Đắm chìm trong thế giới gốm đầy kỳ ảo của họa sĩ Ngô Xuân Bính
Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện linh” giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu được ra mắt của GS.Viện sĩ, họa sĩ Ngô Xuân Bính với những cách thể hiện, công nghệ mới chưa xuất hiện tại bất kỳ triển lãm nào ở Việt Nam.
Triển lãm do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Tạp chí Mỹ thuật (Hội Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức và chính thức được khai mạc vào sáng 10/11 tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 và được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong chuỗi các hoạt động tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện linh”. Ảnh: Huyền Thương
Triển lãm “Hiện linh” góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của gốm Việt; nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông ngàn đời xưa; gắn kết, lan tỏa các giá trị truyền thống và hiện đại; tạo dựng không gian sáng tạo mới, đưa mỹ thuật đến gần với đời sống.
Đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm lao động sáng tạo của người nghệ sĩ, một công dân của Thủ đô, người con của đất Việt với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc.
Triển lãm giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu được ra mắt của hoạ sĩ Ngô Xuân Bính. Ảnh: Huyền Thương
Các tác phẩm gốm điêu khắc của họa sĩ Ngô Xuân Bính được trưng bày trong triển lãm lần này chính mạch nguồn không ngừng nghỉ mà họa sĩ muốn gửi gắm trong suốt nhiều năm qua.
Chia sẻ về triển lãm “Hiện Linh”, GS.VS Họa sĩ Ngô Xuân Bính cho biết, đến với triển lãm công chúng yêu nghệ thuật sẽ có cơ hội đắm chìm trong một thế giới gốm đầy kỳ ảo và cảm xúc, nơi từng tác phẩm như một “hiện thân” lặng lẽ kể chuyện về sự giao hòa giữa đất, nước và lửa, giữa truyền thống và hiện đại, giữa Việt Nam và thế giới.
“Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất mẹ. Mỗi tác phẩm tại triển lãm là một phép màu nhỏ bé, được nuôi dưỡng từ lòng yêu nghề, từ sự tĩnh lặng của bàn tay và nhịp thở của đất trời. Chính những yếu tố ấy đã biến ‘Hiện Linh’ trở thành một không gian không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để cảm nhận sâu sắc tinh thần văn hóa và sức sống mãnh liệt của gốm Việt Nam”, GS.VS họa sĩ Ngô Xuân Bính nhấn mạnh.
Tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Huyền Thương
Những năm trở lại đây, họa sĩ Ngô Xuân Bính đã gây ấn tượng với nhiều triển lãm quy mô lớn, trong đó có hàng trăm tác phẩm tranh ngoại cỡ được giới chuyên môn đánh giá cao và khẳng định được tầm vóc của một nghệ sĩ có sức sáng tạo mạnh mẽ. Trở lại với triển lãm lần này, họa sĩ giới thiệu tới công chúng những tác phẩm bằng chất liệu gốm, trong đó có những tác phẩm nặng tới hàng tấn.
Đặc biệt, mỗi tác phẩm tại triển lãm đều được gắn một chip định danh tích hợp công nghệ blockchain và NFT để tạo nên một danh tính số duy nhất cho tác phẩm. Với ứng dụng này người xem sẽ dùng NFC kết nối 1 chạm qua điện thoại thông minh để có được toàn bộ thông tin về tác phẩm. Ban Tổ chức cho biết, công nghệ này lần đầu được áp dụng tại một cuộc triển lãm nghệ thuật ở Việt Nam.
Công chúng tham quan triển lãm. Ảnh: Huyền Thương
Với triển lãm “Hiện Linh”, GS.VS họa sĩ Ngô Xuân Bính đã nỗ lực tìm về những giá trị nguyên bản của chất liệu và tạo nên sự hòa quyện giữa nét tinh tế của truyền thống và sự sáng tạo không ngừng của nghệ thuật đương đại qua đó thể hiện tâm huyết của một người luôn đau đáu về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Vì thế, “Hiện Linh” không chỉ là triển lãm nghệ thuật, mà còn là lời tự sự dịu dàng và sâu sắc gửi gắm tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ - thế hệ tiếp nối để tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Việt.
Triển lãm cũng thu hút đông đảo đại biểu, du khách nước ngoài ngay trong ngày đầu khai mạc. Ảnh: Huyền Thương
Triển lãm gốm “Hiện Linh” chính thức mở cửa từ ngày 10/11 và kéo dài đến 31/12/2025 tại Bảo tàng Hà Nội với rất nhiều hoạt động bên lề, hứa hẹn sẽ trở thành cầu nối để người xem trải nghiệm một hành trình tinh thần, nơi mà chất liệu gốm không còn chỉ là những tác phẩm vô tri mà đã thực sự “hiện linh” như một sinh thể sống động.
15 năm sau thành công của triển lãm "Bản diện kim cương bất hoại", họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (nghệ danh Ba Tỉnh) trở lại...
Bình luận