Trao tặng thưởng cho 19 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Cuốn sách “Thơ – quan niệm và những sắc thái thẩm mỹ” của GS.TS, NGND Mã Giang Lân đã giành giải thưởng cao nhất tại Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương.

Tối 6/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương (Hội đồng) tổ chức Lễ trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022. Dự lễ trao tặng thưởng có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.

Trao tặng thưởng cho 19 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật - 1

Các đại biểu tham dự Lễ trao Tặng thưởng. Ảnh: Đình Toán

Tại Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 Ban Tổ chức đã trao Tặng thưởng cho 19 tác phẩm. Trong đó, mức A: 01 tác phẩm (sách); mức B: 04 tác phẩm (03 sách, 01 chương trình); mức C: 10 tác phẩm (08 sách, 02 bài/ cụm bài viết) và mức Khuyến khích: 04 tác phẩm (03 sách, 01 chương trình). Trong tổng số 19 tác phẩm được tặng thưởng, có 15 tác phẩm của cá nhân và 4 tác phẩm của nhóm tác giả.

Trao tặng thưởng cho 19 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật - 2

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao Tặng thưởng mức A cho GS.TS, NGND Mã Giang Lân. Ảnh: Đình Toán

Ngoài ra, 11 cơ quan, đơn vị (nhà xuất bản, cơ quan báo chí) cũng được trao Tặng thưởng về thành tích đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Trao tặng thưởng cho 19 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật - 3

PGS. TS, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và PGS.TS Đào Duy Quát – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao Tặng thưởng về thành tích đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Ảnh: Đình Toán

Phát biểu tại Lễ trao giải, PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định, có sự tiếp nối đáng mừng giữa các thế hệ những người làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, gần như là sự “trao truyền” giá trị, tài năng, tâm huyết, kinh nghiệm của thế hệ trước dành cho thế hệ tiếp theo, những người trẻ dần đông đảo hơn, tự tin hơn, vững tay bút hơn; họ kế thừa, phát triển và “bứt phá” mạnh mẽ hơn trong ý tưởng, đề tài và phương pháp nghiên cứu trong thời đại công nghiệp 4.0.

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, đề tài, nội dung, tiêu điểm của các công trình, tác phẩm được Tặng thưởng năm nay đều bám sát sự vận động của văn học, nghệ thuật nước nhà; gắn văn hóa, văn nghệ với đời sống rộng lớn của đất nước; quan tâm nhiều hơn đến các giá trị truyền thống và hướng tới những vấn đề, những giá trị mới, phương pháp mới của thế giới hiện đại; vấn đề thẩm mĩ, quan điểm, sắc thái thẩm mĩ; vấn đề triết lý nhân sinh.

Giải quyết hài hòa sự phát triển của đời sống nghệ thuật và đời sống xã hội đa dạng hơn, phong phú hơn; làm gì, làm thế nào để tạo động lực và sức sáng tạo mới cho văn hóa, văn nghệ; sự phát triển của văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ toàn cầu hóa, kỷ nguyên số, kinh tế thị trường; khát vọng sáng tạo tác phẩm đỉnh cao và trách nhiệm của văn nghệ sĩ và cả cách “ứng xử” của đội ngũ những người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ, nhất là trước các vấn đề, hiện tượng mới, khó, nhạy cảm.

Trao tặng thưởng cho 19 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật - 4

PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

“Phần lớn các công trình, tác phẩm được tặng thưởng lần này đều đạt mức cao giá trị học thuật, nghệ thuật; có đóng góp mới và thiết thực về lý luận và thực tiễn; có tác dụng tích cực gợi mở, dẫn đường cho hoạt động văn học, nghệ thuật, góp phần định hướng thẩm mỹ và và tiếp nhận của công chúng; tham gia có hiệu quả phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ”, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận xét.

Bên cạnh đó, qua quá trình xét chọn công trình, tác phẩm để trao Tặng thưởng lần này, thường trực Hội đồng và Ban Chỉ đạo Tặng thưởng cũng nhận thấy một số hạn chế, bất cập cần khắc phục: Trong số 87 tác phẩm tham dự xét Tặng thưởng, đáng tiếc là có không ít tác phẩm chỉ mới dừng lại ở góc độ lý luận cơ bản và phản ảnh thực tiễn một cách chung chung, hướng nghiên cứu còn dàn trải; phần phân tích, lý giải thiếu chiều sâu cần thiết; thiếu giải pháp khoa học và tính khả thi.

