Bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống: Nhiều vấn đề đặt ra trong thời hiện đại

(Arttimes) - Mới đây, Hội thảo “Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay” đưa ra nhiều vấn đề xoay quanh việc bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống vốn quý của áo dài đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Hướng tới kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2020), ngày 21/11, tại Hà Nội, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức hội thảo “Trang phục áo dài truyền thống: Vấn đề bảo tồn và phát triển trong xã hội hiện nay”.

Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam. Những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước, áo dài được may ngũ thân, tay chẽn, cài khuy cổ đứng được gọi là áo dài truyền thống. Từ những năm 1930, các họa sĩ đã có những thay đổi về thiết kế để tạo ra những chiếc áo dài hiện đại.

Những năm gần đây, vấn đề bảo tồn, phát huy, sử dụng áo dài truyền thống trong xã hội đương đại được nhắc đến nhiều hơn.Trong đó nhiều người đề xuất sử dụng áo dài ở công sở ngày đầu tuần, hay nam sinh mặc áo dài... để góp phần bảo tồn văn hoá, xây dựng hình ảnh Việt Nam, quảng bá du lịch.

Bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống: Nhiều vấn đề đặt ra trong thời hiện đại - 1
Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: VH) 

Tuy nhiên, việc bảo tồn, ứng dụng áo dài hiện này cũng gặp không ít cản trở. Trước hết là nhận thức của cộng đồng, trong đó có không ít trí thức, văn nghệ sĩ và cả người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Do nhận thức chưa đầy đủ nên ngay cả người yêu văn hóa truyền thống cũng mặc chưa đúng, chưa đẹp.

Bên cạnh đó, không ít người lại tiếp tục cách tân áo dài một cách lai căng. Trong đó, có cả những người mặc áo dài lai căng trong những sự kiện văn hóa, ngoại giao. Người biết may áo dài truyền thống hiện nay cũng hiếm, giá thành đắt đỏ.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và nghệ nhân đã tập trung bàn luận một số vấn đề như việc phát huy bản sắc văn hóa và phát triển may, mặc áo dài truyền thống, trong đó là tiềm năng sử dụng áo dài truyền thống trong đời sống; những vấn đề cần cải tiến trang phục áo dài truyền thống; áo dài truyền thống trong việc quảng bá văn hóa, du lịch ở Việt Nam.

Hội thảo cũng đưa ra việc bảo tồn di sản áo dài truyền thống, trong đó xác định những yếu tố cơ sở, nhận diện và phân biệt áo dài truyền thống với các loại trang phục khác; đào tạo, truyền dạy nghệ nhân may, dệt, nguyên phụ liệu; giáo dục di sản cho thế hệ trẻ; xây dựng và bảo tồn không gian văn hóa áo dài truyền thống tại Hà Nội và các địa phương; kinh nghiệm của quốc tế trong việc bảo tồn trang phục truyền thống.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham quan trưng bày, giới thiệu áo dài nam ngũ thân truyền thống, các chất liệu cổ truyền để may áo dài....

Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản
None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân