Người vợ suốt một đời thủy chung của Nhà thơ Tố Hữu

Tháng 6-2011, nhân đêm thơ Tố Hữu “Theo chân Bác” kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, tôi và nhà thơ Phạm Xuân Đương - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đến thăm bà Vũ Thị Thanh, người vợ yêu quý của nhà thơ cách mạng Tố Hữu…

Trong cuộc tiếp xúc ấy, với một nụ cười hiền hòa và trìu mến, bà Vũ Thị Thanh đã kể cho chúng tôi nhiều kỷ niệm của ông bà với Thái Nguyên - Thủ đô kháng chiến “Bốn phương lồng lộng Thủ đô gió ngàn”. Trong những câu chuyện ấy, chúng tôi được biết thêm người vợ yêu quý của nhà thơ Tố Hữu không chỉ sau này giữ cương vị là Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương mà trong những năm kháng chiến còn là một cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Nguyên (LHPN), đã có rất nhiều năm tháng gắn bó với quê hương Thái Nguyên. Chính từ vị trí công tác này, năm 1952, bà đã được cùng Anh hùng La Văn Cầu và nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua khác... tham gia Đoàn Thanh niên Việt Nam đi dự Liên hoan thanh niên sinh viên thế giới tổ chức tại Béc-lin (Đức).

“Phần cho thơ và phần để em yêu...”

Trở lại với tình yêu của nhà thơ Tố Hữu dành cho người vợ yêu quý của mình. Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Tố Hữu mới 27 tuổi, chưa qua một lần yêu. Thế là một nữ đồng chí là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh mới giới thiệu cho nhà thơ người đồng chí của mình: “Chị Thanh đấy, học ở Đồng Khánh về rất ngoan mà cũng xinh nữa, hoạt động hăng lắm, chịu không?”. Từ lời giới thiệu ấy, Tố Hữu đến với cô gái xứ Thanh, cũng là một Huyện ủy viên trẻ tuổi và rồi sau đó, họ nên vợ nên chồng, cùng đi với nhau suốt chặng đường cách mạng và đường đời...

Người vợ suốt một đời thủy chung của Nhà thơ Tố Hữu - 1

Vợ chồng Nhà thơ Tố Hữu tại Việt Bắc.

Tố Hữu là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng ít làm thơ tình. Dù vậy, ông cũng có nhiều vần thõ khá xúc cảm tặng người vợ yêu quý của mình. Qua những vần thơ ấy, chúng ta thấy người yêu, người vợ, người đồng chí của ông hiện lên thật đẹp, thật nghĩa tình. Những câu thơ của ông đã đi vào tâm can nhiều thế hệ yêu thơ Việt Nam, nhất là giới trẻ: Mưa rơi đầm lá cọ/ Mái tóc em ướt rồi/ Đôi má em bừng đỏ/ Muốn hôn quá... mà thôi... Rồi: Mà nói vậy: “Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu...”/ Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”/ Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí/ Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay/ Anh đón em về, xuân cũng đến trong tay... và: Có khổ đau nào đau khổ hơn/ Trái tim tự xát muối cô đơn/ Em ơi, nghe đó... trong đêm lạnh/ Đằm thắm bên em, một tiếng đờn...

Ở trong thơ là vậy, ở ngoài đời, họ cũng sống với nhau rất đẹp, rất ân tình. Hạnh phúc của họ lồng trong hạnh phúc của nhân dân, theo từng bước thăng trầm của cách mạng, đất nước. Sau những chặng đường kháng chiến gian nan, họ mới được gần gũi, đoàn tụ, sinh con, đẻ cái như mọi gia đình kháng chiến và tiếp tục những đóng góp, hiến dâng cho Đảng, cho cách mạng. Họ đã đi trọn bên nhau cả cuộc đời.

Trong mỗi bước đi lên của nhà chính trị Tố Hữu luôn có sự động viên, chăm sóc của bà Vũ Thị Thanh. Và trong mỗi vần thơ của nhà thơ Tố Hữu, đều có một nhịp tim cùng đập. Trong những tháng năm thăng trầm của Tố Hữu luôn luôn có bà ở bên chia sẻ, động viên, là bờ vai nương tựa đầy tin cậy của ông... Bà là tình yêu lớn, là người đồng chí gần gũi nhất, là nàng thơ xúc cảm nhất. Và suốt cuộc đời bà Vũ Thị Thanh, cũng là một cuộc đời cách mạng, từng là Huyện ủy viên nữ trẻ nhất của Thanh Hóa những năm đầu kháng chiến, từng là cán bộ phụ vận của Trung ương và của Thái Nguyên, từng là Phó giáo sư Kinh tế, Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Nhưng trên tất cả, bà là người vợ suốt một đời yêu quý, thủy chung của nhà chính trị, nhà thơ Tố Hữu...

