Những giá trị lịch sử, văn hóa của Trường Mỹ thuật Đông Dương

Qua những góc độ tiếp cận đa dạng về Trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925-1945, hội thảo “Trường Mỹ thuật Đông Dương: Sứ mạng lịch sử” thảo luận về vai trò và những đóng góp của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến nền mỹ thuật Việt Nam, đồng thời nhìn nhận lại những giá trị lịch sử và văn hóa của ngôi trường này trong hành trình phát triển mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện hướng tới kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1925 – 2025), tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/10.

Những giá trị lịch sử, văn hóa của Trường Mỹ thuật Đông Dương - 1

Quang cảnh hội thảo “Trường Mỹ thuật Đông Dương: Sứ mạng lịch sử”. Ảnh: Huyền Thương

Trường Mỹ thuật Đông Dương được Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn theo Nghị định ký ngày 27/10/1924 tại Hà Nội. Trường khai giảng khóa học đầu tiên vào năm 1925 - đây cũng là mốc son đánh dấu sự ra đời và quá trình phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Từ năm 1925, trên mô hình và hệ thống sư phạm của phương Tây (Trường Mỹ thuật quốc gia Paris) kết hợp với việc khai thác nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã đào tạo những nghệ nhân An Nam trở thành những nghệ sĩ. Từ ngôi trường này, ý thức nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam đã được đánh thức, nuôi dưỡng.

Bên cạnh sự khuyến khích của những người thầy Pháp và sự nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo mỹ thuật, các nghệ sĩ đã tìm ra hình thức, chất liệu, kỹ thuật đặc trưng của người Việt. Chính vì vậy, giai đoạn 1925-1945 được coi như nền móng có ý nghĩa to lớn đối với lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Những giá trị lịch sử, văn hóa của Trường Mỹ thuật Đông Dương - 2

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Đặng Thị Phong Lan - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, từ khi hình thành đến nay, tên gọi của trường đã thay đổi theo những giai đoạn khác nhau: Trường Mỹ thuật Đông Dương, Trường Cao đẳng Mỹ thuật và Nghệ thuật ứng dụng, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Trường Cao đẳng Mỹ thuật, Trường Mỹ thuật Trung cấp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Theo TS Đặng Thị Phong Lan, dù có sự thay đổi tên gọi nhưng sứ mạng của Nhà trường từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đến Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam luôn giữ vững những giá trị cốt lõi: sáng tạo là bản chất, sáng tạo luôn gắn kết giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường luôn gắn với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại với những bối cảnh và nhiệm vụ lịch sử của đất nước. Qua đó cho thấy ý nghĩa và vai trò của giai đoạn Mỹ thuật Đông Dương đối với sứ mạng và lịch sử hình thành của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định sức ảnh hưởng và tác động của to lớn của trường Mỹ thuật Đông Dương trong việc tạo nên một bước ngoặt quan trọng đối với mỹ thuật truyền thống để chuyển qua một giai đoạn mới, kể từ đây, mỹ thuật Việt Nam phát triển theo con đường dân tộc – hiện đại để hòa nhập vào nền mỹ thuật thế giới.

Những giá trị lịch sử, văn hóa của Trường Mỹ thuật Đông Dương - 3

Các thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh tư liệu

Tại hội thảo, các diễn giả là các nhà nghiên cứu, học giả, nghệ sĩ tập trung làm rõ các nội dung: Bối cảnh hình thành và sứ mạng của trường Mỹ thuật Đông Dương; Quan điểm giáo dục của Nhà trường và tinh thần tiếp thu văn hóa Pháp trên cơ sở văn hóa Việt Nam của thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương; Nghệ thuật và phong cách, chất liệu mới của các thế hệ thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925 -1945; Ảnh hưởng về quan niệm thẩm mỹ, phương pháp đào tạo của trường Mỹ thuật Đông Dương trong diễn trình lịch sử của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; Đóng góp của Trường Mỹ thuật Đông Dương với nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương đã đưa ra một số kiến giả về “phong cách mỹ thuật Đông Dương”. Theo bà, “phong cách mỹ thuật Đông Dương” rất đa dạng và Trường Mỹ thuật Đông Dương là một nền tảng cơ bản hình thành nên phong cách đó.

Trong đó, bút pháp, ngôn ngữ nghệ thuật thuộc “phong cách mỹ thuật Đông Dương” bao trùm các thể loại sơn dầu, sơn mài, lựa, in khắc gỗ, vẽ chì than, bột màu,… cùng với tiệc thu nạp, tiếp biến các ảnh hưởng từ phương Tây cho đến phương Đông.

Về đối tượng, hình tượng, chủ đề thường gặp ở “phong cách mỹ thuật Đông Dương” đó là phong cảnh nông thôn, miền núi, bến sông, bến thuyền, chùa chiền; cảnh sinh hoạt; chân dung thôn nữ, chân dung người nhà quê chất phác, chân dung các thiếu nữ tân thời qua áo dài; các chủ đề tình cảm dịu dàng, trìu mến như: thiếu nữ bên hoa sen, hoa cúc, hoa huệ, chị em, mẹ con, gia đình,…

Theo nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương, “phong cách mỹ thuật Đông Dương” đã thể hiện tương đối đầy đủ những ước nguyện trong sáng, an ành, mộng mơ, siêu thoát,… trong tinh thần mỹ cảm của người Việt – một tinh thần hướng tới cái đẹp ước vọng, cái đẹp mang màu sắc lạc quan, hy vọng, né tránh vùng tối khổ đau và rất đề cao cái đẹp có tính trang trí.

Những giá trị lịch sử, văn hóa của Trường Mỹ thuật Đông Dương - 4

TS Phạm Trung trình bày tham luận. Ảnh: Huyền Thương

TS Phạm Trung cho rằng, sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương được đánh giá như dấu ấn lịch sử quan trọng, là cái nôi đào tạo các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư thế hệ đầu tiên của Việt Nam.

“Thành tựu nghệ thuật, dấu ấn văn hóa để lại của các nghệ sĩ tiền bối qua 20 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương trong lịch sử Việt Nam hiện đại là rất to lớn, đó là những vẻ đẹp nhân văn tự thân tỏa sáng. Đó là những giá trị về văn hóa tinh thần vẫn còn lưu dấu đến ngày hôm nay trong thẩm mỹ xã hội; là dấu ấn, ảnh hưởng lâu bền, day dứt đến thẩm mỹ của nhiều thế hệ họa sĩ trong cả nước những giai đoạn sau này và cả những thế hệ họa sĩ thành danh thời kỳ Đổi mới của mỹ thuật Việt Nam”, TS Phạm Trung cho hay.

Trong 20 năm tồn tại, Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 – 1945) đã có những đóng góp to lớn đối với lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Đây là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc mà thành công của họ đã được khắc sâu vào lịch sử nghệ thuật nước nhà, là nơi đã cống hiến một tầng lớp họa sĩ tiên phong cho nền hội họa Việt Nam hiện đại và cũng là nơi góp phần hình thành một đội ngũ hoạt động mỹ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người chấn hưng văn hóa Thăng Long

Người chấn hưng văn hóa Thăng Long

Xuất thân cùng thời với các nhà thơ nổi tiếng như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Ngô Thế Vinh, Lê Duy Trung… Vũ Tông Phan cũng nhanh chóng nhìn ra cái thời nhiễu nhương của triều đình Vua Lê - Chúa Trịnh lúc suy tàn. Sau mấy năm làm quan mong đem tài trí ra giúp đời, Vũ Tông Phan treo ấn từ quan về mở trường dạy học và làm các việc để góp phần chấn hưng dân tr

Gợi ý mâm cỗ, bài cúng Giao thừa

Gợi ý mâm cỗ, bài cúng Giao thừa

Lễ cúng Giao thừa không chỉ là một tục lệ, mà còn thể hiện sự tri ân, báo đức và bày tỏ mong ước gia đình được gia hộ bình an, hạnh phúc và ấm no.