Những hoạt động tiêu biểu sắp diễn ra của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Chiều 4/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng) tổ chức họp báo thông tin về Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022; Hội thảo khoa học toàn quốc “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo” và Kỳ họp thứ Tư của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương Ngô Phương Lan cho biết, 3 hoạt động này đều nằm trong chương trình hoạt động toàn khóa và kế hoạch công tác năm 2023 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.

Những hoạt động tiêu biểu sắp diễn ra của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - 1

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Huyền Thương

Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022

Diễn ra lúc 20h ngày 6/12/2023 tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) Lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2022 có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện một số ban, bộ, ngành liên quan và được truyền hình trực tiếp trên VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.

Đây là Tặng thưởng dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức thực hiện hằng năm.

Nhằm khẳng định, cổ vũ những tác phẩm lý luận, phê bình phục vụ trực tiếp cho định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; động viên, thúc đẩy và phát huy năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để có các tác phẩm tốt phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực quan trọng và tinh tế này.

Có 87 tác phẩm (gồm 35 cuốn sách, 02 chương trình truyền hình và 50 bài viết) được các cơ quan, đơn vị gửi đề nghị Hội đồng xét Tặng thưởng. Đây là các tác phẩm đã được xuất bản trong năm 2022, đạt tiêu chuẩn có giá trị khoa học, có đóng góp về lý luận và thực tiễn, có tác dụng tích cực, kịp thời trước những vấn đề xã hội quan tâm, có tính thời sự trong đời sống văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước… có tác dụng trực tiếp góp phần định hướng sáng tác và tham gia có hiệu quả phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trong văn học, nghệ thuật.

Những hoạt động tiêu biểu sắp diễn ra của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - 2

TS. Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Huyền Thương

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, căn cứ kết quả của Hội đồng chung khảo, Chủ tịch Hội đồng quyết định trao Tặng thưởng cho 19 tác phẩm, trong đó, mức A: 01 tác phẩm (sách); mức B: 04 tác phẩm (03 sách, 01 chương trình); mức C: 10 tác phẩm (08 sách, 02 bài/ cụm bài viết) và mức Khuyến khích: 04 tác phẩm (03 sách, 01 chương trình).

Trong tổng số 19 tác phẩm được tặng thưởng, có 15 tác phẩm của cá nhân và 4 tác phẩm của nhóm tác giả. Ngoài ra, 11 cơ quan, đơn vị (nhà xuất bản, cơ quan báo chí) cũng được trao Tặng thưởng về thành tích đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Từ năm 2010 đến nay, đây là lần trao tặng thưởng thứ 9 của Hội đồng. Kết quả Tặng thưởng hằng năm của Hội đồng đều tác động tích cực và có độ lan tỏa ngày càng lớn, được giới lý luận, phê bình và những người hoạt động văn học, nghệ thuật trong cả nước ghi nhận và đánh giá cao.

Tổ chức Hội thảo về 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển

Hội thảo Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển: Thực trạng và định hướng cho những năm tiếp theo hướng tới mục tiêu khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản như: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ nước ta 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; Quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận văn nghệ nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận đã và cần được giải quyết; Quá trình kế thừa và cách tân lý luận văn nghệ của dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất;

Thành tựu và hạn chế của lý luận, phê bình văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất (thực trạng chung, thực trạng của từng loại hình nghệ thuật, của từng lĩnh vực và khu vực); Đề xuất định hướng và giải pháp cụ thể trong việc xây dựng, phát triển lý luận, phê bình văn nghệ trong thời kỳ tới, góp phần xây dựng nền văn nghệ mới tiên tiến, giàu tính dân tộc, dân chủ, nhân văn.

Những hoạt động tiêu biểu sắp diễn ra của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - 3

Các nhà báo, phóng viên tham dự buổi họp báo. Ảnh: Huyền Thương

Theo Ban Tổ chức, Hội thảo đã nhận được 100 bài tham luận của các nhà lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; các văn nghệ sĩ, các hội văn học, nghệ thuật trung ương và địa phương.

Số lượng tham luận cho thấy sự hưởng ứng của đông đảo các cơ quan văn hoá, văn nghệ, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước với chủ đề Hội thảo; sự quan tâm đặc biệt của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với vấn đề tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất nói riêng, sự vận động của đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà nói chung.

Kết quả Hội thảo là cơ sở của các luận cứ khoa học để Hội đồng xây dựng báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Trưởng ban và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét đưa vào nội dung tổng kết của Đề án “Tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam” do lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.

Đồng thời là cơ sở khoa học để Hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Dự kiến Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 12/12/2023 với tổng số đại biểu tham dự khoảng 250 người.

Kỳ họp thứ tư (nhiệm kỳ 2021-2026) của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Cũng trong tháng 12 này, Hội đồng sẽ tiến hành Kỳ họp thứ Tư để thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023; cho ý kiến về các nhiệm vụ dự kiến triển khai trong năm 2024.

Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: xây dựng, đề xuất và thực hiện Chương trình tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất; nghiên cứu tổng kết thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới và hội nhập; thực hiện Chương trình xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam (giai đoạn 2);

Xây dựng Chương trình dịch thuật, chương trình biên tập, xuất bản các công trình trọng điểm quốc gia về văn học, nghệ thuật nhằm giới thiệu các công trình lý thuyết văn học, nghệ thuật và mỹ học quan trọng của thế giới, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập;

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả các công việc thường niên của Hội đồng; xây dựng kế hoạch để chủ động tham gia cùng Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 50 năm văn học, nghệ thuật Việt Nam, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Những hoạt động tiêu biểu sắp diễn ra của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - 4

Tiến sĩ Ngô Phương Lan phát biểu kết luận. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Tiến sĩ Ngô Phương Lan mong muốn những hoạt động sắp diễn ra của Hội đồng sẽ nhận được sự ủng hộ, quan tâm, động viên của các đại biểu, các nhà nghiên cứu, những người liên quan đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các cơ quan báo, đài trong cả nước.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những vần thơ sống mãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (1890-1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học nước nhà. Người xác định, văn chương là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng và cũng là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào.