Dấu ấn văn học nghệ thuật 75 năm đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng qua một cuộc thi

Hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, được sự đồng ý của Đảng đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (Liên hiệp), Thời báo Văn học nghệ thuật (Thời báo), cơ quan ngôn luận của Liên hiệp tổ chức cuộc thi Kiến thức Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam với mục đích tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội ý nghĩa và vai trò nền tảng cũng như các nguyên tắc của “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và tiến trình phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật 80 năm qua, cùng những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn, hoàn thiện, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về văn hóa, văn học nghệ thuật hiện nay.

Dấu ấn văn học nghệ thuật 75 năm đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng qua một cuộc thi - 1

Lễ phát động cuộc thi

Từ ánh sáng của “Đề cương về Văn hóa”, cuộc thi cũng đưa người tham dự cuộc thi đến với sự ra đời của Hội Văn hóa Việt Nam và sau đó là sự ra đời của một tổ chức văn học nghệ thuật - Hội Văn nghệ Việt Nam - Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay với những dấu mốc phát triển không phai mờ. Thông qua đó khơi dậy niềm tự hào và nêu cao trách nhiệm xã hội cũng như nghề nghiệp của lực lượng văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và đáp ứng yêu cầu, niềm tin của nhân dân vì sự phát triển văn hóa con người Việt Nam và sự phát triển bền vững của Đất nước.

Ngay sau khi cuộc thi phát động, Ban Tổ chức đã có thư mời gửi các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố để đề nghị các tổ chức này phát động cuộc thi hoặc vận động cán bộ quản lý và hội viên tham gia cuộc thi để tạo một không khí sôi động trong toàn giới văn học nghệ thuật.

Dấu ấn văn học nghệ thuật 75 năm đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng qua một cuộc thi - 2

Nhà văn, nhà báo Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật phát biểu tại Lễ phát động.

Cùng với đó, Ban Tổ chức cũng thông qua các kênh báo chí, truyền thông lan tỏa thông tin về cuộc thi trong xã hội. Ban Tổ chức và các thành viên Ban tổ chức đã thông qua các mối quan hệ xã hội tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang, các câu lạc bộ tham dự cuộc thi để cung cấp tư liệu có hệ thống phục vụ cho kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và tuyên truyền tiến tới kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trên các ấn phẩm của Thời báo Văn học nghệ thuật như Tuần báo Thời báo Văn học nghệ thuật, Báo điện tử Arttimes.vn, Ấn phẩm ra hàng tháng Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam đã đăng tải các bài viết của GS Phong Lê; Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân; Nhà lý luận phê bình Ngô Thảo; PGS.TS, nhà nghiên cứu lý luận Nguyễn Ngọc Thiện; nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng; nhà báo Thanh Nhã (tổng hợp) cung cấp gần như đầy đủ thông tin về quá trình hình thành và phát triển của Hội Văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam mà bạn đọc tham dự cuộc thi có thể sưu tầm, khai  thác tư liệu cuộc thi.

Điều đáng mừng là cuộc thi đã nhận được phản hồi tích cực từ không chỉ các văn nghệ sĩ mà còn từ nhiều thành phần trong xã hội. Nhiều bạn đọc đã gọi điện trực tiếp cho trưởng ban Tổ chức để trao đổi về các câu hỏi của cuộc thi, nhất là các câu hỏi có số liệu và mốc thời gian mà các nguồn có thông tin khác nhau.

Các ý kiến của tác giả dự thi Hạnh An (Nha Trang), nhà thơ, dịch giả Nguyễn Văn Hoa, Trần Thị Hải (Hà Nội), Đào Thị Tám (Lai Châu), Lương Cầm Quyên (TP Hồ Chí Minh), nhà thơ Nguyễn Thị Mai (Ban Nhà Văn nữ hội Nhà văn Hà Nội), nhà văn Lê Tuấn Lộc, giáo viên - họa sĩ Trần Thị Thanh Hòa… đều tỏ ra bất ngờ khi có một cuộc thi có ý nghĩa như thế được tổ chức và đánh giá cao sáng kiến của Ban Tổ chức khi tổ chức cuộc “về nguồn” thông qua thi kiến thức để mọi người có thêm hiểu biết về truyền thống vẻ vang của Liên hiệp.

Đặc biệt là sự đóng góp tài năng, trí tuệ, công sức của các bậc tiền bối nhất là sự hi sinh xương máu của các văn nghệ sĩ liệt sĩ trong các cuộc trường kỳ kháng chiến oai hùng nhưng không ít đau thương mất mát của dân tộc. Diễn ra từ ngày 18/5/2023, cuộc thi kết thúc thời hạn nhận bài vào 19h ngày 10/07/2023.

Dấu ấn văn học nghệ thuật 75 năm đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng qua một cuộc thi - 3

Ban Giám khảo cuộc thi họp với Ban Tổ chức.

Sáng ngày 11/7/2023, Ban Tổ chức đã mời Ban Giám khảo cuộc thi họp với Ban Tổ chức để triển khai việc thống nhất đáp án chấm thi do Ban Giám khảo xây dựng và kế hoạch chấm thi cũng như các tiêu chí chấm thi, xếp giải thưởng. Ban tổ chức đã mời Ban Giám khảo chứng kiến mở thùng đựng bài thi có niêm phong và kiểm số lượng bài thi đã nhận đến hết ngày 10/7.

Theo báo cáo của Ban Giám khảo, đến hết ngày 10/7/2023 Ban Tổ chức nhận được 1.053 bài dự thi của 1.256 người/nhóm người dự thi từ khắp các vùng miền trong cả nước, có một người nước ngoài cũng gửi bài dự thi. Qua các kênh gửi bài thi như gửi qua thư điện tử, gửi bài qua đường bưu điện, gửi trực tiếp tại tòa soạn cho thấy người tham dự cuộc thi khá đa dạng về nghề nghiệp, lứa tuổi như các văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn học nghệ thuật, tập thể câu lạc bộ Hưu trí, tập thể giáo viên, tập thể đơn vị Lực lượng vũ trang, tập thể CLB Cựu Nhà báo, tập thể câu lạc bộ nữ doanh nhân, gia đình có hai đến ba người dự thi, người cao tuổi nhất, người ít tuổi nhất, người cao tuổi khiếm thính và nhiều thành phần khác.

Sau ba vòng chấm của Ban Giám khảo và phúc khảo của Ban tổ chức với Ban Giám khảo, theo đề nghị của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức đã công nhận kết quả chính thức của cuộc thi Gồm:

Giải Nhất: 1

Giải nhì: 2

Giải Ba: 3

Giải khuyến khích: 8

Ngoài các giải chính thức theo Thể lệ cuộc thi, theo đề nghị của Ban Giám khảo và thực tế cuộc thi, để ghi nhận sự nhiệt tình, tâm huyết của một số tập thể cá nhân tham gia cuộc thi, Ban Tổ chức trao các giải thưởng sau: Người cao tuổi nhất; Người ít tuổi nhất; Tập thể có đông người tham gia nhất.

Tập thể có đông nhà văn nữ tham gia cuộc thi, câu lạc Hưu trí có đông người dự thi, đơn vị lực lượng vũ trang có 100% người dự thi, câu lạc bộ cựu nhà báo tham dự cuộc thi, người nước ngoài hưởng ứng cuộc thi, nhà khoa học lịch sử trẻ, tập thể nhà quản lý hội văn học nghệ thuật địa phương tham gia cuộc thi, người đặc biệt (Anh hùng lực lượng vũ trang) tham dự cuộc thi, người cao tuổi khiếm thính trực tiếp nộp bài thi.

Sau 54 ngày trăn trở, tập trung trí tuệ công sức của 1.256 người dự thi với 1.053 bài thi, cuộc thi Tìm hiểu 75 năm xây dựng và trưởng thành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật đã thành công tốt đẹp.

Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn Đảng đoàn và Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp đã quan tâm và tạo điều kiện để cuộc thi được tiến hành đúng kế hoạch.

Ban Tổ chức ghi nhận, đánh giá cao sự tận tình, nhiệt huyết, công tâm của Ban Giám khảo đã chấm thi liên tục 4 ngày và lựa chọn được những bài có chất lượng cao, trả lời đúng các câu hỏi, có phần tự luận sâu sắc và tâm huyết, có cách trình bày, minh họa đẹp, kỳ công xứng đáng được xếp giải. Ban tổ chức trân trọng ghi nhận và biết ơn các tác giả gắn bó đồng hành và nhiệt tình, tâm huyết dự thi. Đó là phần thưởng quan trọng nhất với Ban Tổ chức cuộc thi.

Ban Tổ chức cũng chân thành cảm ơn Công ty PVTrans, Tập đoàn Hòa Bình, Công ty Shinec - Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), doanh nhân Đỗ Đức Bảo - Thu Vân, doanh nhân Lê Thị Thanh Xuân và các đơn vị khác đã đồng hành tài trợ cho cuộc thi.

Lần đầu tiên có một cuộc thi kiến thức về lịch sử của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, thời gian cuộc thi không dài, nguồn tài liệu, tư liệu còn có những số liệu, thời gian khác nhau và chắc chắn có nhiều điều phải rút kinh nghiệm.

Rất mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm!

Ban Tổ chức

Tin liên quan

Tin mới nhất