Người vợ suốt một đời thủy chung của Nhà thơ Tố Hữu - 2

"Đằm thắm bên em một tiếng đàn"... ( Thơ Tố Hữu)

Ký ức người ở lại

Điều rất đáng khâm phục là trong những năm qua, kể từ khi nhà thơ Tố Hữu đi xa, bà đã dành hết phần đời còn lại của mình làm được nhiều phần việc có ý nghĩa với người chồng yêu quý (mà với quan điểm của một nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, bà cho đó cũng là những phần việc làm cho Đảng, cho đất nước, vì theo bà: “Tố Hữu và thơ Tố Hữu bao giờ và trước hết thuộc về Đảng, về đất nước”.

Đó là việc bà đã sưu tầm và in trọn bộ tuyển tập thơ ca cùng những vấn đề lý luận về văn học Việt Nam trong suốt những năm nhà thơ Tố Hữu là Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tuyên huấn của Đảng; những quan điểm kinh tế, đường lối chỉ đạo của Tố Hữu suốt nhiều năm trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng; đó là việc xây dựng Nhà lưu niệm Tố Hữu trong khuôn viên Làng quốc tế Thăng Long khang trang; đó là việc cùng các ban, ngành của Đảng và Nhà nước, cùng Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học, tổ chức những đêm thơ Tố Hữu, làm sống lại tiếng thơ hoành tráng, đầy xúc cảm của nhà thơ tại Nhà hát TP Hà Nội; tại TP Huế - quê hương của nhà thơ; tại TP Hồ Chí Minh và Thái Nguyên, Thủ đô kháng chiến lồng lộng gió ngàn... Phải ghi nhận đó là những phần việc hết sức lớn lao, là quá sức mình với một người phụ nữ tuổi đã ngoài 80. Chỉ với một tình yêu mãnh liệt, một niềm yêu thương vô bờ bến, một nghị lực lớn lao mới có thể giúp bà hoàn thành những trọng trách to lớn ấy...

Người vợ suốt một đời thủy chung của Nhà thơ Tố Hữu - 3

Bà Vũ Thị Thanh trong ngày khánh thành Nhà lưu niệm Tố Hữu.

Và đây nữa, trên tay tôi, là cuốn hồi ký hơn 300 trang với tên gọi Ký ức người ở lại mà bà đã viết bằng tất cả trái tim một người cộng sản và những dòng nước mắt nhớ thương người chồng yêu quý của mình đã đi xa... Nói về tập hồi ký này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ghi nhận: “Cuốn hồi ký không dài, chỉ dừng lại ở những sự kiện quan trọng nhất, nhưng cũng đủ để người đọc cảm nhận một cách xúc động và thấm thía về tình yêu cao đẹp, giàu lý tưởng và thủy chung của chị Vũ Thị Thanh và nhà thơ Tố Hữu. Sự gắn bó nhuần nhuyễn giữa tình yêu và sự nghiệp, chung và riêng, làm nên không gian trữ tình đằm thắm, tô đậm cuộc sống, nghị lực, phẩm giá của một gia đình cách mạng mẫu mực và qua đó, người ta được sống lại những sự kiện lịch sử và cuộc sống của đất nước trong những năm tháng không thể nào quên...”.

Nhưng tất cả đã khép lại sau đúng 12 năm nhà thơ Tố Hữu mất. Khi tập hồi ký Ký Ức người ở lại của bà đến với bạn đọc, thì cũng là lúc bà mãn nguyện ra đi để đến với người chồng yêu quý của mình, tiếp tục cuộc song hành vĩnh cửu với ông như ngày nào tuổi 20 bà đã đến với ông và rồi cùng ông đồng hành suốt cuộc đời trên những chặng đường kháng chiến và cách mạng của đất nước...

Trương Nguyên Việt

Tình ca mùa xuân
Tình ca mùa xuân

Đọc Tình khúc mùa xuân của nữ sỹ Nguyễn Thị Sơn trong tôi bỗng ngân rung ca từ rộn ràng, mê say, bay bổng của nhạc phẩm...

Tin liên quan

Tin mới nhất