Bên cạnh đó, chưa nhiều các công trình, tác phẩm có được tính hệ thống, tính chuyên khảo, chuyên sâu; một số cuốn sách chỉ là sự tập hợp, tuyển chọn cơ học các bài viết riêng lẻ, thiếu tính logic, tính kết nối, thiếu chiều sâu lý luận; thiếu sự thẳng thắn, trực diện, trách nhiệm, nhất là tính chiến đấu trong phê bình.

Trao tặng thưởng cho 19 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật - 5

Đề tài, nội dung, tiêu điểm của các công trình, tác phẩm được Tặng thưởng năm nay đều bám sát sự vận động của văn học, nghệ thuật nước nhà. Ảnh: Huyền Thương

Từ năm 2010 đến nay, đây là lần trao tặng thưởng thứ 9 của Hội đồng. Kết quả Tặng thưởng hằng năm của Hội đồng có tác động tích cực và có độ lan tỏa ngày càng lớn, được giới lý luận, phê bình và những người hoạt động văn học, nghệ thuật trong cả nước ghi nhận và đánh giá cao.

Hoạt động này đã trở thành một sự kiện văn hóa thu hút sự quan tâm của giới văn hóa, văn nghệ cả nước, bao gồm các lực lượng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; đông đảo những người sáng tạo văn học, nghệ thuật; các cơ quan tuyên truyền, quảng bá; đông đảo công chúng yêu mến, quý trọng văn hóa, văn nghệ.

Đồng thời, khẳng định, cổ vũ những tác phẩm lý luận, phê bình phục vụ trực tiếp cho định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; động viên, thúc đẩy và phát huy năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để có các tác phẩm tốt phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực quan trọng và tinh tế này.

Ban Tổ chức mong muốn, Tặng thưởng hàng năm của Hội đồng sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn, có sức thuyết phục và sức lan tỏa sâu rộng hơn, để thực sự trở thành một Tặng thưởng danh giá và uy tín mang tầm quốc gia.

Danh sách 19 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được Tặng thưởng năm 2022:

Mức A

1. Sách: Thơ – quan niệm và những sắc thái thẩm mỹ: GS.TS, NGND Mã Giang Lân

Mức B

1. Sách: Cải lương Sài Gòn 1955 – 1975: NSND Trần Minh Ngọc (chủ biên)

2. Sách: Những tượng đài và hiện tượng văn chương Việt Nam hiện đại: GS.TS Trần Đăng Suyền

3. Sách: Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ: PGS.TS Hồ Thế Hà

4. Phim phóng sự tài liệu: Những mạch nguồn phù sa: Nhà báo Đoàn Hải Yến và các cộng sự

Mức C

1. Sách: Triết lý nhân sinh trong nghi lễ thờ cúng của người Ê đê ở Buôn Ma Thuột: TS. Mai Trọng An Vinh

2. Sách: Du ký các vùng biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX: PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

3. Sách: Bà hoàng trên đá - Chân dung nữ quý tộc trên điêu khắc Hậu Phật thế kỷ XVI-XVIII ở Việt Nam: ThS. Vũ Thị Hằng

4. Sách: Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật: PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, PGS.TS Lương Khắc Hiếu (đồng chủ biên)

5. Sách: Sự kiến tạo các nền nghệ thuật: KTS Vũ Hiệp

6. Sách: Kiến trúc và con người: TS.KTS Trần Minh Tùng

7. Sách: Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Khơ me Nam Bộ: TS. Trần Thị Lan Hương

8. Sách: Chút nắng phương Nam: NNC Phạm Phú Phong (chủ biên); ThS. Phạm Phú Uyên Châu; ThS, Trần Thị Vân Dung

9. Cụm bài viết: KTS Karl Friedrich Schinkel: “Không có hội họa, âm nhạc cứng nhắc thì cũng không có kiến trúc cứng nhắc”Từ Bắc Sơn mà ra: KTS Đoàn Khắc Tình

10. Bài viết: Tạo động lực, sức sáng tạo mới cho nhiếp ảnh Việt Nam: Nhà báo, NSNA Vũ Huyến

Mức Khuyến khích

1. Sách: Quy hoạch và đô thị - Một góc nhìn: KTS Trương Nam Thuận

2. Sách: Đi tìm dấu vân chữ: PGS.TS Hoàng Kim Ngọc

3. Sách: Từ một vùng văn hóa: Nhà văn Nguyễn Phương Hà

4. Chương trình: Văn học Việt Nam trong kỷ nguyên số: Chương trình Lý luận, phê bình VHNT TP Hồ Chí Minh: Nhà báo Phan Thị Hồng và các cộng sự

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Tối 5/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp Thời báo Văn học nghệ thuật long trọng tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Thời báo Văn học nghệ thuật xin giới thiệu bài phát biểu của