngày càng tạo được vị thế của mình trên bình diện khu vực và quốc tế (thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN, thành lập ngày 08/8/1967).

Đông Nam Á: Một “vườn văn hóa” đặc sắc, đa dạng - 1

Vũ điệu Tari Tanah Airku đoạt giải nhất cuộc thi “Sắc màu Văn hóa Indonesia”.

Tính chất gắn kết - liên kết tiến dần tới sự đồng thuận giữa các quốc gia này đã thực sự đạt được trong những năm gần đây. Đó là nền tảng và là động lực cho sự hiểu biết lẫn nhau cũng như tạo đà phát triển trên nhiều lĩnh vực, cho mỗi quốc gia trong khu vực, một thực thể mà gần đây đã được ví như “trái tim của châu Á năng động”.

Khi nhắc đến khái niệm Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu sẽ có những quan niệm khác nhau, có người sẽ cảm nhận ở góc độ một Đông Nam Á về mặt chính trị, lịch sử và ở thời điểm hiện tại, bao gồm những thể chế, những nhà nước đi theo đường lối phát triển đất nước như thế nào? Hay Đông Nam Á về địa lý, nằm ở đâu trên bản đồ thế giới, bản đồ địa lý tự nhiên của châu Á…

Hay Đông Nam Á về văn hóa, những nền tảng văn hóa truyền thống và trong thời kỳ khu vực hóa, quốc tế hóa hiện nay là như thế nào, bức tranh văn hóa đó được tạo nên từ những gam màu trong bức tranh tổng thể đa sắc gắn với văn hóa tộc người sở tại ra sao? Hoặc nghiên cứu Đông Nam Á thời kỳ tiền sử, Đông Nam Á ở thời kỳ hiện đại…

Cũng có người xem xét Đông Nam Á ở tính đa dạng về địa hình như là sự tồn tại của một Đông Nam Á lục địa (hoặc bán đảo) và một Đông Nam Á hải đảo. Điều đáng lưu ý khi nghiên cứu về bức khảm văn hóa khu vực Đông Nam Á, nhiều nhà nghiên cứu người nước ngoài và các học giả người Việt, đều nhận thấy những biểu hiện văn hóa được du nhập vào từ bên ngoài trong quá trình lịch sử.

Đông Nam Á với tư cách như một thực thể khu vực văn hóa có quá trình hình thành và phát triển trong mối quan hệ với những nền văn minh lớn trên một không gian địa lý nhất định và xuyên suốt theo chiều dài lịch sử - văn minh Trung Quốc và văn minh Ấn Độ. Sự ảnh hưởng, sự tác động từ hai nền văn minh lớn của nhân loại này là điều không thể bàn cãi. Với những thành tựu nghiên cứu khoa học ngày càng được tiếp cận theo lối liên ngành/đa ngành, không ngừng được bổ sung và làm phong phú bởi các chuyên gia trong và ngoài khu vực, bản sắc văn hóa khu vực Đông Nam Á đã được làm rõ.

Có thể thấy rằng, trước khi có sự tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, các cư dân Đông Nam Á đã tạo lập cho mình một nền tảng văn hóa riêng, đó chính là nền văn hóa phát triển tự thân, ngày nay được gọi là văn hóa bản địa để rồi khi tiếp nhận những hạt giống văn minh tốt từ bên ngoài đã tạo nên một vườn văn hóa đặc sắc, đa dạng như ngày hôm nay.

Để có một cách nhìn mang tính biện chứng trong việc đánh giá đúng vai trò, vị thế cửa ngõ con đường giao lưu Đông - Tây, cần quan niệm về Đông Nam Á như một thực thể “thống nhất trong đa dạng”. Để hiểu rõ về nhận định này cần có sự nghiên cứu liên ngành/đa ngành về khu vực trên các mặt địa - chính trị, địa - lịch sử, địa - văn hóa, địa - kinh tế, địa - sinh thái, địa - nhân văn… qua đó phác dựng nên bức tranh về một không gian tổng thể, lọc bỏ các điểm dị biệt, tiểu tiết để tiến tới xây dựng mô hình về các thiết chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, gia đình… trên khuôn viên địa lý môi trường với những mối tương liên giữa con người với tự nhiên, xã hội.

Đông Nam Á: Một “vườn văn hóa” đặc sắc, đa dạng - 2

Người dân tộc ở Hà Giang.

Với cả 2 phần lục địa và hải đảo, Đông Nam Á nên được quan niệm là “thực thể thống nhất” và riêng biệt trong khung cảnh châu lục, đối sánh giữa 2 khối dân số và văn minh khổng lồ của nhân loại về 2 phía Bắc phương và Tây phương (Trung Quốc và Ấn Độ). Đông Nam Á - với những nhận thức lớn được rút ra trong quá khứ và hiện tại, từ góc độ tiếp cận văn hóa cổ, đặc biệt là việc vận dụng những thành tựu nghiên cứu trong khảo cổ học, văn hóa học, văn học dân gian… đưa đến tổng hợp phục dựng bức tranh văn hóa vật chất thời tiền sử - sơ sử. Sự biến chuyển nhận định về một Đông Nam Á trì trệ, lạc hậu, đến một Đông Nam Á phát triển và phát tán, từ “một quá khứ bị lãng quên” đến một Đông Nam Á năng động, có vai trò lớn hơn của - thời kỳ hội nhập ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của giới học thuật sử học - khảo cổ học, văn hóa học… trên thế giới.

Mang tính riêng biệt độc đáo

Đặc trưng nổi bật của văn hóa Đông Nam Á là “Thống nhất trong đa dạng” và quá trình hội tụ bắt nguồn từ nhiều trung tâm khác nhau, cho nên chúng không mang tính đơn tuyến trong sự biệt lập mà là đa tuyến trong sự tiếp xúc đan xen nhiều chiều, tạo nên những đường đồng quy, những cấu trúc văn hóa - tộc người đa thành phần được vận hành theo những cơ chế linh hoạt mà đồng nhất.

Đông Nam Á: Một “vườn văn hóa” đặc sắc, đa dạng - 3

Giữ gìn bản sắc văn hóa là vấn đề rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi quốc gia.

Kết quả là tính đa dạng ngày càng được mở rộng trong không gian, tính đồng nhất được tiềm ẩn trong thời gian và sự tác động qua lại giữa chúng tạo thành một cơ chế tổng hợp quy định sự phát triển của mỗi nước và của toàn khu vực.

Đông Nam Á là khu vực văn hóa, văn minh lúa nước lâu đời, có nguồn gốc và bản sắc riêng của mỗi dân tộc, bên cạnh những nét chung do mối quan hệ từ lâu trên nhiều lĩnh vực. Dù có chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, văn hóa Ấn Độ, nền văn hóa Đông Nam Á vẫn mang tính riêng biệt độc đáo. Chính cuộc tiếp xúc văn hóa này đã làm cho các dân tộc ở đây định hình và phát triển hơn với sự ra đời của các quốc gia cổ đại, điều này đã làm cho bản sắc văn hóa Đông Nam Á thêm đa dạng và phong phú.

Đông Nam Á đã hấp thụ sâu sắc tinh thần của Phật giáo Ấn Độ, nền tôn giáo mà trong bản chất, là một triết học đạo đức, về cơ bản nhấn mạnh những cách nghĩ và cách sống hơn là những hệ thống kinh điển, nghi lễ, tín điều chặt chẽ.

Bên cạnh tín ngưỡng bản địa là các tôn giáo hiện đại như Hindu giáo, Phật giáo; kiến trúc - điêu khắc mang dấu ấn của tư tưởng triết học Ấn Độ, văn học nghệ thuật cũng tiếp nhận những yếu tố của văn hóa Ấn Độ. Với những bằng chứng xác thực về nhiều lĩnh vực, Đông Nam Á đã cho thế giới thấy được một nền văn hóa huy hoàng trong quá khứ.

Đông Nam Á: Một “vườn văn hóa” đặc sắc, đa dạng - 4

Văn hóa truyền thống là sợi dây kết nối vững chắc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Văn hóa truyền thống không chỉ là cội nguồn, là động lực mà còn là sợi dây kết nối vững chắc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Các dân tộc Đông Nam Á có một sức sống mãnh liệt, một vốn văn hóa cổ xưa. Vì vậy, sự tiếp biến giao lưu với những nền văn hóa ngoài khu vực đã không làm mất đi bản chất của con người Đông Nam Á mà càng làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng của nó.

Trên cơ tầng đó, văn hóa các quốc gia Đông Nam Á do những điều kiện môi trường, hoàn cảnh lịch sử, chọn lọc, tiếp biến một cách sáng tạo trước ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ấn Độ đã tạo cho mình những nền văn hóa riêng, rất phong phú và đặc sắc trong một tổng thể khu vực Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng.

Hoài Vũ

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.